Tiếp theo câu chuyện "Một tử tù bị lãng quên":

Tiếp theo câu chuyện "Một tử tù bị lãng quên": Đánh kẻ chạy đi...

Thứ Tư, 18/03/2009, 13:35
Chuyên đề ANTG đã đăng tải phóng sự “Một tử tù bị lãng quên” về trường hợp của tử tù Đặng Văn Thế, đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Đa phần các ý kiến đều đặt vấn đề Đặng Văn Thế có tội và phải chịu tội trước pháp luật là đúng. Tuy nhiên, đã sau gần 12 năm, tính răn đe trong hình phạt liệu có còn cần thiết nữa hay không bởi Đặng Văn Thế đã trở thành “con người khác”?

Luật pháp bất vị thân

Như đã cung cấp với bạn đọc, cùng bị bắt quả tang với Đặng Văn Thế lần ấy là Nguyễn Tất Dũng. Dũng hơn Thế tới 10 tuổi. Án tử hình đối với Nguyễn Tất Dũng đã được thi hành. Án tử hình, tuyên ở cấp sơ thẩm do TAND cấp tỉnh hoặc thành phố trở lên, nếu không kháng án thì sau 45 ngày có hiệu lực pháp luật. Nhưng còn thời gian thi hành án thì từ trước đến nay vốn lại không được quy định rõ.

Đối với Đặng Văn Thế, sau khi bị tuyên án tử hình, Thế gần như rã rời, không ăn được, không ngủ được. Chỉ đến khi được cán bộ của Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An giúp đỡ viết đơn xin phúc thẩm, Thế mới bắt đầu cố gắng vực dậy để mong chờ tin tốt lành. Đặng Văn Thế có đơn lên Tòa phúc thẩm ngày 15/8/1998. Tuy nhiên sau đó, Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) tại Hà Nội đã y án sơ thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tòa tuyên án.

Đặng Văn Thế tiếp tục làm đơn kháng cáo bản án phúc thẩm. Ngày 1/4/1999, VKSNDTC đã có trả lời đơn thư của Đặng Văn Thế về việc khiếu nại bản án hình sự Phúc thẩm số 1954 ngày 1/10/1998 của Tòa phúc thẩm (TANDTC) tại Hà Nội với nội dung bãi nại lá đơn của Đặng Văn Thế, theo đó việc kêu oan của Đặng Văn Thế là không có cơ sở. Lúc ấy, Phó viện trưởng Trần Thu đã ký.

Như đã trình bày trong bài trước, gọi trường hợp Đặng Văn Thế bị “lãng quên” cũng chưa hẳn đúng, mà có thể đó chỉ là một cách nói. Bởi trên thực tế, ngày 21/1/2002, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Nghệ An có Công văn số 270/PC16 về việc hoãn thi hành án đối với Đặng Văn Thế. Nội dung Công văn cho biết ngày 5/7/1999. Đặng Văn Thế có làm đơn xin khai báo thêm tội lỗi của mình và đồng bọn.

Để có điều kiện xác minh và kết luận lời khai tố giác của Đặng Văn Thế, ngày 30/8/1999, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An có Công văn số 800/KSĐT gửi TAND TC và VKSNDTC để hoãn thi hành án đối với Đặng Văn Thế. Theo khai nhận của Đặng Văn Thế, từ tháng 3/1996 đến tháng 3/1997, Thế tham gia vận chuyển trái phép chất thuốc phiện, hêrôin qua đường đường dây có nhiều đối tượng.

Và, như đã đưa, mới đây nhất, ngày 8/9/2008, Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 183/TG gửi đồng chí Nguyễn Hữu Cầu, Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Thủ trưởng Cơ quan điều tra để báo cáo với đoàn cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị sớm có chủ trương đối với Đặng Văn Thế vì đã có sự khai nhận thành khẩn. Theo khai nhận của Đặng Văn Thế, Cơ quan điều tra đã xác định được có khoảng 40 đối tượng liên quan đến hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy của Đặng Văn Thế.

Nội dung Công văn có đoạn: Xét lời khai đúng và đáng tin cậy nên ngày 1/10/2003, Công an tỉnh Nghệ An có Công văn số 1173/PC16-D3 gửi TANDTC và VKSNDTC đề nghị hoãn thi hành án tử hình đối với Đặng Văn Thế để điều tra xác minh lời khai. Quá trình tiến hành điều tra lời khai của Thế là có cơ sở song tính pháp lý về chứng cứ còn hạn chế nên chuyên án lập theo lời khai của Thế không phá được, do vậy đến nay Thế vẫn còn đang bị tạm giam!

Tính pháp lý về chứng cứ còn hạn chế có thể được hiểu rằng các đối tượng, sau khi mắt xích của đường dây vận chuyển bị bại lộ, chúng đã trốn hoặc phi tang sạch sẽ...

