Trở lại “làng ung thư” Thạch Sơn

Chủ Nhật, 20/05/2007, 09:31

Ở Thạch Sơn bây giờ lúc nào cũng có khoảng 30 người mắc bệnh ung thư. Không còn được khám chữa bệnh miễn phí, dân “làng ung thư” mong được mua BHYT nhưng theo quy định phải 100% người dân tham gia mua bảo hiểm thì mới bán. Thế là tắc!

Hơn 1 năm tôi mới trở lại "làng ung thư" Thạch Sơn (huyện Lâm Thao, Phú Thọ). Không còn cảnh những đoàn kiểm tra thăm hỏi liên tục như khi báo chí mới đưa tin, làng quê này đã trở lại bình lặng như vốn dĩ vẫn thế. Nhưng, hàng ngàn người dân Thạch Sơn hằng ngày vẫn đang sống trong sợ hãi khi số người chết và mắc bệnh ung vẫn không giảm.

Những cảnh đời bệnh tật

Nghe tôi hỏi sau hơn 1 năm kể từ ngày được cả nước biết là “làng ung thư”, cuộc sống của người dân có gì thay đổi không? Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, bà Trần Thị Thắng thở dài: "Cũng có vài chuyển biến nhưng số người bệnh vẫn không giảm. Từ đầu năm 2006 tới hết tháng 3/2007, xã có 18 người chết vì ung thư.

Trong số ấy có 1 người là Giám đốc Quỹ tín dụng, 1 người là công an viên. Người dân ở đây vốn đã nghèo giờ lại nghèo hơn vì mắc bệnh nan y. Chúng tôi cũng muốn giúp đỡ lắm nhưng lực bất tòng tâm”.

Nhờ anh cán bộ UBND xã Thạch Sơn dẫn đường, tôi tìm tới gia đình bà Trần Thị Xuân, một trong số hàng chục bệnh nhân ung thư và là hộ nghèo nhất xã. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ, tuềnh toàng nằm chênh vênh ngang sườn đồi là một bà già nhỏ thó, chỉ còn da bọc xương.

Năm nay 74 tuổi, lại bị căn bệnh ung thư hành hạ hơn 1 năm, sống bằng thuốc là chính nên bà Xuân yếu lắm, ngồi nói chuyện mà bà liên tục phải ngừng để thở dốc.  Vợ chồng bà có 7 người con thì người con út Trần Hữu Cường sinh ra đã bị điếc, hồi nhỏ lại hai lần bị chó dại cắn phải đi tiêm phòng nên khi lớn chẳng biết làm gì ngoài đi chăn bò; may mà cũng có người lấy.

Thương đứa con út tật nguyền, cũng muốn đỡ đần thêm cho con dâu nên bà ở với vợ chồng Cường để trông hai đứa cháu. Nhà 5 miệng ăn mà lại chỉ có hơn 1 sào ruộng, để có tiền, cô con dâu hàng ngày phải đi vác gạch thuê cho mấy lò gạch trong xã. Cứ tưởng rằng ở cùng thì đỡ đần thêm cho con cháu nào ngờ bây giờ thêm gánh nặng cho con khi bà mắc bệnh ung thư.

Mà cái chuyện bà phát bệnh cũng hoàn toàn tình cờ. Đầu năm 2006, khi có đoàn bác sĩ về khám sức khỏe cho toàn bộ dân Thạch Sơn, bà đi khám thì bác sĩ kết luận bà bị ung thư tuyến giáp. Tháng 3/2006, bà được đưa về Bệnh viện K điều trị. Khi đó, do có chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế là điều trị miễn phí cho dân Thạch Sơn nên suốt thời gian 20 ngày nằm viện ở đây chẳng mất đồng tiền thuốc nào, lại còn được cấp thuốc mang về.

Đến tháng 12/2006, thấy khó thở, mặt nặng, các con lại đưa bà xuống Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp 20 ngày, bệnh viện cho thuốc về uống và hẹn uống hết thuốc thì xuống kiểm tra. Bây giờ thuốc cũng đã hết, lại thấy mặt nặng nhưng bà chưa dám đi viện vì không có tiền, bảo hiểm y tế thì đã hết hạn, năm nay lại không mua được.

