Ở nơi Công an lặn lội đi mời dân làm chứng minh thư

Chủ Nhật, 16/08/2015, 07:25
Việc làm chứng minh nhân dân (CMND) tưởng chừng như rất đơn giản với những người dân thành thị, đồng bằng nhưng với cán bộ công an ở huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), đó lại là công việc tốn nhiều thời gian, công sức bởi rất nhiều người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, họ chưa bao giờ biết chứng minh thư, cũng chẳng biết hộ khẩu là gì…

1. Từ thành phố Điện Biên Phủ, sau gần 7 giờ vật vã trên con đường toàn cua tay áo, chiếc xe của Công an tỉnh Điện Biên mới đưa chúng tôi đến Công an huyện Nậm Pồ vào một ngày mưa giăng mù mịt.

Nằm ở phía tây tỉnh Điện Biên, giáp với Lào, huyện Nậm Pồ thành lập ngày 23/6/2013 trên cơ sở tách từ 10 xã của huyện Mường Nhé và 5 xã của huyện Mường Chà, trong đó có 8 xã biên giới, với 127 bản, 7.734 hộ dân và 43.640 khẩu. Sau hai năm thành lập, huyện Nậm Pồ hiện giữ nhiều cái nhất ở mảnh đất cực tây này: vừa là huyện "mới" nhất và cũng… nghèo nhất tỉnh Điện Biên bởi huyện có tới 14/15 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Hôm chúng tôi đến, dù là ngày mưa nhưng các cán bộ Đội Quản lý hành chính vẫn đang tất bật hướng dẫn khai, chụp ảnh, lăn tay cho mấy chục người dân đến làm CMND. Như đoán được sự ngạc nhiên của khách, Trung tá Lù Văn Thành, Phó trưởng Công an huyện Nậm Pồ, cười bảo đấy là thành quả của cả năm trời anh em cán bộ chiến sĩ đi vận động người dân.

"Nếu như ở miền xuôi, việc cấp CMND là việc rất đơn giản thì ở đây, để vận động người dân đi làm CMND lại là cả một hành trình vất vả với những chuyến đi tới một bản kéo dài cả tuần, có khi cả tháng để vận động người dân làm hộ khẩu, CMND".

Trong câu chuyện với chúng tôi, Trung tá Thành kể ngay sau khi thành lập huyện, Ban chỉ huy Công an huyện Nậm Pồ đã xác định trong rất nhiều việc phải làm thì quản lý nhân khẩu và cấp CMND cho dân là một trong những việc đầu tiên. Bởi, dân có ổn định thì mới giữ vững được an ninh trật tự. Vì vậy, Công an huyện đã triển khai kế hoạch rà soát hộ khẩu, cấp CMND cho người dân trên địa bàn.

Hầu hết người dân trong các bản đều là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm tới 69,18%. Trình độ dân trí không đồng đều cộng với địa bàn rộng, đi lại khó khăn, tập quán canh tác du canh du cư, vì thế việc vận động người dân rất vất vả.

Công an huyện Nậm Pồ chụp ảnh làm CMND cho người dân.

Có những người lần đầu thấy cán bộ đến vận động làm CMND, họ không nghe, thậm chí có người còn bảo họ sống mấy chục năm không có chứng minh thư cũng có làm sao đâu. Cán bộ lại phải giải thích làm CMND là quyền lợi công dân, như có CMND thì khi mua xe máy mới được đăng ký tên mình; học lấy bằng lái xe máy… lúc ấy họ mới đồng ý làm.

Vận động người dân đồng ý làm đã khó, đến khi làm mới phát sinh đủ thứ khó khăn. Thượng úy Giàng A Lử, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, kể rằng ở nhiều bản khi cán bộ xuống tận nơi làm CMND mới phát hiện rằng rất nhiều người đã vào tuổi xưa nay hiếm chưa bao giờ làm CMND, nhiều người không nói được tiếng phổ thông;  không biết chữ, có người nói được vài câu đơn giản nhưng không biết viết… Vì thế mỗi lần xuống bản, ngoài cán bộ Công an huyện phải có một công an viên của xã đi cùng để "phiên dịch".

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng úy Nguyễn Văn Hoàn kể hôm xuống xã Nà Khoa làm CMND cho dân, cán bộ đã hướng dẫn rất kỹ mọi thủ tục, quy trình.

