Trại Thủ Đức - Ngày ấy, bây giờ

Thứ Sáu, 04/02/2011, 06:30
Hầu như rất nhiều người ngoài xã hội đều nghĩ rằng đã là cơm tù thì kham khổ lắm. Nhưng thực tế thì một bữa cơm trưa tại Trại cải tạo Thủ Đức mà chúng tôi tận mắt chứng kiến, là cơm gạo trắng với rau cải luộc, cá kho, đậu hũ chiên. Thượng tá Hạnh - Phó Giám thị cho biết theo chế độ, bữa ăn của các phạm nhân đều đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, còn ngày tết thì không thiếu kẹo, mứt, thịt heo, thịt bò, bánh chưng…

Sáng ngày 9/10/2010, tôi đến Trại cải tạo Thủ Đức, hay còn gọi là Trại Hàm Tân, Trại Z30D, nơi có hơn 7 nghìn phạm nhân đang chấp hành hình phạt tại đây…

Nằm ở cực nam của tỉnh Bình Thuận, ngay cạnh Quốc lộ 1, Trại Thủ Đức tọa lạc trên một diện tích gần 20 nghìn hécta. Hơn 30 năm trước, Bộ Nội vụ quyết định dời Trại Thủ Đức (Trung tâm cải huấn Thủ Đức của chính quyền Sài Gòn) tại TP HCM về địa bàn xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Thuở ban đầu, đây là những khu rừng lá rậm rạp, đầy muỗi, mòng, Và mặc dù nằm sát chân núi, nhưng nguồn nước lại thiếu thốn.

Ngoài một con suối nhỏ chạy ngang qua phần đất của Trại, mùa mưa đục ngầu bùn, còn mùa nắng thì trơ ra sỏi đá, các giếng khoan mà Trại tiến hành khoan thăm dò, nhiều giếng mũi khoan mới xuống được vài chục mét là đụng phải đá - loại đá bàn - chẳng ai biết nó lớn chừng nào, sâu bao nhiêu…

Ấy thế mà nếu so sánh với lần tôi đến cách đây 5 năm trước, thì Trại Thủ Đức bây giờ thay đổi nhiều lắm. Ngoài những rừng bạch đàn, cao su, cà phê, lúa, khu chăn nuôi heo, bò, với những ao hồ nuôi cá, nhà máy chế biến nông sản, nhìn chẳng khác gì một nông trường lớn, Trại còn xây dựng những di tích lịch sử như Hồ Gươm, Tháp Rùa, Đền Hùng, Chùa Một Cột, Chùa Thiên Mụ…, vừa để tạo ra phong cảnh hữu tình, vừa để cho phạm nhân tìm hiểu thêm về những danh thắng của đất nước.

Một số phạm nhân đã tham gia xây dựng những công trình này, kể: "Được Ban Giám thị Trại cung cấp cho những bức ảnh, chụp các di tích ở nhiều góc độ khác nhau, rồi cho anh em chúng tôi đi thực tế tại hiện trường, nơi sẽ tiến hành xây dựng những di tích ấy, chúng tôi vẽ phác thảo trên giấy, tính toán khối lượng vật tư, công lao động. Sau khi đề án được Ban giám thị Trại phê duyệt, chúng tôi liền bắt tay vào việc với tinh thần hăng hái, nhiệt tình vì đây cũng chính là sự thể hiện nỗ lực phấn đấu trong học tập cải tạo…".

Nói thì đơn giản, nhưng để làm được những việc này, lại chẳng hề đơn giản chút nào. Quyết định xóa sổ rừng lá buông để thay vào đó bằng rừng tràm, rừng xà cừ, rừng cao su và các loại cây ăn trái, cây công nghiệp là định hướng đúng đắn của lãnh đạo Trại. Nhưng khi bắt tay vào việc lại gặp quá nhiều khó khăn. Thời tiết ở đây một năm có 7 tháng nắng, 5 tháng mưa. Mùa nắng thì nắng… bốc khói còn mùa mưa như vắt ra nước.

Thượng tá Hạnh, Phó giám thị, kể: "Rễ cây buông ăn sâu vào đất đá nên để lấy sạch rễ của nó, lắm khi phải moi lên cả mét khối đá. Còn  chuyện bị gai ở lá buông đâm vào chân, vào tay, thậm chí vào mặt là chuyện bình thường". Thiếu tướng Hồ Thanh Đình, đã từng có thời là Giám thị Trại Thủ Đức - và nay là lãnh đạo Tổng cục VIII, nói: "Hồi đó, vùng này ngày nào cũng xảy ra nạn phá rừng. Rồi các băng nhóm lâm tặc tranh giành lãnh địa, đâm chém nhau. Trại vừa lo quản lý, giáo dục trại viên, lại vừa phải cùng địa phương đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên diện tích  rừng được giao, nếu không có phương án cụ thể và quyết tâm cao, thì không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại, cho biết: "Phạm nhân ở trại có mức án từ trên 5 năm đến 20 năm hoặc chung thân. Đại đa số đều chấp hành tốt nội quy, quy định của Trại với mong muốn sớm được hưởng lượng khoan hồng của Đảng và Nhà nước". Để tạo thuận lợi trong việc quản lý, giáo dục, Trại Thủ Đức được chia thành nhiều phân trại, và một trong những điều gây ấn tượng nhất với chúng tôi, là phân trại nào cũng  có một thư viện với gần 3.000 đầu sách, báo.

