Trở thành Cảnh sát hình sự để thỏa ước mơ bắt cướp

Thứ Năm, 16/04/2015, 15:30
Vóc dáng tầm thước, gương mặt cương nghị, nước da sạm nắng, tác phong nhanh nhẹn, dễ gần đó là những ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp Thượng úy Nguyễn Thế Tiến - trinh sát Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CSĐTTPVTTXH) Công an TP HCM.

Với việc phá được hàng chục vụ án lớn nhỏ cùng ngần ấy lần truy bắt nóng các đối tượng cướp giật và đối tượng trốn truy nã, năm 2014, Nguyễn Thế Tiến đã vinh dự được vinh danh là Công dân trẻ tiêu biểu TP HCM.

1. Tôi hẹn gặp Thượng úy Nguyễn Thế Tiến vào đầu giờ chiều một ngày đầu tháng 3/2015 khi anh vừa hoàn tất một ca đi trinh sát địa bàn truy tìm tung tích băng nhóm chuyên sử dụng xe gắn máy phân khối lớn cướp giật tài sản của người đi đường ở khu vực trung tâm thành phố.

Vẫn còn chưa ráo mồ hôi sau nhiều giờ quần thảo trên khắp các cung đường dưới cái nắng như đổ lửa, Tiến nở nụ cười thân thiện rồi kéo tôi ngồi xuống bộ bàn ghế gỗ đặt giữa nhà xe của đội kể lại quá trình phấn đấu để được vinh danh là Công dân trẻ tiêu biểu của TP HCM một cách hết sức khiêm tốn:

"Trở thành người lính hình sự để truy bắt cướp là ước mơ từ nhỏ. Mình may mắn được công tác trong một đơn vị có truyền thống xung kích trong đấu tranh phòng chống tội phạm, lại được lãnh đạo đơn vị hết sức quan tâm giúp đỡ nên đây là môi trường tốt để phát huy khả năng. Thời gian đầu khi mới lập gia đình, thấy chồng suốt ngày đêm "đánh bóng mặt đường" truy bắt những tên cướp táo tợn, vợ mình lo lắng lắm. Có lúc còn đề nghị mình chuyển sang đơn vị khác cho bớt nguy hiểm nhưng trước sự kiên trì giải thích của mình, cuối cùng vợ cũng chấp nhận và còn thường xuyên động viên chồng hãy cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Sinh năm 1985 trong một gia đình có truyền thống phục vụ trong lực lượng Công an. Ông nội từng là Công an vũ trang, hy sinh trong chiến tranh, cha cũng là chỉ huy Công an ở một xã thuộc quận Gò Vấp, TP HCM thời kỳ sau giải phóng miền Nam.

Thượng úy Tiến trong lễ vinh danh công dân trẻ tiêu biểu TP HCM 2014.

Ngày nhỏ trong những lần Nguyễn Thế Tiến được mẹ đưa xuống đơn vị thăm cha, cậu bé thường lén trốn mẹ chạy ra khu vực sân vận động, ngồi hàng giờ say sưa theo dõi các chú đồng đội của cha luyện tập những động tác võ thuật, những lần như vậy tuy không nhiều nhưng cũng đủ gieo vào cậu bé hiếu kỳ lòng ngưỡng mộ và cũng từ đó cậu mơ ước sau này sẽ trở thành một chiến sĩ Công an giống như cha.

Có lần trên truyền hình chiếu bộ phim dài tập với những hình ảnh người lính Cảnh sát hình sự phóng xe như bay lượn trên đường truy bắt cướp, Tiến đã "ôm" lỳ chiếc tivi là vật dụng giải trí duy nhất của cả gia đình để xem.

Biết như vậy sẽ ảnh hưởng đến thành tích học tập nhưng hiểu lòng cậu con trai, cha Tiến không những không la mắng mà còn tìm cách sắp xếp lại thời khóa biểu để cậu vừa có thể theo dõi hết các tập phim, vừa hoàn tất tốt bài tập về nhà.

Tiến đã đặt ra cho mình mục tiêu phải cố gắng học tập thật giỏi để khi tốt nghiệp lớp 12 sẽ dự thi vào Trường đại học Cảnh sát. Tuy nhiên đến hạn cuối cùng, Tiến không kịp nộp hồ sơ dự thi nên đành chuyển sang học Đại học Luật.

Năm học thứ hai, ngay khi nhà trường tiến hành phân ngành, Tiến đăng ký ngay vào chuyên ngành luật hình sự và kể từ đó anh dành hầu hết thời gian học tập, nghiên cứu môn luật này và hy vọng một ngày nào đó nếu có cơ hội sẽ dự tuyển vào lực lượng Công an để trở thành Cảnh sát hình sự.

