“Vương quốc” rắn bên sông Tiền

Thứ Tư, 10/01/2018, 17:30
Trên đường đến Mỹ Tho, Tiền Giang, tôi nghe người ta nói nếu ai chưa đến Trại rắn Đồng Tâm (thuộc xã Tân Thuận, cách Mỹ Tho 7km) thì coi như chưa đến Tiền Giang. Vì sao vậy?

Một ông già lý giải, bởi trại rắn là nơi cứu sống hàng chục ngàn người bị rắn độc cắn ở khắp vùng sông nước của mấy tỉnh quanh vùng, suốt hàng chục năm qua. Nghe vậy tôi tò mò tìm đến mặc dù cũng thấy rợn tóc gáy với chủng loại “bò sát máu lạnh” này.

“Bệnh viện” Rắn

Tôi lần mò hỏi địa chỉ, thì thấy trước mặt có một đám đông vây quanh một anh chàng khá điển trai, ở ngay trên đường đi. Trên tay anh ta là một còn rắn đang cứng đơ dài hơn 1 mét. Một người nói đó là còn rắn hổ ngựa. Lúc nãy nó mổ suýt vào mắt anh ta. Lớ ngớ mù mắt như chơi.

Bỗng nhiên anh chàng kia giơ con rắn lên cao nói, con rắn vờ chết đó, mọi người đừng sợ. Anh ta đặt còn rắn xuống đường rồi nói với mọi người tản ra phía xa một chút rồi sẽ hay biết sự gì sẽ xảy ra. Mọi người cùng né về một phía. Anh ta cũng nấp vào một gốc cây. Đúng là chỉ mươi giây sau, con rắn hổ ngựa cựa mình, đánh ngoằng trong chớp mắt, nó trườn nhanh về phía trước và chui ngay vào bụi cỏ.

Bảo tàng rắn.

Anh chàng kia nhảy vội ra vồ nhanh đuôi con rắn quay nhanh mấy vòng. Con rắn lại ngoan ngoãn cuốn vòng lấy cánh tay anh ta. Tôi nghĩ là anh ta đang biểu diễn xiếc rắn thì đúng hơn. Hóa ra không phải, anh là một người chuyên đi bắt rắn và bán cho mọi người làm thịt. Nhưng bao giờ cũng vậy anh ta đều lôi ra một con rắn như một thứ quảng cáo cho món hàng của mình. Ai cũng bảo anh ta khôn như rắn chẳng sai. 

Một người xem trò đứng cạnh tôi nói, không mấy ai liều như anh ta, chơi với rắn độc cứ như trò đùa. Rồi ông ta kể mùa nước nổi năm nay không hiểu sao rắn độc về khắp nơi cắn người nhanh như chớp. Nói rồi ông ta giơ một ngón tay trỏ bị cụt ra kể, đó là hệ quả bị rắn độc cắn năm kia. May mà nhờ có Khoa Cấp cứu và chữa rắn cắn của Trại rắn Đồng Tâm mới thoát chết. Ngón tay đã bị hoại thư vì chỉ đắp thuốc lá của một ông lang.

Ai cũng nghĩ bài thuốc trị nọc độc của thầy sẽ trị được vết thương. Nhưng không ngờ khi phát sốt đến hôn mê. Ngón tay sưng to rồi mưng mủ xanh. Lúc ấy, hoảng quá người nhà mới đưa ông vào khu điều trị của Trại rắn Đồng Tâm. Mãi hai tuần sau mới khỏi. May thoát chết. Ông ta cười nói các bác sĩ ở trại rắn đã trao cho ông một cuộc đời thứ hai.

Nghe chuyện tôi mừng quá hỏi đường đến trại rắn. Ông ta vẽ đường ngắn nhất đến nơi, lại còn nhắn cho tôi tên một bác sĩ, để gặp gỡ. Đó chính là Thượng tá Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm. Anh là người Hà Nội vào công tác đã gần hai mươi năm nay.

Bảo tàng rắn.

