Vụ bỏ con tại chùa Bồ Đề: Nước mắt của người cha

Thứ Sáu, 18/05/2012, 12:35

"Em dẫn con đến trước bàn thờ Phật, khấn xin Đức Phật từ bi hỉ xả xá tội cho vợ chồng em, xin cho cháu được ở lại nương nhờ cửa Phật. Khấn xong, em ôm con khóc, nói bố về rồi, con cố gắng lên nhé. Bố biết bỏ con lại đây thì con khổ, bố mẹ cũng khổ. Cả nhà ta cùng khổ cho đến lúc nào bố mẹ làm ăn khấm khá hơn một chút sẽ đón con về"… Tâm sự nghẹn ngào của người cha bỏ đứa con tật nguyền tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) khiến chúng tôi cũng không cầm được nước mắt.

1. Người ta thường nói cửa Phật từ bi là nơi đến của những số phận cùng cực. Từ những sinh linh nhỏ bé mới chào đời, cho đến những người già neo đơn lưng còng tóc bạc, khi đã đến xin nương nhờ cửa Phật, mỗi con người là một số phận  éo le và thương tâm.

Chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, mái ấm của biết bao mảnh đời bất hạnh, sáng sớm 6/3/2012 đã đón nhận một bé gái đặc biệt. Thông tin của bé được viết trong một tờ giấy để cùng túi quần áo,  ngắn ngủi vài dòng: "Kính gửi các bậc cứu độ cưu mang. Tên cháu là Nguyễn Đàm Hồng Hạnh, sinh ngày 24/4/2007. Tình trạng sức khỏe: khiếm thính, câm điếc bẩm sinh. Do điều kiện gia đình và thân nhân neo đơn không còn khả năng nuôi dưỡng cháu, xin gửi cháu nương nhờ cửa Phật và các bậc đức độ, cứu mạng cứu thế, ngàn lần tôi xin đội ơn ghi lòng tạc dạ do hoàn cảnh bần hàn… Khi có điều kiện nuôi dưỡng lại cháu, tôi xin cháu về. Tôi xin cúi đầu mong các bậc đức độ, độ lượng. Thân nhân cháu Hạnh".

Sau gần hai tháng tích cực điều tra, Công an quận Long Biên với sự phối hợp, giúp đỡ tích cực của Công an tỉnh Tuyên Quang đã tìm được bố mẹ của cháu Hồng Hạnh là Nguyễn Đình Hùng (33 tuổi) và Đàm Thị Chiêm (30 tuổi) ở tổ 17 thị trấn Na Hang, Tuyên Quang.

2. Da đen đúa, đôi vai gầy nhô cao, sự vất vả, lam lũ in trên gương mặt khắc khổ của Nguyễn Đình Hùng, cha đẻ của bé Hồng Hạnh. Quê gốc ở Nghĩa Đàn, Nghệ An, vì cuộc sống mưu sinh nên từ đời ông bà nội của Hùng đã chuyển lên Tuyên Quang khai hoang. Đến đời bố mẹ của Hùng thì lại di cư ngược về quê.  Học hết lớp 8, không nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình ngày càng khó khăn, năm 1996, hai chị em Hùng lại khăn gói lên Tuyên Quang sinh sống, vì dẫu sao ở đó còn có các cậu mợ bên ngoại. Chị gái đi lấy chồng, Hùng ở nhờ nhà cậu tại thị trấn Na Hang, làm thuê kiếm sống.

Năm 2006, Hùng gặp Đàm Thị Chiêm,  cô gái nghèo người dân tộc Tày. Đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của nhau, hai người nên vợ nên chồng. Sợ phiền hà đến gia đình nhà cậu, khi vợ mang bầu, Hùng xin ra ở riêng. Nói ở riêng cho sang chứ làm gì có nhà mà ở. Hai vợ chồng dắt díu nhau ra bờ sông dựng tạm túp lều, ngày ngày chăn  bò thuê. Ở như vậy khoảng 2 tháng thì chính quyền địa phương yêu cầu hai vợ chồng phải dỡ lều chuyển đi nơi khác vì bờ sông, dẫu sao cũng là nơi công cộng. Thương em trai, người chị gái cho mượn ngôi nhà cũ trên một quả đồi thuộc tổ 17 thị trấn Na Hang. Gọi là nhà thôi, chứ cột kèo cũng đã xiêu cả. Anh em họ hàng mỗi người một tay xúm vào giúp hai vợ chồng dựng lại. Dẫu cuộc sống còn bấp bênh bữa đói bữa no, nhưng có chỗ chui ra chui vào là hạnh phúc lắm rồi.