Một lần nữa hy vọng của Tiến lại bị cắt ngang bởi ngày ra trường, để chiều lòng cha mẹ và cũng cần phải có được công việc làm để có thể kiếm tiền phụ giúp gia đình và lo cho các em ăn học, anh nhận lời mời của UBND quận 2 về làm chuyên viên với thù lao hậu hĩnh. Mặc dù làm công việc trái với sở thích nhưng Tiến vẫn cố gắng hoàn thành xuất sắc công việc được giao trước khi xin chuyển công tác sang Viện Kiểm sát TP HCM một năm sau đó.

Rồi đến cuối năm 2009, khi Công an TP HCM tuyển người vào làm việc tại Phòng CSĐTTPVTTXH, Tiến đã nộp hồ sơ dự tuyển và được nhận vào làm ở Đội Hình sự đặc nhiệm. Những ngày sau đó, anh được đơn vị cử đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Mặc dù rất gần nhà nhưng với quyết tâm trở thành một Cảnh sát hình sự giỏi bắt cướp, những lúc rảnh rỗi sau giờ học lý thuyết hoặc ngày nghỉ cuối tuần anh xin ở lại trường miệt mài tập luyện những bài võ thuật mà thầy cô vừa truyền đạt.

Thượng úy Nguyễn Thế Tiến.

2. Lần đầu tiên Nguyễn Thế Tiến được tham gia đánh án là vào tháng 4/2009. Khi ấy, tại các khu vực trung tâm quận 1, 3 liên tục xảy ra các vụ trộm cắp tài sản của những người vừa rút tiền tại các ngân hàng lớn.

Các đối tượng thường sử dụng xe gắn máy phân khối lớn bám theo chờ khi xe ôtô của những người này dừng đèn đỏ thì lén sử dụng một loại bàn đinh do chúng tự chế gài vào lốp xe. Đến khi tài xế dừng lại thay lốp, cũng là lúc họ mất cảnh giác, bọn chúng lẻn đến bên hông xe mở cửa trộm tiền, rồi nhảy lên xe gắn máy rú ga tẩu thoát.

Để triệt phá băng nhóm tội phạm nguy hiểm này, Ban giám đốc Công an TP HCM đã quyết định thành lập chuyên án và giao cho Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm thuộc Phòng CSĐTTPVTTXH chịu trách phá án, trong đó Tiến lần đầu tiên được vinh dự tham gia.

Những ngày sau đó, Thượng úy Tiến ngoài việc trực tiếp học hỏi kinh nghiệm từ những đồng đội đi trước, anh còn xin phép lãnh đạo đơn vị tranh thủ thời gian tìm đến các đơn vị Cảnh sát hình sự ở các địa phương từng triệt phá thành công những vụ án tương tự để học hỏi kinh nghiệm. Học hỏi được bao nhiêu, Tiến lại mang về chia sẻ lại với các đồng đội trong ban chuyên án để từ đó phát huy sáng kiến áp dụng vào thực tế công việc.

Chuyện lần tìm manh mối để nhanh chóng xác định danh tính thủ phạm đã gặp khá nhiều khó khăn bởi các đối tượng trong vụ án này là người nước ngoài, lại thường xuất hiện như những bóng ma rồi nhanh chóng mất hút vào dòng xe cộ lưu thông trên đường phố.

Đang trong lúc bí bách nhất thì Thượng úy Tiến phát hiện một nhóm đối tượng người Indonesia đang cư trú tại một khách sạn ở quận 1 có nhiều biểu hiện nghi vấn nên lập tức bám sát, theo dõi. Tuy nhiên những ngày tiếp theo, các đối tượng này liên tục thuê xe ôtô di chuyển đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên Tiến cùng đồng đội phải bở hơi tai mới có thể bắt kịp đối tượng, xong vì chạy xe gắn máy nên lần ấy do tránh một chiếc ôtô tải khiến Tiến bị ngã trầy xước cả chân tay.

Kiên trì bám sát mục tiêu, đến 11h30 ngày 14/7/2009, Tiến cùng đồng đội phát hiện các đối tượng này đã tìm đến trước cửa Ngân hàng ICBC trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1. Sau khi phát hiện ông Cho Pao Liang (người Đài Loan) vừa rút số tiền 22.900USD rời khỏi ngân hàng trên một chiếc ôtô 7 chỗ, bọn chúng liền bám theo và lợi dụng lúc xe dừng chờ đèn đỏ trên đường Trần Hưng Đạo, chúng gài đinh vào bánh xe. Sau đó nhân lúc tài xế và ông Pao lúi húi thay bánh xe, bọn chúng đã trộm chiếc túi xách của nạn nhân với toàn bộ số tiền vừa rút từ ngân hàng.

