Tìm trẻ "dạt vòm" trên mạng

Thứ Sáu, 13/06/2008, 13:30
Các tổ chức tìm kiếm người thất lạc ở Việt Nam đã có từ lâu nhưng dịch vụ tìm kiếm trẻ bỏ nhà online kiểu này có lẽ chỉ mới có một. Ý tưởng tìm trẻ “dạt nhà” này được anh Hoàng Dương Bình, Giám đốc Công ty HNIC thực hiện chỉ mới vài tháng nay. Theo anh Bình, Giám đốc HNIC: “Trẻ em thành phố bỏ nhà đi, có đến 30% là liên quan đến Internet, liên quan đến chuyện các em hẹn hò nhau, rủ nhau đi chát, diễn đàn...”.

Cuộc sống càng hiện đại, các ông bố, bà mẹ càng ít có thời gian dành cho con cái, thậm chí còn bỏ mặc chúng trong "thế giới ảo" của chát, game và những cuộc hẹn hò trên internet. Chính vì vậy, một loại hình dịch vụ mới đã ra đời: dịch vụ tìm kiếm trẻ em "dạt nhà" bằng... bàn phím.

Đi tìm người thật  trong thế giới ảo

Khi vừa tiếp cận thông tin thực hiện bài viết này, chúng tôi đã được tham gia tác nghiệp cùng đội quân tìm kiếm trẻ bỏ nhà của Công ty HNIC truy tìm “cậu ấm” của một gia đình giàu có.

Khách hàng là chị Nguyễn Thị Duyên, 35 tuổi, nhà ở đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, hiện đang làm việc cho một công ty nước ngoài. Chồng chị cũng là một doanh nhân lớn, suốt ngày cặm cụi với công việc và hai vợ chồng hiếm khi có thời gian chăm sóc cậu con trai độc nhất của mình. Cậu con trai tên Tuấn, hiện đang là học sinh lớp 11 ở một trường dân lập.

Từ cách đó vài tháng, chị Duyên phát hiện ra tủ đựng tiền của gia đình thi thoảng lại vơi đi chút ít, khi thì mất vài trăm USD, khi thì mất đến cả nghìn USD, mà thủ phạm không ai khác chính là cậu quý tử. Hồi đầu tháng 4/2008, cậu đã ôm một cục tiền của bố mẹ rồi bỏ đi 3 ngày, cả nhà tá hỏa đi tìm, nhờ cả Công an phường nhưng cuối cùng... chơi chán, hết tiền cậu tự mò về.

Gần đây, chị Duyên còn thấy con mình có nhiều dấu hiệu lạ như: ăn mặc ẻo lả, làm lỗ đeo khuyên tai, tóc nhuộm, chải lả lướt và bỏ hẳn chiếc PS bóng lộn để chuyển xuống đi xe đạp X-Games trang trí thật diêm dúa cho giống bạn bè. Nghi ngờ con bị lệch lạc giới tính nên chị đã ngầm theo dõi và phát sốt vì thấy nhóm của Tuấn đều “trang điểm” giống hệt nhau và nói chuyện với nhau nheo nhéo như là con gái.

Lần này, Tuấn cuỗm của bố mẹ 10.000 USD và đã bỏ đi khỏi nhà 5 ngày, hai vợ chồng chị Duyên đã huy động bạn bè, người thân và cả các đồng nghiệp tỏa ra khắp thành phố Hà Nội đi tìm nhưng vô hiệu. Bạn bè của Tuấn đều không có thông tin gì. Chị đành nhờ đến đội quân tìm kiếm trẻ bỏ nhà của Công ty HNIC.

Quán Internet là bãi đáp "thường kỳ" của trẻ "dạt vòm".

Không chỉ yêu cầu đưa được Tuấn về nhà, đội tìm kiếm còn có nhiệm vụ lần mò xem Tuấn đang quan hệ với những ai, có bị bạn bè xấu lôi kéo vào tệ nạn xã hội hay không và quan trọng nhất là kiểm tra xem có thật là Tuấn quan hệ với những người đồng tính?

Theo kinh nghiệm của các nhân viên tìm kiếm thì các quý tử “dạt vòm nghiệp dư” thường chỉ đi 3, 4 ngày rồi mò về. Hoặc bằng cách gọi điện về nhà bảo bố mẹ đến thanh toán tiền nợ, thanh toán tiền nhà nghỉ... tạo cớ để về. Nhưng Tuấn ra đi rất lặng lẽ, không hề cho bạn bè biết và cắt hết liên lạc, kể cả chát (Yahoo messenger), blog và điện thoại di động. Nơi “dạt vòm” của Tuấn có lẽ chỉ những người “dạt” cùng mới biết. Các “thám tử bàn phím” của HNIC lập tức vào cuộc.

