Trong Gió thu, trước Đại lễ đường…

Thứ Hai, 10/11/2008, 14:00
Thư thả áp lòng tay vào thớ đá mát lạnh của chiếc cột tày vòng ôm cao 25m, cả thảy 12 cột đá của mặt tiền Đại lễ đường (ĐLĐ) vọt tuốt lên sắc xanh vòi vọi trời thu Bắc Kinh, cánh báo chí chúng tôi đang đợi Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc lát nữa sẽ diễn ra tại nơi này.
Đây là lần thứ hai, tôi đặt chân đến chốn trang trọng thâm nghiêm duy nhất mà Trung Hoa tiếp quốc khách với chức phận trong nhóm báo chí tháp tùng. Cả hai bận đều được đến sớm trước hàng tiếng nên có thời gian ngó nghiêng lẫn những hỏi han biên chép này khác...

ĐLĐ Nhân dân được khởi công tháng 9/1959 và hoàn thành chỉ trong 10 tháng ấy vậy mà hình như đến giờ vẫn chắc chắn và không lạc mốt! Nó là một trong Thập đại kiến trúc hoàn thành để kỷ niệm 10 năm thành lập CHND Trung Hoa.

ĐLĐ được xây dựng trên diện tích 171.800m2 với chiều dài từ bắc đến nam là 356m, chiều rộng từ đông sang tây 206m và chiều cao 46,5m. ĐLĐ có tới 300 hội trường và văn phòng với sức chứa hơn 10.000 người. Công trình với nhiều trang thiết bị tinh vi này cũng có đủ chỗ ngồi cho khoảng 5.000 người dự yến tiệc.

ĐLĐ mang kiến trúc hiện đại của Bắc Kinh. Mái ngói có màu xanh và vàng. Ở mái hiên của cổng lớn treo Quốc huy của CHND Trung Hoa. 12 cây cột cao 25m dựng trên nền cẩm thạch cao 2m, cùng với hàng thông, bách hai bên đường tạo sự uy nghiêm và hiện đại. ĐLĐ chia làm 3 khu vực chính.

Trung tâm của ĐLĐ là hội trường lớn nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng và các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường phát biểu, có 3.693 ghế ở tầng một, 3.515 ghế ở ban công, 2.518 ghế ở hành lang và 300-500 ghế trên các bục. Mỗi tỉnh, khu vực hành chính, khu tự trị đều có hội trường riêng trong ĐLĐ... với những cách bài trí theo phong cách của từng địa phương.

Tác giả của ĐLĐ là Dương Diên Bảo. Vị kiến trúc sư tài danh này mất năm 1982 thọ 81 tuổi. Dương tiên sinh năm 1921 du học tại Mỹ, theo học khoa Kiến trúc Trường đại học Pensynvania, đồng thời được trao tặng giải thưởng hạng Nhất cuộc thi giải thưởng Emerson năm 1924 và giải thưởng hạng Nhất cuộc thi giải thưởng Hiệp hội Nghệ thuật thị chính Mỹ.

Sau này ông về ở hẳn cố hương. Sau thập niên 20 của thế kỷ XX, nhà thiết kế Trung Quốc Dương Diên Bảo đã có nhiều tác phẩm thiết kế như: Ga xe lửa Phong Thiên, Ngân hàng Giao thông Bắc Kinh, Bệnh viện Trung ương Nam Kinh, Thư viện Trường đại học Thanh Hoa, Viên lăng Tôn Trung Sơn Nam Kinh v.v...

Ông còn là tác giả chính thiết kế ĐLĐ Nhân dân Bắc Kinh, Ga xe lửa Bắc Kinh, Thư viện Bắc Kinh, Nhà kỷ niệm Chủ tịch Mao Trạch Đông... Ông đã chủ trì, tham gia và chỉ đạo hơn 100 công trình thiết kế khắp Trung Hoa.

