Vị tướng Lào và hành trình tìm lại cô gái Việt Nam

Thứ Hai, 21/12/2009, 15:40
Một người lính đã nằm trong "nhà vĩnh biệt" được một cô gái Việt Nam hồi sinh. Hơn 30 năm sau đó, hành trình thầm lặng đi tìm ân nhân trong quá khứ dệt nên một câu chuyện đẹp và ly kỳ về tình người, về sự sắt son, chung thủy giữa những người đồng chí. Đó là câu chuyện của vị tướng quân đội Lào Khăm Xỉ và cô y tá Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc.

Niềm vui về từ 30 năm

PV Chuyên đề ANTG về thăm nhà bà Nguyễn Thị Ngọc ở khu chợ Liễu (xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, Nghệ An), căn nhà gỗ 3 gian nằm ngay sát bờ đê gió lộng quanh năm. Mặc dù bà Ngọc đang bị ốm, phải nằm điều trị hơn một tuần nay nhưng câu chuyện về "cậu Khăm Xỉ" nhanh chóng làm cho căn nhà nhỏ trở nên ấm áp hơn. Chồng và các con, cháu của bà Ngọc thay nhau kể về "cậu" với những câu chuyện gần gũi như người trong nhà.

Chợt anh Nguyễn Thạc Nam, con trai bà Ngọc thốt lên: "Đúng rồi, mẹ ốm mà quên chưa báo với "cậu"!

Bà Ngọc nhớ thuộc lòng số điện thoại di động ở Lào của Khăm Xỉ, đọc cho cậu con trai bấm máy. Câu chuyện của họ với nhau cũng như những người trong nhà, xưng "con", gọi "cậu" và khi biết tin chị Ngọc ốm, Khăm Xỉ dặn là dăm hôm nữa sẽ về. Anh Nam cho chúng tôi biết: "Cậu thường hay qua công tác ở TP Vinh và lần nào cậu cũng tranh thủ phóng xe từ Vinh về đây ăn cơm với cả nhà".

Nhờ vào sự giới thiệu của anh Nam, tôi cũng nói chuyện được với Khăm Xỉ qua điện thoại. Ấn tượng đầu tiên là việc Khăm Xỉ nói tiếng Việt rất sõi, mà là "giọng Nghệ" hẳn hoi: "Tôi phải mất nhiều năm lắm mới tìm được ân nhân đã cứu mình trong chiến tranh. May quá, tôi đã tìm được chị dù hơi muộn. Tôi vẫn thường bảo với vợ con là không có chị Ngọc thì tôi không thể có được ngày hôm nay. Chị là ân nhân đấy nhưng giờ chị Ngọc đã nhận tôi làm em trai rồi".

Sau khi được chị Ngọc cứu sống, Khăm Xỉ về nước, rồi đi tu nghiệp ở Nga và trở thành một cán bộ cao cấp của quân đội Lào. Ông là Thiếu tướng, từng giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng Lào, hiện nay ông là Giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội Lào.

Khăm Xỉ còn nói vui rằng, ông đọc được cả Truyện Kiều và bao giờ về Việt Nam sẽ đọc cho chúng tôi nghe thử bằng "giọng Nghệ".

Bà Ngọc đang ốm khá nặng nhưng câu chuyện về Khăm Xỉ lại khiến cho bà trở nên rạng rỡ: "Cậu ấy mà không tìm thì có lẽ tui cũng quên rồi, chiến tranh mà, cứu người là chuyện bình thường". Câu chuyện về cuộc gặp sau 30 năm của bà và tướng Khăm Xỉ đã từng làm nhiều người xúc động. Đài Truyền hình Quốc gia 2 nước Việt - Lào đã tổ chức một cầu truyền hình nói về cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa đó.

Ở tuổi lục tuần, bà Ngọc đã vui vầy con cháu. Hai ông bà sống cùng con trai là Nguyễn Thạc Nam và 3 cháu nội. Từ khi "cậu" Khăm Xỉ tìm đến, gia đình bà Ngọc lại có thêm thành viên, thêm niềm vui: mỗi tháng 2 lần, "cậu" từ Lào sang chơi, mang theo những câu chuyện mới, những tình cảm mới làm cho căn nhà ven đê này trở nên ấm cúng và rộn ràng hơn.

