Trập trùng miền biên ải

Chủ Nhật, 29/01/2017, 17:25
Đồn biên phòng có tên... Lóng Sập. Lóng Sập cũng là tên một xã vùng biên ải của huyện Mộc Châu, Sơn La, ở độ cao gần 1.300m so với mặt nước biển. Đường lên Lóng Sập trập trùng núi cao, đường bé vòng vèo, eo dốc; có chỗ hai bên là núi, có nơi bên núi bên vực, hoặc bên non bên thung lũng nhỏ. Bắt đầu từ quốc lộ 6, chỗ ngã ba Pa Háng theo đường 43, đi khoảng 35 km qua Mường Sang, Đông Sang, Chiềng Ve,... đến tận biên giới là cửa khẩu Lóng Sập.

Đồn biên phòng quản lý hơn 40 km đường biên thuộc các xã Lóng Sập, Chiềng Khừa, Chiềng Sơn và cửa khẩu quốc gia Lóng Sập, với 46 bản, tiểu khu. Chỉ riêng xã Lóng Sập đã có 14 bản người Mông, Thái và Khơ Mú, nhưng mật độ dân cư thưa vắng, người sống rải rác, từ nhà nọ đến nhà kia vài cái quăng dao.

Đoàn nhà văn chúng tôi lên đến đồn biên phòng thì trời đã nửa chiều. Mặt trời trốn biệt vào cái nền xam xám như đang sắp đổ ụp xuống đầu. Gió mạnh thổi ù ù. Các nương ngô của người Mông thu hoạch xong, lá khô quắt. Thiếu tá Nguyễn Danh Tuệ - Đồn trưởng đưa chúng tôi lên cửa khẩu Lóng Sập. Càng lên cao, gió càng thổi mạnh và đường càng quanh co, dốc thẳm. Cửa khẩu có 15 cán bộ chiến sĩ biên phòng, bên cạnh còn hải quan xuất nhập cảnh. Cánh buôn lậu vẫn chọn con đường qua cửa khẩu để vận chuyển thuốc phiện, ma túy từ Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào về Việt Nam.

Thiếu tá Nguyễn Danh Tuệ nói rằng: khu vực cánh gà cửa khẩu Lóng Sập có rất nhiều đường mòn, lối đi mở, các đường cắt ngang, đan chéo. Lực lượng biên phòng thì ít, nơi ở cố định, trong khi đó bọn buôn lậu thì tai mắt khắp nơi, tinh ranh, thoắt đi chợt đến, đóng giả người đi nương, kẻ du lịch. Ma túy cất giấu trong quần áo, trong cốp xe, yên xe, trong vành vô lăng, trong thùng xe hai đáy.

Cũng chẳng thiếu vụ vận chuyển ma túy công khai, ngang nhiên khoác trên ba lô, mang áo chống đạn, mang vũ khí nóng sẵn sàng chống cự khi bị truy bắt. Đồn biên phòng Lóng Sập chưa xảy ra một trường hợp thương vong nào đáng tiếc, nhưng bên đồn Yên Châu đã có một chiến sĩ hy sinh lúc truy bắt bọn vận chuyển ma túy.

Anh Tuệ nhớ trước đây còn công tác dưới đội phòng chống ma túy, các anh không chỉ đi tuần tra mà còn mai phục. Chọn một chỗ đường lầy thụt... phục. Tôi hỏi: “Sao không chọn nơi khô ráo, cho đỡ khổ?”. Anh Tuệ bảo: “Nơi lầy thụt thì nó không chạy được, hoặc chạy khó khăn. Mình áp sát nhanh, chĩa súng ra thì chỉ có nước... đầu hàng”.

Anh Tuệ kể: Vậy mà, lúc bị vây bắt, cơn hăng máu bốc lên, bọn nó bỏ cả ủng chạy chân không bòm bọp trên bùn nhão lạnh buốt. Lần ấy, các anh mai phục đến tận 3 giờ sáng. Mỗi người một cái ni lông trải ra ngồi, mắt dõi theo con đường ngoằn ngoèo. Sương rơi ướt tóc. Răng đánh vào nhau lập cập. Tay lạnh cóng. Nhưng phát hiện được mục tiêu di động thì tỉnh táo hẳn, quên cả giá rét.