Khó khăn không kém gia cảnh bà Xuân là gia đình chị Quản Thị Trường. Hôm tôi đến, chị Trường mới phát hiện ra bệnh hơn 1 tháng và người nhà đưa xuống Bệnh viện K điều trị nên chỉ có bà mẹ và chồng chị ở nhà trông cái quán hàng tạp hóa lèo tèo  cạnh đường làng. Nhắc tới chuyện của con, bà Đỗ Thị Hoa cứ khóc nức nở vì sớm muộn rồi bà cũng phải chịu cảnh “lá xanh rụng trước lá vàng”, bà lo “nó mà chết thì lấy ai nuôi hai đứa cháu bây giờ”.

Năm nay mới 39 tuổi, chị Trường là lao động chính của gia đình vì chồng chị bị bệnh thần kinh, năm nào cũng phải nằm điều trị vài tháng ở Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ. Một mình chạy chợ, kiếm từng đồng tiền lẻ để nuôi người chồng bệnh tật và 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học đã vắt kiệt sức lực của chị. Năm ngoái, chính chị cũng phải đi cấp cứu vì xuất huyết dạ dày, ra viện chưa kịp phục hồi đã phải lao đi chợ kiếm ăn. Nhưng tai họa vẫn chưa chịu buông tha cái gia đình này.

Đầu tháng 3/2006, chị Trường thấy nổi cục ở mang tai. Lúc đầu cứ tưởng là mọc nhọt nên tự mua cao dán về dán. Nhưng rồi cái cục ấy càng sưng to lên, khi xuống bệnh viện khám thì bác sĩ xác định là bị ung thư. Cầm kết quả xét nghiệm mà như nhận án tử hình. Nghe chị về thông báo bệnh, cả bà mẹ già, hai đứa con với mấy anh chị em đều khóc vì từ nay cái gia đình nhỏ này chẳng còn ai có sức để cáng đáng việc kiếm sống nữa.

Với căn bệnh ung thư, người nghèo khóc đã đành, ngay cả người giàu cũng khóc vì dù có chạy chữa với điều kiện tốt nhất nhưng rồi cũng đành bó tay...

Rời nhà chị Xuân, chúng tôi sang nhà ông Hoàng Công Trị, một người sau 3 năm nuôi vợ chống chọi với bệnh tật và chi phí hàng trăm triệu đồng nhưng rồi vẫn phải đau đớn nhìn vợ là bà Hoàng Thị Đề về thế giới bên kia vì căn bệnh ung thư máu. Bà Đề mới mất được gần 1 tháng.

Ngôi nhà rộng thênh thang chỉ còn lại một mình ông Trị vì các con của ông bà đều công tác dưới thành phố Việt Trì. Nhắc lại 3 năm nuôi vợ chống chọi với bệnh tật, ông Trị lấy từ trong tủ ra một cuốn sổ đã sờn mép và bảo đây là cuốn nhật ký nuôi vợ suốt 3 năm ông ghi lại để cho con cháu.

Tôi lật giở những trang giấy đã ngả màu và thấy ông ghi về cái ngày bà bắt đầu phát bệnh thế này: “Chóng mặt, sốt và phát bệnh sau khi đi chợ về sáng 24/5/2004. Sau khi chữa sốt và giảm dần chóng mặt, bà lại đi chợ bình thường, nhưng thỉnh thoảng xuất huyết dưới da. Người mệt, da thường xanh, vàng.

Ngày 26/10/2004, Lâm đưa bố, mẹ đi Hà Nội để kiểm tra sức khỏe.

Ngày 27/10, vào Viện Huyết học xét nghiệm máu họ phát hiện tế bào lạ, hôm sau Lâm, Hoa mới mang các dụng cụ sinh hoạt xuống vì không chuẩn bị tinh thần phải điều trị.

Như vậy từ ngày 24/5/2004 đến hôm vợ qua đời, 29/3/2007, là gần 3 năm. Còn thời gian trước không để ý, không biết có bệnh này từ bao giờ”.

