Xung quanh vụ cựu tuyển thủ Huy Hoàng gây TNGT: “Nhà dột từ nóc”

Thứ Sáu, 28/09/2012, 09:30

Mấy ngày nay, những hành động như người "phê" thuốc của trung vệ Huy Hoàng trong chiếc xế hộp tiền tỉ sau khi gây tai nạn giao thông ở Thanh Hóa đã khiến người ta ngao ngán. Càng ngao ngán hơn khi những người có trách nhiệm ở Sông Lam Nghệ An (SLNA) có vẻ như thích biện bạch hơn là nhìn thẳng vào sự thật.

Chuyện "nhà dột từ nóc"

Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế, cựu danh thủ Thể Công, đã nhiều lần than phiền rằng bóng đá Việt Nam khó lòng mà tiến lên được khi "nhà dột từ nóc". Ông Huế đưa ra một thực tế là hầu hết các huấn luyện viên (HLV) của các đội bóng ở V.League và giải hạng Nhất đều không được rèn giũa đến nơi đến chốn khi còn là cầu thủ nên sau này họ mang theo tất cả những thứ đó vào nghiệp HLV. Vì thế khó lòng mong mỏi họ huấn luyện được những cầu thủ trọn vẹn cả đức lẫn tài.

Các đội bóng nói chung chỉ mới chú trọng đến việc đào tạo chuyên môn cho cầu thủ mà quên mất chuyện dạy các cầu thủ nên người. Với nền tảng đó cộng thêm việc kiếm tiền quá dễ nên rất nhiều cầu thủ đã dễ dàng vấp ngã hoặc tiêu phí những đồng tiền của mình vào những thú vui chết người. Người trong làng bóng đều không lạ với chuyện cầu thủ nhiều đội sẵn sàng bay, lắc sau mỗi trận đấu và những gì phát hiện được mới chỉ là 2 phần nổi trong 8 phần chìm khác vẫn đang tồn tại trong sự lơ là của những người có trách nhiệm.

Và nhận xét của chuyên gia Trịnh Minh Huế xem ra đúng với trường hợp của Huy Hoàng hiện nay. Khi Huy Hoàng bị dư luận chỉ trích vì những biểu hiện giống với người ''phê'' thuốc, HLV trưởng Câu lạc bộ (CLB) SLNA Nguyễn Hữu Thắng, dường như lại cố gắng "bênh" học trò đến cùng. Ai cũng biết rằng Hữu Thắng không chỉ là HLV trưởng mà còn là một người anh "đáng kính" ở Đội SLNA và chuyện Hữu Thắng "bênh" học trò kiểu này cũng đúng với "chất chơi" của Hữu Thắng. Tình thương mến thương của Hữu Thắng với Huy Hoàng còn thể hiện trong cả sự xót xa khi Hữu Thắng thốt lên với báo chí rằng: "Với sự cố vừa rồi, không nói ra hẳn ai cũng thừa biết gia đình và bản thân cầu thủ này đang điêu đứng như thế nào trước dư luận xã hội. Đau xót quá".

Hữu Thắng thương cảm với gia đình Huy Hoàng là đúng với tình cảm của mình nhưng vị HLV này lại quên mất một điều là nếu Huy Hoàng không có hành động gây phẫn nộ thì dư luận đâu có lên án thế. Sự lên án của dư luận xã hội chỉ là một phần cái giá mà Huy Hoàng phải trả cho hành động của mình. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải thò ra và có thể sự thật đằng sau còn khủng khiếp hơn khi nhiều người vẫn cố tình bưng bít nó. Huy Hoàng như thế nào, Hữu Thắng và những người có trách nhiệm ở SLNA phải biết rõ hơn hết. Ở đây dù thương mến nhau như thế nào nhưng có lẽ người trong cuộc cũng cần tỉnh táo nhìn nhận bởi "thương nhau như thế bằng mười hại nhau".    

Và ngay cả khi Huy Hoàng không sử dụng thuốc lắc thì hành động lái xe với nồng độ cồn vượt mức cho phép, gây tai nạn rồi bỏ chạy và ngay khi bị bắt dừng xe còn chưa tỉnh, cũng không thể chấp nhận được. May là người phụ nữ bị xe Huy Hoàng va quệt chỉ bị thương nhẹ và cũng may là cuối cùng cả chủ lẫn xe được Cảnh sát giao thông đưa về Cơ quan Công an kịp thời, chứ nếu không, không biết hậu quả sẽ như thế nào. Trên thực tế Huy Hoàng mới chỉ bị chỉ trích và rất có thể nếu hành vi của Huy Hoàng không được ngăn chặn kịp thời sẽ còn có thêm người vô tội khác "chết" oan vì Huy Hoàng. Khi đó nỗi đau của nạn nhân và gia đình họ sẽ đau gấp bội những gì mà dư luận chỉ trích Huy Hoàng.