Hồi sinh từ "nhà vĩnh biệt"

Năm 1972, chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Trạm T20 ở Anh Sơn, Nghệ An là điểm tiếp nhận thương bệnh binh của cả bộ đội Lào và bộ đội Việt Nam. Do số lượng thương bệnh binh quá lớn nên Trạm phải nhờ đến sự trợ giúp của Bệnh viện huyện Anh Sơn. Y tá Nguyễn Thị Ngọc là một người trong đoàn cán bộ tiếp viện ấy.

Một đêm, Trạm T20 tiếp nhận 3 chiến sĩ Pathét Lào: hai người bị thương nặng và một người bị sốt rét ác tính đã tắt thở. Người này được đưa thẳng vào nhà xác. Khăm Xỉ chính là người bị sốt rét ấy. Chẳng hiểu linh tính mách bảo gì mà chị Ngọc lại tự dưng đi vào nhà xác xem lại xác chết.

Khi kiểm tra, chị phát hiện người nằm đó đồng tử còn chưa giãn hết, thân thể  vẫn còn chút hơi ấm. Một thoáng suy nghĩ táo bạo đến hồn nhiên ập về: cứ cõng anh ấy về, điều trị thử, nếu không được thì cõng trả lại nhà xác cũng không sao. Rồi chị cõng anh về phòng điều trị bệnh nhân, tiêm một mũi thuốc B1, đổ nước cháo, nước chanh vào miệng. Mượn chăn của bệnh nhân xung quanh để đắp ủ ấm cho anh nhưng chẳng ai dám cho mượn vì sợ đắp cho người chết, và chị Ngọc phải cam đoan rằng nếu cái xác không sống lại được thì chị sẽ mua chăn mới đền cho họ.

Tướng Khăm Xỉ và chị Ngọc trong chuyến thăm Viêng Chăn, Lào.

Thật không thể tin được niềm tin mong manh của cô y tá trẻ ngày đó lại thành hiện thực: 3h sáng, "cái xác" bỗng mấp máy đôi môi khô nẻ. Mấy đêm liên tiếp sau đó, hầu như không đêm nào chị Ngọc ngủ và gần như thường trực chăm sóc, cấp cứu cho chiến sĩ này. Vài ngày sau, "cái xác" tỉnh dậy trong niềm vui khôn tả của cả Trạm T20, nhất là các đồng đội người Lào.

Sau khi Khăm Xỉ tỉnh dậy, chị Ngọc bàn giao lại bệnh nhân rồi chị theo đoàn tiếp viện đi làm nhiệm vụ và Khăm Xỉ không thể gặp được người đã cứu mình. Chỉ loáng thoáng trong ký ức lúc tỉnh, lúc mê anh nhớ được một chị tóc dài, búi hai bên, có đôi mắt to và tình cảm. Những đồng đội người Lào vào cấp cứu cùng đợt kể lại cho anh chuyện anh đã vào nhà xác và cũng chỉ nhớ được cho anh tên ân nhân là "chị Ngọc". Từ đó cho đến suốt mấy chục năm sau, thứ duy nhất mà Khăm xỉ mang theo trong hành trình đi tìm ân nhân chỉ là trí nhớ về: "Chị Ngọc", tóc dài, có đôi mắt to...

Vài ngày sau, theo dòng chuyển thương, Khăm Xỉ được về an dưỡng ở Bệnh viên Quân khu 4 rồi quay về tiếp tục chiến đấu ở Lào.

Còn nữ y tá Ngọc sau khi kết thúc đợt tiếp viện lại quay về làm việc tại Bệnh viện Anh Sơn, sau đó chị chuyển công tác về Viện Điều dưỡng ở Cửa Lò. Đến năm 1996, cuộc sống quá khó khăn, chị xin nghỉ mất sức, để có điều kiện chăm sóc gia đình.

Câu chuyện tưởng đã kết thúc ở đó như hàng vạn câu chuyện ân tình quân dân khác trong những năm tháng chiến tranh. Người cứu nạn nhân thậm chí chẳng nhớ, nhưng người chịu ơn thì cứ mãi đi tìm. Sau cơn thập tử nhất sinh ấy, chiến tranh dài đằng đẵng nhiều năm, chàng trai trẻ 19 tuổi không nghĩ đến một ngày lại tìm được người đã cứu sống mình.