Và trong cuốn nhật ký đầy đau đớn ấy, ông ghi cụ thể tất cả 43 lần đưa bà đi bệnh viện từ tỉnh tới trung ương, trong đó có 18 lần phải truyền máu với số lượng lên tới 12,250 lít.--PageBreak--

Ngồi nói chuyện với tôi, ông cứ luôn tay lấy khăn lau mắt rồi buồn bã bảo: “Tôi bị bệnh tim nên cứ nghĩ sẽ chết trước bà ấy. Khi về hưu, tôi tiết kiệm được mấy trăm triệu, gửi tiết kiệm để nếu tôi đi trước bà ấy còn có tiền, không phải nhờ các con. Vậy mà mấy trăm triệu tiêu hết rồi, người vẫn  không giữ được”. Nhìn cảnh ông già gần 70 tuổi ngồi khóc vợ giữa căn nhà vắng lặng trong buổi chiều chạng vạng tôi cũng thấy buồn lây.

Nhưng ở Thạch Sơn còn không ít những cảnh đời như vậy. Chỉ căn nhà cấp bốn nằm bên cạnh trường học nhưng giờ đã bỏ hoang cho cỏ dại mọc kín, anh cán bộ xã Thạch Sơn bảo tôi đây là căn nhà của gia đình ông Minh. Sau khi cả hai ông bà và cô con gái út mới 18 tuổi lần lượt chết vì ung thư, 3 người con còn lại không ai dám ở ngôi nhà đó nữa mà khóa cửa để đấy; chỉ những dịp cúng giỗ thì mới về thắp hương.

Rời căn nhà hoang, tôi ra đồi Mon Dền, nơi nằm sát Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao. Nhìn những hàng bia mộ lô nhô kín cả quả đồi tôi không thể tưởng tượng nổi nơi đây từng là một xóm dân cư với 30 nóc nhà. Nhưng rồi không chịu nổi khói bụi, chất thải từ nhà máy xả ra, người ta đã phải bỏ đi. Dù vậy, nhưng hậu quả của những năm tháng sống ở đây vẫn không tránh được, 22/30 gia đình từng sống ở đây có người chết vì ung thư.

Sống trong chờ đợi

Cuối năm 2005, sau khi thông tin về “làng ung thư” Thạch Sơn được báo chí phản ánh, nhiều đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và nhiều cơ quan liên quan đã về Thạch Sơn khảo sát thực tế. Kết quả khảo sát của Bộ TN-MT cho thấy không khí ở Thạch Sơn bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các loại khí thải công nghiệp với hàm lượng vượt chuẩn cho phép, nhất là ở xung quanh nhà máy.

Cả nguồn nước mặt và nước ngầm ở Thạch Sơn đều nhiễm độc. Các mẫu nước giếng được khảo sát có độ pH thấp hơn tiêu chuẩn về nước ngầm và nước sinh hoạt. Trầm tích ở các giếng đều có lượng chì rất cao, cá biệt có giếng cao gấp 3 lần tiêu chuẩn tối đa cho phép.

Vì vậy, ngay từ thời điểm ấy, UBND xã Thạch Sơn cũng đã kiến nghị Nhà nước cấp kinh phí để đưa nước sạch phục vụ đời sống nhân dân. Kiến nghị Bộ Y tế tổ chức khám bệnh cho toàn dân và giúp cho người dân Thạch Sơn có thẻ bảo hiểm y tế để được khám miễn phí, những trường hợp ung thư được miễn tiền truyền dịch; những trường hợp đang mắc bệnh ung thư được giúp đỡ, hỗ trợ để kéo dài sự sống bởi tất cả đều rất khó khăn. Di dời 200 hộ dân đang sinh sống quanh nhà máy. Xử lý ngay môi trường ô nhiễm ở Thạch Sơn.

Khi về kiểm tra thực tế ở Thạch Sơn, Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực đã kiến nghị với tỉnh Phú Thọ cần tiến hành ngay việc bảo vệ sức khỏe người dân bằng việc cấp nước sạch sinh hoạt, và tính tới phương án di chuyển 200 hộ dân ở xung quanh Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao...

