Xin cảm ơn, thành phố có em

Thứ Ba, 13/11/2018, 09:03
Lần đầu tiên tôi lên thành phố Pleiku, với dự định sẽ thuê xe máy “phượt” đó đây, trên những con đường dốc quanh co, vàng rực màu dã quỳ. Nhưng bất ngờ, họa sĩ Lê Hùng (Hội Văn nghệ Gia Lai) gợi ý, đầu tiên hãy đến làng Op (Pleiop), ở ngay thành phố. Đây là hình ảnh thu gọn của bản sắc văn hóa của người dân tộc Gia Rai.

Chính thành phố Pleiku (với nghĩa Làng Ku) cũng hình thành từ đây, với hình ảnh: “Em Pleiku má đỏ môi hồng...” (Phạm Duy).

Những vũ điệu quanh cây nêu

Làng Op rộng chừng 200 ha, lọt giữa thành phố Pleiku, thuộc phường Hoa Lư. Bao quanh làng là những con phố cùng những dãy nhà lượn quanh dốc. Ngoài phố nhà cao cửa rộng. Trong làng chỉ toàn nhà sàn như thời mới thành lập năm 1927. Hơn nữa, trong làng còn có 2 con suối chảy rì rào ngày đêm. Những con dốc hun hút về phía xa là những nẻo đường vàng rực hoa quỳ.

Nghệ sĩ thổi tù và.

Ngoài hàng phố thì không. Nói là buôn Op cũng được, bởi ở đây chỉ có người Gia Rai sinh sống, khoảng gần 700 người. Họ thực sự là mình trong mọi cảm xúc, thoát khỏi sự ồn ào, tập nập phố xá chung quanh. Làng trong phố là thế. Rất có thể hình ảnh “Em Pleiku, má đỏ môi hồng” là từ đây. Người con gái Gia Rai nào lạc trên phố, bất chợt làm tâm hồn nhạc sĩ Phạm Duy rung động, để thương để nhớ trong giai điệu dịu dàng, êm ái...

Đúng là mới bước qua cổng làng OP, tôi bị hút ngay vào không khí các bạn trẻ đang tập văn nghệ ở nhà rông, nhộn nhịp cùng những điệu múa. Tôi được anh Vinh, một người trong bộ phận quản lý, tổ chức hoạt động nhà rông của làng OP, tiếp đón. Anh cũng đang bận cùng một số người dựng cây nêu ở sân chuẩn bị buổi diễn tập cho một chương trinh làm phim, trong buổi lễ hội cồng chiêng. Thấy tôi ngắm cây nêu cao vút, với cảm giác thú vị, bởi trên đỉnh cao 20m còn gắn biểu tượng mặt trời được tô điểm sắc vàng óng. Bên cạnh đó còn có một con chim gỗ dang cánh bay nghiêng nghiêng trong gió.

Anh Vinh nói người Tây nguyên còn gọi cây nêu là cây cột cúng. Lễ hội nào cũng có những cây nêu, với ý nghĩa khác nhau, khi lễ cúng Giàng (Trời); hay lễ đâm trâu; hoặc mừng nhà rông mới... Cây nêu càng cao càng thể hiện sự thiêng liêng, thành kính của người dân trong làng với tổ tiên và các thần thánh đã đem lại sự no ấm cho họ. Anh Vinh dẫn tôi đến gần cây nêu cao nhất làm bằng cây lồ ô rồi nói, đây là biểu tượng sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, với hình tượng thờ thần mặt trời. Cõi linh thiêng trú ngụ của thánh thần phù hộ cho người Gia Rai vượt qua những phong ba bão táp trong cuộc đời

Sau đó anh Vinh giục mọi người vào tập lại những tiết mục của mình trong đêm diễn. Những nghệ nhân dân gian đánh chiêng cùng với đội múa quanh cây nêu, theo chiều kim đồng hồ, bởi đó là chiều quay bất tận của mặt trời. Đó là sự thể hiện triết lý vận hành âm - dương trong cộng đồng người Tây Nguyên. Họ bám cái trục là cây nêu để đi tiếp cõi thần linh hướng dẫn mình.