Đàn ông thường không mấy khi khóc. Nhưng khi bắt đầu kể đến đứa con gái đầu lòng thì nước mắt tự nhiên chan hòa chảy trên gương mặt của Nguyễn Đình Hùng. Ngày  sinh ra cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh, hai vợ chồng Hùng từng  khóc hết nước mắt bởi con bé bị dị tật hở hàm ếch. Hùng bảo hồi vợ có thai, hai vợ chồng dắt díu đi khám miễn phí ở thị trấn. Bác sĩ siêu âm nói thai nhi có hình ảnh gì đó mập mờ, nhưng với thiết bị siêu âm cũ thì không chẩn đoán được, cần phải đi siêu âm 4 chiều. Nghĩ đơn giản, hơn nữa siêu âm 4 chiều lại mất một khoản tiền kha khá. Chung quy cũng tại cái nghèo. Thế là vợ chồng tặc lưỡi bảo đằng nào cũng đẻ nên khỏi cần siêu âm nữa làm gì.

Cháu Hồng Hạnh đang được chăm sóc tại chùa Bồ Đề.

Nhưng bất hạnh chưa buông tha. Ngoài dị tật hở hàm ếch khiến Hồng Hạnh không biết bú mẹ, con bé còn có những biểu hiện khác thường như khóc ngằn ngặt cả đêm, chân tay thì mềm nhũn và chẳng hề có phản xạ như những đứa trẻ bình thường khác. Lúc con bé được 5 tháng, mọi người khuyên hai vợ chồng cho con đi chụp cắt lớp. Kết quả bé Hồng Hạnh bị nhũn não.

Con bé cứ nằm một chỗ như vậy đến năm 4 tuổi mới bắt đầu biết đi vài bước chập chững.  Món ăn duy nhất của con bé là bột.

Nhưng điều đau đớn nhất là con bé giống như một sinh vật lạ. Nó cho vào miệng tất cả những gì nhặt được, ăn ngon lành. Bàn ghế trong nhà bị nó gặm nham nhở. Nếu không để ý, khi đi vệ sinh xong, nó bốc ăn lúc nào không hay. Đứa con tật nguyền trở thành nỗi lo sợ luôn ám ảnh trong đầu hai vợ chồng. Khao khát có được một đứa con lành lặn, nhưng vợ chồng Hùng chẳng dám sinh thêm, cũng bởi nỗi lo sợ mơ hồ rằng, em của Hồng Hạnh có thể sẽ bị dị tật giống như vậy.

Cha của bé Hồng Hạnh lén quay mặt giấu những giọt nước mắt đau khổ khi kể ra tình cảnh éo le của con gái. Cuộc sống nghèo khó, thêm gánh nặng từ đứa con tật nguyền đã khiến gia đình trở nên khánh kiệt. Chỉ có gửi con đến một nơi nào đó thì vợ chồng mới lo làm ăn được. Sau khi tìm hiểu thông tin, vợ chồng Hùng quyết định gửi bé Hồng Hạnh tới chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội.

Buổi chiều trước khi đi Hà Nội, chị Chiêm vừa tắm cho con vừa khóc nức nở. Chị không đành lòng cùng chồng đưa con đi nên ở lại. Tối mùng 5/3, Hùng bế bé Hồng Hạnh lên ôtô khách đi Hà Nội.

Đêm ấy ở trên xe ôtô, chẳng hiểu vì sao con bé lại không ngủ được. Cha nó cũng thức với bao ý nghĩ giằng xé trong lòng. Chốc lát, Hùng lại lấy đồ ăn ra bón cho con. Sáng sớm 6/3, xe đến bến xe Mỹ Đình. Cho con ăn sáng xong, Hùng thuê xe ôm chở sang Long Biên.

Cha của bé Hồng Hạnh khai rằng, ban đầu anh ta không có ý định bỏ rơi con gái như vậy. Anh ta muốn được gặp sư thầy trụ trì Thích Đàm Lan để trình bày hoàn cảnh. Nhưng người phụ nữ quét sân chùa gặp trên lối vào nói sư thầy đi vắng. Thêm nữa, nghe họ khuyên nên mang đứa bé đến trung tâm nuôi trẻ khuyết tật thì anh ta ngại. Trước khi mang bé Hồng Hạnh xuống Hà Nội, hai vợ chồng đã được ngân hàng cho vay vốn tổng cộng gần 50 triệu đồng để phát triển sản xuất. Số tiền này đã được vợ chồng Hùng mua mấy con bò, đàn lợn và đàn gà.

Chuyến đi Hà Nội, Hùng "thăn" vào tiền vốn ngân hàng mất 500.000 đồng. "Em nghĩ nhiều lắm, tiền vay của ngân hàng mà mình tiêu vào một đồng đã sợ rồi. Đằng này nếu phải đưa con gửi nơi khác, mình sẽ phải đi lại nhiều để hoàn thành các thủ tục cần thiết. Thôi thì chỉ còn cách bỏ con lại chùa vậy".

