Tổ ấm của những đứa trẻ bị bỏ rơi

Thứ Bảy, 29/01/2011, 05:55
"Chị ơi! Chị đã từng gặp mẹ em chưa?. Mẹ em trông như thế nào? Có đẹp không?", "Chị cho em biết đi, nhà em ở đâu? Bố mẹ em là ai?" , "Chị ơi! Tại sao khi em đến trường, các bạn khác đều có bố mẹ, ông bà mà em lại không, hả chị?"... Những câu hỏi nhói lòng này của các em làm cho xơ quay quắt.

Đã không ít lần xơ nhận được những câu hỏi như vậy. Và, xơ đều phải ngó lơ đi chỗ khác. Giấu cảm giác vừa thương xót mênh mông những thiên thần nhỏ, vừa căm giận phẫn nộ cái ác.

Xơ làm sao mà trả lời được. Bởi, ngay cả xơ cũng đâu biết nguồn gốc của những đứa trẻ. Chúng là những sinh linh bé nhỏ, côi cút, bị bỏ rơi ngay từ khi có mấy ngày tuổi. Nhưng, may sao, khi cái ác hoành hành thì tính thiện cũng được nhân lên. Mái nhà tình thương, Cô nhi viện Thánh An nằm ngay cuối Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu về hướng tây bắc, cách Hà Nội 130km  tại xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, Nam Định là nơi mà gần 100 đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trú ngụ và được che chở bởi tình yêu thương, cao cả.

Đêm mịt mùng. Trời đông. Sương giá. Gió rít lạnh buốt. Một đứa trẻ sơ sinh được quấn trong một lớp tã mỏng, để trong giỏ mây, trên phủ lớp chăn bông cũ, ai đó đã đặt chiếc giỏ này vào trước cửa của nhà thờ. Ngày nào cũng vào lúc 4h sáng, các xơ đi đến giáo đường để đọc kinh cầu nguyện. Và hôm đấy, từ chỗ ở của các xơ đến cửa của nhà thờ 100m, các xơ đã thấy một sinh linh bé nhỏ đỏ hỏn nằm tím tái giữa trời. Em đã bị bỏ ở đây từ bao giờ. Xung quanh không một bóng người. Trời tối, chỉ nghe thấy tiếng chó sủa lanh lảnh. Đứa trẻ bị cảm lạnh và cũng cả vì đói, lả đi. Các xơ bế em lên, một tờ giấy rơi ra, nét chữ nguệch ngoạc: "Bé gái 5 ngày tuổi".

Bế em vào nhà, các xơ chia nhau ra, người ủ ấm cho em, người pha từng thìa sữa nóng đút cho em. Những giọt sữa làm môi em hồng trở lại. Cha Oanh - vị linh mục của Cô nhi viện Thánh An Bùi Chu đến, ông âu yếm nhìn đứa trẻ bé tí xíu, rồi cất tiếng nói: "Từ giờ, nơi đây sẽ là nhà của con. Và con có một cái tên". Rồi cha đặt tên cho đứa trẻ... Xơ Phạm Thị Tươi ngừng kể, rồi chỉ tay ra ngoài sân: "Em đó kia".

Không để ý gì đến câu chuyện của xơ kể với chúng tôi, mấy đứa trẻ vẫn đang tíu tít đùa ngoài sân. Có hai đứa nhỏ lôi tha nhau. Bé gái bị bỏ rơi năm đó được đặt tên là Lê Thu Trang. Xơ Tươi làm ở Cô nhi viện này đã 8 năm và bé Trang cũng đã tròn 8 tuổi. Năm nay, em học lớp 3. Em đang bế một bé gái được hơn một tuổi. Bé này được sinh ra tại một bệnh viện trong thành phố. Người ta cũng không thể xác định quê quán em ở đâu, chỉ biết mẹ em lên cơn đau đẻ, được một người tốt bụng qua đường đưa vào nhập viện. Mẹ em sau khi sinh em đã nhờ một người giường bên trông hộ con mình để đi mua đồ ăn. Sau đó, người mẹ ấy không quay trở lại nữa.

