Theo chân “nài” thuốc lá lậu: Đua với tử thần

Thứ Tư, 17/12/2014, 11:15

1. Sau gần 7 tiếng ngủ trên xe khách giường nằm, mờ sáng thứ năm tôi đến thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Ghé vào một quán cóc gọi ly cà phê, tôi hỏi thăm ông chủ quán đường về xã Thường Thới Hậu B. Đây là một trong 4 xã dọc tuyến biên giới với Campuchia, được các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp xem như điểm nóng về buôn lậu và gian lận thương mại (3 xã kia là Thường Phước 1, Tân Hộ Cơ - thuộc huyện Tân Hồng và Tân Hội - thị xã Hồng Ngự). Hàng lậu qua đây gồm đường cát, thuốc lá, thuốc tây chữa bệnh... mà trong đó, thuốc lá là mặt hàng "ăn" nhất bởi lẽ nếu vận chuyển trót lọt 1 cây (10 gói) từ biên giới về đến thị xã Hồng Ngự, "nài" - là người chở thuốc lá lậu bằng xe gắn máy - được trả công từ 3.000 đến 5.000 đồng tùy theo đó là Hero, Jet hay 555.

"Nài" vừa chạy xe, vừa đọc tin nhắn của "chim lợn", báo cho biết lực lượng chống buôn lậu có chốt chặn hay không.

Nhưng đâu phải một cây. Đã đi thì đi cho trót, trên mỗi chiếc xe gắn máy, "nài" chở 100 cây là chuyện bình thường. Vẫn theo lời ông chủ quán cà phê, "nài" thuốc lá lậu là nỗi kinh hoàng cho người tham gia giao thông: "Để tránh bị bắt, họ rú hết ga, lượn ngang lách dọc, không coi tính mạng của ai ra gì. Đã có nhiều người oan mạng vì mấy ông trời gầm này. Nếu bị Công an, Hải quan, Biên phòng chặn lại, họ quăng xe, quăng hàng, thậm chí lao thẳng vào anh em cán bộ để thoát thân". Đã thế, nhiều xe của "nài" là những chiếc xe "mù", nghĩa là không biển kiểm soát, thậm chí không "bửng", không "vè" chắn bùn, nhưng máy thì rất "bốc".

Uống xong ly cà phê, tôi trả tiền rồi điện thoại cho một người mà tôi tạm gọi là Long. Trước đó, một bác sĩ quê Đồng Tháp, công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, biết tôi muốn tìm hiểu về tình hình buôn lậu thuốc lá ở vùng này nên đã giới thiệu Long với tôi: "Em cứu sống vợ nó nên nó mang ơn em lắm. Xuống tới nơi anh cứ gọi nó. Em đã dặn nó rồi".

Long không phải là dân buôn lậu nhưng lại có chút dính dáng đến… buôn lậu. Anh ta là thợ máy, chuyên "độ" xe mà trong đó, không ít những chiếc xe do Long làm máy, đôn "dên", xoáy "nòng" là xe của "nài".

Đâu chừng 15 phút, Long phóng chiếc Exciter đến. Sau khi nhận mặt nhau, Long vui vẻ hỏi tôi tới Hồng Ngự lúc mấy giờ, ăn sáng chưa. Nếu chưa, anh ta mời tôi món hủ tiếu "hài cốt", còn đã ăn rồi thì lên đường.

Đường từ thị xã Hồng Ngự đến xã Thường Thới Hậu B là đường bê tông, rộng khoảng 6 mét, chạy dọc theo sông Sở Thượng, bên kia là đất Campuchia. Tôi bắt chuyện với Long, rằng đường vắng nhỉ thì anh ta cười: "Giờ này chưa phải là giờ của "nài" nên thấy vắng vậy đó. Chứ cỡ trưa trưa coi, tụi nó chạy bốc khói". Tôi hỏi ngày nào cũng thế sao? Long gật: "Từ đây tới giáp tết, nếu tính cả bên Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Phước 1, không bữa nào dưới 100 xe" rồi Long dặn tôi: "Em sẽ ghé nhà mấy thằng "nài", giả bộ đi kiểm tra lại xe cho tụi nó, vì em mới làm máy cho một thằng. Anh rể em cũng là người Bắc nên coi như anh là bạn với ổng, về đây chơi nghe".