Thượng tá Hùng, Phó giám thị Trại, nói: "Hầu hết sách, báo đều mua bằng nguồn kinh phí của Trại". Tại đây, chúng tôi nhận thấy chủng loại sách, báo rất đa dạng, từ những bộ tuyển tập Mác-Lênin đến loại sách "Học làm người", những cuốn tiểu thuyết hình sự, tâm lý, tình cảm và cũng chẳng thiếu những bộ sách kiếm hiệp.

Chúng tôi hỏi anh L., khi anh đang ngồi chăm chú với cuốn sách dạy nấu ăn. Anh nói: "Tôi từng mong ước mở một nhà hàng. Nhưng rồi định mệnh đưa đẩy nên tôi phải vào đây. Tuy nhiên, tôi vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó, tôi được giảm án, đặc xá vì cải tạo tốt và lúc ấy, tôi quyết tâm sẽ thực hiện mơ ước của mình".

Ở một góc khác, phạm nhân B. đang lẩm nhẩm đọc từng dòng trên trang báo Sài Gòn Giải Phóng. Vào tù, B. vẫn là người mù chữ. Được các cán bộ quản giáo động viên, chỉ sau 3 năm, B. đã biết đọc, biết viết và đã viết được những bức thư rất tình cảm, gửi về cho vợ và đứa con 6 tuổi. B. cho biết: "Em nghe mấy người bạn ở chung phòng nói cuốn "Phút nhìn lại mình" là cuốn sách rất hay, nhưng trình độ em chưa hiểu nổi. Em đang đặt ra mục tiêu là tiếp tục học, để đọc và hiểu được ý nghĩa của cuốn sách này".

Thế mới biết, đi tù không phải là hết, và người tù vẫn là một con người hướng thiện nếu ta biết khơi dậy cái tính "thiện" trong họ. Đại tá Thông nói: "Mỗi người vào đây đều có một hoàn cảnh, một số phận, một động cơ, một nguyên nhân phạm tội khác nhau. Để biến họ thành người lương thiện, có ích cho xã hội khi họ trở về với cuộc đời, tránh tái phạm, anh chị em cán bộ, giám thị, quản giáo chúng tôi phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, năng lực sở trường của từng cá nhân để đề ra những phương án giáo dục cụ thể". Những phương án ấy là học văn hóa, học nghề, là sinh hoạt văn nghệ, thể thao, là những chương trình truyền hình mà máy thu hình được đặt ngay trong buồng ngủ.

Phạm nhân trại Thủ Đức trong giờ thể thao.

Thượng tá Hạnh, Phó Giám thị, kể: "Có lần, tôi để ý thấy một phạm nhân khá ủ rũ mặc dù anh ta vẫn chấp hành tốt nội quy, kỷ luật lao động. Tìm hiểu, tôi mới biết anh ta đang lo âu vì có đứa con chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Anh ta ân hận vì mình đã phạm tội, gây ảnh hưởng đến tinh thần con cái nên anh ta sợ nó thi rớt".

Vậy là một mặt, các giám thị tích cực động viên, mặt khác nhắn với gia đình anh ta là khi đến  thăm, nên cho đứa con đi cùng. Trong buổi gặp gỡ ấy, với sự khích lệ tinh thần của cán bộ Trại, cùng với những lời tâm sự, khuyên nhủ của người cha, đứa con trai đã đỗ tốt nghiệp. Chả thế mà Trại Thủ Đức từ lâu đã hình thành một slogan rất nổi tiếng, ngay cả những phạm nhân là người nước ngoài cũng thuộc lòng: "Nơi mảnh đất nảy mầm nhân ái".

Nói chuyện máy thu hình ở từng buồng ngủ của phạm nhân, thì ngay từ năm 1997, Ban Giám thị Trại đã cho lắp đặt mỗi buồng một tivi màu 21 inch. Tuy nhiên, xem cái gì thì lại tùy thuộc vào sự lựa chọn của từng buồng nên đã phát sinh việc tranh giành để xem chương trình mà mình ưa thích. Phạm nhân Châu, nói: "Nhiều đêm, có nhóm người thích xem bóng đá nhưng có nhóm người lại muốn nghe ca nhạc, dẫn đến cãi cọ". Hơn nữa, một số đài truyền hình địa phương chiếu nhiều phim thuộc dạng “xã hội đen”, không phù hợp với tinh thần giáo dục phạm nhân nên từ năm 2002, Ban Giám thị đã thiết kế một hệ thống phát hình thống nhất, tất cả các buồng ngủ đều được xem cùng một chương trình.

