Chuyện cảm động phía sau vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng

Thứ Tư, 31/12/2014, 17:15
Như trong thời chiến. Toàn bộ cả công trường sáng đèn 24/24. Các lực lượng giải cứu luân phiên thay ca 24/24. Các lực lượng hậu cần hỗ trợ cũng trực chiến 24/24. Cánh phóng viên cũng lập riêng cho mình một “bộ chỉ huy tiền phương”, luân phiên trực chiến cập nhật 24/24. Cả một khối nhân lực, vật lực đồ sộ đang được vận hành hết công suất, trong một chiến dịch giải cứu được quan tâm nhất từ trước tới nay.

1. 3h15 sáng ngày 18/12. Tiếng động cơ xe tải rì rì, tiếng khẩu lệnh vang lên dõng dạc, tiếng bước chân chạy rầm rập… lôi đám phóng viên khỏi giấc ngủ chập chờn. Lực lượng tinh nhuệ nhất của Lữ đoàn 293 và Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh, hành tiến suốt đêm từ Khánh Hòa đã có mặt tại hiện trường.

Đối với cánh báo chí, đây là một thông tin quan trọng. Tiến độ giải cứu 12 nạn nhân trong đoạn đường hầm bị sập đã không được như mong muốn của lực lượng chức năng. Tuyên bố nỗ lực trong vòng 2 ngày đưa được các nạn nhân ra ngoài… đã đi qua những giờ khắc cuối cùng. Và tất cả những ai có mặt ở hiện trường, không nói ra, nhưng đều ngầm hiểu, đó là một tuyên bố bất khả thi.

Trực tiếp có mặt trong hầm ngầm, những người chứng kiến mới thấy được thực tế khó khăn của công việc giải cứu. Đường hầm vốn được thiết kế với công năng dẫn nước (tuyến năng lượng) chỉ có chiều cao 4,7m và rộng 4,7m, nên những phương tiện hiện đại mà lực lượng giải cứu có sẵn hoặc có thể huy động không thể tiến vào.

Kết cấu địa chất cũng không cho phép lực lượng giải cứu đẩy nhanh tốc độ. Toàn bộ quả núi tuyến năng lượng xuyên qua là địa hình đất pha đá, liên tục sạt lở, càng đào càng sạt. Nước trong hầm cũng rất nhiều, ngay trên quãng đường 500m từ miệng hầm đi vào đến điểm bị sập, người đi phải lội bì bõm, có những đoạn nước ngập đến ngang bắp chân.

Không những vậy, khoảng 25m đường hầm bị sập xuống, đã kéo theo đá tảng từ phía trên, cộng thêm sắt thép, vữa bê tông… của đoạn hầm đã thi công. Như vậy, lực lượng giải cứu không chỉ phải vượt qua những khó khăn về địa chất, mà còn phải khoan qua một số lượng vữa bê tông, sắt, khung thép rất lớn. Hàng loạt mũi khoan đã bị gãy chứng tỏ sự phức tạp của vấn đề.

…Tiếng cuốc xẻng nện đất vang lên liên hồi. Những chiếc lều dã chiến vừa được dựng lên, đã thấy cánh trinh sát đầu tiên do Thượng tá Lê Đình Hùng, Lữ đoàn phó Lữ đoàn Công binh 293, dẫn đầu trở về. Những mệnh lệnh tiếp theo được đưa ra, khi trời còn chưa sáng, đội công tác đầu tiên của Lữ đoàn 293 đã nhanh chóng tiến vào hầm ngầm thay ca cho các đồng đội đến từ Lữ đoàn Công binh 25 của Quân khu 7, Phòng Cảnh sát PCCC Lâm Đồng và Tổng công ty Than và Khoáng sản Việt Nam.

2. Rất dễ dàng để thiếu thông cảm với tiến độ giải cứu các nạn nhân, nhưng nếu trực tiếp có mặt ở hiện trường, mới thấy lực lượng giải cứu đã, đang chiến đấu với toàn bộ sức lực của mình. Hơn 500 con người, chia làm 3 cánh, đảm nhận 4 hướng tiếp cận 12 nạn nhân.

Tất bật và bận rộn nhất, xuất hiện với tần suất lớn nhất trên các phương tiện truyền thông, tính đến thời điểm này có lẽ là Đại tá Hoàng Công Thạo, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Lâm Đồng. Lực lượng cứu nạn của Công an tỉnh Lâm Đồng là một trong những đơn vị có mặt đầu tiên để hỗ trợ đơn vị thi công tiến hành các phương án giải cứu nạn nhân.

Cả quân lẫn tướng của Đội cứu nạn do Đại tá Thạo chỉ huy quần quật gần 2 ngày trời. Đến sáng sớm 18-12, khi các đồng đội của lực lượng tiếp viện từ Sở Cảnh sát PCCC TP HCM tiến vào hiện trường, cánh phóng viên mới thấy ông Thạo thư thả được đôi chút.

Một lực lượng tinh nhuệ khác, ít khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, âm thầm làm chủ công trong các thi công đường hầm, chủ động phương án xẻ hầm ngách vòng qua "điểm chết" 500+25, đó là những thợ mỏ giỏi bậc nhất đến từ Tổng công ty Than và Khoáng sản Việt Nam.

Đầu giờ chiều ngày 17/12, 9 cán bộ cấp cứu mỏ giỏi nhất của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam với các trang thiết bị đặc chủng đã có mặt tại hiện trường. Sáng ngày 18/12, lực lượng của Tập đoàn Than và Khoáng sản đã được bổ sung thêm 10 thợ lò có tay nghề cao nhất, bậc 6/6, đến từ Công ty Than Hòn Gai và Than Hà Lầm.

