Viết báo ở Hoàng Sa

Thứ Hai, 30/06/2014, 22:45

Phải đến giữa tháng 6, cơn bão thời tiết đầu tiên của mùa, khá nhẹ, mới xuất hiện trên Biển Đông. Nhưng từ đúng một tháng rưỡi trước đó, khi Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép, xâm phạm sâu vào Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thì Biển Đông, khu vực quần đảo Hoàng Sa đã thật sự dậy sóng. Ngay lập tức, không ai bảo ai, rất nhiều phóng viên báo chí đã tự đặt cho mình cùng một mục tiêu: bằng mọi cách phải có mặt tại Hoàng Sa.

Quyết tâm có thừa, nhưng vào những ngày đầu tiên của sự kiện Hoàng Sa 2014, việc tìm được điều kiện để có thể có mặt ngay tại điểm nóng để tác nghiệp là điều không đơn giản. Mọi mối quan hệ, mọi kênh thông tin, mọi cơ hội đều được các phóng viên, các tòa soạn vận dụng bằng hết nhưng tất cả đều chỉ nhận được những cái lắc đầu của các cơ quan, đơn vị có thể đóng dấu vào tờ "giấy phép" cho nhà báo "ra biển". Nôn nao, khá đông nhà báo trong đó có phóng viên Báo CAND - Chuyên đề ANTG đã không chờ được gọi, đã có mặt tại Đà Nẵng hoặc ra thẳng đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi với hy vọng tìm được cơ hội bước chân xuống bất kỳ con tàu nào có thể ra được đến Hoàng  Sa.

Hồ Tấn Vũ và Nguyễn Viễn Sự, hai phóng viên trẻ của Báo Tuổi Trẻ nằm trong nhóm những phóng viên nhanh chân nhất, đã tìm được cơ hội ra Hoàng Sa trong chuyến đầu tiên trên tàu kiểm ngư 9226 (KN 9226), khởi hành tại cảng Tiên Sa chiều ngày 11/5. Trong nghề báo, lòng nhiệt tình, sự sốt sắng luôn nhân cao cơ hội và tạo ra may mắn, từ đó hình thành nên sự khác biệt. Chỉ vừa ra đến Hoàng Sa, tàu KN 9226 đã lập tức bị 4 tàu hải cảnh, ngư chính của Trung Quốc bao vây, xịt vòi rồng và tìm cách đâm húc. Bình tĩnh, kiên quyết, tàu KN 9226 đã khiến cả 4 tàu Trung Quốc phải từ bỏ ý đồ sau 15 phút giở trò "ỷ chúng hiếp cô".

Bản tin không hình đọc qua điện thoại vệ tinh dài 8 phút của hai phóng viên Tấn Vũ - Viễn Sự về vụ tàu kiểm ngư của Việt Nam bị các tàu Trung Quốc tấn công đã trở thành bản tin độc quyền, một sự kiện báo chí nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc cả nước. Chỉ xuất hiện với dung lượng 700 chữ trên báo giấy, bản tin này cũng đủ để dư luận sôi lên sùng sục với một ý thức: đất nước đang bị xâm phạm, một nguy cơ đã hiện ra rõ rệt. Lập tức, phong trào "Cả nước hướng về Biển Đông" được nhân lên rầm rộ.

Chỉ sau 10 ngày kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan  Hải Dương 981 vào Biển Đông, hơn 20 tỉ  đồng đã được bạn đọc cả nước gửi qua báo Tuổi Trẻ để ủng hộ lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư đang có mặt làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa

Khi có tàu Trung Quốc áp sát, những phóng viên trên tàu lại tập trung trên nóc cabin để quay phim, chụp ảnh.

Cho dù sau đó, cả hai phóng viên Tấn Vũ - Viễn Sự đều bị một vài lời nhắc nhở vì đưa tin quá sốt sắng trước khi được đơn vị có tàu đưa họ đi đồng ý, nhưng cũng chính bản tin này và sự quan tâm chia sẻ của bạn đọc sau đó lại tạo ra sự động viên, phấn khởi cho chính anh em thủy thủ đoàn trên tàu KN 9226. Cảm động, thủy thủ trên tàu đã nhất trí tháo lá cờ Tổ quốc, đồng loạt ký  vào và gửi qua hai phóng viên Tuổi Trẻ để đem về đất liền tặng độc giả báo chí. Họ xem đó như một cách tri ân đối với đất liền đã dành nhiều sự quan tâm, động viên cho những cán bộ chiến sĩ đang đối mặt với thách thức nơi biển dữ.