Khi vào tới trại tôi mới hay, xưa đây là một trại lính của chế độ Việt Nam Cộng hòa đóng quân trước năm 1975, rộng tới 12 ha. Vì sao lại trở thành một trại rắn lớn đến hàng ngàn con như hiện nay? Đó là cả một câu chuyện dài và đầy cay đắng của những người lính giải phóng quân, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên những mặt trận ở vùng sông nước, sình lầy miền Đông Nam bộ.

Khi triển khai trận đánh dưới vùng sông nước, dụ kẻ địch vào vòng vây, không ít chiến sĩ bị rắn cắn. Nhẹ thì bị thương sơ sơ nếu rắn thường cắn. Còn khi bị rắn độc cắn, nhiều khi không kịp cứu chữa chỉ có bỏ mạng. Mà tổ cứu thương ngày đó đâu đủ điều kiện để chữa khỏi. Thường chỉ buộc chặt để ngăn nọc độc không phát tác sâu mà thôi. Sau đó chỉ băng bó vết thương rồi lại tiếp tục chiến đấu.

Khi đưa được về tuyến sau thì đã muộn. Nếu không chữa được, đành phải phẫu thuật cắt đi những phần của ngón tay, hoặc ngón chân. Chính vì thế tổ cứu thương chuyên trách chữa rắn độc cắn đã ra đời vào năm 1977, theo sáng kiến của bác sĩ, Trung tá Trần Văn Dược ở Tiền Giang ngày đó.

Hơn nữa, theo thống kê của địa phương, quanh vùng thì năm nào cũng có hàng trăm vụ người dân bị rắn độc cắn. Có thể nói mỗi mùa nước lên là một mùa no đủ về tôm cá, nhưng lại đem họa rắn độc đến với người dân. Từ xa xưa ở Đồng bằng sông Cửu Long đã từng ghi lại hình ảnh “Muỗi kêu như sáo thổi. Đỉa lội tựa bánh canh. Cỏ mọc cọng thành tinh. Rắn đồng đà biết gáy”.

Khi lũ về, rắn cũng theo về leo lên cây hoặc lên gò đất cao trú ngụ. Thậm chí không ít con đã bò vào nhà mà người dân không hề hay biết. Những tai nạn xảy ra thường rất tình cờ. Vô tình bị rắn cắn. Có khi do săn bắt để làm thịt hoặc thu gom đưa ra chợ rồi bị cắn. Những người đi bán rắn thường bị cụt ngón tay hay ngón chân vì thế.

Thậm chí có người bị cưa cả bàn tay vì đưa vào bệnh viện quá muộn. Bởi theo nguyên tắc, sau khi sơ cứu vì bị rắn cắn, phải đưa vào bệnh viện sớm, trước khi nọc độc phát tác toàn thân mới hòng cứu gỡ được. Trong dân gian cũng có nhiều bài thuốc Nam chữa rắn độc cắn, nhưng bao giờ cũng để lại di chứng, hoặc bị mất mạng.

Bác sĩ Lương nói, chính vì tai họa nạn rắn cắn khá phổ biến, Khoa Cấp cứu ở Trung tâm còn có thêm nhiệm vụ điều trị mở rộng cho người dân quanh vùng. Anh kể bình quân mỗi năm, Khoa tiếp nhận từ 1.200 đến 1.500 bệnh nhân. Hơn mười năm qua, hàng chục ngàn người đến cấp cứu đều qua cơn hiểm nghèo thoát chết, được trở về với cuộc sống lao động thường ngày.

Trung tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương với con rắn lục.

Tiếng thơm đồn xa, tiếng lành đồn xa. Trại rắn trở nên địa chỉ quen thuộc đối với người dân khắp các vùng sông nước Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ. Có lẽ đây là “bệnh viện” duy nhất chuyên trị rắn độc cắn người ở nước ta. Nhiều người thoát chết đã để lại những dòng chữ ghi nhận công ơn cứu nhân độ thế ở nơi đây. Những giọt nước mắt rơi vì nỗi xúc động lắng sâu.

