Tổ ấm nơi cửa thiền

Thứ Tư, 27/07/2016, 07:15
Tiếng là “mẹ”, nhưng họ chẳng phải người mang nặng đẻ đau hay có chút ràng buộc ruột rà máu mủ gì với những đứa con của mình. Nhưng lạ kỳ thay, nói như Thượng Tọa Thích Thiện Chiếu, tình yêu thương mà họ dành cho những đứa con lành lặn lẫn tật nguyền của mình sâu rộng như biển trời. Trong khi đấng sinh thành lạnh lùng ruồng rẫy vứt bỏ thì họ, lặng lẽ ôm bọn trẻ vào lòng sưởi ấm, chăm bẵm từng miếng ăn giấc ngủ cho các em.

Ở mái ấm nơi chốn thiền, có lắng lòng nghe họ nói về số phận của gần 200 đứa con bị bỏ rơi, mới hiểu phía sau từng nụ cười ngây thơ ngây kia là chất chồng những nỗi đau và nước mắt!

Nằm nép mình trong một con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Phái (154/4A Lê Hoàng Phái, P.17, Q.Gò Vấp), chùa Kỳ Quang II, lúc nào cũng ăm ắp tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ. Được thượng tọa Thích Thiện Chiếu thành lập năm 1994, hơn 20 năm qua, ngôi chùa này là mái ấm của hàng trăm sinh linh bé bỏng khuyết tật và lành lặn bị chính đấng sinh thành của mình đoạn đành lìa bỏ ngay khi vừa chào đời.

Thượng tọa Thích Thiện Chiếu cho biết: “Trẻ bị bỏ rơi đều được thầy lấy họ Trần Hồ của mình làm khai sinh. Nhưng nếu không có các bảo mẫu hết lòng hỗ trợ, thầy có yêu thương mấy cũng chẳng thể giúp được nhiều cho các con ở mái ấm”.

Thượng tọa Thích Thiện Chiếu xuất gia từ thuở lên 10, sau năm 1975 về làm trụ trì chùa Kỳ Quang II đến nay, từ cái thời chùa còn xập xệ, nằm lọt thỏm giữa hoang sơ, sình lầy.

“Trước năm 1994, thấy ai khó khổ, thiếu thốn thì thầy có gì giúp nấy. Sau đó, qua nhiều hình ảnh trẻ thơ tật nguyền, mồ côi phải sống nơi đầu đường xó chợ, ngày ngày lang thang xin ăn với bữa đói bữa no, thầy quyết tâm phải làm gì đó cụ thể hơn để giúp các em. Và chùa Kỳ Quang II trở thành mái ấm chăm sóc trẻ khuyết tật”.

“Lúc đầu, chỉ có mươi mười lăm trẻ, thầy đâu nghĩ có lúc số trẻ vượt qua con số 200 như bây giờ. Trẻ này mách trẻ kia tìm đến xin tá túc. Có khi người đi đường, bà nội trợ, phật tử phát hiện nơi xó chợ lề đường có trẻ khuyết tật bị chăn dắt, lang thang đã tìm cách đưa các em về chùa... Người ta không chỉ bỏ rơi những đứa con bị khuyết tật, bệnh tật mà ngay cả đứa trẻ khỏe mạnh bình thường cũng không ít kẻ đành lòng quẳng quăng để giũ bỏ trách nhiệm”.

Những hình ảnh nhói lòng ở mái ấm Kỳ Quang II.

Thầy trải lòng rằng, thầy xem mỗi một đứa trẻ mà thầy nhận làm con khi về đến mái ấm Kỳ Quang II là một nhân duyên theo thuyết nhà Phật: “Có lành lặn hay tật nguyền gì thì các trẻ đều là con của thầy rồi. Ở đây thì chỉ nhận chứ không cho trẻ. Người ta nhiều người khổ sở, cay đắng, mang nặng đẻ đau lắm lắm mới có được một mụn con. Còn thầy, chẳng như thế mà có đến gần 200 đứa con, đó là nhân duyên lớn”.