Đứa bé đã được đưa vào đây - nơi mà em sẽ không bị tủi thân, khi quanh em là một gia đình rất nhiều anh chị và bạn đồng cảnh ngộ. Lại một em nhỏ độ 6 tuổi đang thơ thẩn chơi một mình. Thi thoảng em lại lẩm bẩm nói một câu gì đó khó hiểu. Câu chuyện của em cũng thật đau lòng. Mẹ em, một người phụ nữ bị bệnh tâm thần, đi lang thang ngoài đường bị kẻ xấu hãm hiếp. Sau đó mang thai rồi sinh ra em. Không ai biết thủ phạm - cha đứa bé là ai. Nhưng, đứa trẻ một sinh linh tội nghiệp, không thể để em trong tay người mẹ có tâm thần bất ổn đó. Em được về Cô nhi viện, và giờ em đã 5 tuổi, bắt đầu bi bô học bảng chữ cái.

Chúng tôi vào chơi với các em nhỏ trong phòng dành cho các bé từ sơ sinh đến 1 tuổi rưỡi. Tôi ngỡ ngàng trước cảnh tượng lần đầu tiên trong đời được trông thấy và tin đó là sự thực. Và tôi tin chắc rằng, không bao giờ và ở đâu có cảnh xúc động hơn. Không bao giờ và ở đâu có hình ảnh đẹp hơn như thế. Ít ở đâu có tình người hơn đến thế. Khoảng chục em bé đang đứng trong những cái cũi gỗ ngơ ngác như những thiên thần tí hon. Những em bé thơ dại bị bỏ rơi, lạc loài được đưa đến đây từ những góc khuất của số phận. 3 cô gái độ đôi mươi mà chỉ nhìn đã thấy họ bị bất ổn về thần kinh, nhưng vẫn bồng bế các em một cách đầy trìu mến, âu yếm. Một cô bồng em đút sữa cho em ăn. Một cô đang thay tã cho em. Một cô nữa thì quấn chăn ủ ấm cho em bé rất điêu luyện.

“Hạnh phúc là được sẻ chia”.

Xơ Tươi cho tôi biết, cả 3 cô gái này đều thuộc diện chậm phát triển, gần như là không biết nói gì nhiều và trước đây cũng chưa từng biết làm gì. Nhưng hằng ngày thấy các xơ chăm các em nhỏ thì cả 3 cô gái đều tỏ ra hết sức chăm chú và đặc biệt là rất thích các em nhỏ. Trước nay các cô chỉ biết tự  ăn uống và vệ sinh cho bản thân, nhưng từ khi được nhìn các xơ chăm các em thì cả 3 cô gái đều như có một luồng sinh khí mới. Các cô rất quyến luyến với các em bé, nên sau này cả 3 cô gái đều là người giúp việc cùng xơ để  chăm các em. Nhìn các cô bế em rất thạo. Trẻ nhỏ mà đóng bỉm nhiều sẽ bị hăm, ngứa ngáy đau rát nên các em đa phần được mặc quần vì các em nhỏ uống sữa nhiều nên phải thay quần liên tục, cả ba cô đều rất thành thạo việc này.

Theo quan sát của chúng tôi, nhìn các cô chăm em mà cứ có cảm giác là tình máu mủ, một tình yêu bao trùm, là mẹ chăm con, chị chăm em. Có lẽ tình yêu đồng loại, con người với con người đã là mạch cầu nối làm sáng lên những tia tối ở các noron thần kinh. Tình yêu đã làm cho con người ta đẹp lên biết nhường nào. Và, đây chính là minh chứng hùng hồn nhất.