Công viên cho... mãng xà

Bí quyết của các bác sĩ ở đây để có thể cứu thoát bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái của tử thần đó là “lấy độc trị độc”. Thấy tôi ngơ ngác chưa hiểu, anh mỉm cười giải thích muốn chữa cho bệnh nhân, cần phải nắm rõ loại rắn độc nào cắn. Rồi truyền kháng huyết thanh của chính nọc của loại rắn đó, mới giải độc cứu người được. Đó cũng là mục đích sự ra đời của trại để nghiên cứu và nuôi hàng ngàn con rắn ở nơi này. Tôi thật sự ngạc nhiên và đi theo bác sĩ Lương xuống thăm trại nuôi rắn.

Mọi sự quá bất ngờ, vì trước mắt tôi là hàng chục chuồng nuôi rắn được sắp xếp hàng lối, đều tăm tắp theo tỉ lệ không gian cho mỗi loài. Tựa những ngôi nhà tí hon, các chuồng nuôi rắn đều có một khoảng vườn bao quanh với điều kiện sinh thái tự nhiên. Bên cạnh đó còn những hàng cây hoa nở quanh năm tựa như một công viên cây cảnh cùng với dòng kênh sơn thủy hữu tình.

Mọi sự tưởng tượng về độ ghê sợ khi gặp những đàn rắn bỗng tan biến. Bởi các bác sĩ đang đưa những con rắn độc vào túi lưới như không. Họ cần phải quét dọn hằng ngày cho rắn được vệ sinh và sống trong môi trường sạch sẽ. Mỗi loại cần được tạo môi sinh khác nhau. Mỗi loại ăn một thức ăn khác nhau. Bác sĩ Nguyễn Hữu Viêm, người đang cho rắn ăn nói, riêng rắn hổ mang chúa, hay còn còn gọi là hổ mây chỉ ăn rắn con.

Còn các loài rắn độc khác lại ăn cóc, nhái, ếch, chuột. Công việc tiếp xúc với rắn độc cũng phải có kinh nghiệm mới không bị cắn hoặc bị phun nọc độc. Anh kể, con rắn hổ mèo khi tấn công con mồi, có thể phóng nọc độc xa tới 2 mét. Con mồi sẽ bị mù mắt hay chết trong tích tắc. Khi ấy nó mới nuốt con mồi vào bụng.

Bác sĩ Viêm còn nói thêm, việc chữa bệnh cho rắn khi bị ốm hay bị thương không khác gì chăm sóc người. Chúng cũng ho hen, cò cử như con trẻ vậy. Cho uống thuốc, hay tiêm chủng thế nào để tránh nguy hiểm cũng phải có kinh nghiệm. Bởi trước kia cũng có nhân viên bị rắn cắn và nhiễm độc phải cấp cứu. Lại còn chuyện đến mùa sinh nở cũng phải biết tìm đôi lứa cho rắn giao phối.

Sau khi rắn đẻ trứng càng cần quan tâm hàng tháng trời. Trong vòng 60 đến 80 ngày rắn con tự tách khỏi vỏ thoát ra ngoài cũng phải cắt thịt thành những miếng nhỏ cho chúng ăn. Bao giờ đến độ trưởng thành, sau khi chúng lột xác sẽ được đưa ra vườn nuôi riêng. Đến nay, công viên rắn đã có tới 2 ngàn cá thể, thuộc khoảng hơn 200 chủng loại khác nhau. Theo định kỳ, các bác sĩ lấy nọc độc rắn, cung cấp cho các bệnh viện điều chế kháng huyết thanh.

Những dãy chuồng nuôi rắn độc.

Khi đến gần một bể rắn lộ thiên ở giữa trại, tôi vẫn chưa hết cảm giác rùng mình vì có hàng trăm con rắn xanh và nâu đang luồn lách trên những cành cây. Đúng là nơi đây không dành cho những người yếu tim. Bởi chúng gần người như không thể gần hơn vậy. Khi có một nhân viên nói, đây là bể nuôi rắn nước và rắn ráo để làm mồi cho rắn hổ chúa, nên tôi mới dám đứng gần chụp ảnh.

