“Trùng tu” nhan sắc - những chuyện đau lòng

Thứ Năm, 15/06/2017, 17:06
Một người phụ nữ còn trẻ, mặt mũi sưng húp, tím bầm như bị đánh tìm đến PGS. Nguyễn Tài Sơn - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) - để xin được “sửa chữa” lại…

Chị cho biết, mới đi phẫu thuật làm sống mũi, bơm căng da mặt ở một Thẩm mỹ viện tư nhân nhưng bị hỏng, khiến chị phải chịu đựng cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Nhưng đau đớn hơn khi PGS. Nguyễn Tài Sơn cho biết, dù có sửa chữa lại thì chị cũng không thể có được gương mặt như trước khi phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM). Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp tai biến trong thời gian qua.

Tiền mất tật mang

Hôm đầu tháng 6-2017, chị N.T.T. (39 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) cũng cho báo chí biết chị đã đến làm má lúm ở một thẩm mỹ viện trên phố Hoàng Ngân, TP Hà Nội. Thế nhưng, thay vì có được nét mặt, hình ảnh mới mẻ, đẹp đẽ, thì sau khi “làm đẹp”, mặt chị T. bị méo xệch, miệng bị lệch và không khép lại được.

Là một trong những phẫu thuật viên có uy tín nên PGS. Nguyễn Tài Sơn đã phải đón tiếp rất nhiều người tìm đến để sửa chữa lại sau khi PTTM hỏng. Những “hỏng hóc” mà PGS. Nguyễn Tài Sơn phải sửa rất đa dạng, ở cả phụ nữ lẫn nam giới. Nhiều phụ nữ sau khi nâng ngực đã bị co thắt bao xơ, ngực biến dạng, hoặc chảy xệ, không giữ được hình dạng ban đầu, hay nhiễm trùng, chảy máu; nâng mũi thì bị lệch, sưng đau, thâm tím v.v... Những tai biến sau PTTM ở nam giới là “của quý” bị hỏng, không thể cương cứng được, hoặc bị teo lại, thậm chí không còn trở về bình thường được nữa, hoàn toàn mất chức năng đàn ông.

Một số tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực, làm mũi, mí, bơm căng da mặt v.v…

GS. Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Xanh Pôn), Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình (Đại học Y Hà Nội) - một chuyên gia đầu ngành Phẫu thuật Tạo hình Việt Nam, cũng từng phải sửa chữa cho nhiều bệnh nhân PTTM thất bại như bị nhiễm trùng khi nâng ngực, ngực căng, đau nhức hoặc chảy dịch qua đường mổ...

Tuy nhiên, những người bị tai biến, dù ảnh hưởng đến cả sức khỏe lẫn thẩm mỹ, “tiền mất tật mang” vẫn may mắn chán khi còn giữ được tính mạng, so với những nạn nhân đi PTTM rồi không còn cơ hội trở về với gia đình.

Đình đám nhất là vụ chị Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi, ở 36 Hàng Thiếc, Hà Nội) PTTM nâng ngực, hút mỡ bụng ở Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường vào tháng 10-2013. Sau khi phẫu thuật xong được khoảng 30 phút thì chị Huyền bị co giật, sùi bọt mép. Dù được cấp cứu nhưng cuối cùng chị Huyền bị tử vong. Sợ bị trách nhiệm,  ông Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường đã cùng bảo vệ ném xác chị Huyền xuống sông Hồng để phi tang.

Chị Trần Thị Thu H. (42 tuổi, ở Hải Phòng) cũng tìm đến Thẩm mỹ viện Linh Nhung ở Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) để xóa sẹo môi trên. Nhưng sau khi được bác sĩ là chủ Thẩm mỹ viện Linh Nhung cùng 2 nhân viên thử phản ứng gây tê, chị H. đã bị sốc thuốc. Dù ngay sau đó, chị H. đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, nhưng không qua khỏi.

Một vụ tử vong sau PTTM cũng gây ồn ào dư luận là chị Bùi Bích L. (38 tuổi, ở Lê Duẩn, Hà Nội) đến Trung tâm thẩm mỹ Hà Nội ở 257 Giải Phóng, do ông Phạm Văn Ái  làm giám đốc. Vài tiếng sau khi phẫu thuật, chị L. thấy khó thở và bị nôn nên gọi bác sĩ. Ông Phạm Văn Ái và hai bác sĩ đã tới để hỗ trợ cấp cứu cho nạn nhân, nhưng không có kết quả. Chị L. đã tử vong sau đó.