Thượng tá Hùng, nói: "Hàng ngày, anh em cán bộ ở bộ phận giáo dục theo dõi lịch phát sóng của các đài truyền hình rồi chọn ra những tiết mục phù hợp, được phạm nhân ưa thích". Đến nay, tối nào cũng vậy, từ 19h đến 22h, phạm nhân được xem các chương trình thời sự, giải trí trên VTV1, VTV3, HTV7, HTV9, các thông tin khoa học, khám phá trên VTV2, VTCV6 nên chẳng lấy gì ngạc nhiên khi có người ở tù đã trên 10 năm, nhưng lại biết rõ về cuộc sống bên ngoài, về những thành quả mà đất nước đã đạt được.

Còn chuyện ăn uống, hầu như rất nhiều người ngoài xã hội đều nghĩ rằng đã là cơm tù thì kham khổ lắm. Nhưng thực tế thì một bữa cơm trưa tại Trại Hàm Tân mà chúng tôi tận mắt chứng kiến, là  cơm gạo trắng với rau cải luộc, cá kho, đậu hũ chiên. Thượng  tá Hạnh, Phó giám thị cho biết theo chế độ, bữa ăn của các phạm nhân đều đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, còn ngày tết thì không thiếu kẹo, mứt, thịt heo, thịt bò, bánh chưng…

Bên cạnh đó, căn cứ vào kết quả lao động sản xuất, Ban Giám thị Trại trích lại một phần bồi dưỡng trực tiếp vào bữa ăn cho phạm nhân mà chẳng hạn như tô canh rau cải,  rau muống hoặc rau dền nấu với tôm, tép, thịt nạc.

Điều đặc biệt là để đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm thời gian, chất đốt, tất cả đồ ăn thức uống của phạm nhân đều được nấu bằng hệ thống nồi hơi rất hiện đại. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết có khoảng 30% phạm nhân không được gia đình thường xuyên thăm nom. Để động viên những người này, từ giữa năm 2007, Ban Giám thị Trại đã phát động, thành lập "Quỹ tấm lòng vàng" trong phạm nhân, cán bộ Trại và gia đình phạm nhân.

Cứ 6 tháng một lần, Ban Giám thị mở quỹ. Những ai trong 6 tháng mà không có gia đình đến thăm, sẽ được hỗ trợ từ 100 đến 200 nghìn đồng để mua những nhu yếu phẩm cần thiết. Nếu ốm đau phải nằm bệnh viện thì được hỗ trợ 7.000 đồng mỗi ngày, còn nếu bệnh nhẹ, nằm bệnh xá của Trại thì được bồi dưỡng thêm trong khẩu phần ăn. Bên cạnh đó, mỗi tháng một lần, cán bộ phụ trách các phân trại đều  tổ chức các buổi đối thoại với phạm nhân, lắng nghe những ý kiến phản ảnh của phạm nhân về các mặt đời sống, sinh hoạt, lao động…

Chị H., án phạt tù 12 năm vì tội mua bán chất ma túy, nói: "Với những phạm nhân tích cực cải tạo, không vi phạm nội quy, kỷ luật của Trại, hàng tháng được điện thoại về nhà, trò chuyện với gia đình. Nếu vợ - hoặc chồng lên thăm, vợ chồng được gặp nhau một ngày tại "nhà hạnh phúc".

Tất cả những điều đó đã khiến cho phạm nhân yên tâm cải tạo, tin tưởng vào chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Cũng không thể không nhắc đến những buổi lễ đặc xá, được tổ chức đều đặn vào những dịp 30/4, Quốc khánh 2/9, tết cổ truyền hàng năm… Nếu như ngày mới bước chân vào Trại, họ đã có những đêm dài mất ngủ vì nhớ nhà, vì ân hận, chán nản, tuyệt vọng và nhất là phải đối mặt với mức án lắm khi lên đến 10, 15 hay 20 năm, thì bây giờ, cánh cửa tự do đang mở rộng ra trước mắt họ. Niềm vui của những người được đặc xá cũng là hạnh phúc của tập thể cán bộ, quản giáo Trại Thủ Đức.

Để trả về với xã hội những con người từng có thời lầm lỗi, cán bộ, quản giáo Trại Thủ Đức đã tận tụy ngày đêm để giúp từng con người loại bỏ cái xấu, cái ác, vươn đến những điều thiện  mà  phần nào đã được thể hiện qua những dòng chữ do chính tay phạm nhân viết trong cuốn sổ lưu niệm ngày họ được tha: "Xin nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của tôi đối với Ban Giám thị và các cán bộ quản giáo Trại Thủ Đức, những người đã giúp tôi hiểu rõ về hai chữ "tình người"…

V.C.
.
.