Về phía Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, Thượng tá Nguyễn Duy Tỵ, Giám thị trại và Thượng tá Thái Bá Hùng, Phó giám thị trại khẳng định với chúng tôi rằng từ khi Thế bị kết án cho đến khi phía Cơ quan CSĐT Công an tỉnh báo cáo về việc hết vai trò khai thác lời khai của Đặng Văn Thế đến nay, phía Trại tạm giam chưa hề nhận được một thông báo nào về việc có thành lập Hội đồng thi hành án tử hình đối với trường hợp của Đặng Văn Thế. Trong khi đó, thực tế về phía Trại đã không ít lần có báo cáo với Đoàn pháp chế của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An và đoàn Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về trường hợp này, nhân các chuyến công tác của các đoàn tới trại.

Thời hạn thi hành án: Còn bỏ ngỏ?

Thêm vào cuộc bàn luận, chúng tôi đã đem vấn đề này trao đổi với PGS-TS Luật sư Phạm Hồng Hải, thành viên Hội đồng Lâm thời luật sư toàn quốc, nguyên Chủ tịch Đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự. Ông Hải tỏ ra rất quan tâm tới vụ việc này.

Với tư cách một luật sư, ông Hải khẳng định về nguyên tắc, một bản án đã có hiệu lực pháp luật thì phải được đưa ra thi hành. Đối với phạm nhân có án tử hình thì phải có trình tự thủ tục đặc biệt hơn. Người bị án tử hình trong 7 ngày được quyền viết đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. Tuy nhiên, trong vòng 2 tháng sau khi có đơn của phạm nhân, VKSNDTC và Chánh án TANDTC phải xem xét hồ sơ vụ án để có quyết định kháng nghị hay không kháng nghị với bản án đó. Đối với các bản án khác, nếu không có kháng nghị thì cứ thế mà y án, nhưng riêng đối với bản án tử hình phải có quyết định không kháng nghị bằng văn bản hẳn hoi.

Như vậy, sau khi hai cơ quan nói trên có quyết định không kháng nghị bản án thì việc thoát án tử hình đối với một tử tù chỉ còn do Chủ tịch nước có quyết định bác hay không bác đơn xin ân giảm. Ông Hải cho biết, hiện trong các điều luật cũng chưa quy định thời hạn Chủ tịch nước ra quyết định này.

Sau khi có quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước thì bản án phải được đưa đi thi hành. Nhưng lại có một vấn đề nữa ở đây là thời hạn trong bao lâu thì phải đưa đi thi hành đối với án tử hình lại chưa được quy định. Về nguyên tắc, việc thi hành án tử hình do Chánh án TAND đã xét xử bản án sơ thẩm của vụ án ra quyết định thi hành án. --PageBreak--

Để thi hành án, Chánh án ra quyết định thành lập một hội đồng thi hành án, bao gồm đại diện của Tòa án đã xét xử sơ thẩm, đại diện VKS cùng cấp, đại diện của Công an, pháp y, đội thi hành án tử hình (có thể là quân đội hoặc công an). Thi hành án tử hình sẽ không báo trước cho phạm nhân. Trình tự là như thế, nên nếu chưa thi hành án lại có công văn của Cơ quan CSĐT đề nghị Tòa cho hoãn thi hành án để tiếp tục khai thác lời khai thì việc thi hành án có thể phải dừng lại. Trong trường hợp này không phải khai thác tiếp cho vụ án này, vì tội của Thế đã rõ rồi, mà liên quan đến vụ án khác, nên vẫn phải dừng lại để khai thác.

“Như vậy là sẽ có một công văn của Cơ quan điều tra gửi cho Chánh án tòa án cấp sơ thẩm đề nghị hoãn thi hành án”, Luật sư Phạm Hồng Hải phân tích. 

Đến lúc này, sẽ có hai lý do khiến cho việc thi hành án tử hình bị chậm. Một là Cơ quan CSĐT, sau khi xác minh rồi, thì lại không có công văn mới thông báo đã khai thác xong để nêu hiện trạng của tử tù. Hai là Cơ quan công an đã có văn bản đó rồi, nhưng công văn đó lại không đến được tay tòa án đã xét xử sơ thẩm, tức là cơ quan sẽ phụ trách tổ chức việc thi hành án. Tòa án, vì thế sẽ vẫn chờ công văn của Cơ quan CSĐT. Trong trường hợp này có thể thấy phía Cơ quan công an đã gửi văn bản đi. Nhưng vẫn còn khả năng nữa là Cơ quan công an tuy đã gửi đi rồi, nhưng văn bản không đến, hoặc văn bản đã đến rồi, nhưng người nhận công văn của tòa án lại để thất lạc đi, hoặc không vào sổ, hoặc vì một lý do nào đó mà chưa nhận được...

Lúc này, người bị kết án tử hình sẽ không chuyển từ trại tạm giam sang trại giam nữa. Nhưng thực chất trong thời gian đó không gọi là tạm giam nữa, mà là đang chờ thi hành án, và nơi giam giữ đương nhiên là không có thẩm quyền đề nghị cho việc thi hành án.

Chờ thăm phạm nhân tại Trại giam Công an tỉnh Nghệ An.

