Trùm đao búa Ngọc “xa lộ”: Đường về còn xa…

Thứ Tư, 27/10/2010, 23:45
Ngọc "xa lộ" từng là cái tên nổi tiếng trong đám lưu manh giang hồ Hà Nội. Cuối cùng, cái biệt hiệu "xa lộ" nổi danh không dẫn "ông trùm" này đi trên con đường bằng phẳng mà dẫn thẳng vào con đường cụt - đó là trại giam.

Tạ Hồng Ngọc vào tù thì nhiều người mới dám tố cáo. Đơn cứ gửi về Trại giam số 3 (Tân Kỳ, Nghệ An) nườm nượp - xem ra con đường quay về của "trùm đao búa" này cũng sẽ không hề bằng phẳng.

Gặp "trùm đao búa" trong trại giam

Lúc đầu Tạ Hồng Ngọc từ chối gặp tôi, lấy lý do là mệt, không muốn tiếp xúc với ai. Có lẽ cũng vì Ngọc đã tiếp xúc với nhiều nhà báo và cũng đã nói đi, nói lại quá nhiều lần điệp khúc thản nhiên: "Tôi có làm gì xấu đâu, chỉ hay giúp người thôi mà". Chỉ đến khi tôi nhắn cán bộ quản giáo nói lại với Ngọc là có người quen biết cũ, Ngọc mới chịu gặp.

Với Ngọc "xa lộ", tôi là một người hoàn toàn xa lạ, nhưng với các phóng viên theo dõi tin tức an ninh trật tự Hà Nội thì hầu như nhắc tên Ngọc ai cũng biết bởi những chiến tích động trời của trùm giang hồ này.

Còn nhớ, vào năm 2007, trong phiên tòa xét xử Ngọc "xa lộ" vì hành vi "điều" đàn em hành hung hai khách ở tiệm mátxa thư giãn, nhiều người dân tham gia phiên tòa mới hình dung được mức độ "trùm" của nhân vật này. Trong phiên tòa đó, đàn em của Ngọc đứng kín cả ngoài cổng tòa, toàn những tay "đầu bò đầu bướu", xăm trổ đầy mình. Rồi cả đàn cave mắt xanh mỏ đỏ, nói năng cong cớn, văng tục bừa bãi, ăn mặc hở hang. Trong phòng xử án, phiên tòa liên tục bị gián đoạn bởi tiếng ồn ào tạo ra từ đám "trai tứ chiếng, gái giang hồ" phía dưới, các chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ phải nhiều phen can thiệp, tống cổ vài tên mất trật tự ra ngoài.

Được quản giáo cho tự giác đi từ khu buồng giam lên khu nhà văn hóa, Ngọc ngậm điếu Mild Seven vừa thong dong vừa nhả khói, thi thoảng lại cười vang trêu vài phạm nhân đang lao động. Đang ở tù nhưng lúc nào Ngọc "xa lộ" cũng ưỡn ngực ra phía trước, đi đứng khệnh khạng ra vẻ oai vệ lắm!

Vào phòng, Ngọc tự tin rút thuốc lá ra "mời cán bộ" và ngồi yên lặng, mắt nhìn thẳng vào người đối diện, đợi tôi mở lời. Tóc húi cua gọn gàng, không còn bộ tóc dài của một thời tung hoành ngang dọc trên giang hồ. Tấm áo tù cài khuy kín cổ không che hết được những hình xăm chi chít kín cả người. Trong giới giang hồ lưu manh, không phải anh chị số má thì không ai dám xăm những hình xăm hổ báo như thế. Tôi hỏi thăm dò:

- Chắc anh không biết tôi?

- Tôi quen quá nhiều cho nên cũng có thể không nhớ hết được!

Tôi kể lại thời gian theo dõi thông tin về Ngọc qua các vụ gây án, bắt giữ, phiên xét xử, Ngọc biết người ngồi đối diện biết khá nhiều thông tin về mình nên anh ta cứ ngồi im, trả lời nhát gừng chứ không "chém gió" như nói chuyện với những người khác. Quả thật, với giọng nói khúc chiết, trầm trầm của Ngọc, người đối diện dễ bị thu hút và tin lời anh ta nói. Cũng chính chất "thu phục lòng người" đó đã đưa Tạ Hồng Ngọc một thời bước lên địa vị "ông trùm" của giang hồ Hà Nội.