Trong số 205 trẻ thì có tới hơn 50 trẻ bị khiếm thị, 90 trẻ bị di chứng của chất độc da cam cũng như mắc đủ chứng bệnh như bại liệt, câm điếc, chậm phát triển. Số trẻ còn lại là trẻ bình thường. Có gần hai mươi bảo mẫu lặng thầm bám trụ với mái ấm ngày đêm: “Với các con bị khiếm khuyết về trí óc như bại não, não úng thủy, động kinh thì chuyện bị bỏ rơi chẳng mấy đè nặng. Nhưng với những trẻ sức khỏe, trí lực bình thường, lớn lên một chút thôi, chỉ vài ba tuổi đầu là các con ý thức được thân phận buồn, nên nhiều con lúc nào tâm trạng cũng u uất” - một bảo mẫu tên Xuân, thổ lộ.

Thượng tọa Thích Thiện Chiếu và các tăng ni, phật tử xa gần cùng các cô bảo mẫu hết sức vun đắp tình yêu thương. Cô Xuân tâm sự: “Vào những ngày rằm, nhìn các bạn đồng trang lứa theo cha mẹ, ông bà đi lễ chùa, rồi nhìn lại thân phận “mồ côi” của mình tuy có mẹ cha, có ông bà đủ đầy nhưng chẳng ai thừa nhận, có những trẻ tủi thân ôm mặt khóc. Có em, từ nhỏ đến lớn lúc nào cũng đau đáu câu hỏi dành cho sư Cả và các cô bảo mẫu “Má đâu? Ba đâu?”.

Sư Thiện Chiếu và một đứa con nhân duyên của mình.

Cô bảo mẫu tên Hoa kể, mỗi khi có trẻ ôm chầm lấy mình và hỏi những câu ấy, cô chẳng biết trả lời trẻ ra sao, chỉ biết nước mắt cứ chực trào trước nỗi khát khao hơi ấm tình thân của trẻ: “Nói thật với con không được mà nói dối cũng chẳng xong. Nếu nói thật cha mẹ đã bỏ rơi con trước cổng chùa, trong bệnh viện, bên miệng cống thì điều đó chẳng khác gì xát muối vào vết thương lòng của đứa trẻ, khiến nó ôm nỗi tủi hận có khi kéo dài đến suốt cuộc đời. Nhưng nói dối rồi thì trẻ cũng phát hiện sự thật đau lòng. Từng có trường hợp các cô cố giấu thân phận cho trẻ nhưng khi trẻ lớn lên, tìm hiểu biết được mình từng bị mẹ bỏ rơi tại bệnh viện, trẻ thay đổi tâm tính, không còn tươi vui như trước mà luôn trong tình trạng cáu gắt, cộc cằn, sầu hận”.

Cô Hoa cho tôi xem vài dòng nhật ký mà từng câu từng chữ dễ khiến ai xem qua cũng nhói lòng: “...Ngày 12-5, sư Cả đặt tên cho bé bị bỏ rơi trước cổng chùa là Minh Thiện... Ngày 20-11-2012, một đôi nam nữ chạy xe máy bỏ vội một hộp giấy vào thùng rác. Nghe tiếng khóc phát ra từ thùng rác, một người đến xem và phát hiện bé gái lành lặn, ẵm bé vào chùa. Bé được sư Cả đặt tên Trần Hồ Ngọc Như... Vào ngày rằm tháng 7, sư Cả bắt gặp một bé gái bị bỏ dưới gốc cây bồ đề... Vì bé bị bỏ rơi vào ngày lễ Vũ Lan báo hiếu nên sư Cả đặt tên là Trần Hồ Hiếu Hạnh, những mong bé biết yêu thương, tha thứ cho đấng sinh thành của mình...”.

Sư Chiếu cùng các tăng ni, phật tử đang gắn bó với mái ấm Kỳ Quang II không nhớ đã bao lần thấy, gặp, đón nhận những sinh linh bé bỏng tật nguyền và lành lặn bị đấng sinh thành buông bỏ khỏi cuộc đời mình. Do đứa nhỏ bị tật nguyền khó nuôi, do cha đứa trẻ không chịu nhận con, do cái thai quá lớn không thể phá bỏ được, do sợ mang tiếng chưa có chồng mà chửa hoang..., nói chung người ta có 1001 lý do để vứt bỏ con. Sư Chiếu nói chẳng có lý do gì nhà chùa lại chối bỏ đứa trẻ thêm một lần nữa. “Đó là một sinh linh, một con người. Con thú cũng cần có mẹ cha, có tổ ấm, có gia đình của nó. Cớ sao đứa trẻ, lại không?”.