Kể ra thế cũng là gan to lắm rồi, vì chỉ với tay là chạm vào rắn lúc nhúc cả bầy. Nom hãi đến muốn nhắm mắt lại, hoặc quay mặt đi. Hình như có ai đã từng nói, rắn khôn ngoan và đầy bí ẩn, gieo hiểm nguy trong gang tấc. Vậy mà các bác sĩ, chiến sĩ của Quân khu 9, tại Trại rắn Đồng Tâm ngày đêm sống với rắn. Không những thế, họ còn túc trực 24/24 giờ hằng ngày, sẵn sàng đón nhận những ca cấp cứu của người bị rắn cắn ở khắp nơi chuyển về.

Bảo tàng có một không hai

Sau khi xem bộ phim tài liệu nói về công việc chăn nuôi rắn độc, chúng tôi theo người hướng dẫn viên sang “bảo tàng rắn”, ở ngay khu trung tâm. Đó là những phiên bản của hơn 40 chủng loại rắn độc nhất được lưu giữ ở đây. Thật may, nếu như đứng bên những con rắn sống đáng sợ bao nhiêu, thì chúng tôi thấy chúng hiền lành tội nghiệp bấy nhiêu khi bị ngâm xác trong những lọ hóa chất.

Đây là những con rắn được coi là nguy hiểm với con người như: Hổ mây (hổ mang chúa), hổ ngựa, hổ lửa, hổ đất, lục đuôi đỏ, cạp nong, cạp nia, mai gầm... Theo lời hướng dẫn viên, chỉ cần 1 gram nọc rắn độc là có thể giết chết 160 người với trọng lượng 60kg/người. Nghe thật hãi. Đáng chú ý, ở đây có những bình thủy tinh lớn ngâm các tiêu bản rắn độc, được xếp bậc E trong Sách đỏ Việt Nam. Trong đó đáng kể nhất là “ông” hổ mang chúa lớn nhất, nặng 26kg, dài hơn 4m, 20 năm tuổi.

“Ông” ta đã hiến tặng Khoa Cấp cứu hàng chục gram nọc để cứu người. Với những phiên bản này, người xem tận mắt nhìn rõ từng chi tiết như vân dọc sống lưng rắn, hoặc vảy rắn tạo nên những họa tiết đổi màu thích ứng với cây rừng, hốc đá để rình mồi. Đây là một bảo tàng về rắn đầu tiên và nhiều phiên bản rắn độc nhất hiện nay (xác lập kỷ lục năm 2005).

Chúng tôi đang mải mê xem những hình thù quái dị của những phiên bản rắn, thì phía ngoài sân một đoàn học sinh cấp hai đang chạy ùa vào sân. Một nhóm rủ nhau chơi trò “rồng rắn lên mây” chạy chung quanh một bồn hoa trong công viên. Tôi bồi hồi bước ra sân và chợt nhớ tới tuổi thơ của mình cũng đã từng chơi trò bắt đuôi rắn như vậy. Cô bé đóng vai thầy thuốc toát mồ hôi săn bắt cái đuôi rắn mãi mà không được. Một con rắn rõ dài.

Bọn trẻ vẫn hô lên: “Tha hồ thầy đuổi”. Cô bé đứng cuối cùng trong vai cái đuôi rắn cười nắc nẻ. Thế rồi bỗng nhiên tôi cũng chạy theo cái đuôi ấy và đọc những câu đồng dao cùng bọn trẻ: “Rồng rắn lên mây. Có cây lúc lắc. Hỏi thăm thầy thuốc. Có nhà hay không”. Một cảm giác thơ thới khác lạ, trở lại với niềm vui trẻ thơ, chưa bao giờ có được trong tâm hồn tôi.

Vương Tâm
.
.