Đó cũng là chuyến công tác Hoàng Sa đầu tiên của con tàu này, bởi nó chỉ vừa mới được điều chuyển tăng cường từ Hải Phòng vào Đà Nẵng cách đó 4 ngày. Ngày 7/5, đúng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tàu đi qua vùng biển tỉnh Quảng Bình. Khi đi qua Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ, con tàu đã quay mũi vào đất liền, kéo còi chào anh linh Đại tướng như muốn gửi một lời hứa quyết tâm tiếp bước tiền nhân bảo vệ đất nước trước những mối hiểm nguy.

Và ít ngày sau, lời hứa đã trở thành hành động. Lá cờ Tổ quốc từng có mặt tung bay ở cả hai sự kiện đó, giờ trở thành một kỷ vật  thắt chặt tình cảm giữa nhân dân với những người ở tuyến đầu gian khó. Báo chí  đã trở thành cầu nối.  Rất đơn giản, thành công của nghề báo chỉ gồm có mấy từ: đến đúng lúc, đúng nơi để phản ánh sự kiện kịp thời.

Hai phóng viên báo CAND Nguyễn Hồng Lam và Phan Đăng có mặt tác nghiệp tại Hoàng Sa trên tàu CSB 4033.

Phan Thanh Hải - Báo Lao Động và Lê Văn Chương, Báo Biên Phòng sau chuyến công tác tại đảo Lý Sơn đã quyết định ở lại, cùng một nhóm nhà báo khác đi theo tàu cá của ngư dân để ra Hoàng Sa. Chiều 12/5, sắp xuống tàu cả hai được tin hôm sau sẽ có một chuyến tàu CSB rời cảng Tiên Sa, tên của họ nằm trong danh sách. Lập tức, họ quay lại ngay Đà Nẵng.

Bị kích thích bởi bản tin "độc" của đồng nghiệp Báo Tuổi Trẻ, Phan Thanh Hải từ Quảng Ngãi đã điện thoại ngay cho vợ anh ở Đà Nẵng đi… mượn tiền để thế chân, thuê ngay cho anh một điện thoại vệ tinh giá 32 triệu cùng một tài khoản nạp trước 5 triệu đồng từ VNPT. Đến 1 giờ sáng ngày 13/5, Phan Thanh Hải đã xuống tàu CSB 4033 trực chỉ Hoàng Sa. Hai phóng viên Báo CAND là Nguyễn Hồng Lam và Phan Đăng cũng có mặt trên chuyến tàu này, cùng 23 đồng nghiệp các báo khác, trong đó  có 9 phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài.

Cũng trên con tàu này, hiện tại một phóng viên khác của Báo CAND là Quang Huy đang có mặt tại Trường Sa. Anh đã lênh đênh tại vùng biển điểm nóng được đúng một tuần.

Trở lại chuyến hải hành giữa tháng 5/2014 trên tàu CSB 4033, nhờ điện thoại vệ tinh, chỉ sau 2 ngày ra biển, nhà báo Phan Thanh Hải đã có ngay những bài viết cảm động về tâm tình, hoàn cảnh của những chiến sĩ CSB gửi về tòa soạn. Từ bài báo của Hải, bà Phan Thị Như Đóa, mẹ của Thượng úy, Thuyền trưởng Lê Trung Thành bị ung thư, đã qua 7 lần xạ trị, hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM đã được rất nhiều cơ quan đơn vị, cá nhân biết và đến thăm; vợ của anh ở Quảng Ngãi  chưa có việc làm đã được lãnh đạo địa phương quan tâm hứa sẽ bố trí công việc phù hợp.

