Xa Nauy nhớ những người bạn Việt

Thứ Sáu, 19/12/2014, 15:30
Mùa hè Oslo, thủ đô Nauy đón chúng tôi bằng ánh nắng buổi sáng xanh mướt dưới bầu trời cao xa như rót lân tinh trắng xuống thảo nguyên đầy cỏ cây. Những người bạn Việt kiều tự lái xe ra đón chúng tôi ở một sân bay xép cách thủ đô chừng 40 km.

Chả là chúng tôi tiết kiệm bằng cách đăng ký vé máy bay rẻ chỉ 10 Euro từ đất nước Marta sang, nghĩa là phải chấp nhận không có ăn nhẹ trên không, chấp nhận không được gửi hàng chậm, chỉ mang một vali xách tay vừa đủ bỏ lọt giá đo khoảng 40cm x 80cm, bất kể nặng nhẹ thế nào.

Chúng tôi loay hoay chán mới thoát khỏi chiếc giá chết tiệt ấy nhờ sự hỗ trợ khoát tay của mấy chàng hải quan vui tính. Nhớ câu "sẩy nhà ra thất nghiệp", nên chúng tôi vui đến mức nào khi được những người bạn ra đón mình  tại đất nước Bắc Âu xa lạ này.

Lái xe uống rượu, cảnh sát thu hết bằng lái của những người cùng đi

Thật ấm lòng khi xe ôtô vừa rời sân bay, Khái, bạn tôi, người gốc Đông Triều, Quảng Ninh đã hỏi: "Bây giờ anh thèm gì nhất?", tôi trả lời ngay "Một bữa cơm Việt Nam và một cốc bia hơi…".  Khái vừa lái xe vừa gật đầu cười ý nhị: "Được thôi, có ngay", rồi anh điện thoại cho mấy xe sau hẹn đến một điểm nào đấy trên đường về Oslo.

Đi chừng 15km, cả 3 xe ôtô đưa đoàn chúng tôi rẽ xuống nhà hàng xây một tầng ven đường, có sân đỗ xe rộng, có nhiều cây xanh nối với vạt rừng xa xa. Nauy là thế, một đất nước chỉ có 5 triệu dân, nhưng rộng 385.155 km² lớn hơn Đức và Việt Nam, đa phần lãnh thổ là núi non hay vùng đất cao nên môi trường xanh thật tuyệt diệu. Chủ quán mở cửa đón khách, ô kìa cả hai vợ chồng đều là người Việt Nam. Vợ chồng Mây - Khái rỉ tai với nữ chủ quán câu gì đấy, rồi Mây nhảy vào bếp lấy ra một ít thịt lợn thái  nhanh như sợ chúng tôi đói.

Anh Khái cười tít mắt giới thiệu: "Nhà hàng này là của vợ chồng em gái Mây đấy. Vợ ở Nauy, chồng từ Thụy Điển sang, mới mở thôi anh, nhưng khách bên này đông lắm". Tôi nhìn quanh, thấy toàn cư dân ở đây, họ ngồi ăn lặng lẽ, ít lời, nói thật khẽ, có mấy cụ già thỉnh thoảng nhìn mắt nhau thay cho một câu nào đấy. Loáng cái, đã thấy  Mây và em gái bê lên toàn là cơm trắng nóng sốt, tôm kho với thịt lợn nạc, canh rau tập tàng khiến con gái tôi học tiểu học mắt nhìn sáng lên như reo.

Khái chạy ra ngoài, một lúc sau đưa về 3 cốc bia hơi, "bia hơi công nghệ cao anh ơi, không như bên ta đâu. Nhà cô em này không được phép kinh doanh bia, em phải chạy qua đường mua cho anh đấy". Tôi đưa cốc mời ba người bạn lái xe đón chúng tôi cụng ly cùng. Thật bất ngờ cả ba cùng xua tay "chúng tôi lái xe. Không được uống anh ơi!".

Tôi tưởng họ đùa, cố vật nài, nhưng Khái bảo "về nước, khi cầm vôlăng em cũng không dám uống vì thói quen rồi". Có lẽ ở Việt Nam,  tôi chưa thấy ai từ chối nhiệt tình như thế. Vậy là mình tôi uống hết ba cốc bia dạng vi sinh, cũng ngon như bia nước mình, mặt đỏ lựng lên, mắt nhìn ai cũng thấy thật đáng yêu. Ngoài cửa kính kia, nắng sóng sánh hơn nhảy nhót trên những vòm cây nối dài không dứt, con đường lượn qua những cánh rừng vun vút tiếng xe qua với tốc độ trên 100km/giờ.

Tác giả trước bức ảnh ông Kissinger và khoảng trống của ô dành cho đồng chí Lê Đức Thọ tại bảo tàng Nobel, Nauy.

