Những cuộc trò chuyện trong khu giam tử hình:

Tử tù Hà Thị Tiến: "Em muốn được gặp con dù chỉ một lần"

Thứ Hai, 17/05/2010, 15:51
Bị bắt giam từ tháng 11/2006 khi đứa con gái lớn 9 tuổi và đứa con gái thứ hai mới được 38 tháng 16 ngày, bây giờ nằm trong khu giam tử hình đã hơn 2 năm nhưng hầu như đêm nào tử tù Hà Thị Tiến cũng rấm rứt khóc vì nhớ con. Khi hai lần cửa nặng nề của buồng giam tử tù mở ra, nhìn thấy tôi là Tiến oà lên nức nở.

Tôi lặng đi nhìn Tiến. Một người đàn bà mảnh mai, da trắng ngần, tóc búi cao, vẫn còn nét mộc mạc không có dấu vết nào của sự tỉa tót nâng mũi, xăm mày, xăm môi... như rất nhiều các bà trùm ma túy mà tôi đã từng gặp.

Thì trước khi bị bắt, Tiến cũng chưa từng bao giờ đặt chân tới những chốn phồn hoa đô thị. Những thứ ăn chơi xa xỉ của phụ nữ, người đàn bà dân tộc Thái này chưa một lần từng trải. Sinh năm 1973 tại bản Buổn, xã Chiêng Cơi, thị xã Sơn La, giống như rất nhiều những phụ nữ miền núi khác, Tiến chỉ quanh năm sống trên núi, làm nương rẫy.

Chồng Tiến cũng là người dân tộc Thái, cùng quê với Tiến. Lấy nhau rồi, Tiến về nhà chồng ở cùng với cha mẹ chồng nay đã ngoại 80. Nhà chồng ở trên núi, chồng cũng chỉ có mỗi một nghề làm nương. Rồi hai đứa con lần lượt ra đời. Hai vợ chồng chăm chỉ cày cuốc nên cuộc sống cũng tạm đủ, không có của ăn của để nhưng cũng chẳng bị đứt bữa nào.

Cuộc sống bình thường lẽ ra cứ thế trôi đi yên ả nếu như Tiến không mắc vào mối quan hệ với Quàng Thị Lả, một người đàn bà dân tộc Thái, lớn hơn Tiến 8 tuổi, sống ở bản Thôm, xã Thôm Mòm, huyện Thuận Châu. Chỉ là một bản người Thái với những nếp nhà sàn bình yên, rất gần quốc lộ nhưng đã có một thời, Thôm Mòm được coi là cứ điểm nhức nhối nhất về tệ nạn ma túy. Hàng ngày, theo con đường từ nước bạn qua Xuân Tre (Tuần Giáo) sang Cò Mạ rồi tập kết ở Thôm Mòm để từ "tổng kho ma túy" này, "hàng trắng" được phân phối đi khắp nơi. Có lúc "phong trào" buôn ma túy ở đây rầm rộ đến mức nhiều gia đình bỏ hết ruộng nương để chạy theo siêu lợi nhuận của "cái chết trắng".

Gia đình Quàng Thị Lả là một trong số những gia đình như thế. Trong khi chồng Lả và con rể Lả (chồng của con gái Quàng Thị Sơ) đang ngồi tù vì buôn bán ma túy thì ở ngoài xã hội, cha truyền con nối, hai mẹ con Lả và Sơ cùng với Quàng Văn Binh, bồ của Sơ, lại tiếp tục buôn bán cái chết trắng.

Sau này, khi bị bắt giữ, Lả khai nhận: đầu năm 2006 tại thị xã Sơn La, Lả có quen biết với một người Trung Quốc tên là Trịnh Gia Chung. Đến đầu tháng 10/2006, Lả đi tiếp tế cho chồng là Quàng Văn Phóng đang thi hành án 15 năm tù về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" tại phân trại cải tạo Thanh Xuân ở huyện Văn Giang, Hưng Yên về đến bến xe Sơn La thì gặp Chung. Chung đưa cho Lả 150.000 USD nhờ Lả về Sơn La mua hộ hêrôin. Về đến nhà, Lả đưa toàn bộ số tiền trên cho Quàng Văn Binh  để Binh đi mua hêrôin.

