Vị tướng toàn tài, nhà chính trị tầm cỡ

Thứ Ba, 30/04/2019, 14:15
Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước là người con ưu tú của xứ Huế và là một vị tướng toàn tài. Nay Đại tướng đã đi xa, cán bộ chiến sĩ và nhân dân luôn nhớ đến một vị tướng giản dị, gần gũi và hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết: “Đồng chí Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”.

Người đánh máy nuôi ý chí cách mạng

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1-12-1920 tại làng Trường Hà, xã Vinh Phú, huyện Phú Vang, quê gốc của ông ở xứ Truồi, thôn Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên-Huế). Thuở nhỏ, ông có tên là Lê Văn Giác, sau đổi tên là Lê Đức Anh. Vốn thông minh, nhanh nhẹn nên 5 tuổi ông đã học chữ Nho, 6 tuổi học chữ Quốc ngữ.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, có 9 anh chị em, sau khi học xong tiểu học ở thành Vinh, tỉnh Nghệ An, đồng chí Lê Đức Anh trở về Phú Vang. Ông  bắt đầu tham gia các hoạt động cách mạng tại địa phương lúc mới 17 tuổi. Để tránh bị thực dân Pháp bắt giữ, năm 1940, ông lên Đà Lạt và xin vào làm công tại khu nghỉ mát của sở Nam Kỳ.

Ngày 20-1-1993, Chủ tịch nước Lê Đức Anh tới thăm và chúc Tết làng trẻ em mồ côi SOS Hà Nội nhân dịp đầu xuân Quý Dậu. Ảnh: zing.vn.

Tại đây, ông học nghề đánh máy chữ, làm người phụ trách việc quét dọn các ngôi biệt thự cùng với việc chế biến thực phẩm vào ban đêm với mức lương 18 đồng mỗi tháng. Thấy ông tháo vát nên người Tây đã thuê ông về đồn điền cao su Lộc Ninh làm thực phẩm với mức lương trả cao hơn.

Tại đây, thông qua công tác vận động, ông đã tổ chức, củng cố đời sống cho những phu cao su, sau đó gây dựng phong trào công nhân ở đồn điền cao su Lộc Ninh và thành lập chi bộ Đảng Cộng sản ở Lộc Ninh vào tháng 2-1944 với lực lượng nòng cốt cách mạng là các nghiệp đoàn công nhân.

Hưởng ứng phong trào cách mạng, sáng 24-8-1945, hàng nghìn công nhân ở đồn điền cao su Lộc Ninh - Đa Kia cùng nông dân địa phương nổi dậy giành chính quyền với cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”. Lúc này, đồng chí Lê Đức Anh tổ chức lực lượng gồm 300 người trang bị vũ khí kéo xuống thị xã Thủ Dầu Một tham gia tổng khởi nghĩa.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông tham gia quân đội và bắt đầu cuộc đời binh nghiệp đầy gian khổ và oanh liệt. Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã tôi luyện ý chí, tài năng, giúp ông không ngừng trưởng thành.

Vợ chồng ông Trần Đình Hàng và bà Hồ Thị Tám bùi ngùi thương tiếc Đại tướng Lê Đức Anh khi hay tin ông qua đời vào tối 22-4.

Góp công làm nên đại thắng Mùa Xuân 1975

Cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975 giành thắng lợi to lớn và Đại tướng Lê Đức Anh là người giữ vai trò quan trọng. Thời điểm này, Bộ chỉ huy chiến dịch điều động 5 quân đoàn (trên dưới 15 sư đoàn) gồm quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 có đủ các binh chủng hợp thành với 5 cánh quân theo 5 hướng Bắc, Tây Bắc, Đông, Đông Nam và Tây - Tây Nam.

Đại tướng Lê Đức Anh chỉ huy cánh quân hướng Tây - Tây Nam gồm Đoàn 232 gồm các sư đoàn 3, 5 và 9 cùng 4 trung đoàn độc lập, một trung đoàn đặc công... với các nhiệm vụ chính là chia cắt hai lực lượng Sài Gòn và miền Đông cùng lực lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long, tấn công Tổng nha Cảnh sát, sau đó hợp điểm tại dinh Độc Lập và một bộ phận vào căn cứ tư lệnh hải quân (Ba Son và Bạch Đằng).