Anh Trần Vũ, từng sống ở Oslo 20 năm kể: "Anh biết không, luật giao thông bên này nghiêm một cách hà khắc ấy. Ví dụ cảnh sát dừng xe biết tôi có nhấp một tý rượu thôi, họ thu bằng lái của tôi trước. Tiếp đến sẽ kiểm tra những người đi cùng xe, nếu có bằng lái xe đều bị thu tất. Lý của cảnh sát rằng, để cho người uống rượu lái xe là đồng phạm. Lẽ ra người không uống phải giành lấy để lái…".

Để thực hiện quy định này, có một công ty hỗ trợ chuyên cử người lái thuê cho người uống rượu với giá rất cao. Lúc nào điện thoại là có. Chả trách, suốt những ngày ở thủ đô Nauy, tôi không bao giờ thấy Khái, Vũ hay Mây vi phạm quy định uống rượu, luôn dừng xe chờ người đi bộ sang đường, không bao giờ sử dụng còi xe, mua xăng cứ tự động hết, tự bấm máy rồi trả tiền, tịnh không thấy một nhân viên nào trùm khăn đeo khẩu trang như ở Hà Nội.

Mấy hôm sau, khi đưa chúng tôi trở lại sân bay để sang Pháp, Trần Vũ lại thêm một lần khiến tôi ngạc nhiên. Anh dừng xe, tự động mua vé đỗ ngoài sân bay 30 phút, chúng tôi cứ nấn ná uống vài ly cà phê bịn rịn chia tay, một lát thấy anh nhìn đồng hồ rồi vụt chạy đi.

Mấy phút sau quay lại, Vũ bảo: "Phải ra mua vé gửi xe thêm 30 phút nữa, kẻo cảnh sát đến kiểm tra thì phạt nặng thôi rồi".

Khái nói thêm: "Ở bên này học phí thi lấy bằng lái xe đắt dã man, phải tới 10 ngàn đô. Con gái em chỉ xin phụ đạo một buổi, mất 3, 4 trăm là chuyện thường. Đã thu bằng là 3 tháng sau mới được học lại, thi lại, lại mất từng ấy tiền. Ai chả xót. Vì thế mà chẳng ai dại gì mà vi phạm…".

Thăm Bảo tàng Nobel Hòa Bình, nghĩ về đồng chí Lê Đức Thọ

Thời gian ở Nauy, chúng tôi có ghé thăm Bảo tàng Nobel Hòa bình nằm ở trung tâm Oslo. Một điều lý thú là các giải thưởng mang tên Nobel khác được trao ở Thụy Điển, riêng giải Nobel Hòa bình được trao tặng tại Oslo Nauy, vào ngày 10 - 12 hàng năm, ngày Alfred Nobel qua đời.

Theo di chúc của Nobel, giải Nobel Hòa bình phải được trao cho những ai đã "đóng góp nhiều nhất hay hiệu quả nhất cho tình anh em giữa các quốc gia, cho việc bãi bỏ hay hạn chế các lực lượng vũ trang, trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình".

Tôi được biết, đồng chí Lê Đức Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, từng là Cố vấn đặc biệt của phái đoàn Việt Nam đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Paris (Pháp) về cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, giải Nobel Hòa bình năm đó được trao chung cho đồng chí Lê Đức Thọ và ông Kissinger, Cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ (sau này là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ). Thế nhưng, lần đó đồng chí Lê Đức Thọ đã từ chối không nhận giải thưởng danh giá này. Có lẽ vì thế mà khi vào thăm Bảo tàng Nobel ở Nauy, tôi đã lần lượt tìm thấy hầu hết các nhân vật được giải thưởng Nobel từ lần đầu tiên từ năm 1901 đến những năm gần đây như Gorbachev, Obama, riêng năm 1973, tôi chỉ thấy tiểu sử, ảnh của ông Kissinger.

Riêng phần đồng chí Lê Đức Thọ thì chỉ có tên ông, hoàn toàn không có ảnh và tiểu sử như một số nhân vật khác. Điều đó cho thấy sự khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử của những người coi sóc bảo tàng này. Một khoảng trống duy nhất trong Bảo tàng Nobel duy nhất trên thế giới trở thành một tương phản truyền đi thông điệp lớn về con người Việt Nam.

Khi còn bé, tôi cũng được nghe người lớn kể về sự kiện đồng chí Lê Đức Thọ ở Hội nghị Paris rồi việc ông từ chối giải thưởng Nobel Hòa bình… như một huyền thoại. Lúc ấy, trong tôi trào dâng một cảm xúc tự hào. Vì thế khi lớn lên, tôi ao ước được tìm hiểu vì sao đồng chí Lê Đức Thọ lại từ chối giải thưởng danh giá này? Thật may là trong một lần tiếp xúc với nhà báo Xuân Ba, tôi mới được tỏ tường.