Đã trót nói đến người thiết kế thiết tưởng cũng nên đề cập chút đỉnh đến người thi công. Năm ấy có chàng thanh niên 18 tuổi quê ở nông thôn Hà Bắc tên là Lý Thụy Hoàn xin được vào chân thợ mộc ở Công ty Xây dựng số 13 Bắc Kinh. Năm 1954, đội xây dựng của công ty được tham gia việc tu bổ Cố Cung. Do chịu khó, chịu khổ lại tích cực lao động nên Lý được cử làm Bí thư Đoàn công ty.

Sau năm 1954, Trung Quốc bắt đầu xây dựng lớn. Riêng ở Bắc Kinh phải xây 10 công trình lớn  (Thập đại kiến trúc) như ĐLĐ Nhân dân, Viện Bảo tàng lịch sử, Cung Văn hóa dân tộc, Viện Bảo tàng Cách mạng... Công ty Xây dựng số 3 của Lý Thụy Hoàn được giao nhiệm vụ xây dựng ĐLĐ Nhân dân.

Việc gì khó có thanh niên! Đương nhiên Bí thư Lý Thụy Hoàn được phụ trách những đội thanh niên xung kích trong đó có một đội chuyên về mộc. Lý đã có sáng kiến độc đáo thời bấy giờ là tìm ra phương án thi công tối ưu từ bản thiết kế vừa đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công trình.

Lý Thụy Hoàn được phong danh hiệu "Thanh niên Lỗ Ban'' (Lỗ Ban là thợ mộc trứ danh của Trung Hoa cổ, người đã phát minh ra dụng cụ đo lường sử dụng cho nghề mộc mà tới thời hiện đại này vẫn phải dùng). Chỉ có 10 tháng, công trình kỳ vĩ ĐLĐ đã được hoàn thành (tất nhiên sau này có nhiều sửa chữa nhỏ nhưng không đáng kể) sừng sững đến tận bây giờ!

Rồi cơn lốc Cách mạng văn hóa đã đẩy Lý Thụy Hoàn đi lao động cải tạo ở một xưởng gỗ ở ngoại ô Bắc Kinh. Liên miên, ngày hùng hục việc thổ mộc, đêm thì bị kiểm thảo phê đấu...

Năm 1973, Tổng công đoàn thành phố Bắc Kinh được thành lập, Lý Thụy Hoàn được sung vào chức Phó chủ nhiệm.  Lý Thụy Hoàn được giao sứ mệnh là Tổng Chỉ huy Công trường xây dựng Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông. Công trình đã được hoàn thành xuất sắc đúng tiến độ trên giao.

Tiếp đó là việc chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập nước CHND Trung Hoa. Bắc Kinh giao gấp cho Lý Thụy Hoàn đảm nhận công trình tòa nhà chờ máy bay ở thủ đô. Lý cũng hoàn thành xuất sắc trước thời hạn. Rồi Lý được bầu là Thường vụ Bí thư Tỉnh đoàn và Phó chủ tịch Hội Thanh niên toàn quốc. Sau đó về làm Chủ tịch tỉnh Thiên Tân. Thời điểm năm 1999, ông là Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng. Trung Quốc có câu về Lý Thụy Hoàn thế này: "Thợ mộc bất ngờ vào thường vụ. Công lao to lớn nhân dân nhờ...”.

Đã bao lần nghe Quốc thiều Việt Nam cử trên đất khách nhưng âm hưởng của bài Tiến quân ca vang lên ở ĐLĐ này dường như lần nào cũng mang một dư vị khác? Có phải vì không gian ở đây bao la quá, khung cảnh ở ĐLĐ kỳ vĩ quá và tiếng gầm của 19 loạt đại bác chào nghe rất vang, rất đanh từ 8 khẩu đại pháo đặt trên Quảng trường Thiên An Môn mênh mông này hay  dàn nhạc binh hình như hơi bị xôm tụ và có vẻ như đông hơn, nhiều hơn các dàn nhạc binh khác?