Ngay cạnh buồng dành cho trẻ sơ sinh là buồng dành cho trẻ từ 2 đến 3 tuổi. Có tất cả 9 em cả trai lẫn gái. Bọn trẻ thấy xơ đi cùng chúng tôi thì chạy lại bên xơ và chìa bàn tay xinh xắn ra để được chạm vào tay xơ: "Chị Tươi"- một bé nói. Những bé khác gọi theo, ríu rít như chim non. Những em bé ở đây khi được chạm bàn tay nhỏ bé của mình vào tay xơ thôi cũng đủ làm các bé sung sướng đến thế, nhìn khuôn mặt các bé sáng bừng lên, đôi mắt long lanh, rất mãn nguyện. Thật kỳ lạ phải không?!

Xơ Tươi bảo với tôi: "Các em ở trong này rất khác biệt với những em bé ở ngoài xã hội, là ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời đã không được hưởng tình mẫu tử. Có nhiều em chưa từng được ngủ chung với cha mẹ ngày nào, lại bị người thân chối bỏ nên các em rất thiếu tình cảm. Bây giờ chỉ một động tác nhỏ, âu yếm các em cũng đủ làm cho các em hạnh phúc lâng lâng suốt cả buổi. Nếu đến đây ôm hôn một em, thì phải ôm hôn lần lượt tất cả các em còn lại. Bế một em cũng sẽ phải bế tất cả các em còn lại. Và các xơ đã chưa bao giờ để sót em nào...

Bên cạnh là phòng của những em từ mẫu giáo lớn đến học sinh phổ thông cơ sở. Trong phòng có những chiếc giường tầng xinh xắn, và sách vở quần áo chăn màn được gập gọn gàng, ngăn nắp. Đầu giường của em nào cũng xếp rất nhiều những thú bông, hoặc một vài con búp bê. Đó là quà tặng của các cá nhân, tổ chức đến Cô nhi viện Thánh An, Bùi Chu làm từ thiện. Trong căn phòng ấm cúng này, có một cái bảng con dán rất nhiều điểm 9 và 10. Hỏi ra mới biết đấy là các em muốn có thật nhiều điểm 9 và điểm 10 cùng nhau thi đua học tập thật tốt.

Nơi đây các em yêu thương nhau như anh chị em một nhà - một sự đùm bọc, yêu thương lan tỏa. Chưa bao giờ có tiếng trẻ con chí chóe nhau dưới mái nhà này. Bọn trẻ yêu và bảo vệ nhau một cách kỳ lạ. Chúng đến đây với nguồn gốc, họ tộc khác nhau nhưng lại được nuôi dưỡng ở cánh cửa của tình thương và lòng nhân ái nên yêu thương nhau hơn bao giờ hết. Chúng luôn biết nhường nhịn và san sẻ cho nhau.

Những ngày này tiết trời lạnh kéo dài, đứng ở Cô nhi viện ngó ra ngoài cửa thánh đường xa xa, tôi rùng mình vì không biết đã có biết bao nhiêu em bị gia đình cho vào giỏ để ở cửa của giáo đường, vào đêm hôm khuya khoắt không người qua lại. Đêm, khoảng không gian rộng dài này nơi mà chỉ có chuột chạy sầm sập, muỗi bay vo ve, chó sủa ông ổng và mèo hoang lang thang... Nghĩ đến thế đủ để hãi hùng với người khỏe mạnh một mình trong đêm. Vậy mà, có biết bao em bơ vơ côi cút giữa trời sương gió.

Xơ Tươi cho tôi biết có một năm mà 3 tháng liên tục đều có em bị cho vào giỏ và để ở ngoài trời. 4 giờ sáng các xơ đi đọc kinh cầu nguyện bắt gặp giỏ đựng trẻ sơ sinh bị bỏ ở ngoài xa nên cửa thánh đường mở lùi gần vào trong gần nhà ở của Cô nhi viện, nếu không người ta bỏ các em xa quá mà ở ngoài đó thì đêm chỉ có đêm thôi, tịnh không một bóng người. Có những em khi được phát hiện ra thì đang trong tình trạng sốt rất cao vì bị nhiễm lạnh. Có em thì lả đi vì đói, khát...