Đã nhiều năm nay, đồn biên phòng Lóng Sập bảo trợ điểm trường Buốc Pát. Trung tá Tòng Văn Sáng - chính trị viên phó đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập kể: Bản Buốc Pát nhỏ, nghèo, nhà cửa tuềnh toàng, có nhiều người dính vào ma túy. Bố hoặc mẹ bị bắt đi tù, bọn trẻ nhỏ lớn lên như cỏ dại, không có bàn tay người lớn dạy dỗ, thất học, phải theo mẹ lên nương làm lụng. Ba năm qua, các chiến sĩ biên phòng thường thức dậy từ lúc 4 giờ sáng nấu cơm, để kịp mang đến điểm trường Buốc Pát. Bếp đỏ lửa bập bùng. Người vo gạo, người ra vườn rau tự túc hái su su, hái rau muống,..

Cô giáo Nguyễn Thị Ngân khoe: “Các cháu được ăn cơm trắng, trứng rán, đậu phụ sốt cà chua. Có hôm thêm thịt kho”. Mục đích của việc làm tự nguyện giàu tình nghĩa này chỉ để các cháu không bị đói giữa buổi. Không bị đói thì không... bỏ học. Toàn bộ mấy chục suất cơm sáng chế độ ăn... như của quân nhân, cho các cháu người dân tộc thiểu số đều đặn mấy năm qua được huy động đóng góp tự nguyện của cán bộ chiến sĩ biên phòng đồn Lóng Sập.

Đội công tác biên phòng Pha Luông ở cách xa đồn Lóng Sập nhất. Họ có 6 người. Lò Văn Vui đội trưởng. Lò Xuân Chiều đội phó. Và Phạm Thiện Thuật, Nguyễn Văn Xuân, Hà Văn Chiến, Tòng Văn Long. 

Giúp dân sản xuất.

Pha Luông vời vợi xa xôi từ lâu đã đi vào bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây, súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Những ngày trời quang mây tạnh, khách du lịch đứng trên hòn đá lớn có những vết khắc hình con rồng, ngẩn ngơ nhìn biên giới Việt - Lào chia tách hai sườn núi, với hai thảm thực vật khác nhau.

Chinh phục đỉnh Pha Luông ở độ cao gần 2.000m là niềm tự hào, là cảm xúc mới lạ của “dân phượt” trên núi đá chênh vênh, giơ tay vén mây trời, và nhìn những vạt hoa đỗ quyên nở đỏ rực mọc xen kẽ trong các thảm rừng xanh thâm u... Nhưng, đó là các ngày nắng ráo, trời quang; là hình ảnh lãng mạn của dân phượt đến một hai ngày rồi đi. Còn các chiến sĩ biên phòng quanh năm bốn mùa ở Pha Luông?

Đội trưởng Lò Văn Vui lần thứ hai ăn tết ở Pha Luông, chứ Thuật, Xuân, Chiều đã 4 lần đón giao thừa ở đây. Quản lý khu vực biên giới có 4 cột mốc cây số, và ở xa đồn biên phòng Lóng Sập 27 cây số. Mùa đông, họ cũng phải đi tuần, cũng phải xuống bản nắm tình hình. Bản gần nhất là Pha Luông, xa nữa là Suối Thín cũng phải 10 cây số. Đường trập trùng đèo dốc, đi từ sáng làm việc, nắm địa bàn rồi trở về cũng tối chẫm.

Đi tuần tra biên giới thì thời gian dài hơn. Họ đi tuần không phải tính bằng giờ, bằng cây số mà tính bằng ngày đường. Mỗi lần đi tuần tra, ít thì 3 ngày, dài thì 5 ngày. Mùa đông lạnh buốt, răng đánh lập cập, miệng thở hơi nước bay như khói; đi đường rừng phải leo dốc, vạch lá cây chen giầy lựa lối khỏi đạp đá sắc, có khi tưởng như đứt hơi, tai miệng thi nhau thở, mồ hôi lúc nào cũng ướt đẫm lưng vai áo. Bao gạo, lương khô, đồ ăn khô và ba lô trên vai, đêm thì ngủ ở nhà dân, có khi ngủ lại rừng. Tăng treo phủ lên võng. Võng mắc đưa toòng teng. Gặp đêm trăng trong còn vạch lá rừng nhìn bầu trời xao xuyến lãng mạn, gặp tối mưa rét thì chỉ còn nước xuýt xoa, co ro ôm súng thức chờ trời sáng.

Thiếu tá Nguyễn Danh Tuệ - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lóng Sập và nhà văn Sương Nguyệt Minh bên cột mốc cửa khẩu.

