Tích cực giúp dân khắc phục sau lũ

Thứ Năm, 20/11/2008, 16:00
Hà Nội đã trong xanh, khô ráo hơn sau những ngày mưa và úng ngập trên diện rộng. Vượt qua bao khó khăn, cuộc sống người dân Hà Nội đang dần trở lại ổn định. Nhưng kèm theo đó, nỗi lo dịch bệnh lan tràn và sắp xếp, tổ chức lại sản xuất sau lụt cũng đang là những thách thức lớn.

Các anh ấy là... Công an!

Thủ đô Hà Nội những ngày này nắng đã ửng hồng, phố phường trở về yên bình như vốn có. Ngôi nhà 54 Trần Hưng Đạo, đại bản doanh của Đại đội 7 Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ), thuộc Phòng Cảnh sát Hỗ trợ tư pháp, Công an TP Hà Nội, lại rộn vang tiếng cười.

Đại đội trưởng, Trung tá Ngô Mạnh Hùng sau khi nghe điện thoại đã vui vẻ thông báo với các chiến sĩ trực chiều tối ngày đầu tiên của tháng 11: Đúng ngày cao điểm lũ vừa qua tại bến xe Giáp Bát, người mẹ trẻ Quỳnh Chi đã sinh bé gái Quỳnh Hoa nặng 3,2kg tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mẹ tròn con vuông. Quỳnh Chi và gia đình gửi lời cảm ơn đến các chiến sĩ mà trong cơn vượt cạn, cô và gia đình cuống quýt không kịp hỏi tên các anh, chỉ biết các anh thuộc Trung đoàn CSCĐ Thủ đô.

Cô nhớ rất rõ ngày hôm ấy có 3 chiến sĩ ngâm mình xuống dòng nước sâu hơn 1 mét, đẩy thuyền sắt vào con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo phố Kim Đồng đưa cô ra ôtô của đơn vị. Đúng là qua vùng ngập để... "vượt cạn". Nếu ngày hôm đấy không có các chiến sĩ công an tận tình giúp đỡ, thì giờ này không hiểu mẹ con cô sẽ ra sao.

Đại úy Đặng Thanh Hải và Trung úy Ngô Bá Thịnh nhìn nhau không nói gì, chỉ tủm tỉm cười. Trung tá Hoàng Trọng Lô tiết lộ chính các anh này đã giúp bà mẹ trẻ. Chắc các anh cũng không ngờ chính cái cô nhà báo "máu me" nghề nghiệp lội nước ngày hôm ấy đã ghi lại được những gì chứng kiến về một chiếc thuyền sắt chứa gần chục người ngồi, phía bên dưới là 3 chiến sĩ Công an đội mũ CSCĐ ngâm mình dưới dòng nước lạnh đẩy thuyền đi suốt dọc từ ngã ba phố Kim Đồng qua bến xe phía Nam đến ngã ba Đuôi Cá...

Lực lượng CSCĐ, CSGT giúp dân di chuyển qua những đoạn đường ngập lụt.

Cứ thế, "phương thức vận tải kỳ lạ" ấy lặp đi lặp lại suốt mấy tiếng đồng hồ, đúng thời điểm nước lụt dâng lên nhất, bất ngờ nhất. Và cũng chừng ấy tiếng đồng hồ, các chiến sĩ CSCĐ ngâm mình trong nước để đưa những người dân bất ngờ gặp lũ ra chốn an toàn.

Đa số những người được cứu giúp ngày hôm ấy, chẳng ai kịp hỏi tên hay đơn vị của các anh. Các anh cũng đâu có quan tâm việc giới thiệu mình. Kể cả gia đình Quỳnh Chi, nếu không có bà mẹ chồng nhanh miệng đánh tiếng hỏi thăm khi chiếc xuồng sắp "cập bến", thì giờ mẹ con cô cũng chẳng biết phải gọi điện thoại tới đâu, cảm ơn ai. Họ đều chỉ biết "các anh ấy là Công an!".

Nhưng không chỉ có những chiến sĩ phụ trách xuồng cứu hộ trong cả đợt mưa lụt kinh hoàng ấy. Hình ảnh Hạ sĩ Vũ Quang Huy cõng một bé trai trên cổ, tay xách làn cho người mẹ và Trung sĩ Nguyễn Vũ Tuấn thì dìu một cụ bà vào trong xe ôtô cũng in đậm trong tâm trí người dân.

Trung tá Hoàng Trọng Lô cho biết, trong khi đơn vị anh huy động 4 thuyền sắt chở bà con qua vùng lụt, các anh đã không ít lần giải thích cho bà con hiểu rằng các anh là cảnh sát chở dân qua vùng lũ không lấy tiền. Nhiều người dân không dám bước lên thuyền bởi vì trời mưa các chiến sĩ đều phải mặc áo mưa phủ kín, chỉ hở có cái mũ mà trong lúc ngập lụt không phải người dân nào cũng để ý đến, họ sợ bị "chặt" giá đắt, khi biết là đi thuyền, xe miễn phí, họ mới vui vẻ kéo nhau lên...

