Ẩn họa trên đường cao tốc

Thứ Hai, 12/01/2015, 19:35
Cả nước hiện có 6 tuyến đường cao tốc đang vận hành (Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội – Thái Nguyên; TP HCM – Trung Lương và TP HCM - Long Thành – Dầu Dây) với tổng chiều dài hơn 540km. Không chỉ tạo ra diện mạo mới về hạ tầng giao thông, các tuyến cao tốc giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội, TP HCM đi các tỉnh. Tuy nhiên, trên các tuyến cao tốc hiện nay luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn…

1. Thông xe từ tháng 1/2014, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (còn gọi là quốc lộ 3 mới) có tổng chiều dài 63,8km với 4 làn xe chạy, đi qua 3 địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Không chỉ rút ngắn được gần 20km so với Quốc lộ 3 cũ, giờ đây thời gian đi từ Hà Nội lên Thái Nguyên cũng rút ngắn từ gần 3 giờ xuống chỉ còn khoảng 1 giờ 20 phút.

Dù đã đưa vào sử dụng gần một năm nhưng tuyến đường này vẫn đang tồn tại nhiều bất cập khiến cho các lái xe đi trên tuyến đường này luôn căng thẳng vì tình trạng lộn xộn.

Xe tải dừng đỗ ngang nhiên trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Cuối tháng 6/2014, trước tình trạng mất an toàn trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên do người dân tự ý tháo dỡ hàng rào lưới B40, tháo tôn hộ lan để băng qua đường, dải phân cách giữa  những điểm này cũng bị đập bỏ để làm đường ngang dân sinh, người dân đi xe máy ngược chiều trên đường cao tốc nên đã xảy ra 4 tai nạn, làm 5 người chết; thậm chí dân hai bên đường còn thả trâu bò vào dải phân cách … Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã trực tiếp đi kiểm tra và yêu cầu  đóng ngay các các đường ngang tự phát để đảm bảo an toàn giao thông.

Thời điểm này, sau 6 tháng có chỉ đạo của Bộ trưởng, tình hình đã giảm hơn trước nhưng vẫn rất lộn xộn.

Theo ghi nhận của chúng tôi ngày 28/12, trên suốt tuyến đường dài gần 64km này, cả hai bên đường vẫn còn hàng chục điểm không có hàng rào B40, thậm chí có những đoạn dài hàng chục mét không có rào, chỉ còn trơ lại vài cái cọc bê tông. Có nhiều đoạn, dù đã có hàng rào nhưng lại bị người dân tháo ra để lấy lối đi vào đường cao tốc. Đặc biệt đoạn ở gần khu công nghiệp Yên Bình, vẫn còn một điểm giao cắt đồng mức, vì vậy dù đơn vị quản lý đã cắm biển cấm quay đầu xe nhưng biển cấm này hầu như không tác dụng nếu lái xe cần quay đầu về hướng Hà Nội.

Ở phía đối diện khu công nghiệp, tại những đoạn có hàng rào do có rất nhiều nhà trọ, quán cơm nằm sát với đường, có những chỗ, cả một tấm rào bằng lưới B40 có khung sắt được tháo ra, hạ xuống làm cầu bắc qua mương nước để vào đường.

Vì vậy, các lái xe khi đi qua Nhà máy Sam Sung luôn nơm nớp khi hàng ngày luôn có rất nhiều người ra đường bắt xe khách hoặc đi lại qua đường. Không những thế, trên dọc tuyến đường này, nhiều người dân hai bên lại lấy luôn đường cao tốc làm chỗ… đi bộ tập thể dục, vì vậy vào các buổi sáng, chiều luôn có từng nhóm người đi tập thể dục trên dải phân cách, thậm chí người ta đi luôn trên đường.

Không chỉ có người đi bộ, do tới thời điểm này, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vẫn chưa thu phí nên tại các nút giao không có trạm thu phí mà chỉ có nhân viên của đơn vị thi công ngồi để chắn xe máy không cho vào nhưng vẫn không thể ngăn được những người ý thức kém vẫn cố tình đi xe máy, thậm chí cả xe đạp cũng vào đường cao tốc.

Dù đã xảy ra tai nạn chết người do người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc nhưng người ta vẫn không sợ. Chiều 28-12, khi vừa lên đường cao tốc ở nút giao Sông Công về Hà Nội, chúng tôi đã chứng kiến một “tay đua” điều khiển chiếc môtô loại 1.000 phân khối phóng như bay trên đường theo hướng từ Thái Nguyên về Hà Nội với tốc độ kinh hoàng.

Một vấn nạn trên tuyến đường này là tình trạng lái xe ôtô dừng đỗ tự do. Theo quy định thì xe ôtô chỉ được dừng ở những điểm cho phép, nhưng thực thế theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng xe tải, xe con dừng đỗ rất tự do, thậm chí có lái xe còn dừng xe ban đêm ngay trên đường để ngủ mà không thèm cảnh báo. 

