Trải nghiệm lạ ở Đoàn Kỵ binh

Chủ Nhật, 06/12/2020, 15:13
“Ông bố trẻ đi mua sữa cho con à?”, nghe chị bán hàng hỏi, Thượng úy Nguyễn Anh Vũ cười: “Dạ không, em mua sữa và bình sữa cho ngựa con, ngựa mẹ chưa có sữa chị ạ”. Chị bán hàng ngạc nhiên lắm.

Sau đó là hành trình nuôi bộ ngựa con, cũng đun nước, pha sữa với nước ấm và cho ngựa bú bình. Cứ 3 tiếng một cữ sữa, bất kể đêm ngày. Lúc đầu, ngựa con uống được 30ml, sau tăng dần lên... Đó là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm của các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an trong quá trình chăm sóc, huấn luyện và phát triển quy mô đàn ngựa.

Từ khi có thêm những thành viên ngựa nhỏ tuổi, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn càng thêm bận bịu và nhiều lần lo lắng đến nghẹt thở nhưng niềm vui khi đàn ngựa ngày một phát triển cũng nhân lên gấp bội...

Thượng úy Nguyễn Anh Vũ - cán bộ Đội Chăn nuôi thú y đang chăm sóc ngựa con.

“Ăn nhẹ, uống khẽ, đi duyên dáng”

Khu vực luyện tập và chăn thả ngựa của Đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) kỵ binh trên đồi Bá Vân chia thành các khu riêng biệt, ngăn cách bởi những hàng rào gỗ chạy dài. Đại tá Nguyễn Huy Hạnh - Đoàn trưởng Đoàn CSCĐ kỵ binh vừa dẫn chúng tôi đi tham quan vừa giới thiệu. Bên  phải là khu luyện tập, thuần dưỡng ngựa phục vụ cho công tác chiến đấu, bên trái là khu nuôi ngựa sinh sản để tăng số lượng đàn ngựa. Bên hàng rào, 8 chú ngựa cái và 1 chú ngựa đực được thả cùng một khu, đang nhẩn nha gặm cỏ, có cả ngựa con quấn quýt theo mẹ.

Được biên chế vào Đoàn từ ngày 4-1-2020, đàn ngựa khi ấy có hơn 100 con, trong đó có 3 ngựa cái đang mang thai. Sau gần một năm, đến nay 3 chú ngựa con đã chào đời ngay tại khu đồi Bá Vân - nơi Đoàn đóng quân. Ngay từ đầu, ngựa mang thai đã được chú ý chăm sóc đặc biệt. Chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, nguồn nước và thức ăn được đảm bảo. Bình thường, một con ngựa trưởng thành ăn 35-40kg thức ăn/ngày. Với ngựa mang thai thì khẩu phần ăn giàu dinh dưỡng hơn, tăng tỉ lệ cám hỗn hợp và cỏ khô nhiều dưỡng chất, giảm cỏ tươi và cho ngựa liếm đá muối thường xuyên để bổ sung khoáng chất.

Có tìm hiểu sâu chúng tôi mới thấy công việc theo dõi và chăm sóc ngựa mang thai kỳ công đến mức nào. Và nhiệm vụ quan trọng này chủ yếu thuộc về Đội Chăn nuôi thú y thuộc Đoàn CSCĐ kỵ binh. Thượng úy Nguyễn Anh Vũ - bác sĩ thú y của Đội bật mí cho chúng tôi biết rằng ngựa là loài vật khá đặc biệt, vừa nuôi con bên ngoài, vừa có thể mang bầu.

Sau khi ngựa mẹ đẻ con được 28 ngày sẽ ghép đàn trở lại. Đó cũng là lúc ngựa mẹ đến thời kỳ động dục, có thể phối giống để chuẩn bị cho kỳ sinh sản tiếp theo. Do đó, các mốc thời gian phải được ghi chép lại cẩn thận để tính thời điểm thụ thai và tuổi thai. Hiện tại, Đoàn đã được trang bị máy siêu âm thai cho ngựa mang bầu nhưng vẫn phải kết hợp với phương pháp khám thai trực tiếp bằng tay qua trực tràng để ước chừng kích thước thai, tuổi thai.

Đến giai đoạn cuối của thai kỳ, ngựa mẹ tăng cân nhiều, trọng lượng cỡ khoảng 4 tạ nên được các cán bộ thú y chăm sóc cẩn thận. Thức ăn giàu đạm hơn, chuồng được lót nền cát, khu chăn thả riêng có địa hình bằng phẳng, không có ụ dốc để đảm bảo ngựa mẹ “ăn nhẹ, uống khẽ, đi duyên dáng”, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

Việc khám thai cho ngựa mẹ không chỉ là siêu âm mà còn là “sờ, nắn, gõ, nghe” để xác định tư thế thai. Nếu thai thuận thì việc sinh nở có phần dễ dàng hơn, còn nếu thai ngược, thai ngang thì các bác sĩ phải tính đến các biện pháp hỗ trợ khi ngựa mẹ “lâm bồn”. Xem ra, việc chăm sóc ngựa mang bầu không hề đơn giản.