Một lần tổ công tác biên phòng xuống bản Pha Luông của người Mông. Các anh ghé vào nhà ông Sùng A Câu. Hai vợ chồng ông đã bảy mươi tuổi, thuộc hộ nghèo đói, ở trong ngôi nhà rách nát, tồi tàn với đứa con gái và đứa cháu ngoại. Một cảnh tượng thương đến xót xa hiện ra: Sùng A Mỷ đang vạch vú cho thằng bé con bú choanh choách, rồi lại khóc ngằn ngặt. Bầu vú trần chìa ra, lở loét một bên. Áp-xe vú rồi.

Trung úy Lò Văn Vui kể: Có một sự thật thương tâm, buốt giá hơn những gì những người lính biên phòng nhìn thấy: Sùng A Mỷ vốn là một cô gái không có trí khôn, ngẩn ngơ và... câm điếc. Mỷ có thai rồi sinh ra thằng bé mà chẳng biết ai là cha nó. Còm nhom, xanh lướt, da bọc xương, vì mẹ nó không có sữa, cứ nghĩ là nó chết. Thằng bé ấy còn không được đặt tên và làm giấy khai sinh nữa.

Mấy anh em bàn nhau, chụp ảnh, rồi đưa lên mạng kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. Một tài khoản được lập ra, có sự giám sát chung... thu và chi. Mỷ cũng được đưa ra Bệnh viện Mộc Châu điều trị khỏi. Thằng bé cũng cứng cáp, khỏe mạnh. Những người lính biên phòng đặt tên nó là Sùng A Tủa.

Ngày giáp Tết, khi những cành đào phai từ Lào Cai, Sơn La, Bắc Cạn... rồng rắn nhau về Hà Nội, khi quất cảnh từ Phủ Lý, Hưng Yên... ngược Thủ đô và đào phai từ Đông Anh, đê Yên Phụ kìn kìn mang hương sắc mùa xuân vào nội thành thì những người lính biên phòng vẫn đi tuần tra, xuống gặp dân bám địa bàn. Song dù bận thế nào thì họ cũng làm một bữa tất niên, mời cán bộ xã, trưởng bản và các cô giáo điểm trường Pha Luông vào khoảng ngày 24, hoặc 25 tết, muộn hơn là các cô nghỉ tết về quê không dự được.

Vả lại, năm nào cũng phải 4 người ở lại trực, nên ăn tết trước cho 2 người sớm lên đường về nhà kịp tát ao, gói bánh chưng đón giao thừa. Ấm tình quân dân. Rộn ràng lời ca tiếng hát Then của người Thái, tiếng khèn của người Mông. Để lại cái rét ở núi rừng Pha Luông, các cô giáo bịn rịn chia tay những người lính biên phòng, hẹn hò sang xuân quay trở lại.

Đón giao thừa ở Đội công tác biên phòng Pha Luông chỉ có radio, và lướt mạng Internet, song nó phập phù lắm, lúc có lúc không. Không có điện lưới nên chẳng có ti vi. Tổ công tác phải dùng máy phát điện cỡ nhỏ, công suất không đủ sáng màn hình, chỉ thắp được mấy bóng điện sáng lom đom, nhưng cũng phải tiết kiệm trong khuôn khổ tiền được cấp mua dầu.

Radio mở to hết cỡ nghe Chủ tịch nước chúc tết và tiếng pháo hoa, tưởng tượng những ánh màu lung linh kết sáng trên nền trời hồ Hoàn Kiếm. Rồi bật loa điện thoại lên cho tất cả cùng nghe Đồn trưởng chúc Tết, còn bao nhiêu thương nhớ vợ con, bố mẹ, gia đình, bạn bè thì đã rộn rã hỏi thăm, chúc tụng trước giao thừa. Xa cách. Da diết. Nhớ thương... vốn thường ngày đã đong đầy, đêm cuối năm lại cồn cào nhân lên gấp bội.

Phải đến sáng mùng 2 các anh mới mang quà vào bản chúc tết, vui đón xuân với dân bản. Đến nhà ông trưởng bản Sùng A Tủa trước, sau đến các nhà ở bản Pha Luông. Mỗi nhà ngồi thăm hỏi chúc tụng một lúc, đến khi về thì chiều cũng vãn. Chân bước đi trong bụi mưa phùn lất phất, trước mặt là dãy Pha Luông hùng vĩ, trập trùng; sau lưng là tiếng sáo Mông trầm bổng vang náo nức đón xuân về.

* Ảnh trong bài: Ngô Quang Đức.

Sương Nguyệt Minh
.
.