Về với làng Bần

Thứ Tư, 09/12/2020, 09:55
Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30 km về phía Đông có một ngôi làng còn mang nhiều trầm tích của nền văn minh lúa nước, đó là làng Bần với sản phẩm tương nức tiếng xa gần. Tương Bần trở thành niềm tự hào của mỗi người con làng Bần, nó đã được nhắc đến trong câu ca dao quen thuộc của người Việt: “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần/ Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”.

Tinh hoa của đất trời

Làng Bần (nay thuộc phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) nằm ở trung tâm của thị xã Mỹ Hào - vùng đất vốn được khai khẩn từ thời các vua Hùng dựng nước. Khi ấy, nơi đây vẫn còn là những triền đất, gò đống được bồi tụ từ con sông Hồng. Do khí hậu thuận hòa, điều kiện thổ nhưỡng màu mỡ mà cư dân đến tập tụ ngày một đông. Họ thường trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm và xen canh một số hoa màu khác như: ngô, khoai, lạc, đỗ tương... Và cứ như vậy, từ những hạt đỗ tương, hạt gạo thơm ngon, bổ dưỡng đã được những người nông dân “hai sương một nắng” nơi đây nghĩ ra cách làm nước chấm thơm ngon, đó là tương.

Huyện Mỹ Hào nay là thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Trò chuyện với ông Ngô Xuân Triệu, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề tương Bần đồng thời là chủ một cơ sở đã có 5 đời làm tương cho biết, người dân làm tương và sử dụng thứ nước chấm này trong bữa ăn thường ngày từ thế kỷ XII-XIII. Không những thế, cùng với nhãn lồng, tương Bần còn là sản vật của vùng đất Hưng Yên được dâng lên đức vua. Tuy nhiên, trong thời gian này, tương chủ yếu vẫn làm ra để ăn, nhà nào cũng có, nhà này hết tương, tương chưa kịp ngấu (chín) thì có thể sang nhà hàng xóm xin.

Tương được làm chủ yếu vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch vì đây là các tháng đón nắng miền Bắc nhiều nhất. Theo ông Triệu thì làm tương cần nhất là phải “được nắng”, nếu không tương sẽ bị khú (không đạt mùi vị thơm ngon). Khoảng thời gian phơi nắng tương cũng chính là cách làm truyền thống để tương được ngấu một cách tự nhiên, không thể thay thế công đoạn này bằng bất cứ biện pháp nào khác. Do vậy, người làm tương bên cạnh tay nghề, bí quyết gia truyền còn đòi hỏi phải có sự kiên trì, tính nhẫn nại, sự tỉ mỉ, khéo léo.

Bởi lẽ đó mà việc làm tương ở làng Bần xưa kia thường gắn liền với công việc bếp núc và người phụ nữ sẽ đảm nhiệm vai trò chính để tạo ra thứ nước chấm đặc biệt này. Đời này truyền cho đời khác, các cô gái ở làng Bần đều được các bà, các mẹ truyền dạy cho bí quyết làm tương ngon. Phụ nữ ở làng Bần không ai là không biết làm tương. “Làm tương cũng giống như may vá, thêu thùa, khâu nón. Phụ nữ mà không biết làm tương thì chưa đảm”, ông Triệu chia sẻ.

Dù rất quen thuộc với thứ nước chấm này nhưng người làng Bần đều không hay biết ai là người đầu tiên truyền dạy cách làm tương trong vùng. Ông Triệu cũng không được kể lại, chỉ biết rằng từ rất lâu rồi, tương đã hiện diện hằng ngày trên những mâm cơm sum vầy của mỗi gia đình làng Bần, chứng kiến quá trình đổi thay, đi lên của từng mái nhà, con ngõ nơi đây bằng hương vị vẹn nguyên tự thuở ban đầu.

Điều đó khiến tôi chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Không ai nhớ mặt, đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”. Và việc tìm ra người đầu tiên không còn quá quan trọng nữa, bởi ai cũng biết đó chính các bà, các mẹ, các chị tảo tần, đảm đang đã cần cù, chịu khó chắt chiu từng hạt gạo, hạt đỗ quê nhà để làm ra thứ nước chấm bình dị này. Bởi thế, tương Bần là món gia vị mộc mạc, đậm chất quê hương nhưng cũng là “mỹ vị” đã làm rạng danh một vùng đất ven con sông Hồng.