Băng nhóm tội phạm người Indonesia bị Thượng úy Tiến cùng đồng đội tóm gọn.

Ngay lập tức, Thượng úy Tiến cùng đồng đội ập đến tóm gọn băng trộm này. Chúng gồm các tên: Allen Fredy, sinh năm 1955; Edy Hasan, sinh năm 1969; Ahmad Dahlan, sinh năm 1975; Wahyc Kurnlawan, sinh năm 1972; Ahmad Syarib, sinh năm 1964, Ibrahim Haskim, sinh năm 1967; Indrajia Ya và Yaris Rinata tất cả đều mang quốc tịch Indonesia nhập cảnh vào Việt Nam theo đường du lịch.

Tháng 8/2014, xuất hiện một băng cướp tốc độ chuyên sử dụng xe phân khối lớn thực hiện hàng loạt các vụ cướp giật tài sản trên đường phố khiến cho người dân hết sức hoang mang. Bọn này rất manh động, sẵn sàng sử dụng hung khí tấn công nạn nhân trong lúc "ăn hàng".

Nhận nhiệm vụ triệt phá băng cướp này, Tiến cùng đồng đội lập tức tiến hành ngay công tác sàng lọc đối tượng. Hôm ấy trời mưa như trút nước, đang đi trinh sát trên các tuyến đường thuộc khu trung tâm, Thượng úy Tiến bỗng nghe tiếng la cướp… cướp... của một phụ nữ, đồng thời lúc ấy một thanh niên đi xe gắn máy rú ga bỏ chạy, lập tức Tiến cho xe đuổi theo.  Chạy được một đoạn thì bắt kịp nhưng bất ngờ đối tượng ném túi xách vào mặt Tiến rồi co chân đạp mạnh khiến anh cùng xe ngã lăn ra đường.

Xác định đây có thể là bọn cướp trong chuyên án mà anh cùng đồng đội được giao triệt phá, những ngày sau đó bất kể đêm hôm, Tiến liên tục bám mặt đường để truy tìm.

Vào lúc 3h sáng ngày 17/8/2014, anh cùng đồng đội đã tóm gọn được tên cầm đầu là Lưu Văn Lộc (22 tuổi) cùng các đàn em gồm: Võ Chí Hiếu, Nguyễn Văn Tùng, Trần Văn Quy, Nguyễn Văn Cường, Hồ Văn Hiếu, Trần Văn Quyền và Dương Chí Cường và Huỳnh Thị Thu Hiền.

Theo Trung tá Nguyễn Lê Hùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm thuộc Phòng CSĐTTPVTTXH Công an TP HCM cho biết: "Cảnh sát hình sự có lẽ là một trong những nghề nguy hiểm và vất vả. Chỉ có những người có sức khỏe tốt, nền tảng võ thuật cơ bản, đức tính kiên trì, đầu óc thông minh lanh lợi và sự quyết đoán trong lúc đối mặt với bọn tội phạm thì mới tồn tại được. Nếu không thì thức trắng vài đêm đêm, đánh vài trận là bật bãi ngay. Ngoài ra “nghề này” rất cần sự thông cảm và ủng hộ của cha mẹ, vợ con bởi thời gian "đánh bóng mặt đường" thì nhiều mà thời gian dành cho gia đình rất hạn chế".

Ở Tiến, ngoài việc đáp ứng tất cả những yêu cầu, anh còn có lòng say nghề và tinh thần chịu khó học hỏi. Chính vì vậy mà trong thời gian qua Tiến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng đồng đội triệt phá hàng chục vụ án lớn.

Ngoài ra, với cương vị là Bí thư Đoàn thanh niên, Tiến luôn đi đầu trong mọi công tác, bắt hàng chục tên cướp giật trên đường phố cùng hàng chục tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm trốn truy nã mà điển hình là các tên như Nguyễn Trọng Hùng, (SN1981, tại quận Đống Đa, Hà Nội); Trương Thanh Nam, (SN1989 tại huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang)… 

Mặc dù đạt được nhiều thành tích nổi bật nhưng Tiến cho rằng thành tích ấy là sự phấn đấu quên mình của cả tập thể cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm và với anh, cứ mỗi tên cướp bị bắt, mỗi người bị hại được trả lại tài sản mới thực sự là niềm vui, niềm hạnh phúc của chính mình.

Đức Cương
.
.