Tuổi teen “hành xác”

Thứ Tư, 12/08/2009, 20:25
Bị điểm kém, bất hòa với bạn bè, bố mẹ cãi nhau… một số thanh thiếu niên tự tìm đến một thú vui man rợ: cắt rạch lên cơ thể mình để vừa giải tỏa và vừa thể hiện bản lĩnh. Trào lưu này đang len lỏi trong giới trẻ và gây ra những mối họa khó lường. Vậy, vì sao nhiều tuổi teen lại thích làm đau mình như vậy và đâu là liều thuốc "miễn dịch" cho sở thích quái gở này?

Tự rạch tay mình cho... đỡ đau

Tôi biết Lê Tiểu Linh thông qua một người bạn đã từng học với cô ở trường phổ thông trung học. Bố mẹ cô không hạnh phúc, năm Tiểu Linh 14 tuổi, họ ly dị nhau rồi mỗi người đi một hướng, Tiểu Linh sống với bà ngoại trong một căn nhà tạm bợ ở quận Long Biên.

Bà ngoại 70 tuổi nghễnh ngãng không thể quản lý nổi cô cháu gái đang bước vào tuổi mới lớn. Tiểu Linh tụ tập theo đám bạn hư hỏng, bắt đầu làm quen với những buổi chơi đêm, những trò "bay lắc". Đến năm 16 tuổi thì Linh tuyên bố xanh rờn "đã từng ngủ hết với bọn con trai trong nhóm". Linh trở thành "đồ chơi" của cả bọn: lắm khi chỉ cần một bữa ăn, vài thứ quần áo hay một viên "kẹo" (ma túy tổng hợp) là gã đàn ông có thể dắt cô lên giường ngay sau buổi gặp đầu tiên.

Ngay trong buổi đầu bố trí cho tôi tiếp xúc với Tiểu Linh, bạn của tôi đã được Linh nhờ đi mua giúp một hộp lưỡi dao cạo râu. Ban đầu cứ tưởng Linh dùng làm gì, đến hôm sau chúng tôi mới té ngửa ra là cô dùng nó để cứa vào cánh tay. Ngồi trong quán café, Tiểu Linh hồn nhiên đưa cánh tay có nhiều vết rạch chằng chịt còn ửng đỏ (dù trước đó đã nghe chuyện Linh cùng bạn bè rạch tay hành xác nhưng trong tình huống đi mua dao lam "tiếp tay" như thế, tôi hơi bị bất ngờ và không đoán trước được).

- Em không đau à? - Tôi hỏi.

- Đau chứ anh, nhưng còn hơn là ngồi nghĩ đời mình chán, còn đau lòng gấp vạn.

Tôi không dám hỏi tiếp vì sợ Tiểu Linh mặc cảm về hoàn cảnh không được may mắn. Một lúc sau, cô ngồi giải thích cho tôi cái cảm giác thích thú khi ngồi nhìn từng giọt máu ứa ra làm tôi dựng cả tóc gáy. Thật khó để nghĩ rằng một cô gái 18 tuổi lại đã có những suy nghĩ như một thành phần "không tiếc thân mình" như vậy.

Rạch tay và trào lưu "bản lĩnh ảo"

Sử dụng công cụ tìm kiếm Google với từ khóa "rạch tay" chỉ trong chưa đầy 1 giây tôi đã có đến 14.000 kết quả, trong đó là hàng trăm bài viết từ các blog cá nhân. Kèm theo đó là hàng nghìn bức ảnh chụp các hình rạch tay mà các thanh thiếu niên "tự sướng" trên blog để khoe với bạn bè. Thậm chí còn có cả những đoạn video clip quay bằng điện thoại di động quay trực tiếp những cảnh rạch tay "hành xác" được post lên và đã có hàng trăm ngàn lượt người truy cập để xem.

Trước đây, nóng nhất trên mạng thường là những màn "show hàng", chát sex thì nay nhiều teen còn kháo nhau chuyện "rạch chát" (tức là vừa chát vừa rạch tay rồi gửi webcam cho bạn chát xem để chứng tỏ bản lĩnh của mình).