Vào mốc tương, một trong những công đoạn quan trọng nhất để tạo ra mẻ tương ngon, đúng vị tương Bần.

Đưa tương Bần ra phố

Tương Bần chính thức trở thành mặt hàng thương mại vào khoảng thời gian đầu thế kỷ XX, gắn liền với sự mở rộng của tuyến quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng. Tư duy làm kinh tế, phát triển thương hiệu tương Bần cũng từ đây manh nha rồi lớn mạnh. Người đầu tiên mang sản phẩm tương Bần đóng chai ra bán trên trục đường 5 là cụ bà Thân Thị Lựu vào những năm 1935 - 1940.

Từ thuở thiếu thời cụ Lựu đã nổi tiếng trong làng là người đảm đang, khéo tay, làm tương ngon. Lại thấy nhà ngay mặt đường 5, hằng ngày người xe qua lại đông đúc, hàng hóa bày ra cái gì cũng đắt khách nên cụ mạnh dạn bày bán thử mấy chai tương của nhà làm ra. Không ngờ, người mua truyền tai nhau, khách đến hỏi mỗi ngày một đông, người mang về cho gia đình thưởng thức, người mua làm quà biếu cố hữu gần xa. Nhận thấy tiềm năng phát triển, cụ đã mở rộng sản xuất và đặt thương hiệu cho tương của mình là Cự Lẫm, trở thành thương hiệu đầu tiên của tương làng Bần.

Từ đó, tương Bần ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Minh chứng bằng việc ngày càng có nhiều thương hiệu tương của làng Bần ra đời, ngày càng nhiều hộ gia đình lựa chọn sản xuất và kinh doanh tương như một nghề chính tạo ra thu nhập cho gia đình. Sau Cự Lẫm là các thương hiệu cũng nổi tiếng không kém như Dân Sinh, Minh Quất, Triệu Sơn, Hường Đạt, Đoàn Thoa... Sản xuất tương giờ đây đã trở thành một nghề truyền thống của địa phương. Số hộ gia đình còn nghề hiện nay đã thu hẹp lại mà chuyển dịch sang hướng chuyên môn hóa, sản xuất tập trung với quy mô lớn ở một số cơ sở có truyền thống lâu đời.

Tương Bần được bày bán rất nhiều ở các cửa hàng dọc quốc lộ 5A, đoạn qua địa phận thị trấn Bần Yên Nhân.

Được biết, hiện nay Hiệp hội làng nghề tương Bần có 17 hộ gia đình hội viên, trong đó có 5 hộ sản xuất quy mô lớn, sản lượng hàng nghìn lít/năm, tổng sản lượng của cả phường Bần Yên Nhân hiện nay khoảng trên 2 triệu lít/năm. Bên cạnh đó còn có nhiều hộ kinh doanh tương Bần trên địa bàn với quy mô lớn nhỏ khác nhau, rất đa dạng.

Có thể nói từ một thứ gia vị bình dị, tương Bần đã trở thành một mặt hàng chủ lực giúp người dân nơi địa phương thoát nghèo. Nghề làm tương không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà nhiều cơ sở còn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Vào chính vụ tương từ tháng 3 đến tháng 8, mỗi cơ sở sản xuất tương Bần thường thu hút 15-20 lao động với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng.

Cứ thế, một đặc sản của vùng quê Bắc Bộ vươn xa đến với mọi miền của Tổ quốc, giới thiệu tới bạn bè, khách quý gần xa về một thứ nước chấm kết tinh trong đó đầy đủ tinh hoa của trời đất và cả bàn tay, khối óc của những người nhà quê chân chất, thật thà. Có lẽ, cũng chính vì thế mà đến nay đã có rất nhiều thương hiệu tương Bần phát triển và nổi tiếng song thực khách vẫn chỉ thân thuộc với tên gọi “Tương Bần”, thứ nước chấm được người dân làng Bần kỳ công làm ra bằng những sản vật của làng. 

Khi được hỏi về sự khác biệt của tương làng Bần so với một số vùng khác như tương Cự Đà, Đường Lâm (Hà Nội) hay tương Nam Đàn (Nghệ An), ông Lê Đình Đạt, chủ một cơ sở sản xuất tương Bần cho biết: “Con người vốn khác, đất đai, hạt gạo, hạt đỗ vốn khác bởi vậy mà tương cũng khác”. Theo ông Đạt thì tương Bần là nước chấm giản dị thật đấy nhưng làm ra nó thật không dễ. Bí quyết được người làng Bần truyền nhau để làm ra thứ tương vàng như mật, vừa thơm ngọt, vừa bùi, vừa ngậy chính là khâu chọn nguyên liệu.