Cùng thời điểm với chị L. tử vong, ở TP HCM cũng đã xảy ra một số vụ chết người sau khi PTTM. Đó là bệnh nhân T.Q.T (Tiền Giang) bị suy hô hấp nặng sau khi bơm silicone vào mông để làm đẹp dẫn đến thiệt mạng. Chục ngày sau tai biến này, đến lượt chị H.T.L (quận 8, TP HCM) bơm silicone lỏng để nâng ngực tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân, bị nhiễm trùng đường huyết cũng dẫn tới tử vong.

Đây mới chỉ là điểm qua một số vụ tử vong do PTTM, chứ còn tai biến sau PTTM thì... khó mà đếm được. 

Không được cấp phép vẫn làm

Kinh tế phát triển, nhu cầu làm đẹp của nhiều người cũng tăng là hoàn toàn chính đáng, khiến các thẩm mỹ viện mở ra như nấm sau mưa. Những người làm nghề đều hiểu, các nguy cơ do PTTM luôn rình rập, nhưng vì là nghề dễ kiếm bộn tiền nên nhiều bác sĩ bất chấp quy định pháp luật, dẫn đến các vụ tai biến nghiêm trọng xảy ra, thậm chí, gây tử vong.

Hiện tượng “làm một nói mười” rất phổ biến với những quảng cáo như có thể phút chốc biến hóa một mụ phù thủy thành một nàng tiên, đã khiến rất nhiều người cả tin vội vã tìm đến, thay vì phải tìm hiểu xem cơ sở này có được phép thực hiện kỹ thuật mình định làm hay không. Mà theo PGS. Nguyễn Tài Sơn, hầu hết những người tay nghề yếu lại thường quảng cáo quá mức cùng với các “chiêu” hạ giá để hút khách. Không ít trường hợp tham tiền nên không chỉ quảng cáo đại mà còn làm đại.

Có một điểm chung ở các trường hợp tai biến do PTTM những năm gần đây, là đều diễn ra ở các cơ sở tư nhân không đủ điều kiện gây mê, hồi sức, cấp cứu và các kỹ thuật đã làm cho nạn nhân là không được phép.

Ví như vụ tử vong ở Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường, mặc dù trung tâm này đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng lại không có giấy phép hành nghề của Sở Y tế Hà Nội cấp. Vì thế, mọi hoạt động liên quan đến PTTM ở đây đều là trái phép, đặc biệt là phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực là phẫu thuật bị cấm thực hiện tại các viện thẩm mỹ.

Theo PGS. Nguyễn Tài Sơn, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường học từ các thầy ở Bệnh viện 108, nhưng khi ra mở thẩm mỹ viện thì anh ta quảng cáo với các nội dung còn “siêu” hơn cả những kỹ thuật mà các thầy làm được.

Bên cạnh quảng cáo vượt quá mức phạm vi cho phép làm, thực tế, tay nghề yếu, kiến thức lõm bõm mới dẫn đến tai biến. PGS. Nguyễn Tài Sơn cũng cho biết, đa số các vụ tai biến từ PTTM đều có nguyên nhân do tay nghề kém và không thực hiện đúng quy trình. Đã vậy, nhiều người còn chủ quan, nên không đánh giá hết được những khó khăn phức tạp của ca bệnh.

Ví như sau khi học ở BV 108, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường “bê nguyên” định lượng thuốc mê mà anh ta thấy các thầy thường sử dụng cho người được phẫu thuật để áp dụng, mà không biết rằng, sử dụng thuốc mê phải có công thức, theo trọng lượng của từng người chứ không phải tất cả mọi người đều sử dụng lượng thuốc mê như nhau. Cách học không đến đầu đến đũa, kiểu “đau bụng uống nhân sâm...” là nguyên nhân dẫn đến tai biến đau xót như đã xảy ra.

