“Vợ chồng Robinson” trên đảo Điệp Sơn

Thứ Tư, 02/06/2021, 09:49
Con đường đặc biệt không có trên bản đồ, hay hải đồ nhưng nó thường xuất hiện và dài gần 1km, nối liền 3 hòn đảo với nhau. Trên miền thủy đạo đó có cặp vợ chồng Robinson ngày ngày hồi sinh Điệp Sơn.


Người của biển

Gần trưa, vợ chồng ông Trịnh Minh Đại Anh và Đào Thị Long vẫy mọi người lên chiếc cano để hướng ra đảo Điệp Sơn. Chỉ 15 phút, cano cao tốc đã đưa mọi người bước chân lên đảo. Cái nắng chói chang giữa mùa khô phần nào dịu mát bởi cơn gió biển nhẹ nhàng quanh núi Điệp.

Đôi vợ chồng ấy người xứ Bắc nhưng người dân nơi đây và cả du khách vẫn quen miệng gọi là “chúa đảo” và sự nhiệt tình, thân thiện với từng người của đôi vợ chồng khiến nhiều người thiện cảm một cách không ngờ. Ông Đại Anh với nước da màu nâu sậm như của dân miệt biển thứ thiệt và một nụ cười tươi duyên với mái tóc dài, trán cao cùng vẻ sương gió mặc trầm như Robinson đảo hoang vừa lái chiếc cano lướt trên những ngọn sóng xanh biếc, vừa kể chuyện xứ đảo. Ít ai biết rằng đôi vợ chồng ấy mở một công ty du lịch ở Điệp Sơn và tự tay lái cano đưa đón khách từ đất liền ra đảo, tự làm hướng dẫn viên để giúp mọi người biết về xứ đảo này như một người Đàng Hạ thực thụ trên đảo.

Người dân kéo thuyền thúng sang bên kia thủy đạo.

Điệp Sơn hiện ra đẹp mênh mang giữa nước và trời xanh ngắt. Trên đảo, trong làng chỉ vài chiếc xe máy, đường đi chỉ đủ bề rộng 1 xe máy. Khu vực có 2 cảng biển là cảng Điệp Sơn và bến cảng tạm do công ty du lịch mới mở để đón du khách mỗi ngày. Người dân đi bắt ốc, bắt sò điệp, con xúc... vẫn thường qua lại giữa các đảo. Các chuyến đò, cano của người dân và dịch vụ du lịch nối kết đất liền vẫn được thực hiện thường xuyên trong ngày.

Ông Đại Anh bảo đảo Điệp Sơn thực chất là một cụm đảo gồm Điệp Sơn (hòn Bịp), hòn Quạ và hòn Ó (trên bản đồ gọi là dòn Dút) thuộc xã Vạn Thành (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Cụm đảo này nằm trong vịnh Vân Phong trên Biển Đông. Ở đây có một con đường đặc biệt, là thủy đạo độc đáo dài khoảng 700m nối liền 3 đảo nhỏ này. Tuyến đường không có tên gọi riêng trên hải đồ toàn quốc. Chỉ biết rằng, nơi đây nếu ban ngày có nước thì ban đêm sẽ khô cạn và ngược lại. Khoảng 15h hằng ngày, thủy đạo dần trơ ra con đường bằng cát biển và đá ngầm với đường kính khoảng 10m.

Trên thủy đạo các hoạt động giao thương đã xuất hiện từ hàng trăm năm về trước. Thủy đạo Điệp Sơn góp phần quan trọng trong giao thông hàng hải trên vịnh Vân Phong. Con đường từ thời xưa đã giúp người dân tiết kiệm thời gian di chuyển giữa hai bờ của chuỗi 3 đảo: Điệp Sơn, hòn Ó, hòn Dút. Nếu không có thủy đạo, hành trình sẽ kéo dài thêm khoảng 20-30 phút với các loại ghe gỗ chuyên dùng trong việc đánh cá. Sử dụng thuyền thúng trở nên đơn giản hơn, chỉ cần mất chút sức lực kéo thuyền sang bờ bên kia thủy đạo.

