Từ những cái chết bí ẩn trong đầm tôm: Thương phận rạ rơm…

Thứ Sáu, 06/07/2012, 18:25

Miền Tây, chạy dọc một dải từ Long An đến mũi Cà Mau, lồng lộng gió. Gió phất phơ bờ lau, gió lăn lăn sóng nước… Miền Tây, nụ cười trắng xóa nắng mai, cái nheo mắt ảm đạm trời chiều…

Miền Tây, những thiếu nữ vừa mới lớn, chưa kịp ám ảnh bởi khuôn mặt anh láng giềng, đã vội vã lên Sài Gòn, đã hăm hở lên máy bay sang Đài Loan, Hàn Quốc… Đánh đổi thân phận để mong gặt được những hy vọng. Vậy mà, hy vọng không đủ cho tất cả.

Miền Tây, những ngày cuối tháng 6 này, âm vọng về câu chuyện buồn nơi đầm tôm ở tận ấp Lưu Thanh Hoa, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

1. Xâu chuỗi lại tất cả những tình tiết mà giới truyền thông đã chuyển tải về 3 cái chết bí ẩn tại đầm tôm của ông Cao Văn Liền (41 tuổi), người đã bị Cơ quan Công an tỉnh Cà Mau tạm giam 3 tháng để phục vụ công tác điều tra, dễ khiến dư luận giật mình khi nhớ về nội dung của một bộ phim kinh dị nào đó.

Trước năm 2006, người ta phát hiện một thiếu nữ mới 16 tuổi, đang mang thai đến tháng thứ 6, treo cổ tự vẫn trong khuôn viên đầm tôm của ông Liền.

Vài tháng sau cái chết của thiếu nữ ấy, người ta lại phát hiện nam nhân công của ông Liền chết trong chuồng dê.

Khi mà nghi vấn về hai cái chết liên tiếp vẫn chưa được giải tỏa, tạo nên không khí bí ẩn bao phủ xung quanh đầm tôm thì đến ngày 12/6 năm nay, trong lúc đi bắt rắn, hai người dân lại phát hiện có một tử thi, chết trong tư thế treo cổ tại phần đất của nhà ông Liền.

4 năm, 3 mạng người, 3 tử thi… 4 năm, tức hơn 1 nghìn ngày, bí ẩn ngày càng chồng chất.

Khám xét nhà ông Liền, Cơ quan Công an thu giữ được súng, đạn, mã tấu và kiếm Nhật. Theo những gì mà báo chí thông tin, thì ông Liền sống biệt lập trong phần đất của mình, mối quan hệ với xóm giềng chỉ dừng lại ở mức giao hảo.

Ông khác biệt với nhiều người miền Tây khác, nơi mà lắm lúc người ta nghĩ rằng, chuyện hàng xóm cá nhân còn am tường hơn chuyện của chính mình.

Trong ba cái chết xảy ra tại đầm tôm của ông Liền, có cái chết của hai anh em ruột tên là Phạm Minh Hiếu và Phạm Minh Phụng. Phụng là anh của Hiếu, Phụng mất tại chuồng dê vào năm 2008. Năm 2012, thì đến lượt Hiếu mất trong tư thế treo cổ, thi thể đã phân hủy.

Chỉ còn sót lại mỗi Phạm Minh Vương. Vương là anh cả trong 3 anh em Vương, Hiếu và Phụng, cùng làm công tại đầm tôm của ông Liền. Sau cái chết của Phụng vài ngày, Vương đã bỏ đi khỏi đầm tôm. Hiếu ở lại đây tiếp tục làm việc cho đến cái ngày vận rủi gọi tên mình.

Mẹ của ba anh em Vương, Hiếu và Phụng kể: Vợ chồng ông bà đứt gánh giữa đường sau khi đã có 5 mặt con. Họ chia tay nhẹ tênh, con cái được phân định 2 đứa theo mẹ, 3 đứa theo cha.

Rồi người quen giới thiệu sao đó, bà cho 3 cậu con trai của mình về làm công cho vợ chồng ông Liền.