Hành trình đi tìm ân nhân sau 30 năm

Hai năm sau đó, năm 1974, trong một lần sang Việt Nam, như một cơ duyên, Khăm Xỉ gặp lại chị Ngọc trên một chuyến phà ở bến Đô Lương, Nghệ An. Hai chị em nhận ra nhau, hàn huyên tâm sự nhưng khi phà sang đến bên kia sông, do người quá đông nên hai người lại lạc mất nhau khi chưa kịp ghi lấy một dòng địa chỉ.

Nặng nghĩa với ân nhân, những năm sau đó, Khăm Xỉ cũng đã cố dò la thông tin về chị Ngọc nhưng không thành. Sau đó, Khăm Xỉ lên đường sang Nga học, rồi lại về học ở Hà Nội nên không có điều kiện đi tìm. Đến năm 2000, khi công việc ở Bộ Quốc phòng Lào đi vào ổn định, Khăm Xỉ mới bắt đầu hành trình đi tìm ân nhân của mình.

Hàng chục lần Khăm Xỉ bỏ thời gian tự lái ôtô sang Việt Nam tìm chị Ngọc nhưng lần nào cũng thất vọng trở về.--PageBreak--

Có lần, ông tự lái xe lên vùng miền núi Anh Sơn, cách thành phố Vinh hàng trăm kilômét nhưng rồi lại phải trở về vì Trạm T20 đã giải thể từ lâu. May thay có người dân sống gần Trạm có biết chị Ngọc là người của Bệnh viện Anh Sơn, nên xuống đó mà hỏi. Ông lại tìm đến Bệnh viện Anh Sơn nhưng vì chị Ngọc đã chuyển đi từ lâu và hiện bệnh viện không có thêm thông tin gì.

Trong lần về Nghệ An sau đó một năm, Khăm Xỉ lại phóng xe lên Anh Sơn và có người chỉ cho ông đến gặp người từng là Trạm phó Trạm T20 trước đây. Tuy nhiên ông cụ này giờ đã nghễnh ngãng, lúc nhớ lúc quên. Chắp nối những mảnh ký ức trong trí nhớ của cụ già, Khăm Xỉ biết được thông tin quý giá: chị Ngọc đã chuyển công tác về một trạm điều dưỡng ven biển, ông chỉ nhớ được đến đó, còn trạm nào, ở đâu thì ông... chịu. Mà Nghệ An thì có rất nhiều địa phương có biển và hầu như địa phương nào cũng có trạm điều dưỡng.

Cuộc tìm kiếm của Khăm Xỉ tưởng trở nên vô vọng cho đến khi ông nhận được điện thoại của một người bạn Việt Nam: có một chị tên Ngọc, từng là y tá trong chiến tranh và đang ở huyện miền biển Diễn Châu. Một tia hy vọng lại lóe lên, vui như bắt được vàng, Khăm Xỉ bỏ dở công việc, lái xe từ Lào về tận huyện Diễn Châu. Nhưng bạn bè lại thấy anh trở về lộ rõ vẻ buồn bã như một người gần cạn hẳn niềm hy vọng: "Chị Ngọc này không phải là chị Ngọc tôi tìm. Chị Ngọc của tôi tóc dài, người nho nhỏ và đôi mắt to, nhìn là tôi nhận ra ngay".

Trong một lần về Nghệ An tìm kiếm ân nhân, một nhân viên bảo vệ ở Nhà khách Bưu điện Nghệ An đã giúp ông đăng tin tìm kiếm lên Đài Truyền hình tỉnh. Những mẩu tin của ông đã không đến được với chị Ngọc chỉ vì lý do rất oái oăm: trước khi ông đăng tin vài ngày, chiếc tivi đen trắng của gia đình chị bị hỏng, phải đưa đi sửa chữa. Vậy nên chị Ngọc vẫn tiếp tục sống với nhịp sống hàng ngày và không biết được có một người mang ơn mình đang kiếm tìm hàng mấy năm trời.

Nhưng thật may mắn, trong xã có một cán bộ hưu trí tình cờ xem được mẩu tin trên tivi, ghi lại và mang đến cho gia đình chị. Khi biết tin có một người Lào đang tìm chị, chị vẫn không nghĩ được rằng, đó là người đã được chị hồi sinh thuở trước bởi những năm chiến tranh liên miên, chị đã cấp cứu không biết bao nhiêu thương bệnh binh người Lào.