Cũng theo Luật sư Phạm Hồng Hải, việc chưa thành lập hội đồng thi hành án cũng có thể là do phía Tòa chưa kịp ra quyết định thành lập thì đã nhận được văn bản xin hoãn của phía Cơ quan CSĐT rồi. Và khi xin hoãn, thì phía Cơ quan CSĐT cũng có nói là hoãn trong bao lâu đâu? Tất nhiên cái này thuộc về chuyên môn của Cơ quan điều tra. Khi đã xác định hoãn để mở rộng vụ án, thì quá trình điều tra có thể diễn ra hàng năm, thậm chí sau này người có án tử hình có thể còn phải đứng ra làm chứng trước một vụ án khác liên quan chẳng hạn... Vậy nên để giải quyết trường hợp này, Cơ quan công an phải xem lại hồ sơ của mình, xem đã có văn bản gửi cho tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ này hay chưa. Phía tòa án cũng vậy, cũng nên rà soát lại.

... ai nỡ đánh người chạy lại

Phương án giải quyết đến đây có vẻ như đã... thông! Tuy nhiên, cũng theo Luật sư Phạm Hồng Hải, thì vấn đề đặt ra cũng không kém phần quan trọng trong vụ việc này hiện nay là thời hiệu thi hành bản án. Trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự nói về thời hiệu thi hành bản án không rõ. Miệng nói tay làm, Luật sư Phạm Hồng Hải đã lật tại chỗ từng trang và giải thích cho chúng tôi về một số khoản mục liên quan trong Bộ luật này...

Đứng về phương diện pháp luật, cho đến thời điểm này bản án vẫn đang có hiệu lực pháp luật. “Đây là một trường hợp hy hữu. Cũng có thể sẽ là một vấn đề cần phải tranh luận trong giới luật. Nhất là vào thời điểm này, chúng ta đang soạn thảo Bộ Luật thi hành án mới. Các ngành chức năng có liên quan cần phải xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc”, Luật sư Phạm Hồng Hải nhận xét.

Dẫn chứng một vài trường hợp về án tử hình và thi hành án tử hình từ một số quốc gia khác, Luật sư Phạm Hồng Hải nêu ý kiến cá nhân rằng có thể nên quy định án tử hình sẽ có thời hiệu thi hành án trong vòng 10 năm thôi. Quan điểm của Luật sư Hải cho rằng nếu quá thời gian nói trên, vì bất cứ lý do nào đó mà bản án tử hình chưa được thi hành, thì trừ một số trường hợp phạm tội không thể miễn giảm đối chiếu thông lệ quốc tế, còn lại nên giảm xuống mức thấp hơn là chung thân.

Theo quan điểm của ông Hải, về mặt nhân đạo, nếu bản án tử hình có hiệu lực pháp luật mà thi hành luôn thì không có vấn đề gì, nhưng khi người ta đã sống thêm đủ ngần ấy thời gian, như trong trường hợp của Đặng Văn Thế với một môi trường cải tạo thực sự khắc nghiệt (biệt giam), thì cũng đủ để khẳng định người đó có cơ hội trở về với cuộc sống. Nên tạo điều kiện cho họ. Bởi thực chất, sau ngần ấy thời gian, thì tính răn đe đối với xã hội cũng không còn bức thiết nữa. “Hơn 11 năm - một quá trình biệt giam, Đặng Văn Thế đã chấp hành tốt thì nên coi đó là một tình tiết giảm nhẹ để mà xem xét lại. Nếu cần, có thể làm đơn xin Chủ tịch nước một lần nữa. Vì mục đích nhân đạo, tôi tin chẳng ai nỡ từ chối!” - Luật sư Phạm Hồng Hải bày tỏ quan điểm.

Thượng tá Nguyễn Duy Tỵ, một trong những người trực tiếp tham gia công tác quản lý, cải tạo Đặng Văn Thế, cũng bày tỏ quan điểm và mong muốn riêng. Theo Thượng tá Nguyễn Duy Tỵ, nếu Đặng Văn Thế được ân giảm từ tử hình xuống chung thân vào thời điểm này sẽ là phần thưởng thiết thực nhất ghi nhận và đánh giá quá trình cải tạo gian khổ của Thế suốt ngần ấy năm. Đây cũng sẽ là cách làm cực kỳ hiệu quả như một sự động viên, cổ vũ những con người phạm tội đang có mức án tử hình trong các trường hợp khác - mặc dù bị kết án nhưng vẫn còn có cơ hội sống để mà cải tạo thành người tốt bằng chính sự thành khẩn khai báo trước pháp luật và sự phấn đấu của bản thân họ.

Và cuối cùng, với cương vị Giám thị, Thượng tá Nguyễn Duy Tỵ cho rằng qua trường hợp cụ thể của Đặng Văn Thế, nếu được ân giảm án, sẽ tạo điều kiện cho cán bộ tư pháp nói chung và công tác quản lý trại giam có bài học thực tế sinh động về công tác cải huấn phạm nhân

Việt Anh
.
.