Năm ấy, Hiếu mới 12 tuổi. Phụng và Vương lớn hơn một chút. Ông Liền bảo, chỉ trả công cho Vương thôi, vì Vương có sức vóc. Lương của Vương là 400 nghìn đồng/tháng. Phụng và Hiếu chỉ bao ăn để đảm nhiệm những việc lặt vặt trong đầm tôm.

Làm việc được ít lâu, thì Vương dẫn Hiếu bỏ trốn. Vương không nói lý do vì sao Vương dắt Hiếu bỏ trốn khỏi đầm tôm ấy. Chỉ biết, sau khi vợ chồng ông Liền gọi điện thoại cho mẹ Vương, thì Vương lại dắt díu Hiếu về đầm tôm để tiếp tục làm công.

Vương về lại đầm tôm, tiền công được nâng lên thành 800 nghìn/tháng. Tiền công, đều được vợ chồng ông Liền giao cho mẹ của ba anh em.

Đi làm quần quật, như là một cách trả hiếu cho đấng sinh thành.

Khu đầm tôm của vợ chồng ông Liền.

2. Phụng chết cạnh chuồng dê, Vương nói tỉnh queo: chết là do trúng gió sau khi đã ăn cháo vịt, rồi bỏ đi khỏi đầm tôm ra tận huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) làm việc, tuyệt không nhắc đến chuyện đó nữa.

Cho đến lúc Hiếu chết theo Phụng, thì Vương mới nói.

Vương kể, những ngày ba anh em Vương làm công cho nhà ông Liền, đó là những chuỗi ngày sống như nô lệ.

Bất kể lúc nào, ba anh em Vương đều có thể bị đánh, bị trấn nước. Mà cái cách trừng phạt người làm công của ông Liền khắc nghiệt lắm.

Ông muốn anh em Vương phải tự hành hạ lẫn nhau. Khi thì em đánh anh, lúc thì anh đánh em. Khi thì em đốt cháy bao nylon nhỏ lên đùi anh, khi thì anh lấy mủ cao su khô, đốt lên nhiễu vào chỗ nhạy cảm nhất trên cơ thể đàn ông của em. Khi thì anh trấn nước em và ngược lại…

Vương lại kể, Phụng bị bắt làm quần quật cả ngày, Phụng luôn luôn thèm ngủ. Vạ vật bất cứ nơi nào Phụng cũng ngủ. Giấc ngủ chập chờn, bất an. Vì chỉ cần phát hiện Phụng ngủ, vợ chồng ông Liền sẽ có cách trừng phạt.

Mặc vậy, Phụng sẵn sàng trả giá để được chợp mắt. Có lần, vợ chồng ông chủ sai Phụng đi chài cá. Chờ mãi không thấy Phụng về, ông bà chủ sai Vương đi tìm Phụng. Đến nơi Phụng đang chài cá, Vương phát hiện Phụng đang gục mặt lên đám chà  ngủ, trên ngón tay là con cua đang kẹp chặt đến bật máu… Chà, là những nhánh cây, thân cây được người nông dân vứt xuống sông hoặc ao đầm để làm chỗ cho cá, tôm, cua trú ẩn, thuận lợi hơn cho việc đánh bắt.

Biết chuyện Phụng ngủ gật khi chài lưới, vợ chồng ông chủ đã yêu cầu Vương phải trấn nước Phụng. Trấn nước đến bất tỉnh… Vương lay em mình dậy bằng cách lôi Phụng vào chuồng dê, nhồi ngực cho Phụng nôn ra hết nước trong người.

Vài ngày sau, phát hiện Phụng ngủ gật khi xúc đất, bà chủ đã dùng dây cua-roa, đánh Phụng đến tóe máu.

Bị hành hạ liên tục, tâm tính Phụng trở nên khác hẳn. Một ngày, Vương điếng người, nhìn thấy em mình nằm chết gục trong chuồng dê, hai chân co lại, tay buông thõng. Dáng ngồi của người đau khổ bởi sự nhẫn nhịn.