Đầu tiên, một nhân viên tìm kiếm tiếp cận với một bạn nữ trong lớp Tuấn, chơi “bài ngửa” nói rõ sự thật, thuyết phục cô gái này giúp. Cô gái này đồng ý cho mượn nick chát, trong list của cô này có nickname mới nhất của Tuấn.

Thông qua nickname (tên dùng để trò chuyện, chát trên mạng Internet) và blog của cô bạn này, các thám tử lần tìm được blog của Tuấn. Nhưng từ khi Tuấn bỏ đi, Tuấn không hề giao lưu với bạn bè bằng địa chỉ này nữa. Mất một ngày trời sục sạo trên mạng cuối cùng, các “thám tử bàn phím” cũng tìm được nickname của một cô bé có khả năng có liên lạc với Tuấn. Qua một comment cũ khá “mùi mẫn”, các “thám tử bàn phím” biết được cô bé này trước đây từng có quan hệ tình cảm với Tuấn.

Đội tìm kiếm rà trên mạng 24/24 giờ và nửa ngày sau thì tiếp cận được cô gái này và được biết cô tên Hương, là học sinh lớp 11. Sau khi xác minh, đội tìm kiếm nhận ra Hương là người có lối sống buông thả, đã từng dùng thuốc lắc, tài mà...

Hương và các bạn trong nhóm thường tụ tập ở một nhà nghỉ trên đường Giải Phóng. Đây được xem là “đại bản doanh” của đám “dạt vòm” chuyên nghiệp.

Tiếp cận với cô gái này được xem là phương thức cuối cùng để các “thám tử bàn phím” lần tìm được tung tích của Tuấn. Chuyên gia tìm kiếm trên mạng Trần Mạnh Hùng dùng nickname mới nhảy vào chát với Hương... Hương thuộc đám “vui đâu chầu đấy, tàn cuộc đường ai nấy đi” nên mặc dù không biết là ai thì Hương vẫn thoải mái chát trút bầu tâm sự.--PageBreak--

Sau một hồi nói chuyện kiểu à ơi thì anh Hùng phát hiện ra Hương “kẹt nét” và đang cần “cứu nét”. Câu chuyện của “hậu cứu nét” thì chắc chắn ai cũng biết: đưa cô gái đi lót dạ một thứ gì đó rồi phi thẳng vào nhà nghỉ. Nhưng khi Hùng đặt vấn đề đến “cứu” thì Hương gạt đi. Các “thám tử bàn phím” cho biết, đây chỉ là kiểu à ơi chứ không phải từ chối thật và phải tiếp tục “tấn công”.

Hàng giờ đồng hồ chát đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, cả đội tìm kiếm gần chục con mắt không rời màn hình vì chỉ cần một câu nói không khéo, một câu nói mất lòng Hương là coi như cuộc trò chuyện chấm dứt. Hương “Sign out” (thoát ra khỏi chương trình chát) là cuộc kiếm tìm đổ bể. Nhưng cuối cùng thì Hương cũng “Sign out” với lý do: “Em muốn yên thân”.

- Cả đội tìm kiếm lại buộc phải dừng cuộc khai thác thông tin và ngồi chờ đợi, mắt không rời màn hình chỉ để chờ đợi một lời gọi từ nickname của Hương. Đến khoảng 22h, có tin nhắn từ nick của Hương:

- Gặp nhau đêm nay đi, em trống trải quá, anh là ai cũng được.

Sau đó là một loạt các dòng tin nhắn kêu ca, khóc lóc đẫm nước mắt tâm sự của cô bé 17 tuổi. Như một trò ú tim với đội tìm kiếm, trút bầu tâm sự một lúc, cô gái này lại đổi ý và nói:

- Giờ em chỉ muốn gặp một người. Tối mai anh chở em đi được không?

Sau vài dòng chát, cô gái chỉ nói là đang ở ngõ Tự Do, mặc áo hai dây màu đen. Chưa nói xong cô bé lại “Sign out”. Từ thời điểm đó đến 19h ngày hôm sau là quãng thời gian để nhóm nhân viên thụ lý vụ việc này tìm cho bằng được địa điểm mà cô bé kia ngồi để “thám tử bàn phím” có thể tiếp tục “tác nghiệp”.

Cả nhóm “thám tử bàn phím” chỉ có đúng một người đang ở “tuổi teen” - Hoàng vốn là cử nhân công nghệ thông tin, thường chỉ làm hậu trường nay buộc phải lên đường. Trước khi đi đón nàng, Hoàng phải gỡ cặp kính cận dày cộp, tóc vuốt keo dựng đứng, ngồi trên chiếc Liberty khá sang trọng.

Gặp nhau ở ngõ Tự Do xong, Hương lại đổi ý bắt Hoàng chở đi dạo mát ở công viên Thống Nhất.

Hai người lòng vòng khắp từ Hồ Gươm lên Hồ Tây rồi cuối cùng cả 2 đến gặp một thanh niên tên là Bình ở hồ Trúc Bạch. Bình là người duy nhất trong tất cả bạn bè biết Tuấn đang “dạt” ở đâu.