Sân tương chờ ngấu tại một cơ sở sản xuất.

Nếp phải là nếp cái hoa vàng, đỗ tương phải là đỗ ré (hạt nhỏ vừa, chắc mẩy) trồng đất bãi, muối phải là muối biển Hải Hậu, chum phải mua từ làng Thổ Hà (Bắc Giang) và nước phải được lấy từ giếng Đanh của làng (nước ở đây ngọt, lại trong vắt). “Ngày nay, việc lựa chọn nguyên liệu cũng thay đổi ít nhiều để đáp ứng nhu cầu thương mại hóa trong sản xuất tương nhưng mấy đời nay vẫn vậy và tương lai cũng không thể khác, đó là kinh nghiệm làm tương”, ông Đạt nhấn mạnh.

Về làng Bần hôm nay, du khách sẽ ngỡ ngàng bởi sự chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế. Tuyến quốc lộ 5 chia đôi thị xã Mỹ Hào, trong đó có phường Bần Yên Nhân vô tình sắp xếp nên những khối hình rất đa dạng của sự phát triển. Một bên là sự mở rộng của các khu công nghiệp nhẹ, như: Phố Nối A, Phố Nối B, Thăng Long II... cho thấy bước phát triển kinh tế và quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ. Một bên là làng Bần yên bình với những dãy dài chum tương đón nắng, những cửa hiệu bày bán tương Bần luôn tấp nập kẻ bán người mua.

Truyền thống và hiện đại đan cài chính là bức tranh kinh tế - xã hội hiện nay của phường Bần Yên Nhân. Nó cho thấy con người nơi đây rất năng động, sáng tạo, dễ dàng thích ứng và bắt kịp với xu hướng phát triển của xã hội. Những người con của làng quê nay đã vươn ra biển lớn để tự thử thách và hoàn thiện bản thân, góp sức vào công cuộc dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Chọn hướng đi bền vững

Phát triển từ nền tảng truyền thống là một hướng đi vững chãi, tuy nhiên để hướng tới phát triển bền vững ngành nghề nói riêng và địa phương nói chung thì không chỉ quan tâm tới khía cạnh giá trị kinh tế của làng nghề mà còn cần đầu tư phát triển toàn diện cả khía cạnh văn hóa - xã hội. Giá trị của tương Bần không chỉ nằm ở lợi nhuận kinh tế mà nó mang lại mà còn nằm ở văn hóa địa phương, yếu tố truyền thống kết tinh trong sản phẩm. Chính điều đó mới làm nên sự đặc biệt và danh tiếng cho sản phẩm. Mỗi thực khách khi thưởng thức tương Bần không chỉ là cảm nhận về một loại nước chấm bằng vị giác mà còn là cảm nhận về một vùng đất nổi tiếng, nơi có những con người nổi tiếng với văn hóa sản xuất tương Bần có từ lâu đời.

Chính vì vậy, khai thác và đưa vào phát triển du lịch làng nghề, quảng bá không gian văn hóa làng nghề là một hướng đi bền vững cho làng nghề tương Bần. Đó cũng là hướng đi để bắt kịp với tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở Mỹ Hào cũng như trên cả nước. Rất cần sự cần kết hợp, mở rộng giữa phát triển kinh tế ngành nghề với khai thác du lịch làng nghề. Từ đó xây dựng mô hình phát triển bền vững, vừa làm kinh tế vừa làm du lịch, quảng bá văn hóa địa phương và không gian văn hóa làng nghề. Đây cũng là hướng đi phù hợp để lưu giữ và phát triển những làng nghề truyền thống nói riêng và các giá trị văn hóa truyền thống nói chung trong bối cảnh hội nhập và tác động của nền kinh tế thị trường.

Mặt khác, để ngành sản xuất tương Bần trở thành một ngành hàng mũi nhọn của địa phương và mở rộng thị trường xuất khẩu thì chuyên môn hóa trong sản xuất cần được đẩy mạnh. Hình thành vùng chuyên canh nguyên liệu sạch cho sản xuất là bước đệm để tiến tới truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Có như vậy, tương Bần mới có thể vươn xa hơn nữa và nghề truyền thống này mới có thể phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương.

Phạm Hường
.
.