Chị bị bệnh thần kinh chậm phát triển nhưng biết chăm sóc em.
Những nụ cười vô tư và hồn nhiên của các em bé trong phòng từ 2-3 tuổi.

Các em sống dưới mái nhà này được sự chăm chút đầy tình thương yêu của Cha và các xơ nên tâm hồn của các em trong sáng lắm. Sự an lành khi có một mái nhà đầm ấm của tình thân giữa những thân phận đồng cảnh ngộ được lớn lên bên nhau từ tấm bé. Các em ở đây, với những đứa trẻ khỏe mạnh lên 4 tuổi được các xơ đưa đến lớp mẫu giáo của xã để học, khi chiều ngả bóng là các xơ lại đến đón về. Các em học phổ thông thì lúc tới trường và sau khi tan học về kết thành từng tốp đi cùng nhau.

Theo lời xơ, bọn trẻ rất biết bảo vệ và che chở cho nhau. "Ơ hơ... Mày là thằng con hoang, không có cha mẹ..." - một đứa bé ở bên ngoài cổng Cô nhi viện đã láo xược hét toáng lên trêu bạn. Đứa trẻ buồn rầu ứa nước mắt, mấy anh chị sống ở Cô nhi viện cùng học ở trường gặng hỏi, nó òa lên khóc. Lúc sau cả một nhóm kéo đến, chỉ mặt thằng bé kia và dọa cho nó một trận ra trò: "Em không có cha mẹ nhưng em có rất nhiều anh chị em. Cả hàng chục người vì vậy đừng bao giờ có ý định bắt nạt em tôi...".

Có lẽ, những số phận đồng điệu và cảnh ngộ cuộc sống đã gắn kết chúng lại với nhau thành một khối vững chắc. Đứa lớn che chở cho đứa bé. Đứa bé lại nương vào đứa lớn. Thật ra, đâu chỉ có những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi mà ngay cả những đứa trẻ đủ lớn để nhận biết cha và mẹ cũng bị vứt ngoài xã hội. Và những đứa trẻ đáng thương đó đã được Cô nhi viện mang về nuôi nấng, chăm bẵm.

Theo như kinh nghiệm của các xơ, các em nhỏ khi mới về mái nhà này đa phần đều rất bướng, lầm lỳ, dễ xúc động, hay tủi thân, đó là đặc điểm tâm lý dễ nhận biết của trẻ bị bỏ rơi. Chính vì lẽ đó mà khi nói chuyện với các em, các xơ luôn dịu dàng, nhỏ nhẹ. Hằng ngày, các em có hai buổi cầu kinh. Mỗi buổi kéo dài 15 phút. Và một buổi trước khi ăn kéo dài 5 phút.

Trò chuyện với linh mục Joseph Phạm Ngọc Oanh, ông cho biết, Cô nhi viện này được thành lập từ năm 1852 do Đức Cha Thánh An Tử đạo (Joseph Diaz Sanjurjo) người Tây Ban Nha, với mục đích đón nhận và nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật bị bỏ rơi từ 12 tuổi trở xuống không phân biệt lương - giáo. Vào thời kỳ thịnh đạt, có năm đón nhận khoảng 2.000 em. Trải qua 158 năm với biết bao thăng trầm biến cố của lịch sử, Cô nhi viện vẫn tiếp tục duy trì cho đến ngày nay.

Hiện nay Cô nhi viện có khoảng 20 xơ chăm sóc các em nhỏ. Và, đằng sau dãy nhà của những đứa trẻ lành lặn này còn được cuộc sống ưu ái là một dãy nhà khác. Nơi đó, gần 50 đứa trẻ với những cảnh ngộ thật đáng thương, bất hạnh hơn nhiều mà tôi tin chắc rằng, nếu biết chuyện của các em, những người có lương tri không ai có thể cầm được nước mắt. Những đứa trẻ sinh ra bởi tội lỗi, nghiệp chướng, trước khi được đưa đến nơi đây, đã từng có thời kỳ các em phải sống trong cái ác, thậm ác...

Trần Mỹ Hiền
.
.