Trường mẫu giáo trong trại giam

Thứ Hai, 30/06/2008, 17:00
Trại giam số 5 nhiều năm nay đã tồn tại một ngôi trường đặc biệt. Đó là Trường mẫu giáo dành cho con em các nữ phạm nhân. Các em có độ tuổi rất đa dạng, từ 6 tháng đến 9, 10 tuổi, nhưng tất cả đều học chung một... trường mẫu giáo của trại. Cuộc sống của những “búp non” sau song sắt có bao điều khiến những người có trách nhiệm nơi đây không thể không day dứt.

Buổi tối, trời mưa nhẹ hạt, chúng tôi đến thăm các em ở trường mẫu giáo nằm trong khuôn viên Trại giam số 5. 20 giờ, chưa đến giờ đi ngủ, quản giáo Đỗ Như Thuận đứng chờ sẵn. Các em vây lấy khách hỏi han đủ điều. Có vẻ như chúng rất thiếu hơi người, các cô bé, cậu bé cứ lăn xả vào lòng khách lạ.

Trường mẫu giáo Trại giam số 5 hiện có 35 cháu từ 6 tháng cho đến 9 tuổi. Từ hơn 10 năm trước, khi phát sinh hiện tượng một số phạm nhân nữ khi vào tù mới sinh con hoặc khi nhập trại con chưa cai sữa nên bắt buộc phải mang con theo.

Vậy nên đã hình thành nhà trẻ của trại. Số này tuy không nhiều, hiện tại, trong 1.000 nữ phạm nhân mà trại đang quản lý cũng chỉ có vài chục trường hợp. Thế nhưng như thế cũng đủ trở thành nỗi lo lớn và ngôi trường nhỏ đã ra đời.

Giám thị trại đành cử cán bộ đi học nghiệp vụ nhà trẻ mẫu giáo. Và một điều khá lạ là nhà trẻ dành cho con em phạm nhân còn ra đời trước nhà trẻ của con em cán bộ giờ mới đang được xây dựng. Hiện nay, trường mẫu giáo dành cho con em phạm nhân đã có 2 cán bộ có chuyên môn sư phạm kết hợp với một số phạm nhân tự giác trông coi các cháu và đảm nhận việc nấu ăn, giặt giũ...

Vừa rồi trại mới đầu tư 2 bình lọc nước trị giá 20 triệu đồng cùng một số dụng cụ đồ chơi cho các cháu. Còn lại định mức của các cháu được đảm bảo như chế độ đối với một phạm nhân theo Pháp lệnh Chấp hành án và phạt tù.

Thượng tá Nguyễn Văn Vân – Phó giám thị bảo rằng, chúng tôi có thể nuôi dưỡng, giáo dục cả ngàn phạm nhân còn dễ dàng hơn là nuôi dạy vài chục cháu nhỏ. Do nhiều nguyên nhân mà các em không được gia đình người thân đón về. Bản thân bố mẹ các cháu là những người đã mắc tội lỗi nên nhiều gia đình người thân xa lánh, từ bỏ. Có gia đình thương cháu thì đón về, nhưng có gia đình thì băn khoăn cho rằng, mẹ các cháu lang chạ không chắc có phải con cháu nhà mình nên không đón... Cứ thế, vì lý do này hay lý do khác, những đứa trẻ con của các nữ phạm nhân vẫn ngày ngày lớn lên cùng những năm tháng mẹ chúng thụ án.

Tác giả với các em trường mầm non trại giam số 5.

Tôi đã tiếp xúc với những phạm nhân nữ có con trong trại giam. Đa phần họ mắc án ma túy. Và không thể phủ nhận, nhiều người trong số họ đã chọn giải pháp có thai, sinh con để trốn tránh việc thi hành án, vì thế số con của họ rất nhiều.

Trịnh Thị Hoán -người đàn bà quê Thanh Chương - Nghệ An có tới 5 người con chính là mẹ của cậu bé Nguyễn Hoài Nam. Khi chị thụ án, con lớn mới 14, còn cậu bé Nam vào trại mới sinh. Giờ đây con lớn đã lấy chồng, còn Hoài Nam đã 9 tuổi mà chưa được một ngày đến trường thực sự.

Nguyễn Thị C - mẹ của Biên Thùy đã một mực đề nghị tôi đừng đưa tên lên báo. Theo lời chị thì gia đình, người thân đã từ bỏ mẹ con chị. Quê chị ở Phú Thọ, chị phạm tội chiếm đoạt tài sản XHCN với mức án 20 năm, tình cảnh của Biên Thùy cũng giống như với Hoài Nam, không một ngày đến lớp.

Đặc biệt trường hợp phạm nhân Nguyễn Hải Yến có 2 con tại trại,  là cháu Tạ Hoàng Anh và cháu Tạ Ngọc Ánh, hai anh em chỉ cách nhau có 9 tháng nay đều ở trường mẫu giáo của trại. Hai nữ phạm nhân dân tộc Mông mẹ của bé Sồng Thị Khánh Linh và bé Thào Thị Công thậm chí còn không nhớ nổi quê quán của mình, ngay cái tên của con họ cũng do cán bộ trại đi làm giấy khai sinh đặt giúp.

Tất cả họ đều phạm tội liên quan tới ma túy, người thì vào trại mới sinh, người thì sinh con ở ngoài nhưng còn bú nên phải mang theo. Trung tá Đỗ Đình Thi - Trưởng Phân trại 4 cho biết, với các phạm nhân có con nhỏ, công việc cũng được ưu tiên hơn, đa phần thuộc đội vệ sinh làm các công việc nhẹ hơn để có điều kiện chăm sóc con.

