Triển khai hệ thống tên lửa bảo vệ Olympic London 2012?

Thứ Năm, 08/12/2011, 15:45

Do lo ngại về an ninh tại sự kiện Olympic London 2012 nên Washington đang chuẩn bị gửi 1.000 đặc vụ, trong đó gồm 500 người của FBI, đến Anh nhằm tăng cường bảo vệ vận động viên và giới chức ngoại giao Mỹ. Về phía nước chủ nhà, Bộ Quốc phòng Anh (MoD) có kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa đất đối không chống khủng bố.

Theo giới quan chức quốc phòng Anh, có lẽ đây là lần đầu tiên Lực lượng Không quân và Hải quân Hoàng gia Anh cho triển khai hệ thống tên lửa đất đối không trong kho vũ khí gồm 340 tên lửa loại này của mình để bảo vệ người dân. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond đã xác nhận kế hoạch sau khi Washington bày tỏ mối lo ngại về vấn đề an ninh tại Olympic London 2012 và hứa hẹn sẽ gửi 1.000 đặc vụ đến nước Anh trong mùa hè năm tới. Liam Fox, người tiền nhiệm của Hammond, cũng bày tỏ lo ngại về an ninh khi nói trước Hạ viện Anh hôm 14/11 rằng đã từng cho triển khai tên lửa đất đối không tại sự kiện Olympic Atlanta, được tổ chức tại Mỹ năm 1996.

Năm 2008, Trung Quốc cũng lập một bệ phóng tên lửa đất đối không tại Olympic Bắc Kinh. Và nhiều tuần trước khi khai mạc Olympic 2004, sự kiện đầu tiên sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, Hy Lạp cũng đã cho triển khai tên lửa Patriot. Liam Fox cũng đề nghị Hammond tổ chức lực lượng bảo vệ nhiều tầng và mọi biện pháp cần thiết tại London vào mùa hè 2012.

Theo kế hoạch, hệ thống tên lửa đất đối không triển khai tại Anh nằm dưới sự điều khiển từ các căn cứ của không lực nước này. Các tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh được trang bị tên lửa phòng không sẽ tuần tra dọc theo những khu vực xung quanh bến cảng của thành phố London. Ngoài ra, một nhóm máy bay chiến đấu Tornado và Typhoon của Không lực Hoàng gia (RAF) có nhiệm vụ trực chiến sẵn sàng ứng phó đáp trả bọn không tặc. Cơ quan An ninh và Phản gián Anh (MI-5) và Cơ quan Tình báo đối ngoại MI-6 đã có báo cáo với Chính phủ Anh về mối đe dọa an ninh ở Olympic liên quan đến Al-Qaeda và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác, cho rằng có khoảng hơn 200 phần tử cực đoan ở Anh có âm mưu tấn công khủng bố sự kiện thể thao.

Để bảo đảm an ninh, giới quan chức Anh còn cho thiết lập một căn cứ bí mật bên bờ sông Thames, khu đông London, nhằm ứng phó kịp thời trước những tình huống khẩn cấp có khả năng xảy ra. Lực lượng đặc nhiệm tại căn cứ sẽ phản ứng nhanh qua đường thủy để không bị ngăn cản bởi tình hình giao thông trong mùa đấu giải và tức khắc vô hiệu hóa mọi âm mưu phá hoại hay khủng bố. Dự kiến chi phí cho an ninh vào khoảng 757 triệu bảng Anh, bao gồm 475 triệu bảng Anh dành cho lực lượng cảnh sát bảo vệ tại những điểm thi đấu.

Chiến dịch bảo đảm an ninh cho Olympic London 2012.

Lãnh đạo MI-5 Jonathan Evans mô tả Olympic là sự kiện quan trọng đòi hỏi sự tham gia của một lực lượng an ninh cực kỳ hùng hậu, đồng thời cho biết cơ quan đang chuẩn bị điều động hàng trăm nhân viên tình báo làm nhiệm vụ tại nhiều khu vực trong thành phố London. Ủy ban An ninh và Tình báo Nghị viện Anh (ISC) đánh giá cao mối quan ngại của Evans và cho rằng nước Anh cần phối hợp với Mỹ về bảo đảm an ninh cho Olympic London 2012.

Hiện thời Ủy ban London tổ chức Olympic và Paralympic Games (Locog), đơn vị có trách nhiệm chuẩn bị và tổ chức sự kiện, cũng chịu nhiều sức ép từ vấn đề an ninh. Ban đầu Locog dự kiến chỉ cần 10.000 vệ sĩ là đủ để bảo vệ tại 32 địa điểm thi đấu khắp nước Anh, song sau đó họ cho rằng cần phải tăng cường đến 21.000 người. Công ty an ninh tư nhân G4S cũng tham gia bảo vệ sự kiện nhưng Locog tuyên bố không có tiền để trả cho G4S, cũng không tin công ty này đủ sức đảm đương công việc và đề nghị MoD có sự hỗ trợ về nhân lực.

MoD dự kiến sẽ cung cấp 3.000 binh sĩ cộng với 2.000 người nữa trong lực lượng quân dự bị cho Locog, tức một nửa nhân lực theo yêu cầu và phần còn lại do đóng góp chung từ phía G4S - với lực lượng gồm 10.000 vệ sĩ và dự kiến sẽ tuyển mộ thêm - và lực lượng tình nguyện đang được huấn luyện trong chương trình gọi là "Lấp lỗ hổng". Tuy nhiên, hiện nay MoD và Bộ Nội vụ Anh chưa có quyết định cuối cùng về quân số tăng cường bổ sung an ninh cho một số địa điểm thi đấu Olympic. Còn lực lượng Cảnh sát London sẽ triển khai 12.000 sĩ quan an ninh phụ trách giám sát bên ngoài những điểm thi đấu.

 Bộ Nội vụ Anh và Scotland Yard tin rằng nước Anh có chiến lược an ninh hiệu quả, song điều đó vẫn không khiến cho giới quan chức Mỹ lo lắng. Phản ứng của cảnh sát trước vụ bạo loạn ở London, vụ bắt giữ một vệ sĩ tại một điểm thi đấu dành cho Olympic London 2012 vào đầu năm nay và những vụ bắt giữ không lâu trước cuộc viếng thăm của Giáo hoàng trong năm 2010 đã gây lo lắng cho người Mỹ. Mặc dù vậy bề ngoài quan chức Mỹ vẫn bày tỏ niềm tin vào sự bố trí an ninh của chính quyền Anh.

Theo tiết lộ của một quan chức Chính phủ Anh, người Mỹ không thích sự rủi ro và họ muốn bảo đảm về mọi thứ - tổ chức lực lượng bảo vệ, chiến lược chống khủng bố và bảo đảm an ninh cho VIP. Điều đó, theo nhận xét của quan chức này, có nghĩa là Mỹ và Anh không là đối tác bình đẳng trong vấn đề an ninh cho sự kiện Olympic London 2012!

Ngoài số đặc vụ Mỹ hỗ trợ cho London, các nhà tài trợ Olympic, bao gồm Coca-Cola, cũng sẽ đóng góp nhân viên an ninh cho sự kiện thể thao thế giới. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cam kết sẽ kiểm tra chi tiết về sự chuẩn bị an ninh cho sự kiện và theo giới quan chức Anh thì IOC rất tin tưởng vào chiến lược an ninh của nước này. Locog cho biết, họ sẽ quyết định tổng số nhân viên an ninh cần được huy động sau khi lịch thi đấu và các điểm thi đấu được chính thức công bố

Thục Miên (tổng hợp)
.
.