Sau khi mua được cả thảy 28 bánh hêrôin, Binh cùng với người tình là Sơ đã gọi điện cho Hà Thị Tiến để nhờ Tiến cất giấu. Đưa hàng cho Tiến vào ban ngày, sợ bị lộ nên Binh và Sơ đã chờ cho trời xẩm tối mới gọi điện cho Tiến ra lấy. Binh và Sơ cũng tỏ ra rất tinh quái khi chúng không mang vào tận nhà Tiến mà hẹn Tiến ra khu vực suối nước nóng cách đó chừng 3 km để nhận hàng. Lần đầu, tại đây, Binh - Sơ đưa cho Tiến một thùng cáctông bên trong đựng 18 bánh hêrôin.

Lần thứ hai lại đưa cho Tiến một bao tải dứa đựng 10 bánh hêrôin nữa. Tiến đem về nhà, lặng lẽ cất giấu 28 bánh hêrôin này trong gầm giường nhà mình. Trong cuộc gặp gỡ với tôi, khi nhớ lại chuyện này, Tiến cứ khóc lóc vật vã mãi. Tiến bảo, tại Tiến ngu dại quá nên mới ra nông nỗi này, để cuối cùng phải chết khi cả hai đứa con còn quá nhỏ...

Khóc khi thương nhớ con...

Ít hôm sau cái buổi tối Binh và Sơ giao hàng cho Tiến tại suối nước nóng, tối ngày 13/11/2006, Quàng Thị Lả đã cùng với Quàng Thị Thuông (cháu gọi Lả là dì ruột) đi từ nhà Lả ở Thôm Mòm, Thuận Châu đến nhà Tiến với mục đích là lấy toàn bộ số hàng mà Sơ và Binh đã gửi tại đây để bắt xe đem về Hà Nội. Vì thế, Lả đã nhờ hai người đàn ông quen chở hai dì cháu Lả bằng xe máy xuống nhà Tiến. Sau đó, họ đèo nhau trở lại Thôm Mòm bằng một chiếc xe máy còn để lại nhà Tiến chiếc xe máy Yamaha Jupiter để mấy hôm sau khi xong việc ở Hà Nội thì dì cháu Lả sẽ quay lại đây lấy xe máy đèo nhau về nhà. Kế hoạch đã được Lả sắp đặt khá hoàn hảo.

Tối ấy, tại nhà Tiến, Lả bảo Tiến đưa hàng cho Lả đóng gói để đem về Hà Nội. Tiến đã chui vào gầm giường lấy ra chiếc bao tải dứa và chiếc thùng cáctông có chứa hêrôin mà Sơ và Binh đã gửi, đem xuống bếp nhà Tiến để cho Lả đóng gói. Rất thành thạo, Lả đã tháo bung thùng cáctông ra, lấy 18 bánh hêrôin, tống tất cả vào chiếc bao tải dứa bên trong đã có 10 bánh. Sau đó, Lả đã nhét bao tải dứa có 28 bánh hêrôin này vào trong một chiếc thùng cáctông ở bên ngoài đề chữ "Bột ngọt Vedan".

Thấy Lả đóng gói nhiều hêrôin quá, Tiến lo ngại hỏi: "Chị đem nhiều hàng thế này mà không sợ à?" nhưng Lả mải miết làm, không nói gì. Ngoài thùng hêrôin, Lả còn bảo Tiến chất thật nhiều khoai sọ vào một thùng cáctông khác bên ngoài có đề chữ "Bánh kẹp kem". Sau đó, Lả nhờ Tiến giữ chặt mép 2 thùng cáctông này để Lả lấy băng keo dán chặt tất cả các mép thùng. Xong xuôi, Lả cùng Tiến khuân cả 2 thùng lên trên nhà Tiến để cất.