Cán bộ Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh tắm cho chú ngựa con đầu tiên sinh ra tại Đoàn.

“Bà đỡ” mát tay

Đại tá Nguyễn Huy Hạnh bảo với tôi, cán bộ chiến sĩ ở Đoàn phụ trách chăm sóc, huấn luyện ngựa đều là những người rất trẻ. Như Thượng úy Vũ (sinh năm 1992) sau một thời gian công tác tại Trung tâm Huấn luyện và Sử dụng động vật nghiệp vụ đã nhận nhiệm vụ mới là chăm sóc đàn ngựa. Việc chăm ngựa mang thai đã kĩ lưỡng nhưng đến khâu đỡ đẻ cho ngựa và chăm sóc ngựa sơ sinh lại càng kỳ công.

Nếu như loài chó chỉ mang thai khoảng 2 tháng và dao động trong 2 ngày thì loài ngựa phải “bụng mang dạ chửa” đến 11 tháng, dao động 15 ngày mới đến kỳ sinh nở. Chỉ tính riêng khoảng thời gian dao động đã kéo dài 1 tháng, cũng đồng nghĩa với việc cả tháng trời các bác sĩ thú y luôn trong tình trạng “trực vỡ đê”.

“Hiện đàn ngựa của Đoàn CSCĐ kỵ binh đang trong giai đoạn phát triển và sinh sản tốt nhất. Chỉ một thời gian nữa, Đoàn sẽ có thêm những thành viên mới. Số lượng đàn ngựa nhích dần, niềm vui của chúng tôi cũng được nhân lên. Đó là những thành quả của sự cố gắng, nỗ lực để tăng số lượng đàn ngựa, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ chuyên môn” - theo Đại tá Nguyễn Huy Hạnh, Đoàn trưởng Đoàn CSCĐ kỵ binh, Bộ Tư lệnh CSCĐ.

Với Đoàn CSCĐ kỵ binh, thời điểm chú ngựa con đầu tiên được sinh ra là một dấu mốc đáng nhớ. Càng gần đến ngày quan trọng, cả đoàn càng hồi hộp chờ đợi, dành sự quan tâm đặc biệt cho ca vượt cạn đầu tiên này. Các cán bộ, chiến sĩ được tăng cường trực cả đêm lẫn ngày để nắm bắt mọi biểu hiện của ngựa mẹ. Cán bộ thú y cả ngày không rời chuồng ngựa. Vì là lần đầu tiên đỡ đẻ cho ngựa nên các anh phải mày mò tìm hiểu qua sách vở, nhờ tư vấn từ các chuyên gia, chuẩn bị ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Rồi thời điểm đặc biệt cũng đến.

Một đêm tháng 4-2020, ngựa mẹ có dấu hiệu chuyển dạ, bụng sa xuống, ngựa mẹ bồn chồn hết đứng lại nằm, rồi đi vòng quanh chuồng và bỏ ăn. Đêm ấy, từ cán bộ chỉ huy đến các chiến sĩ đều thức để lặng lẽ theo dõi ngựa mẹ. Đèn điện tắt hết để ngựa mẹ đẻ tự nhiên. Vì tư thế thai thuận nên ngựa mẹ sinh con thuận lợi. Các cán bộ thú y nhanh chóng cắt dây rốn và lau cho ngựa con, loại bỏ dịch ở mũi, tai ngựa con và hỗ trợ ngựa mẹ tống nhau thai ra ngoài. Liền sau đó, ngựa con được hỗ trợ đứng dậy và bú mẹ.

Khi ngựa đã “mẹ tròn con vuông”, câu chuyện về thành viên mới, về ca đỡ đẻ đầu tiên ở đồi Bá Vân truyền đi khắp đơn vị. Đại tá Nguyễn Huy Hạnh nói với tôi rằng chú ngựa đầu tiên được sinh ra đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt cho Đoàn CSCĐ kỵ binh trong những ngày đầu thành lập, vì vậy đơn vị tổ chức ăn mừng trong niềm vui hân hoan. Dấu ấn ấy còn nhận được sự quan tâm đặc biệt khi Tư lệnh CSCĐ, Trung tướng Phạm Quốc Cương lên tận Đoàn động viên cán bộ chiến sĩ.

Ngựa con đầu tiên sinh ra là ngựa đực, nặng gần 30kg. Hằng ngày được chăm sóc, tắm rửa sạch sẽ và ở chuồng riêng cùng mẹ. Ngoài 2 tuần, ngựa con được theo mẹ ra bãi chăn thả riêng. Một tháng đầu, ngựa con hầu như chỉ bú sữa mẹ, từ tháng thứ 2 được tập ăn dặm gồm cám hỗn hợp và cỏ xay. Đến nay, ngựa con đã được 7 tháng tuổi, nặng khoảng 150kg và đang tập tách mẹ để ăn uống tự lập, chuyển sang giai đoạn thuần dưỡng và huấn luyện.

Các cán bộ Đội Chăn nuôi thú y đã phải rất vất vả để hỗ trợ ngựa mẹ mới sinh có sữa cho con bú.