Phụng chết, sau khi được ăn bữa cháo vịt do chính tay Vương nấu. Con vịt chết, ông bà chủ tiếc của, ban phát cho anh em Vương.

Vương thông báo với ông bà chủ rằng Phụng đã chết. Ông bà chủ dạy cho Vương cách đối phó là chạy thẳng qua nhà hàng xóm, hét toáng lên "Tui lỡ tay đánh chết em tui rồi".

Vụ việc ấy nhanh chóng rơi vào quên lãng. Mạng người là điều quan trọng nhất, nhưng trong trường hợp này, mạng sống của Phụng chỉ đơn giản là… cây cỏ ngày nắng hạn.

Đương nhiên, tất cả những lời kể của Vương chỉ là câu chuyện một chiều. Mọi thứ phải chờ vào kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra.

Nhưng với những chi tiết đã xảy ra, có thể hiểu rằng, bi kịch của ba anh em Vương là có thật. Chuyện bị ngược đãi, bị đánh đập, bị bóc lột là có thật…

Tại sao, huyết thống lại đang tâm xuống tay hành hạ nhau? Tại sao anh em Vương lại sợ hãi ông bà chủ như thế? Tại sao họ không báo chính quyền địa phương? Tại sao họ không bỏ trốn?... Hay đơn giản hơn chỉ là, tại sao họ không phản kháng?

Vẫn biết, những mệnh đề nghi vấn được đặt ra sau khi sự việc đã gần như kết thúc, chỉ là một dạng phỏng đoán. Nhưng, cho đến giờ, dư luận vẫn cứ  băn khoăn bởi những câu hỏi ấy.

Phạm Minh Vương đã chứng kiến trọn vẹn bi kịch của em trai mình.

3. Vương bảo, Vương hay hai người em trai của mình phải hành hạ lẫn nhau, vì nếu không vợ chồng ông bà chủ sẽ hành hạ họ gấp đôi hình phạt ban đầu.

Họ không có sự lựa chọn, khi mà trong tay ông bà chủ có những thứ hung khí như súng, mã tấu, kiếm Nhật…

Họ cũng không có sự lựa chọn,  khi mà cả ngày họ chỉ biết cắm mặt vào đầm tôm, con dê, đàn vịt…

Họ càng không  có sự lựa chọn, khi mà số tiền công họ được ông bà chủ trả cho là để dành cho mẹ họ… Mẹ họ có cần số tiền đó không? Cần chứ, rất cần… Cần đến mức, khi Phụng chết tại chuồng dê nhà vợ chồng ông Liền, bà đã không dám cất tiếng đòi đi đến tận cùng sự thật. Mà chỉ lẳng lặng mang thi thể con về chôn cất. Thậm chí, bà đã ngăn cản không cho chính quyền địa phương kiến nghị các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm tử thi.

Đời họ cơ cực, họ quen nhìn xuống mảnh ruộng khô cằn, họ quen nhìn lên trần nhà rách nát… Họ quen vậy rồi, thay đổi tư duy là điều quá khó khăn.

Chính vì họ cơ cực, nên chuyện gì họ cũng muốn cho trôi qua lặng lẽ. Họ ngại cơ quan công quyền, họ ngại rắc rối liên quan đến mặt luật pháp.

Và họ xem đó như là chuyện xui rủi. Đã xem đó là chuyện xui rủi, thì họ làm lớn chuyện để làm gì đâu.

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến câu chuyện của cậu bé Hào Anh cách đây hai năm . Hào Anh 14 tuổi, Hào Anh chỉ sống thực sự là sống khi được các cơ quan hữu trách giải thoát khỏi đầm tôm của những người có cùng huyết thống với Hào Anh.

Nhà Hào Anh nghèo, Hào Anh cũng được mẹ gửi vào trại tôm để có được cái ăn. Và tại đây, Hào Anh biến thành trò giải trí cho hai vợ chồng bệnh hoạn mà Hào Anh gọi là cậu và mợ.