Cây nêu chính là một cây vũ trụ là vì thế. Đó là sự kết nối trời - đất, một biểu tượng sâu sắc trong cộng đồng người Gia Rai cũng như người Tây Nguyên nói chung. Thật bất ngờ, trong nhà rông bỗng vang lên những âm thanh giòn giã của dàn tiếng đàn T’rưng. Một tiếng hát vui khỏe và da diết vang lên: “Có hàng thông xanh trong đôi mắt em. Có dòng Sê San trong đôi mắt em. Có hương rượu cần say men say men. Có ngọn lửa nào đang nhen chơi vơi...” (“Đôi mắt Pleiku” - Nguyễn Cường).

Tôi có cảm giác làng Op bừng thức trong những cung bậc náo nhiệt. Bỗng một cô bé ở trong nhà rông ngó ra. Bé nhoẻn cười với bạn. Tươi thắm như đóa hoa mới nở vậy. Tôi sững người và ngẫm chắc đó là hình ảnh “Em Pleiku” mà Phạm Duy đã bắt gặp ngày nào trong mây, trong sương trên phố. Giờ đây tôi có một hình ảnh “Em Pleiku” má đỏ môi hồng của tôi. Mơ mộng trong một bản tình ca. Nồng nhiệt hơn. Trong sáng và đắm say. Tôi càng bị cuốn hút hơn nữa, trong nhịp chiêng dồn dập, trong tiếng hát bay bổng của chàng trai Gia Rai. Quanh cây nêu, tiếng hát và tiếng chiêng cùng điệu múa cứ bay bổng trong tâm hồn tôi.

Cô gái Bana trong ngày hội; cây nêu Tây Nguyên.

Bí ẩn những bức tượng nhà mồ

Khi dúng chân vào nước lạnh của con suối giữa làng tôi mới thoát khỏi không khí âm nhạc từ nhà rông. Đây là con suối còn sót lại trong thành phố Pleiku. Nó tô điểm cho thành phố một nét khúc khích và dịu dàng của những cô gái xinh đẹp Gia Rai lên phố chợ. Khi đi hết con đường làng, tôi được anh Vinh dẫn tới khu nhà mồ với hàng chục bức tượng bên hàng rào gỗ.

Anh Vinh nói cho tôi biết, trong các tục lễ quan trọng của người Tây Nguyên, lễ bỏ mả lại thuộc về cõi âm. Nó như một tục lễ ngược với dựng cây nêu, là những bản thánh ca hướng về cõi dương, về vũ trụ. Các lễ khác hằng năm, hằng mùa, bất thường quanh cây nêu; thì lễ bỏ mả lại thâm sâu với thời gian, khắc khoải đợi chờ. Tục lệ tùy từng gia chủ thực hiện, vì đây là cuộc chia tay vĩnh viễn với cái chết của nhiều người thân cùng một lúc. Và ngôi nhà mồ chính là nơi hội tụ những nỗi buồn dai dẳng nhất của một gia đình.

Tôi và anh Vinh đứng trước một ngôi nhà mồ ở sâu trong rừng cuối làng. Ngôi nhà mồ được gia đình dựng lên, thường rộng từ 40m đến 60m để chôn cất những người chết trong một gia đình. Thường các nhà mồ có thể chôn tới mươi người thân đã mất trong một gia đình theo thời gian. Các quan tài chôn sát bên nhau một lượt. Hết một chiều thì lại chôn chồng lên nhau.

Các nghệ sĩ chuẩn bị biểu diễn.