Số phận lại như trò chơi đuổi bắt trốn tìm, trong cái ngày mà chị Ngọc nhận được mẩu tin và gọi điện cho Khăm Xỉ thì cũng là ngày Khăm Xỉ sau một thời gian tìm kiếm rồi trở về Lào trong thất vọng và ông đã tháo chiếc sim điện thoại di động của Việt Nam nên không liên lạc được.

Thế rồi một hôm, anh Nam - con trai bà Ngọc có việc phải xuống thành phố Vinh nên ghé qua nơi Khăm Xỉ hay ở là Nhà khách Bưu điện Nghệ An để xác minh thông tin. Sau khi được nhân viên bảo vệ ở đây nói đúng là có một người Lào tìm kiếm như vậy nhưng không biết mục đích gì và yêu cầu anh cũng để lại địa chỉ, số điện thoại.

Nhân viên bảo vệ ở đây đã nhờ Bưu điện Nghệ An tìm cách liên lạc sang Lào thông báo cho Khăm Xỉ. Nhận được tin, Khăm Xỉ lập tức thu xếp công việc, lái xe từ Lào về Nghệ An. Sau này kể lại cho chúng tôi, ông nói rằng mặc dù vẫn sợ nhầm lẫn như lần trước nhưng hình như có cái gì đó mách bảo: đây đúng là ân nhân cần tìm.

Cuộc gặp mặt... bất ngờ

Ba ngày sau, chị Ngọc thấy hàng xóm gọi sang nghe điện thoại: bảo vệ bưu điện tỉnh báo tin có người Lào đến thăm gia đình chị.

Chiếc xe con dừng lại ở bờ đê, cả nhà bà Ngọc ra thềm nhà đón khách, một người đàn ông to lớn bước ra và ông đi như chạy từ trên triền đê vào nhà: "Chị Ngọc, đúng là chị Ngọc rồi. Em nhận ra chị rồi". Nói rồi ông chạy đúng đến chỗ chị.

Tướng Khăm Xỉ và gia đình chị Ngọc.

Bà Ngọc vẫn ngơ ngác chưa nhận ra. 30 năm - quãng thời gian của hơn một phần ba cuộc đời con người trôi đi với bao nhiêu lo toan, đủ làm người ta lãng quên nhiều thứ. Hơn nữa, trong chiến tranh, việc thầy thuốc cứu thương binh là chuyện quá đỗi bình thường.

"Em là Khăm Xỉ, em là người mà ngày xưa chị cõng trong nhà xác ra, năm 1972 ở Trạm T20. Chị không nhận ra em là phải, ngày xưa em ốm yếu chỉ 36 cân, giờ em gần 1 tạ rồi".

Câu chuyện hơn 30 năm về trước được nhắc lại và cho đến lúc này bà Ngọc mới nhớ được chuyện ngày xưa đã cõng một xác chết người Lào ra từ nhà xác. Khăm Xỉ ở nhà bà Ngọc chơi luôn mấy ngày.

Sau khi kết nghĩa chị em, Khăm Xỉ nhiều lần đưa vợ ở Lào sang thăm gia đình chị Ngọc và mời chị sang Viêng Chăn chơi với gia đình ông một tháng. Từ đó đến nay Khăm Xỉ vẫn qua lại như một người thân trong gia đình.

Tâm sự với chúng tôi, ông nói: "Dù muộn nhưng tôi vẫn tìm được ân nhân lớn nhất cuộc đời mình. Điều đó làm cho tôi cảm thấy thanh thản trong lòng. Không thể quên được những tình cảm nhân dân Việt Nam và chị Ngọc dành cho tôi. Tôi tin rằng, đó chính là tình cảm không chỉ cá nhân tôi mà là còn là tình hữu nghị sắt son giữa hai dân tộc Việt - Lào".

Như một học giả phương Tây đã từng nói: "Những câu chuyện kết thúc có hậu thực sự là những câu chuyện khi đã khép lại vẫn làm cho người ta suy nghĩ”. Một kết thúc đẹp cho cuộc tìm kiếm sau 30 năm của người lính quân đội Lào và cô y tá Việt Nam cũng gợi cho những người có lương tri nghĩ về sự tri ân của con người. Vị tướng Khăm Xỉ mặc dù đã ở cương vị cao vẫn đau đáu nghĩ về ân nhân đã cho mình có được sự sống ngày hôm nay. Nhớ đến ơn nghĩa thì có nhiều - nhưng hành động tìm kiếm nhiệt thành và tri ân tự đáy lòng như ông thì không phải ai cũng làm được

Hoàng Thắng
.
.