"Xa lộ" dẫn đến nhà tù

Tạ Hồng Ngọc sinh năm 1957 trong một gia đình nề nếp ở huyện Quốc Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội). Bố mẹ mất sớm, sống với anh trai là một sĩ quan quân đội, được anh rèn giũa chỉn chu, Ngọc cũng có một thời thanh niên sôi nổi với nhiều hoài bão. Ngọc từng có thời gian đi bộ đội rồi được anh trai xin cho vào làm công nhân ở công trình thủy điện Hòa Bình. Xa sự quản lý của người anh trai mẫu mực, lại có chút võ nghệ trong tay, Ngọc đã chạy theo những tiếng tung hô của đám "choai choai", rồi cứ thế quăng thân vào chốn giang hồ.

Phải nói là tuổi trẻ của Tạ Hồng Ngọc cũng bôn ba đi khắp nơi, Ngọc gọi là để "hội ngộ với anh em giang hồ". Bám theo các đoàn tàu, các chuyến xe khắp từ Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh... Ngọc cùng đám đàn em dần trở thành nỗi sợ hãi của những người làm nghề buôn chuyến ở các bến xe, ga tàu.

Có một thời gian, Ngọc "xa lộ" cũng đã hướng lên Lạng Sơn, quậy phá trên các chuyến tàu, nhưng nhắm chừng "chưa đủ tuổi" cạnh tranh được với băng của kẻ được mệnh danh là "Bạch Hải Đường xứ Lạng" Bạch Văn Chanh nên lại phải ngược về Hòa Bình. Tại đây, Ngọc mở lò võ, chiêu mộ được khá nhiều môn sinh, trong đó có những môn sinh chỉ có võ mà không có đạo.

Theo những tài liệu mà chúng tôi có được, năm 1982 "võ sư Ngọc" đã tổ chức cho đám lưu manh thủ sẵn vũ khí, tổ chức trấn cướp ở Dốc Cun, Hòa Bình thì bị Công an Hòa Bình tóm gọn. Ngọc ra tòa và bị Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình kết án 11 năm tù giam vì tội cưỡng đoạt tài sản.

Cậy sức vóc hơn người, lại va chạm giang hồ nhiều, mánh khóe có thừa, nên trong thời gian thụ án đã không ít lần Ngọc gây mất trật tự trong trại giam và bị xử lý. Quen ngông nghênh nên có vẻ Ngọc không muốn phục tùng ai, trong trại giam, Ngọc sẵn sàng quyết chiến để leo lên cương vị "đại bàng", "đầu gấu". Đám tù nhân lắm phen phát hãi khi đang ngủ tự dưng Ngọc vùng dậy, cầm bàn chải đánh răng đã mài nhọn tấn công kẻ đang ngồi ghế "đại bàng" để tranh ngôi.

Ra tù, Ngọc dạt về Hà Nội, xây nhà ở ngõ Tân Lạc, Đại La, phường Trương Định rồi tập hợp đám bạn tù cũ hình thành nên một ổ nhóm gồm những tên côn đồ hung hãn chuyên đâm thuê, chém mướn, bảo kê nhà hàng, đòi nợ thuê...

Ngồi trại giam mà Tạ Hồng Ngọc vẫn ảo tưởng về hai chữ "giang hồ".

Vỏ bọc của "trùm đao búa"

Khác với Khánh "trắng", Phúc "bồ", Dung "Hà"... thường xuất đầu lộ diện để hò hét chỉ đạo đàn em xử lý, Ngọc luôn xuất hiện cách hiện trường ít nhất là 20m để điều khiển từ xa chứ không bao giờ có mặt tại chỗ. Ngọc cũng không bao giờ chỉ huy theo kiểu hò hét, cổ vũ như: "Chúng mày đâm chết nó đi, tội vạ đâu anh chịu!" như các tên trùm khác mà chỉ ra lệnh ngầm cho đám đệ tử. Vì vậy, khi thu thập chứng cứ để buộc tội Tạ Hồng Ngọc, Công an Hà Nội gặp không ít khó khăn.