Bất cứ lúc nào, Hào Anh cũng có thể bị những trò tra tấn, từ lấy mái chèo đánh thẳng vào đầu, dùng kìm giật rách môi, buộc dây dù vào cổ để lâu lâu hứng chí mợ của Hào Anh lại giật ngược một cái khiến "Con có cảm giác bị cắt cổ" (lời của Hào Anh), ủi bàn ủi nóng lên người…

Khi được giải cứu, trên cơ thể Hào Anh chằng chịt những vết sẹo, người không ra người… Và những sang chấn tâm lý nghiêm trọng.

Dẫu sao, Hào Anh còn may mắn hơn Phụng hay Hiếu.

Tại sao bi kịch cứ rình rập những phận người không may như Hào Anh, như Phụng, như Hiếu… Hay xa hơn nữa là như cô thiếu nữ tuổi 16 tự kết thúc đời mình với cái thai 6 tháng tuổi trong bụng tại đầm tôm của vợ chồng ông Liền (?!).

Tại sao không phải là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ… mà lại là Cà Mau(?!).

Thật ra, bi kịch không chọn thân phận. Sự không may, không chọn địa điểm hay khu vực để xuất hiện. Chỉ là, xác suất để bi kịch hiện hữu thường vận vào những mảnh đời bất hạnh.

Bị ngược đãi, bị hành hung lâu ngày… người ta quen với cái không khí đậm chất khủng bố ấy. Người ta không có lối thoát.

Quan trọng hơn, trong suy nghĩ của họ, họ là người làm công. Người làm công đối với họ, không phải là một mối quan hệ cộng sinh theo kiểu "Người cần việc, người cần người" mà là mối quan hệ "Ông chủ - đày tớ", đúng kiểu "Địa chủ - tá điền".

Khi mối quan hệ đã được tự họ phân định theo cách của họ, thì việc ông chủ buồn bực đánh họ, họ coi là đương nhiên. Khi xảy ra sơ suất trong công việc, họ bị ông chủ hành hạ, là hẳn nhiên.

Họ không có gì phàn nàn, không có gì phải than van. Họ đón nhận mọi thứ đòn roi, tra tấn cứ như là chuyện rất đỗi bình thường.

Từ ý thức họ vô tình tự biến mình thành nạn nhân. Lợi dụng ý thức tự mặc định ấy, những kẻ biến thái về tâm tính, lấy việc hành hung người khác làm trò đùa nghiễm nhiên cho mình cái quyền được hành hạ người khác.

Nếu Hào Anh được đến trường, nếu Phụng hay Hiếu được tiếp cận với tri thức, họ sẽ được trang bị nhiều hơn những kỹ năng sống. Họ sẽ biết cách phản kháng, họ sẽ biết gõ cửa để cầu cứu hay tố cáo hành vi không được pháp luật cho phép…

Tiếc rằng, ngoài sự nghèo khó và hạn chế về nhận thức, họ không còn có gì cho mình cả.

Có rất nhiều những chàng trai miền Tây, những cậu bé nông thôn… Vốn dĩ, chúng ta vẫn nghĩ, họ sinh ra ở miền quê, và họ thuộc về đồng ruộng. Họ được ấn định cho gốc lúa, cho cái cày, cho con trâu. Cho sớm mai rỉ rả côn trùng, cho đêm về cất điệu hò xàng xê xư cống, cho bình yên nơi mái tranh…

Và có lẽ vì vậy, chúng ta đã lãng quên họ. Lãng quên một cách vô thức.

Lãng quên, như chúng ta đã từng lãng quên về những bi kịch của những cô dâu ở Hàn Quốc, ở Đài Loan…

Ngoài lãng quên, chúng ta chỉ biết cách giật mình mỗi khi chứng kiến nỗi đau rơm rạ của những phận người bạc bẽo ấy.

Cái giật mình rất muộn màng…

Ngô Nguyệt Hữu
.
.