Xong xuôi, Lả ngồi vào bàn uống nước. Thuông cũng ngồi ở đấy. Lả  rút tiền cho Tiến 500 nghìn đồng, cho con Tiến 10 nghìn đồng. Trong khi đó, chuyến hàng này, sau này, theo lời khai nhận của Quàng Thị Lả thì nếu trót lọt có thể được lãi tới xấp xỉ 1,2 tỉ đồng vì mỗi bánh hêrôin mẹ con Lả mua vào với giá 90 triệu đồng nhưng đem về Hà Nội sẽ bán với giá 130 triệu đồng, lãi ròng 40 triệu đồng.

Sớm hôm sau, khi trời mới tờ mờ sáng, cả bản còn đang chìm trong giấc ngủ, trời lạnh như cắt da cắt thịt thì hai dì cháu Lả đã lục tục trở dậy, đi bộ ra ngã ba Quyết Thắng, thị xã Sơn La để đón xe đem hàng về Hà Nội. Hà Thị Tiến cũng dậy cùng, chất 2 thùng  cáctông lên đằng sau xe đạp, dắt bộ chở hộ dì cháu Lả ra chỗ đón xe. Khoảng 14 giờ chiều hôm ấy thì xe về đến bến xe khách Sơn La tại phường Thanh Xuân Trung, Hà Nội. Một tổ công tác của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội mật phục tại đây đã bắt quả tang Quàng Thị Lả cùng với chiếc thùng cáctông có chứa 28 bánh hêrôin.--PageBreak--

Tại Cơ quan điều tra, Lả đã khai ra toàn bộ sự việc, trong đó có chuyện gửi hàng tại nhà Tiến, được Tiến giúp đỡ trong khi đóng gói hàng và vận chuyển ra đón xe ở ngã ba Quyết Thắng, Sơn La. Ngay ngày hôm sau, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã ra lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với Hà Thị Tiến. Tại nhà Tiến, Cơ quan Công an đã thu giữ được chiếc xe máy Yamaha Jupiter mà hai dì cháu Quàng Thị Lả đã gửi từ chiều hôm trước, thu được cả chiếc điện thoại mà Tiến đã dùng để liên lạc với Quàng Thị Sơ, Quàng Văn Binh để nhận hàng, cả chiếc xe đạp cũ mà Tiến đã dùng để chở thùng hêrôin ra ngã ba Quyết Thắng cho Lả cùng nhiều vật chứng quan trọng khác. Tiến bị áp giải về Hà Nội, giam trong Hỏa Lò. Khi ấy, đứa con gái lớn mới học lớp Ba, còn đứa con gái nhỏ thì vừa mới biết ăn cơm.

Mẹ bị bắt khi còn nhỏ, hai đứa trẻ chỉ còn biết trông vào cha và bà nội đã già. Mặc cho tôi và những người quản giáo an ủi, động viên, Tiến cứ úp mặt xuống bàn khóc nức nở: "Em có tội với các con em... Em thương các con lắm chị ơi!". Trong suốt cuộc trò chuyện, không lúc nào nước mắt Tiến thôi rơi. Tôi ngồi nghe Tiến khóc, nhìn gương mặt mảnh mai u buồn của Tiến chứa chan nước mắt mà thấy lòng thắt lại. Giá mà không hám lợi, giá mà không tự mình sa chân vào những đường dây ma túy ma quỷ này, giá mà biết thương đến các con sớm hơn thì người mẹ này sẽ có một cuộc sống yên bình trên núi cao với hai đứa con gái xinh đẹp và một người chồng tử tế.

Bây giờ, ngồi trong buồng giam tử hình, Tiến cũng đã ngộ ra điều ấy nhưng đã là quá muộn mất rồi... Trong cả phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm, bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi phạm tội, Tiến đều bị tuyên án tử hình. Sau phiên tòa phúc thẩm, Tiến đã làm đơn xin tha tội chết gửi lên Chủ tịch nước. Nhưng Tiến bảo, tội trạng Tiến thế, chả dám hy vọng gì đâu...

...và trở về buồng giam tiếp tục chờ đợi tới ngày được nhìn thấy con dù chỉ một lần.