Vì sư luôn dang rộng vòng tay đón nhận nên nhiều ông bố bà mẹ xem con là gánh nặng mang đến chốn thiền để trước cổng tam quan, bên lùm cỏ, dưới tán cây bồ đề ngày một nhiều: “Có người để đầy đủ giấy tờ tùy thân cùng bức tâm thư trải bạch hoàn cảnh... Nhưng thường thì họ bỏ mặc con theo cái kiểu càng nhanh càng tốt. Có đứa trẻ được tìm thấy trong tình trạng tím tái do bị bỏ giữa màn trời lúc đêm, hay toàn thân sưng phù do bị kiến thui, rết cắn...” - cô bảo mẫu tên Mai, trầm giọng.

Hậu liêu chùa Kỳ Quang II có 12 căn phòng, mỗi căn phòng có khoảng chục đứa trẻ, phần lớn trẻ không được bình thường. Cô bảo mẫu Ngọc Lan, 60 tuổi, nhà ở huyện Hóc Môn, phụ trách công việc điều dưỡng - y tá cho gần 200 trẻ ở chùa tỏ ra lo lắng và đau xót với hơn phân nửa trẻ ở chùa mắc các chứng bệnh nan y như mù, liệt, bại não, não úng thủy... nói: “Sự sống với các em chỉ là vài năm, hoặc có khi vài ngày, vài tháng. Sư Cả cùng các cô cố gắng duy trì sự sống cho các em, được ngày nào hay ngày nấy”.

Cô Ngọc Lan đưa khách đến thăm phòng số 8, phòng dành cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Đập vào mắt tôi là gần chục cái nôi bé xíu với những đứa trẻ còn đỏ hỏn: “Tháng này có đến 3 trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa và trong chánh điện. Phòng này có hơn chục trẻ, trong đó có một trẻ bị đầu to. Bé không biết khóc, không biết cười, đặt đâu nằm đấy”.

Các bảo mẫu giàu tình thương lặng thầm chăm sóc những trẻ bị bỏ rơi.

Cách không xa phòng trẻ sơ sinh là khu vẽ tranh của trẻ. Thấy khách đến thăm là các cháu ôm chầm bấu víu không rời. Có thể bắt gặp nỗi khát khao tình mẹ của các cháu qua những bức tranh. Chẳng ai chỉ dạy gì, ở phòng vẽ tranh các con được tự do thể hiện tư duy chủ đề. Và tranh của các con bao giờ cũng là hình ảnh mái nhà nhỏ có ba mẹ, em bé được ba mẹ bế bồng, dắt đi chơi... Cũng có khi, các con vẽ hình ảnh đứa bé ngồi ôm mặt nhìn đứa bé khác đang tung tăng trong vòng tay của ba mẹ. Thực ra các con đang vẽ bi kịch của cuộc đời mình, nói lên khao khát của cuộc đời mình.

 Đang trò chuyện, các cô bảo mẫu vội vào phòng trẻ sơ sinh vì tiếng khóc của trẻ. Cô bảo mẫu Ngọc Lan tâm tình, cùng là tiếng khóc của trẻ thơ, nhưng nếu lắng lòng sẽ thấy tiếng khóc của những trẻ sơ sinh bị đấng sinh thành bỏ rơi chừng như da diết, ai oán hơn trẻ có cha có mẹ. Có cả niềm đau, nỗi hận bị mẹ cha bỏ rơi để trút bỏ gánh nặng hay đi tìm hạnh phúc mới...

Đừng nghĩ trẻ sơ sinh thì các em không biết gì. Đang khóc đó, nghe tiếng bước chân hay tiếng người lại gần là các bé nín ngay... Trong vòng tay nâng niu của các cô và nhất là thầy Cả, các bé nằm im, ngủ ngon lành nhưng khi được buông ra, các bé khóc, tiếng khóc nghe tội lắm, thương lắm!

Tiếng khóc chất chứa nhiều nỗi oán hờn kia rồi sẽ theo bọn trẻ từng năm tháng. Khi lớn lên, nước mắt sẽ chảy ngược vào lòng, nhưng nỗi đớn đau thì sẽ đeo bám dai dẳng đến cuối cuộc đời!

Đúng 7 giờ tối, chuông chùa vọng vang. Đám trẻ đang nhao nhao nghe tiếng chuông bỗng im bặt. Chuông nguyện hồn ai?

N.T.Dũng
.
.