Trong cuốn hồi ký “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”, Đại tướng Lê Đức Anh kể lại: “Đúng 17h chiều 26-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, các đơn vị cánh quân hướng Tây - Tây Nam tiến công... Khi xe tăng, thiết giáp vượt qua sông Vàm Cỏ thì trời đổ mưa, đoạn thuộc huyện Đức Huệ, Long An sình lầy nên xe không đi được. Tình thế cấp bách, nhân dân đã vác những bó cây và dỡ nhà mình lót đường cho xe tăng và pháo vượt qua. Lúc đó tôi nói một số đồng chí trở lại giúp dân làm lại nhà dù người dân không hề đòi hỏi...

Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, các cánh quân của ta tiếp tục tấn công, buộc chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện”. 11h30 ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Nhiều năm sau, khi được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Đại tướng Lê Đức Anh đã trực tiếp chỉ huy quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam sang giúp nước bạn. Ngoài thành tích giúp Campuchia tiến công địch ở các căn cứ dọc biên giới, truy quét tàn quân địch trong nội địa, phát triển lực lượng cách mạng, ổn định tình hình, chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam còn tích cực giúp Campuchia xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, từng bước để Campuchia tự đảm đương xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh ở thôn Bàn Môn, xã Lộc An.

Ngày 26-9-1989, những đơn vị cuối cùng của chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam rút về nước, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả. Hơn 10 năm, Việt Nam đã giúp Campuchia giải phóng dân tộc khỏi họa diệt chủng của tập đoàn Pol Pot, hồi sinh đất nước. Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Sen từng nói: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết. Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, Chính phủ Phnom Penh sẽ không tồn tại”.

Và Đảng, Nhà nước cùng nhân dân hai nước đã trao tặng những phần thưởng cao quý để ghi nhận công lao của Đại tướng Lê Đức Anh cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Việt Nam.

Tiếc thương vị tướng tài ba, người con ưu tú xứ Huế

Năm 2018, Đại tướng Lê Đức Anh được Đảng, Nhà nước trao tặng huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Nghe tin Đại tướng qua đời vào tối 22-4, người dân xứ Huế, đặc biệt là người dân ở thôn Bàn Môn, xã Lộc An - quê hương và là nơi Đại tướng từng nhiều lần về thăm - đã không khỏi xúc động, tiếc thương ông.

Dẫn chúng tôi vào thăm nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh được đưa vào hoạt động cách đây tròn 7 năm nằm bên dòng sông Truồi hiền hòa mà anh Lê Hữu Đức, cháu của Đại tướng Lê Đức Anh (ông nội anh Đức là Lê Hữu Độ, anh ruột Đại tướng Lê Đức Anh) xúc động kể lại nhiều câu chuyện về Đại tướng.

Theo anh Đức, trước đây gia đình Đại tướng có ý định xây dựng một khu lưu niệm tại đây nhưng không được Đại tướng đồng ý. Vì thế, hiện không gian nhà văn hóa, thư viện này là nơi trưng bày các tài liệu, tranh ảnh cùng hàng ngàn đầu sách liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh. Thường ngày, có rất đông các em học sinh đến đây vui chơi và thích thú tìm đọc những cuốn sách viết về Đại tướng.

Sống gần nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh nên khi hay tin Đại tướng qua đời, vợ chồng ông Trần Đình Hàng (85 tuổi) và bà Hồ Thị Tám (81 tuổi) không giấu được sự xúc động, tiếc thương. Ông Hàng kể: “Từ ngày đất nước giải phóng đến nay, Đại tướng đã có nhiều lần về thăm quê hương và bà con làng xóm. Còn nhớ vào năm 2012, khi Đại tướng Lê Đức Anh và gia đình về quê dự lễ khánh thành nhà văn hóa, thư viện được xây dựng tại đây, tôi may mắn có dịp trò chuyện với Đại tướng. Và lúc nào cũng vậy, Đại tướng luôn gần gũi, dễ mến, người không quên thăm hỏi về tình hình cuộc sống, công việc làm ăn của bà con ở quê hương. Điều này khiến tôi vô cùng xúc động và nhớ mãi...”.

