Vượt biển lớn đến với đảo nhỏ anh hùng

Thứ Bảy, 26/09/2020, 10:01
Từ cảng Cửa Việt lênh đênh trên biển hơn 1 giờ, chúng tôi đã có mặt tại huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Cồn Cỏ đón tôi bằng cái nắng “cháy da cháy thịt” nhưng bù lại là những cơn gió mát từ biển thổi vào, những tiếng sóng vỗ rì rào... khiến ai nấy đều rất thích thú.

Có đến đây, được gặp gỡ, trò chuyện với những người trên đảo, tôi mới cảm nhận được sự anh dũng, kiên cường của lớp lớp thế hệ chiến sĩ, người dân đã và đang âm thầm, lặng lẽ gieo sự sống trên đảo.

Một góc biển nhìn từ đảo Cồn Cỏ.

“Xứng đáng là đảo nhỏ anh hùng”

Theo chân anh Hà Tiến Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Cồn Cỏ, chúng tôi đến thăm nhà truyền thống, đài tưởng niệm của huyện và không khỏi xúc động với câu chuyện của người hướng dẫn viên đặc biệt này. Anh vốn là người Vĩnh Linh (Quảng Trị), đến với đảo từ gần chục năm trước theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước. Với anh, đảo cũng là quê hương, là máu thịt của mình.

Anh kể, huyện đảo thành lập từ năm 2004 nhưng đã có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân nơi đây đã trải qua những năm tháng hào hùng nhất, lập nên những kỳ tích đáng tự hào. Đó là bắn rơi 48 máy bay; bắn chìm, bắn cháy 17 tàu chiến Mỹ - ngụy; 2 lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập, hàng trăm huân chương chiến công cho tập thể và cá nhân; 5 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 3 lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng ảnh chân dung của Người.

Trong những hiện vật còn lưu giữ tại nhà truyền thống, tôi đặc biệt chú ý đến hai bức thư Bác Hồ gửi tặng đảo. Ngày 20-1-1967, đảo nhận bức ảnh chân dung Bác Hồ, kèm dòng chữ Bác viết: “Chúc các cháu giành được nhiều thắng lợi”, phía dưới bức chân dung, góc trái Bác viết: “Xuân 1967” cùng chữ ký “Bác Hồ”. Đây có lẽ là vinh dự đặc biệt cho Cồn Cỏ khi mà trong kháng chiến chống Mỹ, ở miền Bắc Việt Nam chỉ có 2 nơi được Bác tặng ảnh. Đó là đảo Cô Tô (Quảng Ninh) được đắp tượng Bác và Cồn Cỏ được tặng ảnh chân dung Người.

Tiếp đó, ngày 5-6-1968, khi được tin bộ đội Cồn Cỏ lập chiến công mới, Bác Hồ gửi thư khen, trong đó Bác nhấn mạnh: “Cồn Cỏ xứng đáng là đảo nhỏ anh hùng”. Cũng vì lẽ đó mà khi nhắc đến cụm từ “đảo nhỏ anh hùng” thì nhiều người đã nghĩ ngay đến địa danh Cồn Cỏ. Đặc biệt, trong phần tái bút, Bác tặng các chiến sĩ trên đảo hai câu thơ đã đi vào bất tử: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Huê kỳ”.

Cột cờ trên tuyến phố chính của đảo Cồn Cỏ.

Câu chuyện huyền thoại

Nối tiếp mạch cảm xúc về đảo Cồn Cỏ, anh Hoàng Văn Tuấn, cán bộ Văn phòng Huyện ủy Cồn Cỏ cho biết, Cồn Cỏ cách Cửa Tùng 15 hải lý, cách Cửa Việt 17 hải lý về phía Đông Bắc, cách Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch) 13 hải lý về phía Đông. Từ đảo nhìn về phía Tây, sẽ thấy rõ màu xanh của vùng ven biển Cửa Tùng, Vịnh Mốc, Vĩnh Thái, Vĩnh Kim; phía Tây Nam là dải bờ Nam sông Bến Hải. Đảo có diện tích tự nhiên khoảng 230ha, điểm cao nhất là đồi Hải Phòng có chiều cao so với mặt nước biển là 63,4m. Hòn đảo từng được mệnh danh là “Chiến hạm không bao giờ chìm” giữa Biển Đông sóng gió, còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Hòn Gió, Thảo Phù, Con Hổ...