Nghe Đại tá Võ Văn Kính, Phó chính ủy CSB Vùng 2 có mặt trên tàu thông báo lại, kèm theo lời nhắn của bà mẹ đang  đau ốm dặn dò con trai phải vững tâm, hết lòng cho nhiệm vụ, gia đình đã có hậu phương và đồng bào, đồng chí quan tâm chu đáo, cả Thuyền trưởng Lê Trung Thành lẫn anh em cán bộ chiến sĩ trên tàu CSB 4033 đều hết sức xúc động. 10 ngày trước đó, khi bị 3 tàu Trung Quốc vây chặt và đâm hỏng mạn tàu, mặt người thuyền trưởng 31 tuổi ấy đã không hề biến sắc, vẫn bình tĩnh chỉ huy đưa con tàu vượt vòng vây vòng tránh an toàn. Nhưng khi nghe tin về mẹ, về tình cảm đất liền dành cho gia đình anh, mắt Thành  hình như đã rơm rớm, phải cố nén mới ngăn được nỗi xúc động vỡ òa.

Tàu CSB 4033 và CSB 8003 cập mạn để chuyển người và hàng hóa.

Xuống tàu muộn, hầu như đêm đầu tiên không nhà báo nào chợp mắt, bởi quá mải mê với việc quay phim, chụp ảnh và hít thở mùi biển mặn mòi có pha mùi nguy khốn. Không may, ngày hôm sau, ra đến Hoàng Sa lại gặp ngay một đợt sóng khá mạnh. Tàu CSB 4033 khá hiện đại nhưng tải trọng chỉ 400 tấn nên tha hồ bị sóng lắc. Hầu như cánh phóng viên lạ sóng và thiếu ngủ đều bị say sóng. Buổi sáng với món miến gà được anh em CSB chu đáo dọn ra nhưng hầu như không một nhà báo nào nuốt nổi.

Cô bạn phóng viên VTV4, một cô phóng viên khác người Nhật nằm bẹp dí dưới sàn tàu. Khi được gọi tên chuyển sang tàu CSB 8003 tải trọng lớn hơn nhiều, cả hai vẫn ngồi bất động, mặt trắng bệch, mắt nhắm nghiền vì cơn say sóng. Buồn nôn quặn cả ruột nhưng chỉ ọe khan, bởi ruột gan chẳng còn gì nữa để nôn. Nhà báo Hoàng Đình Nam 57 tuổi, phóng viên thường trú Hãng AFP cũng say như chết. Ba ngày sau đó, trong túi anh lúc nào cũng có một nắm túi bóng.

Đến bữa cơm, anh cứ một tay bưng bát, tay kia nắm một đầu túi nilon chờ cơn buồn nôn xộc ra, chẳng nuốt nổi thìa cơm nào. Vậy nhưng, cứ hễ có tàu Trung Quốc áp sát, anh lại dứt khoát chạy lảo đảo lên boong tàu, cổ đeo hai máy ảnh, tham gia tác nghiệp ngay không bỏ sót cảnh nào. Tàu Trung Quốc đuổi không kịp lảng ra xa, nhà báo lớn tuổi nhưng khá chì này lại xoãi chân ngồi dựa góc cabin cố… thở lấy một chút  để có sức mà say sóng tiếp.

Duy nhất có một nhà báo hình như không say chút nào, đó là anh bạn Vatagai Toshihiro, Trưởng phân xã Đông Nam Á của Hãng Thông tấn Kyodo (Nhật Bản). Từ chối khẩu phần ăn dự phòng dành riêng cho khẩu vị "Tây", tay phóng viên người Nhật "chơi tuốt" mọi thức ăn được dọn ra cho mọi người, không hề tỏ ra lạ khẩu vị, dù đó là cá khô hay cà pháo. Làm việc cũng rất chuyên nghiệp. Đêm nào Vatagai Toshihiro cũng vắt vẻo trên nóc boong tàu đến 3 giờ sáng để viết bài, truyền bài bằng điện thoại vệ tinh nhưng sáng 6 giờ, anh cũng như chúng tôi, đã kip dậy, hoàn tất bữa sáng và  sẵn sàng máy ảnh treo lủng lẳng trên cổ.

Tôi may mắn thuộc diện chỉ hơi nôn nao, không say sóng nên không bỏ lỡ diễn biến nào, dù nhỏ. Sau 8 ngày lênh đênh, khi kiểm tra lại sản phẩm, tôi  đếm được mình đã quay 51 đoạn clip các vụ đâm va, chèn ép, phun nước, rượt đuổi của hàng chục tàu Trung Quốc với tàu CSB 4033 và các tàu CSB, kiểm ngư khác ở trong khu vực. Đó là chưa kể gần 1.000 tấm ảnh chụp.

