Tổng Giám đốc “chim cánh cụt” (kỳ 2)

Thứ Hai, 14/05/2007, 09:57

Ngày 1/7/2006, Công ty Vệ sĩ Văn Nhân chính thức xuất hiện trên thương trường. Khi hay tin Tổng giám đốc Công ty Vệ sĩ Văn Nhân là một anh chàng tật nguyền ngày xưa đã từng đi xin việc làm tại các công ty bảo vệ thì giới bảo vệ thật sự ngạc nhiên.

Lúc này thì Nam cũng chỉ liều lĩnh mở một trung tâm, trung tâm vừa đào tạo vừa cho thuê máy. Thời gian đầu không có một bóng khách và học viên. Nghĩ mình không thể cạnh tranh về vấn đề đào tạo, khi ấy cũng không hề có giấy phép đào tạo, Nam cứ nơm nớp lo các cơ quan chức năng sẽ đến "hỏi thăm".

Kỳ 2: Nguyễn Văn Nam và con đường "trả nợ" đời

Nam phải nói rõ với các học viên rằng, trung tâm chỉ đào tạo, không thể cấp bằng, nhưng sẽ lo thủ tục cho học viên đi đến nơi khác để thi. Những người mang con đến để học, thấy Nam như vậy cũng không tin tưởng lại mang con đi nơi khác. Không kiếm được học viên, Nam đã đi nước cờ liều: hạ giá thành thuê máy xuống còn 2.000 đồng/giờ.

Khu vực ngã tư 550 được mệnh danh là “vương quốc” của công nhân, nhờ chiêu giảm giá, khách kéo đến trung tâm ngày một đông, nhưng lại gặp phải một vấn đề khác nghiêm trọng hơn, sự phản ứng của các đồng nghiệp, những người phải chịu hậu quả của sự “phá giá” của Trung tâm Văn Nhân, có ông còn hùng hổ tuyên bố sẽ san bằng Trung tâm Văn Nhân nếu ngày mai vẫn còn “phá giá”.

Hùng hổ là thế, nhưng khi gặp Nam, họ lại dịu xuống, họ không ngờ “vị giám đốc” trung tâm lại là một anh chàng khuyết tật. Khi ấy, Nam đã lựa lời thuyết phục mọi người rằng, trung tâm mở ra nhưng vì nhiều ngày nay không có khách, không còn cách nào nên phải hạ giá. Thấy Nam nói vậy tất cả đều bớt giận, họ nghĩ rằng, không nhẽ mình lại đi "bắt nạt" một chàng trai tật nguyền...

Nam thú thật, cạnh tranh kiểu “hại người” không phải là con người thật của anh, chỉ đơn giản là  việc làm tình thế mà thôi, mình phải có chiêu thức để công ty tồn tại lâu dài. Có người thấy Nam vậy, “không chấp”, họ còn quay sang giúp đỡ Nam có thêm học viên. Nam nói phải cảm ơn những người đã không gây khó khăn cho mình những năm đó, nếu không, mấy anh ấy cũng hạ giá chắc mình sạt nghiệp...

Có người bảo tại sao Nam không đi xin giấy phép đàng hoàng, Bình Dương đang mở cửa, rất khuyến khích cá nhân phát triển kinh tế doanh nghiệp. Trong suy nghĩ của Nam, khi ấy, chỉ suy tính làm sao có được công ăn việc làm, đâu nghĩ đến chuyện thành lập công ty này nọ.

Mãi đến khi nghe mọi người nói thế, anh mới nghĩ đến. Thế là, Giám đốc Nam khăn gói quả mướp lên thị xã Thủ Dầu Một, xin giấy phép thành lập công ty. Cho đến khi có được một trung tâm đào tạo tin học “chui”, Nam cũng chỉ biết tỉnh Bình Dương qua cái ngã tư 550, ngã tư được mệnh danh nổi tiếng với danh từ “phố cưới công nhân”, Nam chưa bao giờ đi quá cái ngã tư 550 chục kilômét.