Một thủ đoạn tinh vi nữa của Ngọc, đó là khi các vụ việc đâm thuê chém mướn có nguy cơ bị bại lộ thì Ngọc bao giờ cũng có kế để thoát thân bằng cách bịt miệng người bị hại, không cho họ tố cáo với cơ quan pháp luật. Có hai cách “bịt miệng” thông thường nhất mà Ngọc hay áp dụng, đó là dùng tiền dưới danh nghĩa là bồi thường thiệt hại và dùng đám đệ tử đao búa để đe dọa người bị hại.

Có những người bị đám đệ tử của Ngọc đánh thương tích nặng nhưng không dám hé răng khai báo với Cơ quan điều tra vì đã trót nhận tiền bồi thường của Ngọc. Cũng có những người uất ức không muốn nhận tiền bồi thường nhưng do bị đám đệ tử của Ngọc đe dọa nên cuối cùng cũng phải nhận và buộc phải... im lặng.

Bản thân Tạ Hồng Ngọc cũng không biết cái tên "xa lộ" gắn với mình từ khi nào và ẩn ý ra sao nhưng cuộc đời Ngọc là cả một chuỗi những ngày bôn ba hết nơi này sang nơi khác. Theo như "lý giải lãng mạn" của Ngọc là "đi kết giao, thăm hỏi các anh em chiến hữu". Quanh chuyện đi thâu nạp đàn em, chính Ngọc cũng thừa nhận rằng, đến đâu Ngọc cũng được đàn em trống giong cờ mở không thua gì một ông trùm.

Mỗi lần Ngọc "xa lộ" vào TP HCM là mỗi lần đàn em  kéo cả đàn ra tận sân bay Tân Sơn Nhất để rước về chỗ nghỉ. Rồi tối hôm đó "anh Ngọc" ăn uống, vui chơi giải trí ở đâu thì nhà hàng, quán bar đó được bao trọn gói. Ngọc nghỉ ở khách sạn nào thì đàn em cũng ùn ùn đến quà cáp, nhờ vả. Ngọc nói: "Tại cái tiếng tôi nó to quá. Tôi quen nhiều quá, đi đâu cũng toàn anh em. Mà anh em tìm đến nhờ vả, chả lẽ mình không giúp".

"Tôi toàn làm... việc tốt, giúp người(?!)"

Đó là câu nói "đầu môi" của Ngọc khi được hỏi về những hành vi phạm tội của mình: "Tại tôi lắm đàn em quá, chúng nó làm rồi cuối cùng chính quyền lại đổ hết cho tôi. Chứ tôi toàn làm việc tốt, giúp người".

Khi được hỏi Ngọc đều nói là làm thợ sản xuất cửa nhôm kính hoặc bao thầu bốc vác ở bến xe Yên Sở nhưng kỳ thực, lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của Ngọc "xa lộ" là bảo kê các nhà hàng, gội đầu, mátxa, karaoke. Một trong những quán nằm dưới sự che chở của "anh Ngọc" là quán "Cắt tóc nghệ thuật" tại 61 Đại Cồ Việt. Chủ quán là Đồng Thị Lan vốn cũng chả thiết tha với sự bảo kê của "anh Ngọc" nhưng sợ mất đường làm ăn nên phải cắn răng nộp tiền bảo kê mỗi tháng 2-4 triệu đồng. Không chỉ có thế, cứ lâu lâu lại thấy đám đệ tử lâu la của Ngọc ghé quán báo tin: "Anh Ngọc chuẩn bị về quê thăm người nhà ốm đấy", Đồng Thị Lan lại phải gửi phong bì 1-2 triệu đồng gọi là "thăm hỏi".

Chiều ngày 6/6/2006, hai thanh niên là Quân và Cường sau một chầu nhậu đã mò đến quán này để được các tiếp viên trẻ đẹp ở đây mátxa. Thư giãn đủ kiểu, đòi "đến Z" không được, hai anh chàng này cự nự "không tới bến không trả tiền". Cãi cọ một lúc, Quân gọi điện cho một người bạn là Trịnh Quốc Đạt phóng xe máy đến chở đi. Tức mình, Đồng Thị Lan "báo cáo" ngay với Ngọc "xa lộ".

Người rủi nhất trong đám thanh niên này không phải là Quân và Cường mà lại là Đạt - người phóng xe máy đến đón. Chiều hôm đó, thấy Đạt đứng chơi với một người bạn trên đường Đại Cồ Việt, Lan đã báo cáo với Tạ Hồng Ngọc và "trùm đao búa" này đã cử gần chục tên "đầu trâu mặt ngựa" đến giải quyết.