Tương tự, Thẩm mỹ viện Hà Nội thực hiện phẫu thuật nâng ngực cũng là vi phạm, vì theo quy định của pháp luật, cơ sở y tư nhân không được phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ. Trước khi xảy ra vụ tai biến vài tháng, Thẩm mỹ viện Hà Nội đã từng bị xử phạt hành chính vì “quảng cáo quá phạm vi cho phép”. Về nguyên tắc, khi đã xử phạt, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội sẽ thông báo về địa phương để tiếp tục giám sát. Thế nhưng, sau khi bị phạt, không chỉ trên website của cơ sở, mà trên một số trang báo mạng, Thẩm mỹ viện Hà Nội vẫn tiếp tục quảng cáo “phẫu thuật nâng ngực”, thậm chí, được một trang mạng đưa vào mục “Địa chỉ vàng”.

Cùng với vi phạm trong quảng cáo, Thẩm mỹ viện Hà Nội còn thực hiện cả những nội dung không được cấp phép. Thực tế, do không đủ điều kiện để cấp cứu, bệnh nhân đã tử vong sau khi được phẫu thuật. Hơn nữa, khi xảy ra biến chứng, nạn nhân đã không được đưa đến bệnh viện cấp cứu, mà vẫn nằm tại đây để xử trí cho thấy sự chủ quan của các bác sĩ.

Thông tư 01/2004 của Bộ Y tế hướng dẫn hành nghề y, dược tư nhân quy định rõ các phòng khám giải phẫu thẩm mỹ “không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực, hút mỡ bụng, hút mỡ chi”. Thế nhưng, nếu vào mạng, thì thấy nhiều thẩm mỹ viện công khai quảng cáo và dĩ nhiên, cả phẫu thuật trái quy định. Quy định cũng không cho phép bác sĩ vừa phẫu thuật, vừa gây mê, nhưng ở một số thẩm mỹ viện, điều này vẫn diễn ra. Những vi phạm là nguyên nhân của những cái chết tức tưởi hay những cuộc PTTM hỏng phải “đại tu” của nhiều người phụ nữ.

Những nguy cơ khi “trùng tu” nhan sắc

Một báo cáo được công bố tại Hội nghị thẩm mỹ Pháp - Việt tổ chức tại Đại học Y Hà Nội cho thấy tỷ lệ biến chứng của phẫu thuật nâng ngực là 5,8% trên tổng số 1.561 túi độn ngực. Các biến chứng sớm sau mổ như tụ máu, nhiễm trùng, toác vết mổ, là 2,3%. Các biến chứng muộn như vỡ túi silicone 2%, túi giọt nước bị xoay 0,5%, co thắt bao xơ 1%.

Theo các chuyên gia, tai nạn từ PTTM có khi còn phức tạp hơn những tai biến của ngành phẫu thuật chung, như phản ứng thuốc, do gây mê, do bệnh tiềm ẩn của khách hàng, rồi phẫu thuật không thành công, không đẹp. Chính vì thế mà ở bệnh viện được cấp phép PTTM, phạm vi mổ xẻ cũng được phân cấp rõ ràng.

PGS. Nguyễn Tài Sơn cho hay, tai biến trong PTTM khó tránh khỏi vì phụ thuộc nhiều yếu tố như kinh nghiệm của phẫu thuật viên trong việc ra chỉ định có đúng không, kỹ thuật có được thực hiện hoàn hảo hay không vì nếu không, có thể làm tổn thương những tổ chức xung quanh như mạch máu, thần kinh... Rách mạch máu có thể gây chảy máu ồ ạt, thậm chí đe dọa tính mạng của người làm PTTM. Một yếu tố nữa là cơ sở thực hiện PTTM có đảm bảo các tiêu chuẩn về trang thiết bị, đội ngũ kỹ thuật viên, vô trùng v.v... hay không. Thực tế, cơ sở nào phẫu thuật viên có kinh nghiệm, trang thiết bị y tế đảm bảo thì tỉ lệ thành công cao, hạn chế tối đa tai biến và ngược lại.