Mãi đến năm 2004, trung tâm của Nam mới có được giấy phép của Sở Kế hoạch và Đầu tư, có tên đầy đủ là Công ty TNHH Dịch vụ Dạy nghề hướng nghiệp Văn Nhân.

Sau thời gian mở trung tâm đào tạo tin học, công việc của Nguyễn Văn Nam dần đi vào sự nhàm chán, ông giám đốc chẳng có việc gì làm, ghi danh thì đã có người, dạy học viên thì đã có giáo viên, chịu không nổi cảnh ăn không ngồi rồi, phải làm thêm một cái gì đó nữa. Thế là đêm đêm, Nam lại vắt óc nghĩ.

Phát hiện mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đang rất nóng, Nam gom góp hết vốn liếng hợp tác với một số người gây dựng cơ sở làm hàng thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu. Đận ấy, Nam đã tự mình đi khắp các cơ sở thủ công mỹ nghệ để học nghề và học luôn cách tổ chức một cơ sở mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Lần đầu tiên, chỉ với một hợp đồng con con, Nam dễ dàng kiếm được 70 triệu đồng. Thấy thời cơ đến với mình, không nhanh tay thì lỡ mất, Nam nhận hẳn một container, Nam dồn hết tiền vào, vay mượn thêm một số anh chị em quen biết, Nam tính trong đầu, nếu lô hàng này thành công, Nam sẽ lời ít nhất 120 triệu đồng.

Người tính đâu bằng... trời tính, đến khi giao hàng cho đối tác, chờ mãi nhưng không thấy đối tác thanh toán tiền, họ cứ khất lần. Nam cũng không nghĩ ra là họ cũng đang “rối”. Họ cũng bị "xù" như Nam, có một công ty trong dây chuyền xuất hàng đi nước ngoài bị phá sản, hiệu ứng domino, toàn bộ các công ty dây chuyền đều bị thua lỗ trong đợt hàng đó. Đến lúc này, Nam mới biết đối tác của mình cũng chỉ là trung gian, không phải là công ty xuất hàng trực tiếp, đây là một bài học lớn nhất trong “sự nghiệp” kinh doanh ngắn ngủi của Nam.

Sau này, trước khi hợp tác với bất kỳ một đối tác nào, Nam đều cho người đi tìm hiểu thực hư về họ, Nam nghiệm một điều, mình chết thì không sao, nhưng 150 công nhân là 150 gia đình hàng tháng trông chờ vào đồng lương của người thân, mình không thể sai lầm được.

Thêm một bài học sau thất bại cay đắng đó. Lần ấy, Nam đã dốc cạn vốn cho lô hàng, đánh thẳng xe xuống miền Tây mua lục bình về sản xuất, không dự trù sự thất bại, công ty gần như chỉ còn chờ ngày tuyên bố đóng cửa. Nam về công ty, bán dàn máy tính, tất cả mọi thứ, tập trung tất cả đồng nghiệp để xin lỗi, số tiền mà Nam lỡ mượn, Nam đã giải quyết nợ cho những người khó khăn nhất. Nam cũng thanh toán tiền lương cho công nhân của mình theo cách ấy.

Sau thất bại “trời giáng” đó, Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề Văn Nhân tạm thời đóng cửa, Nam trở lại những ngày lang thang như trước. Trong một lần đi uống cà phê bên lề đường, tình cờ Nam được trò chuyện với một vệ sĩ, trong đầu Nam nảy ngay ra ý định: tại sao mình không thành lập một công ty vệ sĩ.

Tỉnh Bình Dương với gần 1.000 doanh nghiệp, trên dưới 1.000 dự án nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam, có rất nhiều khu công nghiệp, từ Việt - Sing, Sóng Thần, Mỹ Phước... nhu cầu về vệ sĩ rất lớn. Nghĩ là làm, ngày hôm đó, được sự đồng ý của người vệ sĩ nọ, Nam theo anh đến công ty vệ sĩ để... xin việc.

