Vì sao tình trạng chống người thi hành công vụ gia tăng?

Thứ Bảy, 16/02/2008, 08:30
Thời gian qua, dư luận rất bất bình trước việc liên tiếp xảy ra các trường hợp chống người thi hành công vụ trên địa bàn TP Hà Nội. Chỉ riêng trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008 đã xảy ra hơn 40 vụ, gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng...

Thượng tá Nguyễn Đức Chung, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH - PC14 cho biết, chỉ riêng trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008 đã xảy ra hơn 40 vụ, gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng. Tất cả những đối tượng chống người thi hành công vụ đã bị khởi tố, bắt giam.

Tìm hiểu về nguyên nhân dẫn tới các vụ chống người thi hành công vụ, chúng tôi đã tiếp cận với nhiều ý kiến khác nhau. Đa phần các ý kiến đều cho rằng nguyên nhân gia tăng tội chống người thi hành công vụ thời gian qua là do sự thiếu hiểu biết về luật pháp cũng như sự thiếu kiềm chế của các đối tượng liên quan.

Các ý kiến cũng phân tích những đối tượng có hành vi trên là bởi cho rằng mình có quyền làm như vậy hoặc vì tức lên mà xô xát, lăng mạ, chống lại người đang thi hành công vụ. Đến khi phải đứng trước vành móng ngựa và chịu những bản án nghiêm khắc của tòa án, họ mới ân hận thì đã muộn.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới một yếu tố khác, đó là sự thiếu trách nhiệm từ gia đình cũng như sự buông lỏng quản lý, thiếu giáo dục thường xuyên về ý thức công dân, nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của chính những người sử dụng lao động cũng như người làm công ăn lương.

5h sáng ngày 13/1/2008, Nguyễn Văn Hiếu, 44 tuổi đi lang thang qua đoạn đường Trần Đại Nghĩa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đến trước cửa Trường đại học Xây dựng, Hiếu nhặt một tảng bêtông bằng 2 nắm tay (cỡ 15x10cm) cho vào chiếc túi vải mang theo người.

Đi đến trước cửa Công an phường Bách Khoa, Hiếu thản nhiên bước vào phòng trực ban, bất thình lình quật thẳng quả "chùy tự tạo", vào đầu Thượng sĩ Chử Lê Minh đang trong ca trực. Trúng phải cú “trời giáng”, đồng chí Minh choáng váng khuỵu xuống ngay lập tức.

Chưa hết cơn cuồng, Hiếu dang thẳng tay đập thêm 3 phát nữa. Các phát tiếp theo, tuy có trúng đồng chí Minh nhưng do lúc này ghế đổ và do Minh ngã nghiêng người nên rất may không trúng "chiêu chí mạng" nào. Phát thứ 4, Hiếu giáng thẳng xuống chiếc bàn kính.

Nghe tiếng kính vỡ, đồng đội trong nhà vội chạy ra. Thấy vậy, Hiếu quay cẳng, co giò chạy một mạch về nhà, tại số 41 phố Tạ Quang Bửu, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng và... đóng chặt cửa lại! Phải đến khi cầu viện lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh (Cảnh sát 113) Công an TP Hà Nội và sự trợ giúp của lựu đạn hơi cay, Hiếu mới bị bắt giữ.

Bắt 3 đối tượng chống người thi hành công vụ.

Sau khi bị bắt, Hiếu đã thừa nhận toàn bộ hành vi hành hung Thượng sĩ Chử Lê Minh. Trước Cơ quan điều tra, Hiếu đã có những lời nói và biểu hiện không bình thường. Hiếu bảo "biết đấy là công an" nên "chỉ muốn đánh cho tàn phế, không đánh chết", và rằng "muốn giải tán Công an phường vì Công an phường... không còn tác dụng nữa!!!".

Hành vi không kiểm soát và lời lẽ ngông cuồng của Nguyễn Văn Hiếu mang dấu hiệu của một người bị bệnh tâm thần thì đã rõ. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ sau khi sự việc nghiêm trọng xảy ra, bố mẹ của Hiếu đã đến Cơ quan Công an để... “nhờ Công an đưa con trai đi giám định hộ!”. Ông Nguyễn Văn Thường, bố của Hiếu, năm nay đã 72 tuổi, cho biết trước hôm gây ra “thảm họa”, Hiếu đã đập phá be bét mọi tài sản trong nhà.

Bản thân Hiếu đã từng có thời gian đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, khi về nước gia đình khuyên Hiếu nên lấy vợ và sống một cuộc sống bình thường, nhưng Hiếu không nghe.

Trung tá Nguyễn Văn Dũng thuộc Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Hai Bà Trưng, người trực tiếp thụ lý vụ án cho biết khi Hiếu bị bắt, gia đình đã nói rằng Hiếu bị tâm thần để xin được không truy cứu. Tuy nhiên, khi yêu cầu bệnh án của Hiếu, gia đình chỉ xuất trình được đơn thuốc của Hiếu trong lần đi khám ở Bệnh viện Tâm thần Mai Hương.

