Trước phiên tòa xử thiếu nữ tấn công CSGT:

Văn hóa bạo lực" và ý thức giao thông

Thứ Bảy, 27/08/2011, 10:45

Tôi đã xem đi xem lại rất nhiều lần đoạn clip ghi lại hình ảnh thiếu nữ tát chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) trên đường Lê Văn Khương, phường An Thới, quận 12, Tp HCM vào chiều ngày 2/7/2011. Không có câu trả lời cho câu hỏi "Vì sao thiếu nữ ấy lại có hành vi phản cảm với lực lượng thực thi pháp luật như vậy?". Đành rằng, khi trẻ người ta thường nông nổi. Nhưng đôi lúc, tuổi trẻ không phải là cái cớ hợp lý để người ta đổ thừa cho mọi sai lầm…

Phải thừa nhận rằng trong vụ việc trên, hai chiến sĩ CSGT đã có thái độ xử lý rất đúng mực. Đặc biệt là học viên Vũ Quang Long. Chính vì thái độ cư xử đúng mực của hai CSGT, mà hành vi của Linh trở nên phản cảm và bị dư luận lên án.

Mẹ Linh nói với báo giới rằng, nhà bà phải tích góp mãi mới mua được chiếc xe gắn máy làm phương tiện đi lại. Bị CSGT giữ xe lập biên bản, Linh sợ bị tịch thu dẫn đến phản ứng tiêu cực trên. Linh cũng thừa nhận hành động của mình là sai. Linh rất hối hận và gửi lời xin lỗi đến hai CSGT trên.

Giám định sức khỏe, cho thấy Linh hoàn toàn khỏe mạnh và đủ năng lực chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Có thể mỗi khi bị kích động, Linh sẽ lên cơn co giật. Nhưng rõ ràng, sự kích động này là do chính Linh khơi mào.

Không ai mâu thuẫn nhiều như người tham gia lưu thông. Mỗi khi kẹt xe, mất tín hiệu giao thông… họ luôn rì rầm cáu gắt vì sao không thấy lực lượng CSGT xuất hiện. Ấy vậy mà, khi thấy bóng CSGT họ lại cau có vì cho rằng mình đang bị làm khó làm dễ. Và khi bị dừng phương tiện do lỗi vi phạm, họ luôn mang nặng tâm thế của người… chuẩn bị phản kháng. Họ có hàng nghìn cái cớ để đổ thừa cho lỗi vi phạm của mình. Nào là muộn giờ làm, trễ giờ đón con… sau đó là năn nỉ. Nếu như năn nỉ không được, nếu như cái cớ họ đưa ra không được thông cảm… họ sẽ phản kháng. Họ cho rằng, mình đang bị làm khó dễ để… tiêu cực.

Ngày 23/8/2011, Linh phải ra trước vành móng ngựa tại phiên tòa xét xử lưu động ở quận 12. Mức án Linh nhận cao nhất là 9 tháng tù giam cho tội danh "Chống người thi hành công vụ". Biết hành động của Linh là không còn gì để có thể biện hộ, nhưng hy vọng, Linh đã chịu một mức án có tính giáo dục răn đe hơn là biện pháp cách ly với cộng đồng trong một khoảng thời gian dài hơn.

Người phạm tội là một cô gái còn trẻ, rất trẻ. Cô cũng không thuộc loại lưu manh, côn đồ gì. Thế nhưng, cô đã không  ngần ngại vung tay  tát vào  mặt  người đang thi hành công vụ. Những hành vi ứng xử như thế đang có chiều hướng gia tăng. Rõ ràng, bạo lực đang ngày càng trở nên "bình thường", "dễ  gặp" trong giao tiếp, trong văn hóa  ứng xử. Cái tát của cô không gây thương tích cho người bị tát, cũng không đến mức mang tính chất hành hung. Nó có thể không làm người bị tát  đau về thể xác nhưng lại khiến xã hội tổn thương nặng nề về tinh thần. Bạo lực đang tát vào mặt luật pháp. Người ta sẽ phải nghĩ đến câu hỏi: Nếu không có đoạn clip phát tán rộng rãi, không có phiên tòa, nghĩa là nếu không bị xử lý liệu cô gái ấy có cảm thấy ân hận, hối tiếc về hành vi ứng xử  của mình không? Có thể, rất  tiếc, sẽ là không. Thói quen bạo lực làm xói mòn tự trọng, đôi khi người ta không nhận ra chính sự sai trái, thiếu văn hóa của chính mình.

Vấn đề lớn nhất là ý thức tham gia lưu thông cần luôn được nâng cao trong mỗi cá nhân điều khiển phương tiện trên đường.

Trước pháp luật, không ai phải lâm vào tình trạng yếm thế, cũng chẳng ai là người được biệt đãi. Hãy cứ nhìn lại vụ Trung úy CSCĐ Trần Đại Phúc tấn công Thượng sĩ CSGT Văn Thành Luân thì sẽ hiểu, pháp luật luôn công minh đối với bất kỳ công dân nào

Nguyệt Lãng
.
.