Khi “nhà” có “trẻ con”

Thời gian gắn với đàn ngựa đến thời điểm này mới chỉ khoảng 11 tháng nhưng sự vất vả, lạ lẫm, những lúc lo lắng đến thót tim của chỉ huy, cán bộ chiến sĩ Đoàn CSCĐ kỵ binh thì ngày càng nhiều lên. Quá trình chăm sóc và huấn luyện ngựa chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn ngựa con theo mẹ từ 0-6 tháng tuổi, giai đoạn ngựa choai từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 12, giai đoạn ngựa hậu bị được tính từ tháng thứ 13 đến dưới 36 tháng tuổi.

Ở giai đoạn này sẽ tiến hành chọn lọc theo các tiêu chí hình thể để phân ra ngựa giống và ngựa huấn luyện. Ngựa phải đưa vào huấn luyện đúng độ tuổi. Nếu sớm quá, khi hệ xương, hệ cơ phát triển chưa đồng đều sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động của ngựa. Giai đoạn ngựa trưởng thành được tính khi ngựa trên 36 tháng tuổi. Ở mỗi giai đoạn phải điều chỉnh chế độ ăn, hình hành thói quen và dạy dỗ công phu. Nhưng, 3 năm đầu thì việc chăm sóc ngựa kỳ công và tỉ mỉ như chăm con mọn.

Cán bộ Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh huấn luyện ngựa nhảy vượt rào.

Đến nay, Thượng úy Vũ đã là “bà đỡ mát tay” của 3 chú ngựa con. Mỗi ca đỡ đẻ là một trải nghiệm khác biệt. Ca đầu tiên diễn ra thuận lợi. Ca thứ 2, ngựa mẹ trở dạ lâu hơn, phải tiêm thuốc trợ lực và dùng các biện pháp hỗ trợ ngựa sinh sản. Cuối cùng thì ngựa mẹ cũng vượt cạn thành công, sinh ra chú ngựa đực thứ 2. Đến con ngựa thứ 3 chào đời thì khó khăn tăng lên gấp bội. Đó là “công chúa ngựa” đầu tiên của trại sinh vào tháng 9-2020.

Ba ngày đầu sau sinh, ngựa mẹ không có sữa. Nhìn ngựa con đói, cả đoàn ai cũng thương và sốt ruột. Riêng Thượng úy Vũ thì vô cùng lo lắng bởi anh hiểu nguồn sữa đầu sẽ rất tốt trong việc tăng sức đề kháng cho ngựa con.

Nghĩ vậy, anh liền mua sữa bột dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi về cho ngựa con bú bình. Rồi anh nảy ra ý định cho ngựa con đi “bú nhờ”, vì với ngựa con thì không sữa nào tốt bằng sữa của ngựa mẹ. Thật may, lúc đó ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi gần đó có ngựa cái có thể cho ngựa con “bú nhờ”. Anh xin ý kiến lãnh đạo Đoàn và tức tốc đi “mượn” ngựa về.

Tưởng thế đã tạm yên tâm, nào ngờ con ngựa cái mượn về mặc dù nhiều sữa nhưng lại không cho ngựa con bú. Các cán bộ thú y lại kì công vắt từng chút sữa đổ vào bình cho ngựa con bú. Sau đó phải cố định con ngựa cái, đưa ngựa con đến gần làm quen và tập bú. Mặt khác, vẫn tích cực dùng thuốc bổ trợ, tăng cường dinh dưỡng để kích sữa cho ngựa mẹ.

20 ngày sau, ngựa mẹ đã có nhiều sữa đủ cho ngựa con bú. Chỉ khi đón ngựa con về với mẹ, nhìn thấy cảnh ngựa con bú no sữa và quanh quẩn bên ngựa mẹ thì cán bộ chiến sĩ trong Đoàn mới thở phào nhẹ nhõm. Thượng úy Vũ nhớ lại kỉ niệm đó và thốt lên: “Trộm vía là đến bây giờ thì nàng công chúa ngựa ấy đã khỏe mạnh và lớn hơn nhiều rồi chị ạ”.

Thời tiết những ngày này chuyển mùa lúc nóng lúc lạnh khiến việc chăm sóc đàn ngựa phải thay đổi theo ngày. Ngày nào nắng ấm thì vệ sinh, tắm chải vào buổi sáng để loại bỏ bụi bẩn, dị vật, kịp thời phát hiện các vết trầy xước trên cơ thể ngựa. Ngày lạnh thì giờ tắm sẽ chuyển sang đầu giờ chiều. Lũ ngựa con rất thích được tắm chải, cứ đứng yên, ve vẩy đôi tai ra chiều thích thú. Ngày ngày gắn bó với đàn ngựa, giờ đây các cán bộ ở Đội Chăn nuôi thú y có bí quyết “cân ngựa bằng mắt” - nghĩa là chẳng cần cho ngựa lên cân, chỉ quan sát cũng ước chừng được cân nặng của từng con.

Huyền Châm - Phong Sơn
.
.