Vẫn theo lời Long, nếu như từ đầu năm 2013 trở về trước, thuốc lá lậu thường được "nài" vận chuyển theo tỉnh lộ 841 từ cửa khẩu Thường Phước về thị xã Hồng Ngự thì đến giữa năm 2013, "nài" chuyển sang tuyến Thước Nước, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B rồi sau đó, đích đến cũng vẫn là thị xã Hồng Ngự. Sở dĩ có sự thay đổi ấy vì từ Thường Phước về Hồng Ngự khá xa, khó cảnh giới nên dễ bị các cơ quan chống buôn lậu "đánh úp" bất ngờ, còn bên kia sông Sở Thượng là tỉnh Prey Veng, Campuchia.

Từ thị trấn Peam Ro, huyện Peam Ro, tỉnh Prey Veng, thuốc lá được chuyển đến những kho nằm sát biên giới, rồi sau khi đầu nậu tổ chức canh đường, những nhóm vận chuyển dùng xuồng máy tốc độ cao vượt sông Sở Thượng. Tại đây, tùy theo tình hình "căng" hay không "căng", "nài" nằm im nghe ngóng hoặc từng cặp xe gắn máy, mỗi đợt cả chục cặp, đưa thuốc về điểm tập kết ở thị xã Hồng Ngự. Chưa kể gần đây, nhằm "góp gió thành bão" đồng thời gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu trong việc xử lý, họ thuê trẻ em, học sinh, người đi làm ruộng, giấu vài ba gói thuốc lá vào cặp sách, vào bình đựng nước…

Khi thuốc đã về đến điểm tập kết, nó sẽ được chuyển lên TP HCM và một số tỉnh, thành khác bằng xe khách, xe buýt hoặc xe du lịch, thậm chí bằng cả xe chở hàng đông lạnh mà trong đó, vụ lớn nhất do Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan Đồng Tháp phát hiện và bắt giữ là vụ chiếc xe tải biển số 67L-9501 chở cá nhưng trong xe lại giấu 10.000 gói thuốc lá nhập lậu!

2. Gần 7 giờ, tôi và Long đến ấp 1, xã Thường Thới Hậu B. Lại ghé vào một quán cà phê cóc mà ở đó, đã có 6, 7 thanh niên ngồi bên bình trà còn kế cạnh  là mấy chiếc xe gắn máy chống nghiêng. Nhìn thấy tôi, họ có vẻ tò mò nhưng chắc không tiện hỏi nên không khí bỗng dưng trầm xuống. Bên kia sông Sở Thượng, vài chiếc xuồng nhỏ gắn máy buộc dây neo vào mấy thân cây khẳng khiu, dập dềnh lên xuống mỗi lúc có ghe, xuồng khác đi ngang. Long hỏi một người trong nhóm: "Sao mày! Chạy được không?". Người kia - mà tôi tạm gọi tên là Có, gật đầu: "Quá ngon nhưng mau nóng máy".

Và chỉ đến lúc nghe Long giới thiệu tôi là "bạn thân của ông anh rể, từ thành phố xuống chơi" thì câu chuyện giữa họ với tôi mới cởi mở hơn. Khéo léo hỏi han theo kiểu "ngây thơ chẳng biết gì", họ cho tôi biết ngày nào cũng có vài chiếc ghe, tải trọng khoảng 5 đến 15 tấn, từ Hố Lương, Campuchia đưa thuốc lá về những kho hàng nằm dọc theo bờ sông Sở Thượng bên đất Campuchia, chờ cơ hội "vượt tuyến". Có nói: "Hồi trước, tụi "đặc công nước" - là tiếng lóng để chỉ những người vận chuyển thuốc lá lậu bằng xuồng - dùng xuồng chèo tay còn bây giờ, tụi nó chơi xuồng máy nên chỉ cần 1 phút là đến bờ".

Hậu quả thảm khốc do "nài" chở thuốc lá lậu gây ra. Ảnh: Internet.