Người Gia Rai theo chế độ mẫu hệ. Con trai thường lấy họ mẹ. Dù đi lấy vợ ở đâu đó, nhưng khi chết phải đưa về chôn cùng mẹ, ở quê mình. Vậy, đến khi nào đã chật, hết chỗ chôn. Gia chủ sẽ làm lễ bỏ mả. Nghĩa là không phải trông nom, “cho ăn” hằng ngày nữa. Khi ấy người chết sẽ ra đi về nơi cư trú vĩnh viễn của họ. Thời gian làm lễ bỏ mả do điều kiện từng gia đình.

Có thể làm sớm làm muộn, từ vài năm đến mươi năm, do hoàn cảnh mỗi hộ. Bởi tục làm lễ bỏ mả khá tốn kém. Đó chính là cuộc chia tay cuối cùng với người thân đã mất đi, với sự tham gia của bà con trong bản, trong làng. Việc tổ chức ăn uống tốn kém là điều khó tránh khỏi.

Nhưng, có việc nằm trong lễ bỏ mả cũng mang màu sắc tâm linh quan trọng, đó là việc tạc tượng hình nhân, trước khi tiến hành lễ. Đây là những người gỗ thay thế người thật trông nom và gần gũi với những hồn ma. An ủi với sự cô đơn, vỗ về cho hồn ma yên tâm về nơi trú ngụ thần linh. Việc tạc tượng này không phải ai cũng biết làm. Công việc được các nghệ nhân giỏi và biết sâu về các hình tượng cho hợp với tình cảm của gia chủ.

Thông thường, mỗi nhà mồ có tới 27 bức tượng gỗ. Các đề tài hết sức gần gũi với sinh hoạt đời thường, như lao động, mẹ bế con, tâm sự suy tư, sinh hoạt tình dục... Đó là những bức tượng mang tính hiện thực, hoặc biểu tượng nhưng thật giản dị hồn nhiên, với những góc đẽo, cắt gọt độc đáo thấm đẫm hồn người.

Tượng nhà mồ ở Tây Nguyên.

Lời ru câm

Tôi bỗng giật mình khi nhìn thấy một bức tượng đã mục nát theo thời gian. Anh Vinh nói đây là ngôi nhà mồ sau khi làm lễ bỏ mả chừng đã hơn 10 năm. Có những bức tượng làm bằng gỗ thường dễ mục theo mưa nắng. Tôi chợt nhớ, họa sĩ Lê Hùng đã từng nói, chính vẻ đẹp của những bức tượng Tây Nguyên lại có sức ám ảnh đến gai người, bởi sự tàn phai của nó. Trước mắt tôi có thể là những bức tượng này chăng.

Đúng là chúng mang vẻ đẹp hồn hậu, mòn mỏi trong mưa nắng. Tất cả đều câm lặng nhưng sao tôi lại nghe thấy những bức tượng cất lời nghẹn ngào khuất lấp. Những âm thanh huyền bí cất lên từ đôi mắt và khóe miệng ấy, ấm áp những lời ru.

Anh Vinh và các thành viên đội văn nghệ.

Không hiểu sao, giai điệu trầm buồn của bài ca “Còn một chút gì để nhớ” của Phạm Duy, bất ngờ ngân vang trong lòng tôi. Đó là sự chia ly nhưng lại luôn luôn hướng về. Những bức tượng gỗ nhà mồ thay người sống, tiếp tục trông nom người chết. Nên cần phải hát ru. Những lời ru câm lặng bên những nấm mồ. Tôi bần thần đứng trước bức tượng lỗ chỗ vết thủng thời gian.

Những bức tượng đã nhỏ lệ thay người nhẫn nại và phai tàn vì nghĩa nợ trần gian. Thật tự nhiên, tôi bỗng cất lên những câu hát của Phạm Duy: “Xin cảm ơn thành phố có em. Xin cảm ơn một mái tóc mềm”. Bởi có lẽ, trong trái tim tôi “Em” đây là làng Op, nơi có dòng suối như một dải tóc mềm, dịu dàng giữa lòng thành phố Pleiku.

Vương Tâm
.
.