Đã đành rằng trong nhà có người mắc chứng "thần kinh không bình thường" là một điều vô cùng không may mắn. Tuy nhiên để mặc cho cái "không may mắn" ấy ảnh hưởng tới xã hội, thậm chí đến mức phạm tội và phải bị pháp luật trừng trị thì thật là một việc không hay chút nào. 5h sáng lang thang đi khỏi nhà chứng tỏ Hiếu, mặc dù có những triệu chứng bất thường như thế, lại không hề phải chịu một sự quản thúc nào.

Thử giả thiết trường hợp ngược lại, nếu như gia đình ông Thường là bị hại, và rằng người thân của ông đang phải nằm viện chờ giám định thương tật bởi một người thần kinh không bình thường vì do "thả rông" gây ra thì sao? Bao biện cho con, đâu phải theo cách ấy?

Trường hợp Nguyễn Cảnh Thuận, 28 tuổi, trú tại 280C phố Huế, Hà Nội phạm tội chống người thi hành công vụ và cố ý gây thương tích là một ví dụ khác. Tiểu sử tâm thần của Thuận còn "hoành tráng" hơn Nguyễn Văn Hiếu nhiều. Bát đĩa trước khi ăn Thuận đều đặt lên bàn thờ để... thắp hương. Với bố mình, Thuận chỉ quen một cách gọi... mày, xưng tao và đã không ít lần Thuận đã "tẩn" bố đẻ phải đi bệnh viện cấp cứu.

Thuận còn có một cô em gái nữa nhưng cô này không bao giờ dám về nhà bởi cứ về là bị Thuận đuổi đánh. Cũng chính bởi những thành tích "bất hảo" như thế nên gia đình gần như không còn khả năng kiểm soát Thuận nữa. Tuy nhiên, thay vì phải được đưa đến những nơi coi giữ tập trung, với sự phó mặc của gia đình, Thuận đã trở thành "nỗi kinh hoàng" của bà con khối phố.

Cứ mỗi lần say rượu, Thuận lại đi trêu ghẹo, cà khịa khắp nơi. Hành vi chống người thi hành công vụ và cố ý gây thương tích cũng "được" Thuận thực hiện trong một lần như thế. Chẳng vậy mà hôm Thuận bị bắt trói đưa lên xe, bà con nhân dân quanh số nhà 280C phố Huế tập trung đứng xem, đã bày tỏ thái độ hưởng ứng, vỗ tay hoan hô rầm rập.

Trong số các vụ chống người thi hành công vụ thời gian qua, chiếm đa số là các vụ không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, mà chúng tôi muốn nêu ra ở đây, là trường hợp của Công Nghĩa Hùng, 26 tuổi, trú tại tổ 29, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội. Khác với những trường hợp bị tâm thần hay uống rượu say không làm chủ được hành vi mà gây rối, Hùng lại phạm tội trong tình trạng "hoàn toàn tỉnh táo".

Đáng phê phán hơn, bản thân Công Nghĩa Hùng lúc đó đang là Đội trưởng một đội vệ sĩ của Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ Minh Đức (Công ty Minh Đức) có trụ sở tại địa chỉ 12 ngách 45/10 đường Nguyên Hồng, Hà Nội.--PageBreak--

Vào hồi 8h30 ngày 2/1/2008, Công Nghĩa Hùng điều khiển xe Wave BKS 29S1 – 0755 đi theo hướng từ đường Khuất Duy Tiến ra ngã ba Nguyễn Trãi để đi về hướng Hà Đông thì gặp tổ kiểm soát của Đại úy Nguyễn Đình Dũng, cán bộ Đội CSGT số 7, Công an TP Hà Nội. Do không đội mũ bảo hiểm theo đúng quy định nên khi thấy bóng CSGT ra hiệu dừng xe, Hùng đã cố tình không tuân lệnh và tìm đường lách về hướng Hà Đông.

Kiên quyết ngăn chặn hành vi vi phạm, Đại úy Dũng đã dũng cảm một tay cầm gậy điều khiển giao thông chèn vào vai trái Hùng, tay trái túm lấy vai phải Hùng, đu người lên xe để yêu cầu Hùng phải dừng xe. Với chủ ý muốn chạy thoát, Hùng đã cho xe về số 3 rồi vê mạnh tay ga, kéo theo cả Đại úy Dũng, lúc này đang đu người phía trước bên tay phải xe...

Cứ thế chạy được khoảng hơn 10 mét thì xe lạng hẳn vào vỉa hè bên phải, va vào vỉa ba-toa làm cả 2 ngã văng ra đất. Đại úy Dũng ngã về phía vỉa hè bên phải và va mình vào một họng nước bằng sắt ở gần đó. Kết quả khám nghiệm thương tật, đồng chí Dũng bị gãy 3 chiếc xương sườn, chèn ép ổ bụng và rạn vỡ gót chân...