Thủ tướng Ôn Gia Bảo đích thân ra tận xe đỗ để đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng... Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam hiện nay, thời điểm tháng 2/1999 là Phó thủ tướng, thành viên cuộc thăm của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Chợt nhớ trong chương trình thăm lần ấy có buổi hội kiến làm việc trong một bữa ăn thân mật. Tôi nghĩ có lẽ thành viên trong cuộc hội kiến và trong bữa cơm thân mật kiêm làm việc 9 năm trước, duy có Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người gặp Hồ Cẩm Đào cũng nhiều nhất?

Trong niên biểu về đồng chí Hồ Cẩm Đào của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc có ghi: Ngày 29/2/1997, Hồ Cẩm Đào đã tiếp và mở tiệc chiêu đãi Thường vụ Bộ Chính trị TW ĐCS Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Sau này tôi chỉ biết vắn tắt thông tin đằng sau những dòng niên biểu là bữa chiêu đãi kiêm làm việc giữa đồng chí Hồ Cẩm Đào và đồng chí Nguyễn Tấn Dũng ấy đã diễn ra suốt 3 giờ đồng hồ!

Dòng đời cuồn cuộn, lịch sử lại tiếp tục sang trang. Cải cách khai phóng, xây dựng  một mô hình mới theo kiểu đặc sắc, đặc thù, nhân dân Trung Quốc đã chọn Hồ Cẩm Đào. ĐLĐ chiều thu năm Tý này diễn ra liền hai sự kiện với quốc khách Việt Nam.

Sau Lễ đón là cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Tiếp đó, một giờ sau là cuộc Hội kiến của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Trung Hoa Hồ Cẩm Đào với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đứng sẵn trước phòng Phúc Kiến trong ĐLĐ thân mật bắt tay từng vị khách Việt.

Ký kết giữa Petro Việt nam với các Tập đoàn Dầu khí Trung Hoa.

Hình như ứng với thời buổi mới, chính khách Trung Hoa đều có cách hành xử thích hợp? Cải cách khai phóng là khái niệm. Nhưng để sống động hữu ích thì phải có cách làm cụ thể thiết thực? Vị Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước này tháng 9 vừa rồi đã cho khai trương một trang web trên tờ Nhân Dân nhật báo điện tử có cái tên hơi lạ là “Cơm thập cẩm”. Nghĩa là người dân Trung Hoa khi truy cập vào trang web ấy hoàn toàn tự do bày tỏ ý kiến của mình bất kể là vấn đề gì.

Trang web này cũng dùng chung cho Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Tỉ như khi coi tivi phát hiện thấy nhà lãnh đạo của mình bỗng xuất hiện thêm vài ba nếp nhăn trên mặt thì cũng tự do mà gõ phím. Trên trang web này, mới đây có người bỗng phát hiện ra chi tiết mà hàng triệu người không nhận ra, ấy là Thủ tướng Ôn Gia Bảo thường  mặc cái áo khoác thu đông mà 10 năm trước ông vẫn mặc.

Là chuyến thăm hữu nghị chính thức, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đó do công việc đã từng gặp gỡ, làm việc với Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại các diễn đàn song phương, đa phương như ASEM, ASEAN, APEC...

Lần lượt tuần tự những cái bắt tay với những chính khách Trung Hoa ấy là sự tuần tự của một mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Là sự tuần tự của kim ngạch hai chiều năm 2007 đạt gần 16 tỉ USD hoàn thành trước thời hạn 3 năm mục tiêu 15 tỉ USD năm 2010, kim ngạch 7 tháng đầu năm 2008 đạt 12,67 tỉ USD (dự kiến cả năm 2008 đạt kim ngạch 21 tỉ USD) là việc tuần tự lẫn đột phá trong hợp tác trong các dự án mà dự án lớn trong khuôn khổ thỏa thuận Hai hành lang một vành đai kinh tế v.v...