Theo GS. Trần Thiết Sơn, ở các bệnh viện, thường phải là bác sĩ chuyên khoa I mới được phép PTTM, nhưng ở các cơ sở tư nhân thì tiêu chuẩn để PTTM đơn giản hơn nhiều, trong khi các nguy cơ khi tiến hành PTTM ở phòng khám tư và bệnh viện là như nhau. Có điều, nếu ở bệnh viện, sẽ có nhân lực đầy đủ cùng với thuốc, trang thiết bị, để xử trí kịp thời các tai biến, còn ở bên ngoài, điều kiện cấp cứu hầu như không có gì. Đó chính là nguyên nhân của nhiều vụ tử vong sau khi làm đẹp.

Trong quá trình PTTM, kỹ thuật gây tê và gây mê được đặc biệt quan tâm. Thông thường, thủ thuật gây tê có thể được làm tại các thẩm mỹ viện, nhưng gây mê phải làm ở bệnh viện với đội ngũ bác sĩ có tay nghề và trang thiết bị đầy đủ. Bác sĩ gây mê là người quan trọng trong ca phẫu thuật để hạn chế các biến chứng, nhưng có trường hợp, để tiết giảm chi phí, người ta không chọn các bác sĩ gây mê có tay nghề, thậm chí, bác sỹ phẫu thuật kiêm luôn... gây mê.

Các chuyện gia cũng khuyến cáo: Phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ liên quan đến cả phẫu thuật và gây mê và ở cả 2 lĩnh vực này đều có nguy cơ, mà chỉ những phẫu thuật viên có kinh nghiệm mới loại trừ tối thiểu biến chứng. Vì thế, chị em cần biết các nguy hiểm có thể xảy đến với mình khi phẫu thuật nâng ngực: chảy máu, nhiễm trùng, vị trí bất thường, bao xơ cứng lại, thậm chí thiệt mạng v.v...

Những phẫu thuật gây chảy máu nhiều cũng khá nguy hiểm. Khi nâng ngực nếu quá trình cầm máu không tốt, gây tràn máu, tràn khí vào khoang phế mạc, ép phổi cũng là biến chứng nguy hiểm. Riêng silicon lỏng thì Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã cấm sử dụng từ lâu, vì nếu silicone đi vào đường máu, sẽ gây tắc nghẽn mạch máu, còn biến chứng nhẹ là xơ hóa, phải cắt bỏ vùng tiêm.

Hút mỡ còn nguy hiểm hơn nhiều do rất dễ gây nhồi máu, nhất là trong điều kiện máy móc kỹ thuật chưa tốt, vì thế, tỉ lệ tử vong khá cao. PGS. Nguyễn Tài Sơn cho biết việc hút mỡ nếu tai biến thì rất khủng khiếp. Quá trình thực hiện hút mỡ, tế bào mỡ có thể làm tổn thương mạch máu, hay vào phổi và tim, gây bít tắc và biến chứng. Những biến chứng này nếu không ở các BV lớn, có đủ điều kiện cấp cứu thì bệnh nhân khó qua.

Làm đẹp là một nhu cầu chính đáng. Nhưng có điều, hiện nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa dịch vụ PTTM và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Vì thế, trước khi quyết định đặt cược một phần, thậm chí là toàn bộ mạng sống của mình vào tay các thẩm mỹ viện, chị em phải hết sức thận trọng. Cần tìm hiểu kỹ qua chính những người đã từng phẫu thuật ở đó, chứ không phải qua quảng cáo. Và, điều đầu tiên cần phải biết là đến nay, các cơ sở y tư nhân không được phép nâng ngực, hút mỡ bụng, mỡ đùi. 

Còn ở bệnh viện, cũng chỉ nơi có chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ mới được phép tiến hành, mới đủ điều kiện để cấp cứu kịp thời khi xảy ra tai biến. Do đó, để an toàn, chị em cần đến bệnh viện có chuyên khoa PTTM như: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, Bệnh viện Quân y 108 (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) v.v...

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, trước khi quyết định cấp phép cho các thẩm mỹ viện hoạt động và quảng cáo, cần tham vấn Hội PTTM, tránh việc các cơ sở thẩm mỹ dùng những thuật ngữ để lách luật, đánh lừa khách hàng. Đặc biệt, bác sĩ thẩm mỹ phải tốt nghiệp khóa cấp cứu mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Đây là ý kiến của PGS. Nguyễn Tài Sơn và PGS. Lê Hành - Chủ tịch Hội Thẩm mỹ TP HCM.

Thanh Hằng
.
.