Do đã "hợp đồng tác chiến" nên ở phía bờ thuộc đất Việt Nam, tiếp giáp với con đường bê tông dẫn về thị xã Hồng Ngự, "nài" đỗ xe chờ sẵn. Nếu "chim lợn" - là người làm nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của cơ quan chống buôn lậu - điện thoại báo rằng "không thấy mặt trời" thì lập tức, thuốc sẽ được chằng buộc lên xe rồi "nài" lao như tên bắn. Còn nếu có tin báo "bữa nay én bay nhiều" thì hoặc là hàng sẽ được chuyển về lại bên đất Campuchia, hoặc ém ở những căn nhà quanh đó, chờ thời. Tôi hỏi, vậy chắc xe nhiều lắm? Ngần ngừ giây lát, Có đáp: "Tùy theo hàng, bữa nhiều bữa ít nhưng trung bình khoảng 20 xe".

Để vận chuyển thuốc lá lậu, nhiều "nài" rất liều lĩnh. Khi bị chặn lại, nếu nhắm không thoát được, "nài" sẵn sàng chống trả đồng thời kích động người dân hùa theo chống trả cơ quan chức năng, cướp lại hàng. Điều oái oăm là khá nhiều cư dân vùng biên giới lại sẵn sàng tiếp tay với "nài" thay vì ủng hộ lực lượng chống buôn lậu. Long nói: "Những người đó đều có thân nhân tham gia buôn lậu, làm "đặc công nước", làm "nài" hoặc "chim lợn" cảnh giới dọc đường nên họ liên kết với nhau.

Có những vụ khi Hải quan, Biên phòng tiến hành chốt chặn, bắt giữ thì hàng chục người ùa ra giành giật, tẩu tán thuốc lá lậu" mà cụ thể là khi lực lượng chống buôn lậu thuộc Cục Hải quan Đồng Tháp kết hợp cùng đồn Biên phòng 913 tuần tra kiểm soát, phát hiện 40 đối tượng cùng 20 xe gắn máy tập kết tại Thước Nước thì ngay lập tức sau khi nhận hàng, "nài" đồng loạt lao qua chốt chặn. Đã thế, không những không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng chống buôn lậu mà một "nài" tên Khánh còn tăng tốc độ đâm thẳng vào tổ công tác, làm đổ xe tuần tra kiểm soát của Bộ đội Biên phòng rồi bỏ lại 6 bao chứa đầy thuốc lá. Cú đâm va ấy khiến 2 chiến sĩ bị thương, trong đó một người bị thương nặng phải đi cấp cứu.

Để cướp lại hàng, "nài" Khánh chạy về gọi gia đình cùng nhiều đối tượng buôn lậu ở ấp 1, dùng gậy gộc, gạch đá, nón bảo hiểm tấn công lực lượng Hải quan, Biên phòng, đồng thời kích động một số người dân ấp 1 tụ tập gây rối. Chỉ đến khi Cảnh sát 113 và Cảnh sát Giao thông đến tiếp ứng, trật tự mới được vãn hồi. Theo Cục Hải quan Đồng Tháp, mỗi ngày có vài lượt ghe trọng tải từ 10 đến 15 tấn chở các loại hàng gồm thuốc lá ngoại, đường kết tinh Thái Lan, máy điều hòa nhiệt độ, gỗ xẻ, thuốc tây..., tập kết tại 3 kho hàng phía Campuchia, giáp với  ấp 1, xã Thường Thới Hậu B. Nếu cơ quan chức năng chốt chặn, đầu nậu thuê người đai vác đi bộ theo đường vòng  rồi "nài" dùng xe gắn máy đưa hàng về thị xã Hồng Ngự. Còn nếu không có chốt chặn, hàng sau khi vượt sông sẽ được phân tán vào một số nhà dân ở khu vực cầu Sở Thượng. Tiếp theo, đưa hàng về thị xã Hồng Ngự là nhiệm vụ của "nài".