Ông Nguyễn Bùi, Bí thư Đảng ủy xã Lộc An cho biết, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền, đặc biệt là sự động viên, khích lệ của Đại tướng Lê Đức Anh nên cán bộ và nhân dân Lộc An đã không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để xây dựng, phát triển kinh tế địa phương. Lộc An giờ đây đang đổi thay từng ngày khi toàn xã có 3.078 hộ dân với hơn 14.000 nhân khẩu với thu nhập bình quân đạt hơn 45 triệu đồng/năm.

Lưu bút của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trên sổ vàng ở nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh.

Đặc biệt, tháng 9-2018, xã đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây chính là động lực để cán bộ, nhân dân xã nhà tiếp tục nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế và quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công cách mạng.

Ông Nguyễn Bùi bồi hồi kể, trong một lần về thăm quê hương vào giữa năm 2014, Đại tướng Lê Đức Anh đột ngột ghé vào UBND xã Lộc An để thăm các cán bộ đang làm việc tại đây. Lúc đó, sức khỏe Đại tướng cũng đã yếu, đi phải có người dìu. Buổi ghé thăm của Đại tướng kéo dài chỉ vỏn vẹn trong 30 phút. Và trong thời gian ngắn ngủi đó, Đại tướng đã dặn dò các cán bộ xã nhiều điều. Đến tận hôm nay, sự giản dị, gần gũi của Đại tướng Lê Đức Anh vẫn còn in hằn trong tâm trí của ông Bùi và nhiều cán bộ xã Lộc An.

Ông Bùi nhớ lại lời Đại tướng nhắn nhủ: “Quê hương Lộc An còn nghèo, nhân dân còn khó khăn nhưng tôi đã lớn tuổi rồi, đã về hưu và không giúp gì được. Vì thế, cán bộ xã phải nỗ lực trong công việc, đi đầu trong các phong trào, phải biết gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân thì mới hiểu và giúp người dân được. Có như thế thì đời sống của nhân dân xã nhà mới thoát nghèo đi lên”.

Chúng tôi ghé thăm căn nhà cấp 4 của vợ chồng ông Hoàng Ngọc Yến (87 tuổi, Bí thư Đảng ủy xã Lộc An từ năm 1981-1990) ở cuối thôn. Với nhiều năm công tác ở xã, ông Yến vinh dự có 3 lần được gặp nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Ông Yến kể, hồi đó trụ sở UBND xã nằm ở gần cầu Truồi nên mỗi chuyến ghé thăm của Đại tướng đều rất bất ngờ. Và lúc nào cũng thế, Đại tướng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe các cán bộ xã và hỏi về tình hình kinh tế, xã hội địa phương.

“Có lần Đại tướng nói: Không nơi nào ở xứ Thừa Thiên mà có một chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập từ những năm 1930 như quê hương chúng ta. Vì thế, các cán bộ và nhân dân xã nhà phải biết phát huy truyền thống cách mạng, anh hùng ấy để nỗ lực vươn lên. Hiểu được ý của Đại tướng nên mỗi chuyến ông về thăm quê hương, thăm xã, tôi đều báo cáo tình hình phát triển mọi mặt của địa phương và chuẩn bị nước chè Truồi, vốn là đặc sản quê hương để mời Đại tướng. Hơn 30 năm tham gia trong quân đội, tôi chưa bao giờ gặp một vị Đại tướng gần dân, nặng tình quê hương như Đại tướng Lê Đức Anh”, ông Yến rưng rưng kể về những kỷ niệm đẹp với Đại tướng Lê Đức Anh.

Và hôm nay, những người dân như ông Hàng, bà Tám đến những cán bộ như ông Bùi hay lão thành như ông Yến... không thể nào kìm nén sự xúc động, tiếc thương trước sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Bởi đối với họ cũng như bao người dân ở mảnh đất cố đô, Đại tướng là một người con ưu tú của xứ Huế, là một vị tướng và là nhà lãnh đạo tài ba, đức độ đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng dân tộc.

Cuốn sổ vàng tại nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh hiện đang giữ nhiều lưu bút của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đến thăm nơi đây. Ngày 7-4-2012, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết vào sổ vàng: “Đại tướng Lê Đức Anh, một cán bộ quân sự - chính trị và giàu nét văn hóa dân tộc đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng, cho dân tộc. Công lao to lớn của đồng chí được quân đội, nhân dân và Đảng ta mãi mãi trân trọng, học tập và phát huy”.

Anh Khoa
.
.