Hồng Hạnh ngây ngô được cha dắt đến trước bàn thờ Phật thắp hương. Cha của Hồng Hạnh nghẹn ngào ôm con lần cuối. Anh ta bảo rằng sợ để con lại trước Tam Bảo, con nghịch ngợm sẽ phá hỏng đồ thờ cúng thì thêm tội nên đưa con ra ngoài sân rồi lẳng lặng để Hồng Hạnh một mình với túi quần áo và bức thư viết sẵn. Sân chùa sáng sớm còn vắng. Người cha len lén đi thẳng ra cổng, không dám quay đầu lại…

3. Chị La Thị Quý, người chăm sóc bé Hồng Hạnh ở chùa Bồ Đề nói rằng, thời gian đầu bé Hạnh hay đập đầu vào tường, cắn dây điện và bốc đất cho vào mồm. Đêm ngủ, Hạnh hay khóc và cắn xé quần áo. Sợ con nguy hiểm, chị cho Hạnh vào một chiếc cũi riêng. Do hở hàm ếch nên Hạnh chỉ ăn được cháo. Mọi người hy vọng tới đây khi được phẫu thuật lại, sức khỏe của bé Hồng Hạnh sẽ khá hơn.

Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm đối với cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh và gia đình xin gửi theo địa chỉ:

 - Chùa Bồ Đề: Phú Viên, Phố Đề, Long Biên, Hà Nội.

- Anh Nguyễn Đình Hùng, tổ 17 thị trấn Na Hang, Tuyên Quang.

- Ban Chuyên đề An ninh thế giới tuần, Báo Công an nhân dân, 100 Yết Kiêu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. E-mail: antg.tuan@gmail.com. Điện thoại: 043.8220035/101.

Phó trưởng Công an quận Long Biên Nguyễn Hồng Khanh nói rằng, quá trình cán bộ chiến sĩ Công an quận lên Tuyên Quang xác minh, khi tìm đến tổ 17 thị trấn Na Hang, nhiều người hàng xóm của gia đình bé Hồng Hạnh đều thở dài bảo rằng, con bé ốm đau quặt quẹo từ nhỏ, bố mẹ đưa đi bệnh viện liên tục. Ai cũng biết gia đình cháu Hạnh thuộc diện hộ nghèo của thị trấn, từ lâu lắm rồi. Mẹ của bé Hạnh, chị Đàm Thị Chiêm đã òa khóc tức tưởi khi tổ công tác của Công an quận Long Biên tìm tới nhà.

Trong ngôi nhà lụp xụp, dưới cái nắng như thiêu như đốt đầu hè, chị Chiêm loanh quanh chạy tìm quạt cho khách đỡ mồ hôi. Hì hụi một lúc lâu, chị mới giật được chiếc quạt treo tường cũ rích trong gian buồng ngủ. Ngoài cái quạt điện ấy, trong nhà chẳng có tài sản gì khác.

Cha của Hồng Hạnh đã được cán bộ Công an quận Long Biên đưa tới chùa Bồ Đề nhận con, cũng là một cách để xác định liệu Nguyễn Đình Hùng có phải là người đã mang con gái tới đây hay không. Trong phòng rất đông trẻ con nhưng Hùng đã nhận ra con gái bé bỏng đang đứng chơi trong chiếc cũi ở cuối phòng. "Bế con lên, em thấy cháu nặng tay hơn, cái má bầu bĩnh hơn. Em mừng lắm". 

Nhưng khi hỏi liệu có đón con về không, Nguyễn Đình Hùng khẩn khoản nói rằng nguyện vọng của anh ta muốn được gửi nhà chùa nuôi bé Hạnh thêm một thời gian nữa. Nếu đón bé Hạnh về thì chị Chiêm phải ở nhà trông con. Trong khi tiền ngân hàng đã vay, gia súc, gia cầm đã mua về. Nếu không tận dụng cơ hội này để làm ăn thì nợ ngân hàng bao giờ mới trả được. Thôi thì mang tiếng ác với đời cũng đành cắn răng mà chịu. Hy vọng qua cơn bĩ cực này, gia đình có điều kiện kinh tế hơn sẽ đón Hồng Hạnh về.

Lời sám hối của cha bé Hạnh, nghe sao chua chát, xót xa như xát muối trong lòng. Nhưng dẫu sao đó cũng là những lời nói thật lòng.

Tôi tin bé Hồng Hạnh và gia đình em sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn, khi nhận được sự chia sẻ, yêu thương từ cộng đồng

Hương Vũ
.
.