Hương lên xe Bình đi đến điểm hẹn là một quán bi-a khá tồi tàn ở khu vực Long Biên. Hoàng bí mật bám theo. Tuấn đang cùng 3 thanh niên khác chơi bi-a ăn tiền. Số tiền 10 nghìn USD chưa được một tuần đã gần cạn. Phát hiện mục tiêu, đội tìm kiếm lập tức gọi điện thông báo cho gia đình đến tự đón con về.

Nhiệm vụ thứ 2 mà các "thám tử bàn phím" phải làm rõ là: Tuấn có bị đồng tính hay không?

Bằng một nickname mới: hotboy_them_hotboy, các “thám tử bàn phím” tiếp cận Tuấn, giả vờ đưa ra một lời đề nghị đúng kiểu dân “gay” và lập tức "ăn" ngay từ Tuấn một tràng chửi.

Để kiểm tra trực tiếp, 2 nhân viên được cử tìm cách làm quen và rủ Tuấn đi vào một quán cà phê bóng đá thường xuyên có một vài dân “gay” đến chơi. Tuấn xuất hiện với bộ dạng khá ẻo lả, áo quần là lượt, móng tay màu mè nên được ngay một “xăng pha nhớt” từ trong quán chạy ra ý éo khều tay: “Ối, ối, vào đây ngồi với em”. Cu cậu được một phen chạy mất vía.

Phi vụ tìm kiếm Tuấn chỉ là một trong hàng trăm các cuộc săn tìm trẻ hư, trẻ bỏ nhà đi mà Công ty HNIC thực hiện. Do nắm bắt được tâm lý lứa tuổi mới lớn, đặc biệt là trẻ em ở thành phố thường ham mê chát, blog và game online... nên phương thức truy tìm trên thế giới ảo được xem như là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất.

Anh Hoàng Dương Bình, Giám đốc HNIC cho biết: “Trẻ em thành phố bỏ nhà đi, có đến 30% là liên quan đến Internet, liên quan đến chuyện các em hẹn hò nhau, rủ nhau đi chát, diễn đàn...”.

Có trường hợp trẻ trốn nhà chỉ để chơi game cho sướng. Công ty này từng tìm kiếm một cậu bé mê “Võ lâm truyền kỳ” bỏ đi 2 tuần không về nhà. Các “thám tử bàn phím” thuê hẳn vài “con” võ lâm, mỗi người chia một cửa tìm trên bản đồ, cả tuần thì may mắn gặp được cu cậu. Sau một hồi “đại chiến”, “thám tử bàn phím” vờ ngỏ lời "bán đồ" với giá rẻ bất ngờ và cu cậu ngây thơ nghe lời tìm đến điểm hẹn. Đến nơi, bố mẹ cậu bé đã mang xe đứng chờ sẵn "ẵm" cậu ta về.

Chủ động "giữ" trẻ ở nhà

Các tổ chức tìm kiếm người thất lạc ở Việt Nam đã có từ lâu nhưng dịch vụ tìm kiếm trẻ bỏ nhà online kiểu này có lẽ chỉ mới có một. Ý tưởng tìm trẻ “dạt nhà” này được anh Hoàng Dương Bình, Giám đốc Công ty HNIC thực hiện chỉ mới vài tháng nay.

Trong quá trình làm tư vấn tâm lý cho trẻ vị thành niên, anh phát hiện hầu hết các trẻ em thành phố đều có liên quan đến... thế giới ảo với game, chát. Xuất phát từ việc sau nhiều trường hợp tư vấn, các gia đình nhờ cậy trung tâm của anh kiêm luôn dịch vụ tìm con cho họ mỗi khi chúng “dạt vòm”, mô hình tìm kiếm thanh thiếu niên bằng bàn phím của anh ra đời từ đó.

Mới ra đời nhưng tìm kiếm trẻ bỏ nhà trên mạng đã trở thành một dịch vụ rất “ăn khách”. Đội “thám tử bàn phím” của anh Bình hầu như không bao giờ ngơi việc, có khi thực hiện tìm vài trẻ cùng một lúc. Dịch vụ này ra đời trong bối cảnh các ông bố, bà mẹ ngày càng ít có thời gian chăm sóc con cái, bỏ mặc chúng với “thế giới ảo” của game và chát.

Hoàng Dương Bình tâm sự: “Có trường hợp của một cô bé cứ làm mình day dứt mãi: Cô bé học lớp 12, bỏ đi vì bố mẹ cãi nhau, khi chúng tôi tìm được thì cuộc đời cô bé gần như “hỏng hẳn” - cô nhiễm quá nhiều thói hư tật xấu của xã hội. Trẻ bỏ nhà đi, có thể chúng tôi là người tìm được các em nhưng các ông bố bà mẹ mới là những người giữ cho các em sống trong chính ngôi nhà của mình”

Hoàng Thắng
.
.