Giông gió ở những đẩu đâu chả biết, nhưng ngó động thái tự tin đĩnh đạc của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đinh La Thăng trong buổi Lễ ký kết các thỏa thuận khung, thỏa thuận nguyên tắc liên doanh hợp tác xây dựng khu kinh tế dầu khí... với những tập đoàn dầu khí hùng mạnh của Trung Hoa như Chiêu Thương, như Xinao Group... mà đứng đằng sau là sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, tự dưng mình có chút chi đó cũng lây sự tự tin đĩnh đạc ấy, và gì nữa nhỉ, phải rồi, cảm giác bình yên trong những ngày hành nghề trên đất khách!

Cầu mong sự bình yên ấy được hai Thủ tướng Trung Quốc và Việt Nam trong chiều thu Bắc Kinh này tiếp tục việc bảo lãnh cho nó được lan tỏa và ngự trị trường cửu đối với hết thảy lương dân hai nước Việt - Trung?

Thời điểm ấy chưa có Tuyên bố chung, nhưng tôi nghĩ có lẽ động thái ký kết đó là cơ sở để cấu thành nên lời văn trong Tuyên bố chung được truyền đi rộng khắp 3 ngày sau: Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt "Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ" và "Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ", làm tốt công tác kiểm tra liên hợp và điều tra liên hợp nguồn lợi thủy sản trong vùng đánh cá chung và việc tuần tra chung giữa hải quân hai nước ở Vịnh Bắc Bộ; thúc đẩy hợp tác thăm dò, khai thác cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định Vịnh Bắc Bộ đạt được những tiến triển thực chất.

Thật thú vị khi chữ Lợi mà Mạnh Tử đặt ra từ xửa xưa mà nay thiên hạ mới thấm mới lại ngẫm? Cũng phải thôi, lịch sử là cả một quá trình nhận thức lại! Trước và trong thời điểm diễn ra Diễn đàn Thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 7 tổ chức ở Bắc Kinh (ASEM-7) trên khắp các tuyến chính  giao thông của Bắc Kinh rực rỡ hàng chữ thể hiện chủ đề của ASEM-7 (Trung trên, Anh dưới) Tầm nhìn và hành động: Hướng tới một giải pháp cùng có lợi (Vision and Action Towards a Win - Win solution).

Đó là sáng kiến của nước chủ nhà Trung Quốc. Sáng kiến mà được một cộng đồng khổng lồ 45 quốc gia họp nên ASEM, GDP chiếm tới 60% thế giới (APEC mới non 50%) chấp nhận chắc phải có cái lý gì chứ nhỉ? Phải chăng chủ đề của ASEM-7 cũng là cốt lõi của một đường hướng, một chính sách mà Trung Quốc đang ráo riết thực hiện để bình ổn kinh tế lẫn chính trị là xã hội hài hòa? Đó là thứ đối chan chát là khắc tinh của thiên hạ đại loạn?

Tôi cũng nhớ thêm, dự ASEM-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày quan điểm của Việt Nam trong một diễn đàn quan trọng của ASEM-7 tại Bắc Kinh - Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu. Một trong những giải pháp quan trọng để vượt qua những khó khăn hiện nay của nền kinh tế toàn cầu như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi là tăng cường các quan hệ đối tác công, tư. Sự tham gia tự nguyện, sự gắn kết tự nhiên của hai nguồn lực công và tư cũng chính là nguồn lực để làm cho chính phủ cho quốc gia mạnh lên không chỉ về vốn mà còn là kinh nghiệm quản lý v.v...

Hài hòa hợp lý lợi ích riêng - chung không chỉ giềng mối là nội lực của một quốc gia. Chữ Lợi không chỉ là tinh thần là chủ đề của ASEM-7. Bình đẳng cùng có lợi cũng là kim chỉ nam của đường lối ngoại giao đa phương mà Việt Nam tuân thủ trong đó có mối quan hệ với Trung Quốc. Thành công của chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc và dự ASEM-7 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước đã loan tải nhiều. Tôi chỉ lẩn mẩn ngẫm lại cảm giác của mình trong gió thu mấy bữa trước khi đứng ở ĐLĐ Nhân dân Bắc Kinh!

X.B.
.
.