Quàng Thị Lả. trong những ngày bị tạm giam, chắc biết tội lỗi của mình quá nặng nên đã tự sát chết trong buồng giam. Quàng Thị Sơ, lúc mẹ bị bắt thì đánh bài... chuồn. Nhưng cũng chỉ trốn chui trốn lủi được một thời gian thì bị bắt. Trong phiên tòa xét xử Sơ hồi tháng 3 năm ngoái, mặc dù Sơ tỏ ra ngây ngô, bảo rằng không biết chữ, không gọi điện thoại giao dịch với Tiến vì cho rằng mình còn không biết điện thoại là như thế nào. Nhưng khi tử tù Hà Thị Tiến được dẫn giải đến tòa và khai nhận, chính Sơ và Binh đã mang ma túy đến cho Tiến cất giấu tại nhà thì Quàng Thị Sơ mới im lặng cúi đầu... Quàng Thị Sơ lẽ ra cũng phải chịu chung số phận với Tiến nhưng vì Sơ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên theo luật định, Sơ không phải chịu án tử hình mà chỉ phải chịu mức án chung thân.

Tính đến khi gặp tôi, Hà Thị Tiến đã bị tạm giam 3 năm rưỡi và ở trong buồng giam tử hình hơn 2 năm.  Nhưng nếu như đại đa số các tử tù trong khu giam này được gia đình thăm nuôi thường xuyên thì Tiến là một trường hợp ngoại lệ. Trong suốt ngần ấy thời gian tạm giam và ngay cả trong giai đoạn khủng khiếp nhất đối với các tử tù như Tiến là chờ thi hành án, sống những ngày cuối cùng thì Hà Thị Tiến vẫn rất ít được thăm nuôi.

Thi thoảng chồng Tiến mới xuống thăm, gửi quà. Tất cả những lần Tiến ốm đau, cần thuốc hay cần những vật dụng cần thiết cho phụ nữ, các cô quản  giáo ở đây đều giúp Tiến cả. Cuộc sống của Tiến hầu như trông chờ tất vào chế độ của Trại. Nhưng Tiến không trách chồng. Cô bảo, anh vẫn yêu thương cô, chỉ có điều nhà nghèo mà đi lại từ Sơn La xuống đây, tốn kém quá nên chồng cô không đi thường xuyên được.

Từ ngày bị bắt đến giờ, Tiến cũng mới chỉ được gặp đứa con gái lớn có một lần. Đứa con gái nhỏ, khi Tiến bị bắt mới 38 tháng rưỡi bây giờ đã đi học lớp 1. Đấy là Tiến nghe chồng Tiến nói lại chứ Tiến thì từ khi bị bắt đến tận bây giờ, hơn 3 năm trôi qua mà Tiến chưa được nhìn thấy đứa con gái nhỏ lần nào. Tiến chỉ được nhìn thấy nét chữ của con, qua bức thư ngắn ngủi mà cháu gửi qua cha xuống cho mẹ. Chồng Tiến giở thư con, áp vào tấm kính ngăn giữa hai người trong phòng thăm gặp tử tù cho Tiến đọc. Thư ngắn lắm, chỉ có vài dòng chữ run rẩy trên trang giấy học trò: "Mẹ kính yêu. Con nhớ mẹ nhiều lắm. Con chúc mẹ mạnh khỏe, sớm được về với con".

Mong muốn lớn nhất của Tiến bây giờ là cô được tha tội chết, được sống để nhìn thấy các con lớn khôn. Nhưng Tiến bảo, cô không còn cơ hội trở về như mong ước của đứa con gái bé bỏng nữa rồi... Cô phải trả giá cho những hành vi phạm tội nghiêm trọng của mình bằng mạng sống. Cô chỉ muốn được gặp con thôi. Các con chính là nỗi đau lớn nhất của cô, một người mẹ đã không làm tròn bổn phận của mình với những đứa con thơ dại...

* Đón đọc: “Nữ tử tù: Khi tình yêu chưa chết”

Đ.H.
.
.