Với các em nhỏ dưới 5 tuổi thì ngày ngày mẹ các cháu bế từ trại giam ra, hết ngày lại đón về nhà giam ở cùng mẹ dưới sự giám sát của quản giáo. Còn các em lớn hơn thì ở lại trường với các cô, các bà.

Tôi trở lại nhà trẻ một lần nữa vào 6 giờ sáng hôm sau, khi các em mới thức dậy. Nguyễn Hoàng Biên Thùy đang gấp lại chiếc chăn và màn vừa gỡ xuống, các em khác đứa thì ngái ngủ, đứa thì đi tìm bàn chải đánh răng. Buổi sáng, các em tự làm vệ sinh, thực hiện các nề nếp chế độ theo quy định, tự mắc màn đi ngủ, tự gấp chăn màn một cách thành thạo và tự giác. Mỗi em có một bịch nilon đựng đồ dùng cá nhân là vài bộ quần áo.

Điều thương tâm là trong số các em đã có một số em nhiễm HIV phải nằm riêng. Nhiều em rất thông minh và nhạy cảm. Trung tá Nguyễn Thị Can kể rằng, nhiều hôm chị dẫn đứa cháu ngoại vào chơi với các em trong trường, những đứa bé xúm lại, chúng tròn mắt xem em bé và hỏi:

- Bà "Ban" ơi, sao em bé nhà bà "Ban" đẹp thế!

“Nghe chúng nói mà thương quá. Chúng nó biết phân biệt cả đấy. Nó nhận thấy sự khác biệt giữa chúng và những đứa trẻ khác khiến những người có trách nhiệm như chúng tôi không khỏi chạnh lòng” – Trung tá Nguyễn Thị Can bộc bạch.

Cháu Nguyễn Hoàng Biên Thùy, thường được các cô gọi là Biên, gương mặt thanh tú, nước da trắng mịn, cùng với Nguyễn Hoài Nam, đây là hai anh cả của gia đình nhỏ. Hai cậu đã quá tuổi đi học mà vẫn phải chịu cảnh... đi mẫu giáo với các em.

Tôi chợt nhớ câu nói đùa của Thượng tá Nguyễn Văn Vân: “Nếu theo mức án của mẹ các cháu thì có lẽ nhiều cháu phải ở đây đến lúc... cưới vợ” – Anh nói giọng có phần chua chát, cố đùa mà chúng tôi không ai cười được. Ở đây các cháu có được học chữ nhưng là do các cô dạy một cách ngẫu nhiên không theo giáo án nào, và trường cũng không có chức năng dạy học, không nằm trong hệ thống trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Cháu có biết viết không? - Tôi hỏi Nguyễn Hoàng Biên Thùy.

- Cháu có.

- Cháu viết thử chú xem nào.

Tôi chìa cuốn sổ và cây bút bi về phía cậu bé 9 tuổi. Cậu ngần ngại cầm lấy loay hoay. Những đứa bé khác xúm lại xem anh Biên viết. Khó khăn lắm Biên mới viết xong cái tên của mình. Tôi nhận thấy chữ viết của em không cơ bản, đặc biệt chữ e được em viết giống như số 3 theo kiểu viết tháu của người lớn, phần cuối chữ Hoàng thừa một chữ n. Ở tuổi của Biên, nếu ở ngoài xã hội, em có thể đã học đến lớp 3.

- Cháu có muốn đi học không?

- Mẹ cháu bảo bao giờ có người đón về thì sẽ cho cháu đi học.

Mẹ nói với Biên thế. Nhưng chờ mãi, chẳng có ai đón Biên về. Ngày ngày em vẫn cóp nhặt chữ nơi trại giam cùng những đứa trẻ con các phạm nhân khác. Lãnh đạo Trại giam số 5 cho biết, lớp học tồn tại đã lâu, trại cũng đã nhiều lần báo cáo lên trên, có nhiều đoàn kiểm tra đã về trong đó có cả đoàn của Quốc hội, thế nhưng một giải pháp triệt để để khắc phục tình trạng này thì dường như vẫn còn nằm ở đâu đó.

Dù cố gắng hết sức thì trại cũng chỉ có thể liên hệ với địa phương để làm khai sinh cho các cháu, Trung úy Đỗ Như Thuận là người trực tiếp đi làm việc này, rất nhiều trường hợp khai sinh chỉ có tên mẹ. Còn việc đi học dù địa phương có trường học nhưng mẹ các cháu đa số án tù chung thân, đi đâu còn có cảnh sát bảo vệ vác súng đi kèm làm sao có thể để họ đưa con đi học trong thời gian chấp hành hình phạt tù? Còn nếu cử cán bộ đưa các cháu đi học thì là điều không thể khi mà với nhiều cán bộ quản giáo, chính con của họ còn phải gửi về quê nhờ cậy người thân nuôi ăn học – lãnh đạo trại cho biết.

Chúng tôi rời Trại giam số 5 khi ánh hoàng hôn đang dần khuất sau ngọn núi. Nguyễn Hoàng Biên Thùy, Nguyễn Hoài Nam mỗi em dắt một chiếc thước gỗ vào dây lưng làm kiếm để chơi đùa.

- Chú ơi mai chú có đến nữa không? – Cô bé Bông níu áo tôi.

- Chú ơi, mai chú lại đến nữa nhé!

Các em quấn lấy chân tôi. Ánh mắt khẩn khoản.

- Ừ! Mai chú lại đến...

Tôi buột miệng nói với các em, và có lẽ các em cũng biết đó là một lời nói dối. Ánh mắt trong veo cứ nhìn theo mãi, tôi đi xa lắm nhìn lại vẫn thấy những đứa trẻ đứng bên những luống hoa trước nhà mẫu giáo. Hoàng hôn đã lặn dưới dãy núi mờ xa...

Nguyễn Xuân Thủy
.
.