Lực lượng CSCĐ, CSGT giúp dân di chuyển qua những đoạn đường ngập lụt.

Còn nhớ, cũng những ngày mưa lũ ấy, không ít cán bộ, chiến sĩ công an đã được huy động ra các "điểm nóng". Có những nhiệm vụ tưởng như thật... "kỳ quặc" như chốt ngăn không cho xe cộ đi vào quãng đường ngập lụt, hay chỉ đơn giản là "khuân vác" đồ đạc cho người dân... Vậy mà, các anh vẫn vui vẻ và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các anh không nhớ đã giúp bao nhiêu người, nhưng những người được giúp sẽ mãi mãi nhớ đến các anh. Thật giản dị mà thân thương đến lạ lùng...

Khôi phục sau lũ

Ngập lụt, người sống khổ sở đã đành, người chết cũng chẳng được yên. Trong những ngày nước ngập mênh mông thế, nghe câu chuyện một đám tang ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội mà thêm đau lòng. Nước ngập mênh mông, người ta phải đào mò, đưa quan tài xuống rồi kê chiếc chảo nấu nha đường kính gần 2m, chèn bao tải cát lên để quan tài khỏi trôi mất. Chờ khi nước rút, mới lấp đất lên được...

 Đồng chí Nguyễn Trọng Trúc, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức khoát tay về phía vườn bưởi, vườn cam mà đau xót: "Tết năm nay thế là hết cả bưởi Diễn rồi. Mưa lớn, bưởi đang sắp thu hoạch rụng sạch. Ác cái giống bưởi, đã mưa rụng thì quả chỉ có đem... chôn. Vì nếu mặc kệ nó đấy, chất cay trong cuống, trong vỏ bưởi tiết ra ngoài, chết hết hoa màu, hỏng đất". --PageBreak--

Theo hướng tay đồng chí Bí thư, hàng đống bưởi chất cao ngang đầu người  xếp dọc luống cây, đang chờ để chôn lấp. Hoài Đức là một trong những địa bàn thiệt hại nặng về vật chất trong vụ lũ vừa qua. Toàn huyện ngập úng khoảng 5.500ha, trong đó diện tích lúa mất trắng là 283ha, diện tích cây vụ đông 1.333ha chìm trong biển nước.

Thiệt hại về gia súc, gia cầm cũng nặng quá. Trong mấy ngày lũ lớn, chỉ riêng trạm bơm Yên Sở vớt và chôn hủy gần 200 xác lợn chết dạt, chủ yếu thuộc địa bàn Hoài Đức trôi về. Gà vịt ngập nước chết cũng vài chục ngàn con.

Ông Bí thư Huyện ủy kể, nhiều nhà dân thấy nước ngập, chỉ sơ tán cho gà, còn vịt cứ tưởng nó biết bơi thì thoát. Ai dè đâu vịt nuôi công nghiệp, toàn lội vũng bùn, giờ gặp nước lạ, nước lớn, con nào con nấy cứ chìm sủi tăm. Bà con lúc ấy mới dớn dác vớt chúng lên thì đã chết quá nửa.

Ngập nặng nhất là 2 xã La Yên và La Phù. La Yên nước ngập ngang hông, toàn nhà dân. La Phù có hơn 100 nhà xưởng của các cơ sở sản xuất chìm trong biển nước. Máy móc, thiết bị sản xuất thế là đi tong cả. Có gia đình muốn cứu máy móc, đã hy sinh gần 3 tấn bột mì làm "đê" chắn nước để bảo vệ máy, mà không ăn thua...

Hôm đồng chí Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng đi kiểm tra khắc phục hậu quả mưa lũ tại 2 địa bàn huyện Hoài Đức và Quốc Oai, nước đã bắt đầu rút. Nước trên sông Nhuệ qua địa bàn Hoài Đức đã bắt đầu giảm, các trạm bơm nước ra sông Tích của Quốc Oai đã bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, một số nơi người dân vẫn phải lội bì bõm đi tiếp nhận lương thực, thực phẩm cứu trợ. Đồng chí Phó chủ tịch đã trực tiếp lội nước vào thăm hộ gia đình anh Nguyễn Văn Sử, thôn Phú Cao, xã Phú Bình, huyện Quốc Oai.

Địa bàn này giáp với đê sông Tích. Mấy bữa trước nước tràn, cá dân nuôi ra sông cả, thiệt hại về nuôi trồng thủy sản gần như toàn bộ. Chứng kiến cảnh nước ngập, nổi lềnh bềnh trên mặt phân heo, phân gà lẫn trong nước, tràn lên tận sân nhà, Phó chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng lập tức chỉ đạo các ngành chức năng phải tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Đây phải được coi là công tác trọng tâm. Bên cạnh đó là các biện pháp phục hồi sản xuất, đẩy mạnh thu mua bao tiêu cho người dân.