Cư dân Điệp Sơn vẫn thường dựa vào thủy đạo đi lại giữa các đảo nhằm bắt ốc, lượm củi... cải thiện cuộc sống. Không ai trong vùng trả lời được câu hỏi vì sao lại có thủy đạo này. Ngành nghề kiếm sống của người dân xứ đảo này là đào con xúc, bắt cá, nhặt rong biển và làm du lịch. “Con xúc thường nằm dưới đá ngầm, bắt về làm thức ăn nuôi tôm, phải dùng cán thìa sắt để cào cát biển và hất đá ngầm lên mới bắt được”, cô bé tên Hạnh vừa đào đá ngầm, vừa trò chuyện. Trẻ con trên đảo đứa nào cũng đen nhẻm, giỏi bơi lặn và chịu khó làm việc giúp đỡ gia đình. Thủy đạo chính là vị trí vui chơi gắn liền với ký ức tuổi thơ của trẻ em trong vùng.

Người dân đã sinh sống trên đảo từ 5-6 đời, thôn đảo Điệp Sơn có 84 hộ với hơn 400 dân. Vì là ốc đảo nên tình hình an ninh trật tự vô cùng tốt, “lấy trộm thì làm sao mà bán được, chỉ cần báo với công an viên trên đảo là không gì rời khỏi đảo được”, chị Long - vợ của “chúa đảo” Đại Anh hồ hởi kể như niềm tự hào của nhà mình.

Trưởng thôn Lanh bên cạnh chiếc máy phát điện của đảo.

“Trái tim ánh sáng” của hòn đảo nằm tại căn nhà tạm rộng chỉ vài mét vuông. Một máy phát điện đã cũ kỹ, đen vì khói, dầu và gió biển đang được bảo dưỡng để chạy phát điện vào buổi tối phục vụ người dân và du khách. Tại Điệp Sơn, điện chỉ có từ 18-21h hằng ngày. Người trông coi công việc được tính công 25 ngàn/đêm. Xăng dầu chạy máy nổ có được nhờ trích từ sự đóng góp của người dân. Tại đây, người dân dùng 2 bóng điện và 1 tivi trong một tháng trả 120 ngàn tiền điện. Nước ngọt không bao giờ thiếu, các hộ dân trên đảo vẫn sống vô tư với nguồn nước ngọt tự nhiên trên đảo.

Trước kia, người Điệp Sơn chỉ sống dựa lưng vào núi bằng nghề phát rẫy làm ngô, làm khoai mỳ và làm du lịch. Những tàu cá đánh bắt gần bờ và nuôi trồng hải sản đã kéo người dân từ trên núi xuống vùng thấp ven đảo. Trên núi chỉ còn 1-2 hộ ở. Người dân không còn sống dựa vào núi rừng, họ đi biển và nuôi trồng gần bờ (mực, cua). Chỉ khoảng 2 tấn/tàu, khoảng gần 50 hộ dân có ghe đi biển, dân cư còn lại bắt ốc, rau kim (nấu su xa). Bờ rạn quanh đảo trở thành đê bao tự nhiên ngăn nước biển xâm thực.

Trước kia, khó quản lý vấn đề nổ mìn đánh bắt cá nhưng hiện nay tình trạng này không còn vì người dân đã thay đổi nhận thức về việc sử dụng chất nổ trong đánh bắt. Từ đó, lượng cá biển đã ổn định lại. Nguồn sống của người dân ngày càng được đảm bảo chắc chắn hơn.

Hồi sinh cho xứ đảo

Cơn sóng khách du lịch đến Điệp Sơn vài năm qua đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của hòn đảo nằm giữa vịnh Vân Phong này. Vài năm nay, Điệp Sơn đã trở thành một điểm du lịch được quản lý bài bản, chuyên nghiệp. Các đơn vị du lịch bắt đầu khai thác tour với giá khởi hành từ Nha Trang là 540 ngàn/người.

Vợ chồng “chúa đảo” Robinson cùng người dân đã làm thay đổi cuộc sống ở Điệp Sơn nhờ du lịch và làm sạch biển đảo.

Đến đây, dạo bước trên thủy đạo, khám phá cuộc sống, con người xứ đảo và những cảnh đẹp của trời mây biển cả khiến nhiều người tìm đến hơn. Tại thủy đạo - điểm nhấn chính của Điệp Sơn, con nước quyết định tốc độ xuất hiện của thủy đạo này. Thông thường, nước ngập sâu không quá đầu gối, nước biển buổi sáng rất trong, buổi chiều thường đục. Thủy đạo và đá ngầm hai bên chỉ trong khoảng thời gian 14h-15h hằng ngày sẽ lộ rõ. Ban đêm di chuyển trên con đường này bàn chân sẽ phát sáng vì tảo biển bên dưới. Thủy đạo Điệp Sơn  là nơi chứng kiến tình yêu lứa đôi hạnh phúc đến trăm năm đầu bạc răng long của du khách và các gia đình trên đảo. Họ vẫn thường nắm tay nhau đi trên thủy đạo đã trơ gan cùng tuế nguyệt từ thưở khai thiên lập địa.