Để lý giải về sự xuất hiện hòn đảo kỳ thú này, anh Tuấn chia sẻ, không biết từ bao giờ trong dân gian Vĩnh Linh lưu truyền câu chuyện đậm chất huyền thoại. Rằng thuở khai thiên lập địa có người khổng lồ gánh đất đá đắp dải Trường Sơn để phân chia ranh giới các địa hạt. Một hôm không may đòn gánh gãy, một đầu văng lên đất liền thành hòn núi Lò Ren thuộc xã Vĩnh Thủy ngày nay, đầu còn lại văng ra biển thành đảo Cồn Cỏ.

Lại có truyền thuyết kể, Cồn Cỏ là do tâm phật từ bi bằng phép biến hóa, đã tạo cho ngư dân hạ giới nơi đây có chỗ trú tránh bão mỗi khi gặp sóng to gió lớn, tính mạng con người và tài sản bị đe dọa. Ấy là khi biển Bắc, Biển Đông dồn dập nổi sóng bạc đầu, mây đen... sấm chớp đinh tai, lóa mắt, báo hiệu cơn thịnh nộ của biển là thuyền cá các làng Tùng Luật, Vịnh Mốc, Cát Sơn, Thủy Bạn... ghé nốc, neo thuyền vào đảo tránh bão tố.

Hoặc những chuyến khai thác tranh, củi của ngư dân từ đất liền ra lưu lại dăm bảy ngày đến nửa tháng trên đảo. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà trải bao thế hệ với người đi biển còn gọi đảo Cồn Cỏ bằng cái tên thân thương, thành kính, gần gũi Hòn Mệ (tiếng Quảng Trị mệ là bà).

“Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Cồn Cỏ được hình thành từ hoạt động kiến tạo của núi lửa giữa biển khơi nên trên đảo vẫn còn dấu tích của miệng núi lửa, dải đất đỏ bazan và quanh đảo có rất nhiều bãi đá, sụn cát san hô. Mặc dù diện tích không lớn nhưng Cồn Cỏ có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ một phần bờ biển Bắc Trung Bộ, gần các tuyến đường hàng hải, hàng không trong nước và quốc tế. Do đó, Cồn Cỏ có vai trò to lớn trong công tác phòng thủ bảo vệ an ninh quốc gia cũng như phát triển kinh tế xã hội vùng biển tỉnh Quảng Trị”, anh Tuấn tiếp lời.

Nhà Truyền thống đảo Cồn Cỏ thu hút du khách.

Một Cồn Cỏ trong âm nhạc

Chiến sĩ và nhân dân trên đảo Cồn Cỏ hôm nay không chỉ tự hào về lịch sử hào hùng của hòn đảo mà họ còn có giá trị khác cũng rất đồ sộ, rất đáng trân trọng khác. Đó là những ca khúc cổ vũ tinh thần chiến đấu anh dũng của người chiến sĩ lẫn những giai điệu trong sáng, vui tươi, thể hiện niềm tin về một hòn đảo “vươn mình” phát triển trong tương lai. Có thể kể đến một số sáng tác như: “Thái Văn A đứng đó”, “Con cua đá”, “Cây phong ba Cồn Cỏ”, “Cồn Cỏ anh hùng”, “Cồn Cỏ ân tình”, “Âm vang Cồn Cỏ”, “Cồn Cỏ thân yêu qua con sóng Cửa Tùng”, “Cồn Cỏ biển đảo quê hương”, “Cồn Cỏ bừng sáng tương lai”, “Cồn Cỏ ngày mới”, “Mắt xanh Cồn Cỏ”...

Với những người sống ở những năm 70, 80 của thế kỉ trước thì có lẽ đã không còn xa lạ với ca khúc “Thái Văn A đứng đó” của cố nhạc sĩ Văn An qua phần thể hiện của giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên. Với chất giọng nam cao, trầm hùng, ca sĩ Trung Kiên đã không chỉ lan tỏa tinh thần của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Thái Văn A (1942-2001) đến với người chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ khi ấy mà còn cổ vũ, động viên tinh thần của lớp lớp thanh niên thời bấy giờ... Thái Văn A là một trong 5 chiến sĩ trên đảo được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cùng với Nguyễn Tăng Mật, Cao Văn Khang, Cao Tất Đắc, Bùi Hạnh.

Chuyện kể rằng, ngày 11-3-1965, địch điên cuồng cho 32 máy bay AD6 từ các hướng đánh vào đảo, vào đài quan sát của Thái Văn A. Nhận được lệnh cho phép xuống đài tránh nguy hiểm song anh xin được ở lại nguyên vị trí cũ. Đài quan sát bị bom xô nghiêng, bản thân bị thương nhưng anh vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi trận đánh kết thúc, góp phần cùng đơn vị bắn rơi 2 máy bay Mỹ và bắn bị thương một số chiếc khác.