May mắn cho Nam là công ty vệ sĩ này đã nhận Nam vào làm việc văn phòng, trong thời gian này, Nam đã học lỏm được cách họ dạy... vệ sĩ, cách thức tuyển người rồi "điều binh khiển tướng" trong các phi vụ và bảo vệ mục tiêu như thế nào. Vốn sáng dạ, ngay những ngày làm công tại công ty vệ sĩ ấy, Nam đã vạch ra cho mình một hướng đi để Công ty Vệ sĩ Văn Nhân ra đời.

Ngay cả khi đã cầm trong tay giấy phép của một công ty vệ sĩ, Nam vẫn cầm hồ sơ đi xin việc tại các công ty bảo vệ khác nhau, Nam làm tất cả mọi việc, kể cả công việc bảo trì máy móc để tích lũy kinh nghiệm.

Ông trời cũng thật công bằng, không cho Nam đôi bàn tay nhưng lại cho Nam một đầu óc thông minh, Nam tự tin khẳng định rằng, chỉ cần Nam nhìn sơ qua tổ chức các công ty vệ sĩ hoạt động, Nam có thể rập khuôn y chang và đôi khi còn có sự đột phá hơn hẳn, giờ bộ máy công ty bảo vệ của Nam khác hoàn toàn bộ máy của các công ty bảo vệ trên địa bàn.

Công ty vệ sĩ Văn Nhân ra đời, Nam chỉ phải bổ sung thêm phần đào tạo vệ sĩ. Sau khi đi huy động vốn từ những người thân, Nam tuyển mộ anh công an, bộ đội  xuất ngũ giỏi để làm giảng viên và nhân viên nòng cốt cho công ty.

Ngày 1/7/2006, Công ty Vệ sĩ Văn Nhân chính thức xuất hiện trên thương trường. Khi hay tin Tổng giám đốc Công ty Vệ sĩ Văn Nhân là một anh chàng tật nguyền ngày xưa đã từng đi xin việc làm tại các công ty bảo vệ thì giới bảo vệ thật sự ngạc nhiên.

Trong suy nghĩ của rất nhiều người, giám đốc một công ty vệ sĩ phải là một võ sư võ nghệ cao cường, nếu không cũng là một người đã kinh qua ngành công an hay bộ đội, ai ngờ một chàng trai tật nguyền, mới 28 tuổi lại có thể điều hành một công ty vệ sĩ với hàng trăm con người. Sự ra đời nhanh chóng của Công ty Vệ sĩ Văn Nhân với sự điều hành của ông tổng giám đốc không bàn tay khiến mọi người nghi ngờ về sự thành công của nó.

Để có hợp đồng đầu tiên, Nam đã phải cho nhân viên của mình đi làm không công một tháng để lấy niềm tin. Nhưng sau khi ra đời vài tháng, công ty của Nam đã nhận ngay một hợp đồng khó: Bảo tiêu chuyển tiền. Một doanh nhân người Đài Loan đã thuê công ty của Nam vận chuyển 3 tỉ đồng từ một ngân hàng ở TP HCM về Bình Dương.

Vận chuyển 3 tỉ đối với công ty của Nam bây giờ là chuyện bình thường, nhưng khi mới thành lập thì không đơn giản. Thời gian này, các băng nhóm cướp tiền tại các ngân hàng hoạt động rất dữ dội. Nam xác định đây là một hợp đồng “béo bở” nhưng cũng nguy hiểm. Thành công với hợp đồng này, cũng có nghĩa công ty của Nam sẽ có chỗ đứng trong lòng các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương.