So với đồng nghiệp Lê Văn Chương của Báo Biên phòng thì chưa ăn thua. Một mình Chương lúc nào cũng mang theo 2 máy ảnh và một camera. Quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn, ghi chép, mình Chương chơi tất. Đêm, anh thường thức rất khuya để tự cắt cúp, montage từng đoạn phim, dựng sẵn theo chủ đề để về đất liền là có thể sử dụng ngay cho đủ loại báo, từ báo in, báo mạng cho đến truyền hình.

Trên các tàu CSB đều có trang bị thiết bị  lọc nước ngọt từ nước biển. Không may, tàu chúng tôi ngay từ hôm xuất bến, thiết bị này đã bị hỏng nên nước sinh hoạt trên tàu phải tiết kiệm tối đa. Nhờ sự ưu ái của Thuyền trưởng Lê Trung Thành, Chính trị viên Hoàng Văn Thường và tất nhiên là dưới sự chỉ đạo của Phó chính  ủy CSB Vùng 2, Đại tá  Võ Văn cánh nhà báo được ưu tiên tắm…1 lần. Nước giặt đồ hiếm hoi nhưng cũng có, được chắt ra từ  nước rỉ giọt của hệ thống máy lạnh!

Không chỉ chia phần vất vả, cánh nhà báo còn chia phần với anh em CSB cả những nỗi âu lo. Khó khăn này dường như dồn hết lên vai nhà báo, nhà văn, Đại úy Lê Mạnh Thường của Bản tin CSB, thuộc Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh CSB.  Nhà Thường ở Hải Phòng. Vợ chồng anh có 2 con gái. Cháu thứ hai là Lê Hoàng Kim Khánh (6 tuổi), khi sinh ra đã bị rò âm đạo, thông sang trực tràng. Từ năm  năm 2009, cháu đã được phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) nhưng không thành công. Thêm 5 lần mổ, chân phải cháu đã bị liệt, mông bị hoại tử, đi không vững, khuyết một bên mông, sức khỏe rất yếu...

Lo chạy chữa cho con, vợ chồng Thường gần như khánh kiệt. Tạm phó mặc nỗi lo cho vợ, chị Hoàng Thị Thu Hiên, giáo viên Trường cao đẳng Nghề du lịch và dịch vụ Hải Phòng, Đại úy Lê Mạnh Thường vẫn xung phong ra Hoàng Sa. Trở về, anh đã viết nhiều bản tin, nhiều bài báo in, phát  ở nhiều nơi. Sau đúng một tháng, Thường lại tiếp tục ra Hoàng Sa lần thứ 2, và tình cờ, lại vẫn trên con tàu CSB 4033 đã trở nên quen thuộc và  gắn bó.

Được bước chân xuống tàu ra Hoàng Sa, đối với các phóng viên báo chí chúng tôi thật sự đã thỏa nguyện. Chúng tôi đã đến được nơi nghề nghiệp đòi có mặt, đến đúng nơi, nhìn tận mắt chốn đất nước đang lâm nguy. Chủ trương kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lãnh hải bằng mọi phương pháp hòa bình, báo chí đã và đang có những đóng góp quan trọng. Được góp sức mình vào cuộc đấu tranh trên mặt trận thông tin bảo vệ Hoàng sa, bảo vệ chủ quyền đất nước, với chúng tôi đã là hạnh phúc.

Gần trăm năm trước, Romain Rolland, nhà văn khuynh tả người Pháp, giải Nobel Văn chương năm 1915 từng phác thảo chân dung người cầm bút: "Với  cây  bút  và quyển sách  trên tay, họ  bước  vào chiến  trường  và  trở thành  chiến sĩ". Vũ khí mà chúng tôi mang theo giờ đã có thêm máy ảnh, laptop, điện thoại vệ tinh, Hoàng Sa chỉ mới là một mặt trận, chưa phải chiến trường, nhưng được ra với biển, ra với một phần núm ruột của đất nước đang trong mùa trầm luân nguy khó, chúng tôi tin nghề viết đã tạo cơ hội cho mình được sống và trở thành chiến sĩ

N.H.L.
.
.