Nhưng, để có được màu xanh của đảo như ngày hôm nay là nỗ lực của nhiều người, trong đó có cặp vợ chồng đặc biệt được gọi yêu là “chúa đảo” ấy. Năm 2016, vợ chồng ông Đại Anh và bà Đào Thị Long khi ra Điệp Sơn đã ngẩn ngơ với vẻ đẹp của cụm đảo này. Rồi hai người quyết tâm ở lại làm Robinson tái tạo lại cụm đảo để hướng tới việc làm du lịch. Những ngày đầu nơi đây tràn ngập rác thải. Đôi vợ chồng ấy đã bỏ không ít tiền bạc, công sức, thời gian để dọn sạch rác. Phải mất 3 tháng, rác thải mới được thu gom hết và chở bằng ghe về đất liền. Từ đó đến nay đã hơn 4 năm, đều đặn mỗi ngày vợ chồng ông Đại Anh và các nhân công thường xuyên đi quanh đảo thu gom rác thải trôi dạt vào để bảo đảm các hòn đảo luôn sạch đẹp.

Du khách trước khi lên cano đi đảo đều được khuyến cáo không dùng đồ vật bằng nhựa mang ra đảo với phương châm “nói không với rác thải nhựa”, vợ chồng ông Đại Anh đã chuẩn bị sẵn nước bình mang từ bờ ra đảo phục vụ miễn phí du khách. Vợ chồng ông luôn tâm niệm phải giữ được vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, gìn giữ màu xanh cho đảo thì mới níu giữ được du khách. Vì thế, ngay từ đầu vợ chồng ông đã chọn những vật liệu thân thiện với môi trường là gỗ, tre, mái lá... để làm chòi nghỉ mát cho du khách khi đến Điệp Sơn.

Hằng ngày, ngoài những giờ đón khách, hướng dẫn du khách thì chị Đào Thị Long lại tranh thủ dọn rác thải trên các bãi cát và trên thủy đạo.

Ông Đại Anh chia sẻ, mong muốn xây dựng, khai thác du lịch nhưng luôn cố gắng giữ gìn nét hoang sơ của đảo. Và thực sự, vợ chồng ông rất tâm huyết với môi trường thiên nhiên, ngày đêm sau những giờ đón khách là đôi vợ chồng ấy lại cặm cụi dọn rác, mang lại sự sạch sẽ cho đảo để đón chào du khách. Hơn 4 năm ra đảo đầu tư, vợ chồng ông Đại Anh liên tục thu dọn rác, cải tạo cảnh quan, trồng thêm cây, hoa và tạo lập một số công trình tạm phục vụ du khách trên hòn Ó và một phần hòn Quạ. Đến nay, đảo Phật Nằm - con đường giữa biển càng thêm đẹp, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Ông Lê Hoàng Vương, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết: “Nếu trước đây, Điệp Sơn còn hoang sơ thì nay du khách đến đây dễ dàng sử dụng các dịch vụ du lịch tiện nghi hơn nhiều. Tại đây đã xây dựng nhà vệ sinh, có wifi, có điện từ máy nổ để sạc điện thoại. Đặc biệt là thực đơn ăn uống đa dạng từ các món hải sản đến các món rau, chế biến ngon miệng. Đá lạnh đã được vận chuyển từ đất liền ra để phục vụ nhu cầu của du khách trong các bữa ăn”.

Bây giờ, sau nhiều công sức của người dân và vợ chồng Robinson này, đã góp phần biến Điệp Sơn từ một ốc đảo đìu hiu không điện, không nước sạch, đời sống người dân còn nhiều khó khăn trở thành điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước. Du lịch phát triển, kéo theo đời sống của người dân, cả về vật chất lẫn tinh thần đều được cải thiện. Và, biển Điệp Sơn, bằng ý thức bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, trách nhiệm thu hút, giữ chân du khách,... của người dân nơi đây được nâng lên trông thấy.

Một điều đặc biệt nhất của Điệp Sơn là dấu ấn “sức người”, nơi những con người yêu biển đảo quê hương đã cùng nhau khai phá đảo hoang để làm du lịch và tự mình giúp đảo nhỏ đổi thay mỗi ngày.

Tiêu Dao - Văn Hai
.
.