Thế là cả Đạt và anh bạn vô can bị lôi vào quán cắt tóc dần cho nhừ tử. Chúng tra tấn và bắt Đạt phải gọi Quân đến quán để chịu tội. Chẳng nỡ bỏ rơi bạn bè, Quân mò đến và ngay lập tức bị đánh cho thừa sống thiếu chết. Đám côn đồ này đã dùng búa đinh gõ vào vai, vào đầu gối, mắt cá chân để bắt 3 nạn nhân viết giấy nhận là đến cướp, phá quán của Đồng Thị Lan.

Ngang ngược hơn, khi lực lượng Cảnh sát 113 xuất hiện, đám đàn em của Ngọc đã kéo sập cửa sắt lại và lôi 3 nạn nhân lên lan can tầng 2, bắt chui qua ô trống để sang nhà bên cạnh.

Nhận thấy tình huống nguy cấp, lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh đã phải dùng biện pháp mạnh, phá cửa để cứu 3 thanh niên bị tra tấn. Đám đàn em của Ngọc đã tẩu thoát nhưng sau đó đều bị tóm gọn và khai ra vai trò của kẻ cầm đầu. Ngọc bị TAND TP Hà Nội kết án 2 năm tù giam, cộng với cái án 4 năm tù giam vụ điều 30 đàn em đập tan tành nhà một người dân ở hồ Ba Mẫu, Ngọc ôm trọn 6 năm và thụ án tại Trại giam số 3 (Tân Kỳ, Nghệ An).

Từng là ông trùm nhưng lúc nào Ngọc cũng bảo rằng mình chỉ giúp người thôi, ra cơ sự như vậy là do: "Đôi khi đàn em làm mạnh tay quá, ảnh hưởng đến tôi. Tôi mà trực tiếp ở đó thì mọi việc không như thế!".

Khi Công an TP Hà Nội đọc lệnh bắt tại nhà, "ông trùm" này vẫn thản nhiên hút thuốc, phanh áo khoe cơ thể đầy những hình xăm chi chít: "Vợ tôi đang ốm. Các ông đợi vài hôm".

Cho đến khi bị đưa lên xe thùng, Ngọc vẫn ngoái lại dặn đàn em: "Anh đi vài hôm, ở nhà trông chị và các cháu hộ anh".

Đến đây tôi hỏi:

- Thế từ ngày anh vào tù, có đàn em nào trông coi vợ con hộ không?

- Lúc đầu cũng có vài người chịu ơn mình ngày trước. Sau thì thưa dần, giờ chẳng còn ai.

Ngọc cúi đầu thở dài, chép miệng, có vẻ buồn. Có lẽ sau bao năm ngang dọc giang hồ, đây là lúc Ngọc nhận ra, mình đã sa cơ thì đám đàn em ba trợn cũng dần dần lẩn mất. Ngọc nói gần như tự sự:

- Cái đau nhất giờ tôi mới nhận ra là tôi làm khổ vợ con quá. Khi còn sức vóc thì phá phách lông bông, giờ hơn 50 tuổi đầu thì nằm đây, bỏ con, bỏ gia đình, vợ thì chạy vạy vất vả. Tôi ân hận quá!

Cái đau nhất của Ngọc "xa lộ" chính là việc đứa con trai 19 tuổi đang bị bệnh trầm cảm. Vợ Ngọc đã phải nghỉ việc để chăm con ở trong bệnh viện.

Đại tá Nguyễn Đăng Ninh, Giám thị Trại giam số 3 cho biết: "Ngọc vào tù thì nhiều người mới dám tố cáo anh ta. Đơn tố cáo Ngọc gửi về Trại 3 rất nhiều. Công an Hà Nội cũng đã nhiều lần cử đoàn công tác vào đây gặp Ngọc để điều tra".

Thiết nghĩ, ước mơ hướng thiện của tù nhân là những ước mơ đáng được trân trọng. Tuy nhiên, ngay cả khi cuộc đời dang rộng vòng tay, mà Ngọc vẫn chưa chịu nhận ra tội lỗi của mình thì e là ngày ra khỏi trại giam, có thể sẽ là sau 2 năm nữa, nhưng ngày để Ngọc "xa lộ" trở thành con người đàng hoàng, có thể sẽ còn xa vời lắm...

Hoàng Thắng
.
.