Sau đây là vài dòng lý do kiểu trời ơi đất hỡi mà các teen dại dột trình bày trên blog cá nhân: (PV xin được "Việt hóa" nhiều ngôn ngữ biến dạng của tuổi teen để bạn đọc không bị... "đau mắt").

"Hôm nay lại cãi nhau với mama... Bị đánh! Tức quá cầm dao rọc giấy lên... Dao cùn nên đâm nhát đầu tiên chưa rách, chỉ hơi đau chút... Nghiến răng làm phát thứ hai... Eo ơi tê tê!" - Trích từ blog... BK_LOVE.

"Thằng chồng của mình khốn nạn thật, mình iu nó thế mà nó lại tặng hoa cho con Hòa. Khắc tên con mắt toét đó lên tay mà nhớ mối thù..." - Trích từ blog Buithieu... 9091

"Bà già lại la mắng, sao lúc nào cũng cứ phải la toáng lên thế nhỉ, mới nghỉ học có mấy hôm mà cứ làm như bỏ đến nơi không bằng. Cắt cái cho đỡ chán đời..." - trích từ blog Ohhmy...

Một tuổi teen tự rạch tay mình rồi post lên blog.

Những hình ảnh mà chúng tôi thu thập được từ các blog có thể gói gọn vào một số dạng như sau: cắt nham nhở chằng chịt, cắt theo kiểu khắc tên người, rạch thành chữ "EMO" hoặc gí thành từng lỗ nhỏ cho rỉ máu... Nguy hại hơn, nhiều teen còn tập trung thi nhau rạch tay xem ai rạch được nhiều hơn, chảy nhiều máu hơn. Có một cách kinh dị để các teen đọ nhau xem ai rạch rỉ nhiều máu hơn là họ dùng giấy lau để thấm, máu của ai thấm qua nhiều lớp giấy hơn thì người đó thắng. Rồi có vô vàn cách đua đòi nhau: ai rạch nhiều vết hơn, ai rạch đẹp hơn, ai khắc tên người yêu lâu không bị liền da nhất... Thậm chí một số teen xem các vệt rạch trên tay là thứ để phân biệt đẳng cấp, phân biệt thứ bậc, thể hiện bản lĩnh của mình.

Những biểu hiện thiếu bình thường này được lan truyền trên các blog cá nhân và những ảnh, video clip, entry về nó trở thành đề tài "hot" - càng "hot", các teen càng đua nhau làm để tăng lượng người truy cập trang cá nhân của mình.

Hành xác - Emo kiểu "nửa mùa"

Hiện tượng các thanh thiếu niên, đặc biệt là các em sống ở đô thị mới xuất hiện khoảng 2 năm trở lại đây. Dù không công khai rầm rộ như các trào lưu "dạt nhà", đi xe đạp ruồi, nhảy hiphop, xăm mình, đeo khuyên... nhưng hành xác thực sự đang len lỏi và trở thành một mối nguy hại không chỉ về sức khỏe mà cả về tâm lý, tinh thần những người đang ở lứa tuổi chưa trưởng thành. Hành xác đang trở thành một trào lưu âm thầm và nhiều người đã quy cho nó về một biểu hiện của Emo.

Emo là danh từ bắt nguồn từ chữ "Emotion" (cảm xúc) để chỉ một trào lưu sống dựa theo cảm xúc. Biểu hiện của trào lưu văn hóa Emo là "tôn thờ" lối sống ủy mị. Trào lưu này đã xuất hiện ở các nước phương Tây từ hàng chục năm trước nhưng có mặt ở Việt Nam thì mới chỉ khoảng 5 năm trở lại đây.