Có thể nói, tính đến thời điểm hiện tại, những chuyên gia cứu hộ, các kỹ sư và các công nhân đường hầm, hầm lò tinh nhuệ nhất của các lực lượng chuyên ngành ở Việt Nam đã có mặt tại địa bàn Đạ Dâng.

3. Một lực lượng quan trọng khác không thể không nhắc đến, âm thầm làm nhiệm vụ liên tục truyền tải và cập nhật tới bạn đọc cả nước những diễn biến mới nhất của quá trình giải cứu 12 nạn nhân, đó là cánh báo chí ứng trực tại hiện trường.

Căn nhà ở kiêm bán quán, cách hiện trường chừng 200m, vốn chỉ để phục vụ lực lượng công nhân thi công đường hầm dẫn nước, nay đã biến thành đại bản doanh bất đắc dĩ của đội ngũ đông đảo phóng viên ảnh, phóng viên báo mạng cũng như truyền hình, báo viết, báo nói.

Trung bình, mỗi đầu báo đều cử đến đây tối thiểu 2 phóng viên. Những báo lớn sử dụng phương thức cập nhật thông tin liên tục trên mạng (live update) thì nhân sự còn đông hơn, từ 3-5 người luân phiên nhau ứng trực cập nhật 24/24. Đội ngũ phục vụ cho báo hình cũng đông đảo không kém, cũng từ 3-5 người/đội.

Toàn bộ 3 dãy bàn phía trước quán đã bị cánh báo chí "chiếm dụng", bày lên chằng chịt cơ man nào là máy tính, ổ cắm, xạc máy ảnh… Sự chiếm dụng ấy không chỉ diễn ra ban ngày, mà còn cả ban đêm, vắt qua sáng, rồi lại tiếp diễn. Đôi lúc, khi quá đông, cánh báo chí còn tràn cả vào nhà, chiếm dụng luôn giường ngủ và bàn để đồ.

Bà chủ quán, nhất định không chịu nói tên vì ngại xuất hiện, cho biết từ khi vụ việc xảy ra, quán của bà với 3 người luân phiên nhau, chạy hết công suất cũng với cường độ 24/24. Mì tôm, thẻ điện thoại Viettel (vì vùng thung lũng trũng sóng của các nhà mạng khác không tới được), nước suối, cà phê, trà…

Thấy cánh phóng viên ham việc, bà và mấy chị em trong quán có bao nhiêu ổ cắm điện trong nhà đều lôi ra phục vụ miễn phí hết. "Từ hôm đầu tiên xảy ra tai nạn, các chú các cô đã kéo lên đây. Có chú đi vội, giày không có, quần áo ấm cũng không có nốt, lội vào đường hầm ra rét run cầm cập, nhìn đến tội. Có chú ăn vội bát mì tôm, rồi quấn khăn ngồi co ro viết bài trong trời đêm nhiệt độ xuống 10ºC", bà chủ quán kể…
Danh sách 12 nạn nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm:

1. Phạm Viết Nam, nam, 1976; tỉnh Nghệ An

2. Phạm Xuân Đăng, nam, 1964; tỉnh Vĩnh Phúc

3. Đặng Thị Hồng Ngọc, nữ, 1988; tỉnh Nghệ An

4. Phạm Viết Lành, nam, 1994; tỉnh Nghệ An

5. Nguyễn Anh Tuấn, nam, 1991; tỉnh Hà Tĩnh

6. Nguyễn Văn Quang, nam, 1992; tỉnh Nghệ An

7. Hoàng Ánh Văn, nam, 1990; tỉnh Nam Định

8. Hoàng Đình Thịnh, nam, 1996; tỉnh Nam Định

9. Hoàng Đình Hường, nam, 1984; tỉnh Nam Định

10. Nhữ Văn Trường, nam, 1992; tỉnh Hà Nam

11. Nguyễn Tiến Đoàn, nam, 1989; tỉnh Nam Định

12. Trương Tuấn Việt, nam, 1984; tỉnh Hà Nam

Lãnh đạo binh chủng công binh và lữ đoàn 293 thị sát hiện trường, lên phương án đào hầm ngách thứ 2 bên trái điểm sập

Đại tá hoàng công thạo ( thứ 2 bên trái) trưởng phòng cảnh sát PCCC lâm đồng, người tất bật nhất trong 2 ngày đầu cứu nạn.

Lực lượng thợ hầm lò của tập đoàn than và khoáng sản đào hầm ngách vòng qua điểm sập.

Bảo vệ an toàn ống truyền không khí cho các nạn nhân trong công trường đang thi công.

Phòng làm việc kiêm chỗ ngủ đêm của một phóng viên ảnh bám hiện trường ở Đà Nẵng.

Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo đã kéo dài hơn 10 năm mà vẫn chưa thi công xong. Dự án này được khởi công từ tháng 12/2003, đã qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư.

Công ty CP Sông Đà 505, đơn vị thi công đổ bê tông công trình, cho biết khoảng 7h sáng ngày 16/12, 32 người đang tham gia thi công trong đường hầm dẫn nước (tuyến năng lượng) thì bất ngờ hầm bị sập. 20 người kịp chạy thoát ra khỏi miệng hầm, 12 người còn bị kẹt bên trong, cách miệng hầm khoảng 500m.

Công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) là một công trình thủy điện liên hoàn, trong đó thủy điện Đạ Dâng có công suất 14 MW, thủy điện Đạ Chomo có công suất 19 MW. Theo thiết kế, đường hầm dẫn nước (tuyến năng lượng) bị sập có chiều cao và rộng 4,7m, dài gần 712m, khi thi công đến 600m thì xảy ra sự cố.

Việt Đông
.
.