Một ca khúc khác cũng rất được phổ biến hiện nay là “Con cua đá” của nhạc sĩ Phan Ngạn và chiến sĩ Trần Ngọc Cừ. Ca khúc được hai tác giả sáng tác từ ý tưởng sáng tạo bắt cua đá cải thiện bữa ăn của anh nuôi Đinh Kinh. Thời điểm năm 1965, những trận chiến đấu diễn ra liên tục trong suốt mùa hè nóng bỏng, bộ độ Cồn Cỏ rất mệt mỏi, sức khỏe giảm sút rất nhanh. Trong bữa ăn, nhiều người không ăn hết bát cơm. Một lần chi bộ họp ra nghị quyết có điểm phải tìm ra mọi cách cải thiện bữa ăn hằng ngày cho bộ đội để đảm bảo mỗi người phải ăn hết 3 bát cơm trở lên.

Thực hiện nghị quyết, anh nuôi Đinh Kinh đêm đêm với chiếc bao tải lặn lội trong rừng, khe đá mỗi đêm bắt được dăm bảy chục con cua đá đem về nấu món canh. Canh dễ ăn, hợp khẩu vị, bộ đội ta rất thích, ăn được nhiều cơm, sức khỏe ngày càng được cải thiện.

Nén hương tri ân những anh hùng liệt sĩ hy sinh trên đảo Cồn Cỏ.

Thức dậy tiềm năng

Nối tiếp truyền thống của đảo nhỏ anh hùng, hôm nay những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Cồn Cỏ đang quyết tâm, nỗ lực xây dựng đảo khang trang hơn, giàu đẹp hơn. Từ năm 2002, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định thành lập Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng “Đảo thanh niên” Cồn Cỏ, phát triển thành đảo dân sự. Ngày 9-3-2002, Tổng đội chính thức đi vào hoạt động và đã đưa một lực lượng thanh niên tình nguyện ra đảo để xây dựng kinh tế. Ngày 1-10-2004, Cồn Cỏ đã được tách ra từ huyện Vĩnh Linh, trở thành một huyện đảo, tạo cho đảo có điều kiện phát triển tiềm năng to lớn của mình.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có kế hoạch xếp hạng Cồn Cỏ là di tích quốc gia. Ngành du lịch đang lập tuyến du lịch thăm quan đảo. Ngành kinh tế cũng đã đầu tư xây dựng cảng cá ở đảo nhằm khai thác tiềm năng ở biển. Với bao bộn bề khó khăn và nhiều việc phải làm để xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch sinh thái biển hấp dẫn gắn với du lịch hoài niệm - một xu hướng du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đã có nhiều dự án xin đăng ký đầu tư phát triển tam giác khu du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ.

Những tiềm năng này bắt đầu được khai thác nên trước mắt Cồn Cỏ vẫn chồng chất những khó khăn cũng như nhiều việc phải làm như những “viên gạch hồng” đặt nền móng cho du lịch biển đảo và như chính những bàn tay của các chàng trai, cô gái thanh niên xung phong tình nguyện xây dựng đảo, làm “thức dậy” tiềm năng đang “ngủ yên” của Cồn Cỏ.

Ông Võ Viết Cường, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ khi chia sẻ với chúng tôi luôn tin rằng, một ngày không xa nơi đây sẽ trở thành “Hòn ngọc Biển Đông”, là một trong 3 điểm của tam giác du lịch sinh thái biển đảo hấp dẫn: Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ; du lịch sinh thái biển đảo gắn với nghỉ dưỡng, thám hiểm vẻ đẹp biển khơi.

“Cồn Cỏ đã và đang tính đến sự bền vững cho tương lai của hòn đảo du lịch hấp dẫn, phát triển về kinh tế, đẹp về văn hóa - xã hội, vững mạnh về quốc phòng an ninh như quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Cồn Cỏ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa được thông qua”, ông Cường nhấn mạnh.

Còn chúng tôi, những vị khách dù chỉ mới đặt chân lên đảo một lần nhưng cũng mong đợi và tràn đầy niềm tin trong tương lai gần, Cồn Cỏ không chỉ là hòn đảo tiền tiêu mà còn là vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị. Huyện đảo sẽ đón nhận thêm những công dân mới và tất cả đều mang một khát vọng xây dựng cuộc sống mới, ấm no hạnh phúc trên quê hương huyện đảo thân thương này.

Bạch Đằng
.
.