Nhiều người cho rằng cách để phân biệt một người sống kiểu Emo là cách ăn mặc có phần lập dị của họ: con trai thường sơn móng tay màu đen và trông rất gầy như thể họ không bao giờ ăn. Emo con gái thường cài những chiếc cặp tóc trông rất buồn cười và hay đeo băng đô, mặc áo phông với dòng chữ "The Sponge Bob Square Pants". Có một đặc điểm nữa là các Emo thường để mái chéo che khuất một bên mắt để mọi người không nhìn rõ mặt mình.

Chúng ta có thể hình dung: Emo là lối sống của những thanh thiếu niên lập dị, sống yếu đuối và thường hay biểu hiện cảm xúc một cách thái quá: đang khóc sướt mướt bỗng dưng cười toáng lên. Nhiều người vẫn cho đó là biểu hiện của thần kinh, gàn dở.

Chúng tôi đã từng được xem sinh hoạt của một nhóm Emo ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nhóm này có nhiều người là sinh viên của các trường đại học trong khu vực quận Thanh Xuân.

Cả nhóm này có đặc điểm: tóc tỉa nhọn, duỗi thẳng, nhuộm cực đen và điểm xuyết vài màu sáng, tóc mái dài và hất sang một bên che phủ một hoặc cả hai mắt. Các Emo nữ thì trang điểm trắng bệch, tô viền mắt đen dày để tạo "phong cách cảm xúc". Các Emo nam lại sơn đen móng tay... Về trang phục, hầu hết mặc bó sát, quần jean chật, áo thun vẽ những hình thù kỳ dị, thắt lưng gai to bản, giày đen bụi bặm... Các Emo nam có thân hình ốm tong ốm teo như suy dinh dưỡng và dáng vẻ đầy... nữ tính.

Một buổi sinh hoạt ở quán cà phê gần cổng Trường đại học Hà Nội cũng khá là... chẳng giống ai: họ ít nói chuyện xã hội, chuyện giải trí mà tập trung bàn nhau về các đề tài. Một số đề tài chính như: nước mắt, tình yêu muôn thuở, sự lãng mạn... Ví dụ như kể đến chuyện Romeo và Juliet thì cả nhóm ai cũng tỏ vẻ bùi ngùi, một vài người cúi đầu rồi rơi nước mắt. Kể đến chuyện vui thì mấy cậu thanh niên lại rú lên, có người đứng dậy hò hét và biểu diễn một điệu nhảy lạ mắt. Thú thật, những người bình thường nghe buổi bàn luận này sẽ lập tức cho họ là gàn dở và lập dị.

Tuy vậy, nhóm Emo này cũng chỉ "khác người" đến như vậy, họ không có biểu hiện của việc rạch tay "hành xác". Một thành viên trong nhóm này cho chúng tôi biết: những Emo "hành xác" thì chỉ là Emo "nửa mùa", đua đòi, bắt chước "là dân Emo yêu cầu sống khác người, không cứ phải làm đau mình mới gọi là Emo được".

Hành xác - tiếng kêu cô độc

PV Chuyên đề ANTG đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồi Loan - Chuyên gia Tâm lý học của Trường đại học KHXH&NV Hà Nội về nguyên nhân, bản chất của hành vi trẻ vị thành niên cắt tay tự "hành xác".

"Đây là hiện tượng mới lạ trong xã hội Việt Nam hiện nay. Trước hết, phải khẳng định các em này không hề có dấu hiệu của bệnh tự hành xác. Đây là hành vi thiếu hụt kỹ năng sống, không phải là vấn đề bệnh lý".

Theo ông thì hiện tượng này chỉ xảy ra trong một nhóm rất nhỏ các em ở đô thị, sinh ra trong gia đình thiếu sự quan tâm đúng mực của bố mẹ. Các em bị "bỏ rơi" trong chính ngôi nhà của mình. Thường thì những em này có kết quả học tập không tốt, không khẳng định được bản thân trong môi trường học đường, bạn bè...