Tuy nhiên, cho tới lúc này phần lớn những kiến nghị từ cách đây hơn 1 năm vẫn chỉ là... kiến nghị. Theo Chủ tịch UBND xã Trần Thị Thắng thì hiện tại người dân Thạch Sơn vẫn phải dùng nước giếng. Trụ sở UBND xã thì hiện đại hơn là nước bơm từ giếng lên đổ vào giàn mưa để lọc thô sơ thế thôi, mà đây là công trình được đầu tư từ chương trình nước sạch của Unicef cách đây mấy năm; còn việc đưa nước sạch từ nơi khác về nghe nói đã được Nhà nước đầu tư 15 tỉ đồng nhưng huyện mới tổ chức đấu thầu hôm 30/4 vừa rồi vì chủ đầu tư là UBND huyện chứ không phải xã nên dân còn phải chờ. Về việc di dời 200 hộ dân gần nhà máy, theo bà Thắng, năm 2006, UBND tỉnh cũng đã có công văn giao cho UBND huyện và các Sở liên quan, nhưng cho tới lúc này mọi việc vẫn “án binh bất động”.   

Tuy nhiên, bức xúc nhất hiện nay với người dân Thạch Sơn là không được mua bảo hiểm y tế để đi chữa bệnh. Có lẽ không ở đâu, người dân lại tha thiết được mua bảo hiểm y tế như dân Thạch Sơn.

Năm 2006, nhờ có chỉ thị của Bộ Y tế là khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân ung thư ở Thạch Sơn mà tất cả những người bệnh khi về Bệnh viện K điều trị đều được miễn phí. Nhờ có chính sách này mà ông Quản Văn Thực bị ung thư hạch, sau 1 năm ông được điều trị ở Bệnh viện K, và cho tới lúc này sau khi kiểm tra lại đã hết tế bào ung thư.

Nhưng không phải ai cũng có may mắn như ông Thực bởi ở Thạch Sơn bây giờ lúc nào cũng có khoảng 30 người mắc bệnh ung thư, cứ người này “đi” lại có người khác “thế chỗ”. Trong khi đó từ đầu năm 2007, Bệnh viện K thông báo không còn duy trì việc khám chữa bệnh miễn phí nữa.

Không được khám chữa bệnh miễn phí đã đành, ngay cả nguyện vọng được mua bảo hiểm y tế của dân Thạch Sơn cũng rất khó khăn. Tháng 7/2006, sau khi nhận được đề nghị của UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ Y tế về việc mua bảo hiểm y tế cho nhân dân Thạch Sơn, Bộ Tài chính đã thống nhất phương án thực hiện trong 3 năm (2006 - 2008) với nguyên tắc ngân sách Trung ương 30%, ngân sách địa phương 20%, nhân dân đóng góp và các cơ quan đơn vị trực tiếp, gián tiếp gây ra 50%. Với 30% ngân sách Trung ương, Bộ Tài chính đồng ý trong 3 năm sẽ hỗ trợ 440,9 triệu đồng.

Sau khi nhận được chủ trương này, UBND xã đã triển khai việc vận động nhân dân mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Kết quả đã có 1.708 người nộp tiền; còn 1.570 người chưa nộp do không có tiền. Tuy nhiên, cho tới lúc này việc mua thẻ bảo hiểm y tế vẫn chưa thực hiện được, bởi theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì phải  vận động đủ 100% số người chưa có bảo hiểm y tế tham gia thì Nhà nước mới hỗ trợ 50%. Theo quy định này, xã phải vận động nốt 1.570 người thì việc mua bảo hiểm y tế mới triển khai được.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Trần Thị Thắng rất bức xúc khi cho rằng, việc quy định phải 100% người dân tham gia mua bảo hiểm thì mới bán là đánh đố người dân và không thể thực hiện được vì dân ở đây nghèo, có nhà tới 7-8 người mà bắt họ mua cả thì làm gì có tiền. Vì vậy, mặc dù đã thu tiền của 1.708 người nhưng cuối cùng xã đành phải trả lại tiền, và vận động người dân chờ chính sách mới.

Tôi rời Thạch Sơn mà cứ ám ảnh bởi ánh mắt thất thần và lời nói của bà Xuân, bà Hoa rằng: “Bác có cách nào nói giúp để dân chúng tôi được mua bảo hiểm y tế. Chúng tôi nghèo, làm gì có tiền mà đi viện”

Nguyễn Thiêm
.
.