3. Gần 10 giờ, có tín hiệu "báo yên", nhóm thanh niên nhất loạt đứng dậy. Long vừa đội nón bảo hiểm lên đầu, vừa nói với "nài" Có: "Để tao theo mày coi vì sao máy mau nóng" rồi kêu tôi ngồi lên yên sau của chiếc Exciter. Nhanh như chớp, mấy chiếc xuồng nhỏ bên kia sông lúc nãy vẫn dập dềnh thì bây giờ máy nổ giòn giã, xé nước lao vun vút. Giây lát, những chiếc bao "xác rắn" chứa đầy thuốc lá lậu được bốc dưới xuồng lên rồi được "nài" chằng buộc cẩn thận. Cặp đi đầu gồm "nài" Thanh và một "nài" nữa mà tôi không biết tên. Tiếp theo là "nài" Có và "nài" Dũng còn đi cuối là hai "nài" khác. Sáu chiếc xe nối đuôi nhau lao thẳng về phía trước còn chiếc Exciter do Long cầm lái, bám sát một bên. Một phụ nữ chở đứa con nhỏ trên xe tay ga, vừa nghe tiếng máy gầm rú đã vội vã dừng hẳn, tấp sát vào lề đường. Ở chiều ngược lại, hai người đàn ông đi xe đạp cũng dừng lại. Nhìn một ông miệng mấp máy, tôi đoán ông ta đang… chửi thề!

Và mặc dù chỉ đi theo, và đã dặn Long chạy cẩn thận, khỏi cần bám sát "nài" nhưng tôi vẫn vãi linh hồn khi tận mắt chứng kiến những chiếc xe chở thuốc lá lậu lạng lách với tốc độ kinh hồn. Dân bên đường hình như đã quá quen với cảnh này, và cũng thừa biết sự nguy hiểm nếu chẳng may bị "nài húc" nên chỉ cần nghe tiếng động cơ gầm rú là họ tự động dạt sang hai bên. Ở một khúc quanh, xém chút nữa thì "nài" Thanh lao đầu vào chiếc xe tải nhỏ chạy ngược chiều nhưng cũng chỉ trong tích tắc, anh ta đã nghiêng người lách qua rồi còn ngoái lại chửi tài xế xe tải.

Gần vào tới thị xã Hồng Ngự, những chiếc xe chở thuốc lá lậu không vì thế mà giảm bớt tốc độ. Do đã có "chim lợn" thông báo nên họ cứ lao vun vút, lách bên này, tránh bên kia. Có chỗ, họ đạp thắng nhưng không giảm ga nên vừa nhả thắng là xe lại chồm lên, lao tiếp. Tôi ghé sát tai Long, nói lớn: "Thôi, đến đây được rồi, mình kiếm chỗ nào nghỉ đi". Long nghiêng đầu: "Vậy em thả anh xuống cà phê ngay ngã tư kia. Em đã nói là đi theo để xem vì sao xe thằng Có mau nóng máy mà giờ không đi nữa, tụi nó thắc mắc. Anh cứ ngồi đó, lát em quay lại liền".

Theo tìm hiểu của tôi, ở xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B, dân số khoảng 10 nghìn người, nhưng có đến 70% là người Việt từ Campuchia hồi hương vào những năm 1973 và 1975. Hầu hết sống bằng nghề nông, chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng khách quan mà nói, cả hai xã đều thiếu đất sản xuất nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều người bất chấp luật pháp, đi làm "nài" hoặc đai vác thuốc lá, làm "đặc công nước", "chim lợn" cho các đầu nậu. Thời gian vận chuyển của "nài" thường từ 5 đến 6 giờ, 10 đến 12 giờ và 16 đến 20 giờ. Khá nhiều người dân ở hai xã này biết rõ những nơi cất giấu thuốc lá lậu nhưng ít ai dám hợp tác với các cơ quan chức năng vì sợ bị trả thù.

10 giờ 40 phút, Long và nhóm "nài" trở lại quán cà phê nhưng chỉ mình Long vào. Ngoài đường, hai, ba "nài" dừng xe gật đầu chào tôi rồi quay về xem có cơ hội đi tiếp chuyến nữa không. Long nói: "Anh nên qua Tân Châu rồi đi cửa khẩu Vĩnh Xương hoặc xuống Châu Đốc (tỉnh An Giang). Ở đó "nài" thuốc lá chạy chẳng kém gì "nài" Thường Thới Hậu…".

(Còn nữa)

Vũ Cao
.
.