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan lý giải cái gốc sâu xa, bản chất của việc "hành xác": trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, đã có những giai đoạn con người cũng trải qua quá trình: tự làm đau mình. Đó là một phản xạ trong quá trình thích ứng để tồn tại, phát triển của con người, điển hình là việc xăm mình. Trên thực tế, sâu bên trong hành vi đó là sự yếu đuối của con người, sự thiếu tự tin của họ trong chinh phục thiên nhiên. Việc tô điểm lên cơ thể nhằm tăng sức mạnh, mượn sức mạnh từ bên ngoài để đe dọa tự nhiên, hoặc đồng hóa mình với các con vật có sức mạnh đó: hổ, đại bàng... Qua đó, con người tạo cho mình một sức mạnh ảo tưởng, sức mạnh tinh thần để tồn tại trong tự nhiên. Con người chịu làm những việc trên chính cơ thể mình, chịu đau đớn, họ muốn gào to cho mọi người biết "Tôi đang là tôi".

"Các thanh thiếu niên ngày nay chịu nhiều sức ép lớn hơn so với các thế hệ trước ở lứa tuổi này. Xã hội ngày nay đòi hỏi sự năng động, tích cực, khiến các em phải căng mình ra đáp ứng. Trong khi đó, tuổi này là giai đoạn nhu cầu khẳng định bản thân rất lớn: bằng kết quả học tập, bằng mối quan hệ với bạn bè, trong gia đình... Khi bất lực trong những việc đó, các em muốn giải tỏa bằng cách tự làm đau mình, để thu hút sự chú ý, như tuyên bố, khẳng định cái tôi".

Theo PGS.TS Nguyễn Hồi Loan thì hành vi rạch tay gắn với cảm xúc mạnh, với máu và cảm giác đau đớn, sẽ gây ấn tượng mạnh với mọi người, đặc biệt là bạn bè các em, tạo hiệu quả lớn với các em. Các em nhận được sự ngưỡng mộ của bạn bè, rằng mình đã dám làm hành động mà đa phần bạn bè không dám làm. Nói cách khác, các em bằng cách ấy muốn tạo ra một đẳng cấp riêng khác biệt với mọi người.

Liều vắcxin mang tên "gia đình"

"Hành động ấn tượng mạnh của các em giống như một dạng knock-out trong đấm bốc đối với những người khác, buộc họ phải công nhận, ghi nhận ngay. Nó là lời tuyên bố hùng hồn về sự tồn tại của các em với các bậc cha mẹ, không phải kỳ kèo, xin xỏ: "Tôi đang tồn tại và mọi người cần quan tâm tới tôi".

Chúng tôi đề cập đến việc có nhiều em nhận thức được việc hành xác là đau đớn, có hại nhưng vẫn làm, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan cho rằng: "Khi các em nhận thức sẽ chịu cảm giác đau đớn nhưng vẫn làm là hành vi thể hiện sự bế tắc trong cuộc sống, thể hiện môi trường sống thiếu sự quan tâm, chăm lo. Hiện tượng này buộc phải lưu ý rằng đây là kết quả của chính phụ huynh các em. Nhiều các ông bố bà mẹ quá mải mê chuyện kiếm tiền, đáp ứng mọi nhu cầu vật chất cho các em mà quên mất rằng, điều quan trọng nhất với các em chính là những nhu cầu tinh thần, sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ".

Khi chúng tôi đặt vấn đề liệu lối sống Emo kéo theo hành vi như vậy, PGS.TS Nguyễn Hồi loan cho rằng không hẳn là như vậy. Và theo ông lối sống Emo không phải là yếu tố quyết định. Hiện tượng này hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của cha mẹ, gia đình và thầy cô, đặc biệt là cha mẹ, những người chưa quan tâm đúng mức, đúng cách và tạo điều kiện cho các em khẳng định cái "tôi" bằng những sân chơi cộng đồng lành mạnh.

Liều thuốc để miễn dịch cho thanh thiếu niên khỏi thú chơi "hành xác" nguy hiểm này đơn giản chỉ là: Đừng để các em cô đơn trong chính ngôi nhà của mình!

Hoàng Thắng
.
.