Tận mắt chứng kiến vết tích hư hỏng để lại trên chiếc xe Wave tang vật BKS 29S1 – 0755, chúng tôi cũng phần nào mường tượng ra được tình huống dữ dội đã xảy ra cũng như sự hung bạo của người điều khiển nó. Đáng tiếc thay, sự việc lại gây ra bởi một thanh niên mới 26 tuổi, chưa từng có tiền án, tiền sự.

Sau khi bị bắt giữ, Hùng đã thừa nhận mọi hành vi vi phạm pháp luật của mình (điều khiển xe gắn máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, chống người thi hành công vụ).

Hùng cũng đã thừa nhận có nhìn rõ 4 người mặc quân phục CSGT và 1 người trong trang phục GTCC có mặt ở ngã ba Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi vào thời điểm đó. Công Nghĩa Hùng trước mắt đang phải chịu hình phạt tạm giam 2 tháng về hành vi chống người thi hành công vụ.

Một vụ xét xử lưu động 6 đối tượng chống người thi hành công vụ.

Để tìm hiểu thêm về hành vi chống người thi hành công vụ của Công Nghĩa Hùng, chúng tôi đã có cuộc liên lạc với bà Lê Ngọc Bích, Phó giám đốc Công ty Minh Đức. Bà Bích xác nhận Công Nghĩa Hùng là Đội trưởng một đội bảo vệ dịch vụ của công ty đang thực hiện nhiệm vụ ở khu vực quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo nhận xét của bà Bích thì cho đến thời điểm vụ việc xảy ra, Hùng là một đội trưởng tốt, có năng lực lãnh đạo và chưa có sai phạm gì. Nhiều người trong công ty đã cảm thấy ngỡ ngàng và chính bản thân bà cũng thấy thật là tiếc khi sự việc xảy ra như vậy. Bà Bích cho biết, tuy đây là một việc rất đáng tiếc xảy ra đối với công ty nhưng nó không liên quan đến công việc của công ty mà "chỉ là vi phạm Luật Giao thông", và rằng vụ việc xảy ra là một "sự không may đối với bất kể ai đi ngoài đường”.

Theo như cách bà Phó giám đốc Công ty Minh Đức lý giải, thì "thanh niên khó có thể như những người đứng tuổi, biết phạm luật rồi thì nộp phạt là xong, nhưng các cậu lại cứ cố muốn thoát ra... chẳng may anh CSGT ngã vào cái ống nước hay thế nào đấy... chứ chẳng ai muốn trả một cái giá đắt như thế...”.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi với một đơn vị gồm phần đông là cán bộ trẻ như thế (đặc thù nghề vệ sĩ), liệu Công ty Minh Đức có quan tâm tới việc giáo dục đạo đức và hành vi cư xử đúng mực cho các vệ sĩ khi có chuyện tương tự xảy ra hay không, bà Bích khẳng định là có.

Theo lời bà Phó giám đốc thì tại Công ty Minh Đức, các vệ sĩ đều được đào tạo về kỹ năng giao tiếp cũng như đạo đức nghề nghiệp ngay từ khi mới tuyển dụng, và hàng tháng lại vẫn có tập huấn và họp giao ban mỗi tháng một lần, ít nhất là với các đội trưởng.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi cụ thể đối với trường hợp Đội trưởng Công Nghĩa Hùng đã được giáo dục về đạo đức và thái độ cư xử được bao nhiêu lần thì đã không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Khi đặt câu hỏi rằng qua sự việc của vệ sĩ Công Nghĩa Hùng, liệu Công ty Minh Đức có rút ra được bài học kinh nghiệm nào không, chúng tôi lại một lần nữa thất vọng bởi bà Bích đã không trả lời thẳng mà nói "việc vi phạm luật lệ giao thông là chỉ là việc đời thường, còn chúng tôi quan tâm tới việc giáo dục, quản lý và tập huấn anh em trên lĩnh vực nghiệp vụ?".

Chúng tôi thực sự không muốn tin rằng nhận thức của một Phó giám đốc công ty vệ sĩ lại có thể coi hành vi không chấp hành luật giao thông, cố ý chống đối lại CSGT đang thi hành nhiệm vụ là "việc đời thường"!

Kinh doanh vệ sĩ, dịch vụ bảo vệ là một ngành nghề đặc thù, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Vệ sĩ còn không chấp hành pháp luật, chống đối lại người thi hành công vụ thì còn mong gì bảo vệ, đem lại an toàn cho ai? 

 Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a, có tổ chức; b, phạm tội nhiều lần; c, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; d, gây hậu quả nghiêm trọng; đ, tái phạm nguy hiểm.

(Điều 257 Bộ Luật hình sự)

153

Việt Anh
.
.