Ngay lập tức Nam cho người lên kế hoạch đường đi, Nam huy động tất cả những vệ sĩ có kinh nghiệm nhất hộ tống xe tiền. Còn Nam trực tiếp điều hành mọi hoạt động của các vệ sĩ, ngay cả các ngã tư mà xe chở tiền đi qua, Nam cũng cho hai vệ sĩ trong vai xe ôm đóng chốt để phòng bất trắc.

Chỉ trong vài tiếng ngắn ngủi từ khi nhận tiền cho đến khi về đến nơi an toàn, Nam cảm thấy thời gian dài vô tận. Nhưng đúng như Nam nhận định, sau hợp đồng này, ngoài việc tài khoản của công ty có thêm gần 100 triệu, uy tín công ty của Nam cũng lên thấy rõ.

Hiện nay, dù toàn tỉnh Bình Dương đã có sự xuất hiện của không dưới 40 công ty vệ sĩ hoạt động, Nam vẫn kiếm đủ hợp đồng làm việc cho nhân viên của mình. Giờ đây, Nam thường đứng đằng sau “cánh gà” chỉ đạo anh em, vạch kế hoạch hoạt động và phát triển công ty, chỉ khi nào có phi vụ khó, Nam mới ra mặt.

Nam chiêm nghiệm rằng, hai lần thất bại trước đã cho Nam những kinh nghiệm quý mà không một trường lớp nào có thể dạy. Nam luôn nhắc nhở mình rằng, ngày xưa mình hai bàn tay trắng, có thất bại cũng vẫn còn hai bàn tay trắng, nhưng bây giờ, mình thất bại, sẽ là hàng trăm nhân viên, hàng trăm gia đình sẽ khốn khổ theo.

Nam tâm sự, được như ngày hôm nay, Nam cảm ơn cuộc sống rất nhiều, chính vì thế, ngay cả khi công ty làm ăn chưa phải có dư, Nam vẫn bắt đầu cho những chương trình từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chỉ trong năm 2006, Nam đã bỏ ra gần 300 triệu đồng để làm từ thiện, kết hợp với một trường học địa phương cho ra đời một quỹ học bổng mang tên Văn Nhân.

Công ty của Nam vẫn chưa có gì để gọi là “tầm cỡ”, tất cả nội thất ngay chính tại phòng giám đốc cũng chỉ như phòng của một công chức bình thường. Nam còn nhớ mãi, một lần đi tặng xe lăn ở một huyện vùng sâu, vùng xa, gặp một người đàn ông cụt cả hai chân, nhận xe lăn mà rơm rớm nước mắt, Nam nhận ra rằng, mình tật nguyền nhưng mình còn may mắn hơn rất nhiều người khác...

Thời gian gần đây, sức khỏe của Huỳnh Tiểu Hương, Giám đốc Trung tâm nhân đạo Quê Hương, nơi nương tựa của hàng trăm trẻ mồ côi, giảm sút. Một hôm, Hương cho biết chị muốn giao lại toàn bộ trung tâm cho Nam quản lý... Nam không trả lời ngay, Nam nói  rằng, Nam cần thời gian để suy nghĩ.

Ngày hôm sau, Nam đến và thành thật từ chối lời đề nghị  của Huỳnh Tiểu Hương bởi anh cho rằng vừa điều hành Công ty Vệ sĩ Văn Nhân, vừa điều hành Trung tâm nhân đạo Quê Hương, e có lời dị nghị cho rằng mình lợi dụng và tham lam quá. Nhưng anh sẵn lòng giúp đỡ bằng tất cả những gì mình có thể khi Huỳnh Tiểu Hương yêu cầu.

 Nam tâm niệm một điều rằng, giúp được người khác khó khăn hơn, cũng có nghĩa là mình đã trả một phần món nợ mình đã vay của cuộc đời. 28 tuổi, gây dựng nên một công ty, cũng tạm gọi là thành công, nhưng Nam xác định, con đường “trả nợ” của Nam mới chỉ bắt đầu

Thuận Thiên
.
.