Thế nên lẽ ra HLV Hữu Thắng cần nghiêm túc nhìn nhận lại hành động của Huy Hoàng thì người ta vẫn thấy toát lên ở ông và một vài người có trách nhiệm ở SLNA thái độ bao che cho cầu thủ, mà bao che cho cái sai tức là góp phần làm cho cái sai sau lớn hơn cái sai trước.

Chẳng nói đâu xa, vài năm trước người ta từng làm một trắc nghiệm nhỏ với nhiều cầu thủ trẻ ở SLNA và gần 80% trong số đó coi Huy Hoàng là thần tượng của mình. Vô hình trung, bất cứ hành động nào của Huy Hoàng đều trở thành hình mẫu cho hàng chục, hàng trăm cầu thủ khác noi theo. Và nếu như cái sai cứ được bảo vệ, bưng bít thì có thể người ta lại đang tiếp tục làm hỏng cả một thế hệ tiếp theo. Trong trường hợp này, thà rằng cứ ''gỡ bỏ mặt nạ'' một lần để tất cả cùng ngộ ra còn hơn là bảo vệ một biểu tượng mà ai cũng biết đích thị là gì.

Dù CSGT yêu cầu xuống làm việc nhưng cầu thủ Huy Hoàng vẫn múa lắc trong xe. Ảnh: Lê Hoàng.

Chẳng ai muốn nhận trách nhiệm

Điều đáng tiếc là ở chỗ trong bóng đá Việt Nam bấy lâu nay cứ tồn tại một thông lệ "chìm xuồng". Bao nhiêu nghi án, từ cá độ, móc ngoặc, dàn xếp tỉ số... cứ sau một thời gian ầm ĩ lại đâu về đấy, mọi chuyện vẫn "vũ như cẩn".

Chính vì thế với cơn khuấy động mang tên "Huy Hoàng" về đạo đức và lối sống của cầu thủ này, người ta đang e ngại rằng, vài hôm nữa câu chuyện lại chìm xuồng cho đến khi một vụ việc khác tương tự xảy ra thì nó mới được nhắc lại. Nếu đổ lỗi này cho VFF thì chắc chắn VFF sẽ không nhận bảo đó là do CLB. Thế nhưng nếu đổ cho "ông" CLB thì sẽ nhận được câu trả lời là chúng tôi đã quản lý hết sức mình, làm hết sức mình rồi. Thế hóa ra chuyện cầu thủ hư là chuyện của... xã hội và chẳng ai trong số những người có trách nhiệm nhận đó là lỗi của mình.

SLNA vốn là "lò" đào tạo cầu thủ bóng đá có tiếng ở nước ta, các cầu thủ được tuyển chọn từ những vùng quê của Nghệ An ngay từ khi chỉ mới 9-10 tuổi. Ở lứa tuổi đó khi giao con cho đội bóng, hầu hết các gia đình đều mong muốn con mình sẽ được trưởng thành trong một môi trường tốt hơn, đảm bảo cho tương lai sau này. Phải chăng khi đó các cầu thủ đã hư ngay từ năm mới 9-10 tuổi nên sau đó một số cầu thủ của SLNA như Hồng Việt hay Phan Thanh Tuấn bị phát hiện sử dụng ma túy ở lứa 19 - 20, thì đó cũng không phải là trách nhiệm của CLB mà là trách nhiệm của người khác? Đương nhiên nếu đổ tiệt cho các CLB thì cũng là thiếu công bằng bởi còn có vai trò của gia đình và ngay cả động cơ phấn đấu của bản thân các cầu thủ.

Ở một cấp cao hơn nữa là VFF, ngay bản thân tổ chức này cũng không coi chuyện giáo dục đạo đức của cầu thủ là trách nhiệm của mình. Thế nên mới có chuyện là khi cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao yêu cầu tổ chức này phải lập ra quy tắc đạo đức nghề nghiệp cầu thủ, HLV, trọng tài bóng đá để các HLV, cầu thủ... phải cam kết trước mỗi mùa giải, VFF phản ứng một cách rất... từ từ. Và cuối cùng không thể chờ hơn được nữa, cơ quan quản lý nhà nước buộc phải tự soạn thảo ra quy tắc và chuyển ngược về VFF để tổ chức này ra quyết định ban hành, theo đúng nguyên tắc hoạt động của VFF.

Nếu ai cũng "chơi bóng chuyền" như thế, cũng đổ trách nhiệm như thế thì thử hỏi bao giờ bóng đá Việt Nam mới tiến lên được và chắc chắn rằng trong tương lai, chúng ta sẽ lại gặp phải những Huy Hoàng khác, như hình ảnh của ngày hôm nay

Khánh Vy
.
.