Người dân vô tư đứng bắt xe khách ngay trên đường cao tốc.

Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt thì ngày nào lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đường này cũng xử phạt khoảng 10 trường hợp cả ôtô, xe máy. Như trong hai ngày 28, 29/12, đã lập biên bản 18 trường hợp (5 xe con, 1 xe tải, 12 xe môtô). Trong đó, vi phạm chạy quá tốc độ quy định 3 trường hợp; chở hàng rời dễ rơi vãi mà không có bạt che đậy 1 trường hợp; không tuân thủ các quy định về dừng, đỗ xe 2 trường hợp;  điều khiển xe môtô đi vào đường cao tốc 12 trường hợp.

2. Nhưng, những vi phạm không chỉ xảy ra trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt, đơn vị có nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trên tất cả các tuyến đường cao tốc, thì vi phạm phổ biến trên các tuyến cao tốc vẫn là dừng đỗ không đúng quy định, chạy quá tốc độ quy định, không đảm bảo khoảng cách an toàn và đặc biệt là điều khiển xe môtô đi vào đường cao tốc, …

Đại tá Nguyễn Hữu Luyện, Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra xử lý tai nạn giao thông (TNGT), Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết, năm 2014, lực lượng CSGT đã xử phạt 3.143 trường hợp người đi môtô, xe máy vào các tuyến đường cao tốc và đường cấm. Chỉ cần nhìn vào con số này cũng thấy cần báo động ý thức của người tham gia giao thông vì biết cấm mà vẫn làm.

Cả một đoạn dài hàng chục mét không có hàng rào trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

TNGT xảy ra trên đường cao tốc thời gian qua tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, xe gặp tai nạn do chạy quá tốc độ quy định, không giữ khoảng cách an toàn giữa 2 xe, chuyển làn không có tín hiệu báo trước, vượt xe sai quy định.

Trong những vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc, thảm khốc nhất là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên xảy ra vào sáng 16/4/2014 trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, đoạn qua Km 45+200, thuộc địa bàn ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Chiếc xe khách 30 chỗ ngồi của nhà xe Thảo Châu do tài xế Trần Thanh Phong (SN 1979, quê ở tỉnh Bến Tre) điều khiển chở khách từ tỉnh Bến Tre đi TP HCM đã tông thẳng vào đuôi xe bồn đang tưới cây.

Cú tông cực mạnh làm chiếc xe khách vỡ vụn phần đầu làm 7 người chết, trong đó có lái xe chết ngay tại chỗ, 7 người khác bị thương. Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn thảm khốc là do tài xế Trần Thanh Phong vi phạm quy định về giữ khoảng cách an toàn khi lưu thông trên đường cao tốc, nên khi phát hiện có chướng ngại vật phía trước là xe bồn đang tưới nước cho cây trên đường cao tốc chạy chậm phía trước đã không xử lý kịp.

Còn trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, tuyến cao tốc dài và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, chỉ sau 3 tháng đưa vào hoạt động, dù đường rất đẹp nhưng tai nạn vẫn xảy ra vì lái xe vi phạm tốc độ. Vào khoảng 23 giờ 30 phút ngày 22/11, tại địa phận xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, chiếc xe khách giường nằm (tuyến Lào Cai - Thái Bình) chở khách lưu thông hướng Lào Cai đi Hà Nội, lao thẳng vào một chiếc xe tải lưu thông phía trước khiến chiếc xe này lật ngửa ra đường. Chiếc xe khách tiếp tục lao vào dải phân cách, húc đổ khoảng 10 mét lan can rồi dừng lại ở làn đường ngược chiều.

Trước đó, chiều 23/10, tại Km 226 thuộc địa phận huyện Bảo Thắng (Lào Cai), chiếc xe Ford Everest biển số Yên Bái bất ngờ mất lái đâm tung rào chắn đường và một biển báo đường dây nóng, rồi lao xuống đường hầm dân sinh chạy dưới lòng đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Cú “phi thân” khiến đầu chiếc xe Ford Everest cắm vào tường của đường hầm dân sinh làm bức tường này bị vỡ. Chiếc ôtô Ford Everest bị hư hỏng nặng và nhiều bộ phận trên thân xe bị bung vỡ, biến dạng. Rất may khi xảy ra tai nạn, trên chiếc xe Ford Everest chỉ có một mình lái xe và người này chỉ bị gãy chân.

Để tăng cường thực hiện các biện pháp ngăn chặn, hạn chế tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc, ngày 1/8/2014, Bộ Công an đã có Công điện gửi tới lực lượng Công an đang làm nhiệm vụ  tại các địa phương, đề nghị tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những vi phạm.

Tuy nhiên, nhìn vào nguyên nhân của các vụ tai nạn trong thời gian qua thì đều từ ý thức của lái xe, vì vậy quan trọng nhất vẫn là phải thay đổi nhận thức từ chính mỗi người dân.

Nguyễn Thiêm
.
.