Theo nhà báo Xuân Ba, đã có một cuộc phỏng vấn dài giữa đồng chí Lê Đức Thọ với nữ phóng viên Hãng thông tấn Mỹ UPI Synvana Foa ngày 15/3/1985 (sau này là người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc). Trong phần trả lời vì sao từ chối nhận giải thưởng Nobel Hòa bình, đồng chí Lê Đức Thọ nói:  "Chúng tôi biết, Giải thưởng Nobel là một giải thưởng lớn với thế giới. Từ xưa đến nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhưng tại sao tôi không nhận? Tôi không phải có khó khăn như bà nói đâu. Chỉ một điều là ai làm cho hòa bình? Bà biết rằng đây là giải thưởng Nobel cho hòa bình. Mỹ tiến hành xâm lược đất nước tôi 20 năm. Người chống Mỹ và làm cho Mỹ thất bại, giành độc lập đưa hòa bình cho đất nước và cho cả khu vực này là chúng tôi. Người làm hòa bình là chúng tôi chứ không phải Mỹ.

Trong thư gửi Ủy ban Giải Nobel, tôi đã phân tích kỹ Mỹ tiến hành chiến tranh như thế nào? Nhưng Ủy ban Giải đã đặt ngang bằng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh và người tạo (làm) hòa bình. Coi chúng tôi cũng như Mỹ. Điều đó là sai lầm và tôi không thể chấp nhận như vậy. Vì vậy tôi đã không nhận Giải thưởng Nobel!".

Cũng theo nhà báo Xuân Ba, khi được hỏi "Bây giờ Việt Nam đã thống nhất, ông có nhận lại giải thưởng đó không?", rất ngạo nghễ và cũng thật lòng, đồng chí Lê Đức Thọ thẳng thắn: "Về cơ bản với tính chất của giải thưởng đó nó đã sai lầm ngay từ đầu, sai lầm cơ bản. Nếu bây giờ có giải thưởng riêng cho tôi thì tôi nhận".

Đưa con đi dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt

Nhập cư bằng nhiều con đường khác nhau, hiện tại, cộng đồng người Việt Nam tại Nauy khoảng hơn 20.000 người, đông nhất tại Bắc Âu, trong đó 90% có quốc tịch Nauy, 60% có công ăn việc làm ổn định, đa số làm ăn buôn bán nhỏ, kinh doanh nhà hàng hoặc làm công ăn lương.

Tại nhà riêng Mây - Khái, trong bữa cơm đón chúng tôi có mặt những người bạn đồng hương như anh Phả (BCH Hội Những người Việt quê hương), vợ chồng anh Trần Vũ - và thú vị nhất là ba cô con gái của chủ nhà xinh và nhanh nhẹn khiến chúng tôi cứ gọi đùa là chị em nhà Tống Khánh Linh (Trung Quốc), đó là Thu Hiền, Mỹ Linh và Lindan. Tuy sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, nhưng cả ba cháu đều nói và phát âm tiếng Việt giọng chuẩn như người Hà Nội, điều đó chứng tỏ vợ chồng Mây - Khái đã coi trọng việc dạy tiếng Việt cho các cháu như thế nào.

Chị Trần Thị Mây (bên trái, Việt Kiều ở Nauy) với người bạn Việt Nam.

Cháu thứ hai Mỹ Linh năm nay 14 tuổi, đang học lớp 9 nhưng đã có "thâm niên" 4 năm nay đi dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam sinh ra ở Oslo. Cứ mỗi buổi sáng Chủ nhật, Mỹ Linh cầm giáo án đến nhà thờ, dạy miễn phí cho lớp học có khoảng 20 trẻ em.

Mới đây, vào tháng 6/2014, gặp chúng tôi ở Hà Nội, Mỹ Linh chia sẻ: "Giáo án cháu chuẩn bị vốn từ trước, sau đó cháu hướng dẫn các em phát âm, dịch tiếng Anh rồi dạy các em hát bài hát tiếng Việt, bày trò chơi tiếng Việt và ra bài tập về nhà. Các em thích thú lắm".

Cũng mới đây, sau chuyến mang quà của gia đình và cộng đồng người Việt ở Oslo giúp đỡ trẻ em tàn tật từ các tỉnh phía nam về thủ đô, chị Mây tâm sự: "Để động viên cháu, em đã trả công cho mỗi buổi dạy của Mỹ Linh 100 USD làm vốn mua sách ở Việt Nam và soạn giáo án. Em muốn nhiều cháu ở đây biết tiếng Việt, giúp các cháu hiểu biết giúp nhau trong sinh hoạt cộng đồng. Các con nhà em vừa giúp bạn, vừa rèn tiếng Việt. Việc quyên góp tiền và vật chất giúp bà con tại quê nhà, em đều bảo các cháu tham gia để không bao giờ quên nguồn cội".

Hồng Thái
.
.