Đồng chí Phó chủ tịch đã chỉ đạo một số bộ phận, doanh nghiệp của thành phố trong lúc này phải nâng cao tinh thần lá lành đùm lá rách để đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người dân. "Người dân muốn bán giá 23, thì doanh nghiệp cũng đừng cầu toàn mà đòi mua giá thấp quá. Nếu cần, phần chênh lệch sẽ chia 3. Thành phố, doanh nghiệp và người dân mỗi bên sẽ chịu một phần. Như thế mới chứng tỏ vai trò quốc doanh chứ" - Phó chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng nhấn mạnh.

Với tư duy của một người từng làm công tác tài chính lâu năm, đồng chí Phó chủ tịch đã nhấn mạnh, trong khắc phục hậu quả mưa lũ, các địa phương cần thống nhất cụ thể phương án. Không thống kê thiếu nhưng cũng không tính toán thừa. Trong giai đoạn "hậu lụt" này, ưu tiên trước hết phải là phòng chống dịch bệnh. Không để dịch bệnh phát sinh. Nếu phát sinh thì phải khoanh vùng dập ngay. Bên cạnh đó, là bao tiêu sản phẩm cho nông dân, giúp người dân dần lấy lại được ổn định trong cuộc sống.

Bảo vệ môi trường, chống dịch bệnh

Đơn vị chủ công trong công tác làm sạch môi trường, giải quyết hậu quả mưa lũ là tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Công ty Môi trường). Hàng chục đơn vị khác thuộc các ngành chức năng của thành phố cũng vào cuộc.

Ông Lê Trung Dũng, quyền Trưởng phòng Tổ chức lao động, Công ty Môi trường cho biết liên tiếp trong những ngày qua, đơn vị đã huy động 100% cán bộ, công nhân viên cùng phương tiện, thiết bị chuyên dụng như thuyền, xe vận chuyển rác... túc trực thường xuyên để dọn dẹp vệ sinh ngay khi nước rút. Nước rút đến đâu, làm sạch đến đấy.

Trong những ngày mưa lớn vừa qua, thay vì gõ kẻng báo hiệu cho bà con ra đổ rác, công nhân của Công ty Môi trường, của các xí nghiệp thành viên đã phải chèo thuyền trực tiếp vào từng ngóc ngách dân sinh để vớt rác. Cứ 2 thuyền 1 người, bóng chiếc áo mưa chuyên dụng của cán bộ ngành vệ sinh môi trường dầm mình dưới mưa, cốt sao cho dòng nước bớt đi sự ô nhiễm. Chính vì có sự chủ động như thế nên địa bàn 4 quận nội thành cũ là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng ngay trong những ngày mưa vẫn được dọn dẹp khá sạch.

Tuy nhiên, bên cạnh những vùng tiêu thoát nước nhanh, một số khu vực úng ngập trọng điểm như Hoàng Mai, Trương Định, Hoài Đức... nước rút rất chậm. Chính đây được coi là những địa bàn trọng điểm trong công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch.

Ông Dũng cũng cho biết, riêng trong những ngày mưa, lượng rác ở đây gấp đôi so với ngày thường, từ 3.300 đến 3.500 tấn rác/ngày. Đã vậy, tạp chất trong rác lại nhiều. Đặc điểm này sẽ khiến cho công tác xử lý phức tạp hơn. Nhớ hôm 8-11, ngày tổng vệ sinh toàn thành phố theo Chỉ thị 02 của UBND TP Hà Nội và cũng là ngày cuối cùng trong đợt dọn vệ sinh sau mưa tại khu vực Tân Mai, từng đống rác lớn, chất cao gần bằng đầu người xếp dọc đường như minh chứng cho sự vất vả của anh chị em công nhân Công ty Môi trường.

Cùng với việc thu dọn vệ sinh làm sạch đường phố, khu dân cư, Công ty Môi trường còn điều động nhiều xe chuyên dụng vận chuyển chất thải y tế từ các bệnh viện lớn, các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa... đưa đi tiêu hủy đúng quy định. Chỉ riêng đợt mưa vừa rồi, Công ty Môi trường đã thu gom và xử lý hơn 30 tấn rác thải y tế, giảm thiểu khả năng phát tán bệnh phẩm ra môi trường trong tình trạng nước ngập không kiểm soát được.

Thu gom được rác đã là một việc khó trong mưa ngập, xử lý rác lại là vấn đề nan giải không kém. Ngày thường, hầu hết rác khô, quá trình xử lý diễn ra đơn giản. Nhưng dưới trời mưa, nước nổi lềnh phềnh, xử lý rác là cả một quá trình đấu trí, đấu lực với thiên tai. Công nhân Môi trường phải đắp bờ bao các ô chứa nước thải để nước thải không tràn ra ngoài làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đồng thời, phải rắc vôi bột, phun thuốc muỗi và làm sạch nguồn nước thường xuyên bằng Cloramin B xung quanh khu vực xử lý rác... Tất cả đều đang thực sự hết lòng vì một thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến!

Nhóm PVTS
.
.