Trong số những người đến làm CMND hôm ấy có ông Lý Văn Sới dân tộc Kháng ở bản Nà Khoa 1 đi làm CMND cho cháu trai, nhưng khi cán bộ gọi lên để lấy dấu vân tay thì ông lại dẫn đứa cháu gái đến, khi cán bộ hỏi làm cho ai, ông hồn nhiên trả lời: "Làm cho cháu trai nhưng nó đang ở nhà, vậy lăn tay của chị gái nó có được không cán bộ?".

Chưa hết, theo phong tục của người Mông, Dao, phụ nữ hay búi tóc và đội khăn. Khi chụp ảnh, cán bộ yêu cầu phải bỏ khăn ra mới chụp được, họ nhất định không bỏ. Vậy là cán bộ lại thuyết phục cả nửa tiếng, họ mới đồng ý bỏ khăn. Lúc này anh em trong đội phải trực tiếp làm, từ chải tóc, hướng dẫn rửa tay, rửa mặt, chỉnh lại áo, tư thế ngồi…

Công an huyện Nậm Pồ hướng dẫn người dân khai thông tin làm CMND.

Vì thế, trong "hành trang" xuống xã của cán bộ công an ngoài giấy tờ hồ sơ thì lúc nào trong túi còn có thêm cả… gương, lược và cặp ghim để cài tóc cho chị em khi chụp ảnh. Vậy mà, có chị em đến khi ngồi vào ghế chụp ảnh, do lần đầu tiên trong đời được chụp ảnh nên xấu hổ, mới thấy cán bộ giơ máy ảnh lên đã đỏ mặt, xấu hổ rồi lấy tay che miệng… cười, nên vài lần mới chụp được cái ảnh.

Thượng úy Hoàn kể lần xuống xã Na Cô Sa làm chứng minh thư, có nhiều chị em người Mông không biết chữ, cũng không nhớ cả ngày tháng năm sinh của mình nên nghĩ ra ngày nào họ khai ngày ấy khiến anh em mất rất nhiều thời gian tra cứu thông tin.

Phong tục của người Mông, người Dao ở đây con gái, con trai khi nhỏ thì mang tên đệm khác; đến lúc kết hôn đặt lại tên đệm khác (phong tục đặt tên đệm cho con rể/ con dâu). Thế nên có khi lúc bé là Giàng A Páo nhưng đến lúc lấy vợ đổi thành Giàng Seo Páo; với người Dao, khi người con trai lấy vợ sẽ đổi lại họ theo họ nhà vợ, như Chảo A Sì thì thành Tẩn A Sì.

Đồng thời, trong bản khai có thông tin về bố mẹ ruột thì họ khai bố mẹ vợ, khai lý lịch bản thân theo gia đình nhà vợ… Vì thế, nhiều khi để hoàn thành được bản khai lý lịch cho người làm chứng minh thư, cán bộ công an phải mất hàng tiếng đồng hồ để giải thích họ mới hiểu thế nào là bố mẹ đẻ, thế nào là bố mẹ vợ, thế nào là tên khai sinh.

Có được bản khai rồi, anh em lại phải tra cứu thông tin để xem có đúng không, nếu sai thì bảo họ khai lại. Như trường hợp bà Sùng Thị Chư, sinh năm 1963 ở bản Nậm Tin 1, xã Nậm Tin, khi bà khai sai, cán bộ tra cứu hồ sơ, xuống bản rất nhiều lần mới gặp được bà và phải mất... gần một năm mới làm xong CMND cho bà Chư.

2. Nhưng, đấy là chuyện của hơn một năm trước, sau rất nhiều vất vả của anh em công an huyện, giờ đây đã có hơn 2.000 người dân được cấp CMND. Do địa bàn rộng, có xã cách trung tâm huyện tới gần 100km, từ xã xuống bản lại thêm vài chục cây số nữa, mà có những xã như Nậm Bủng và Nậm Khăn đường đi lại khó khăn, chỉ đi được vào mùa khô, vì thế từ ngày thành lập đến nay, mỗi năm Công an huyện Nậm Pồ triển khai xuống xã làm CMND cho 3 - 4 xã, mỗi đợt 1 tuần cắm bản. Mới đây nhất, Công an huyện xuống xã Na Cô Sa, cách trung tâm huyện tới 109km để làm CMND cho 392 người.

Công an huyện Nậm Pồ xuống bản Huổi Thủng 1, xã Na Cô Sa trực tiếp hướng dẫn, làm CMND cho dân bản.

Hôm chúng tôi đến Công an huyện, tình cờ gặp anh Mùa A Dơ ở bản Tằng Do, xã Nậm Tin đến làm CMND. Nghe hỏi chuyện làm chứng minh thư, anh Do cười bảo từ khi cán bộ Công an huyện đi tuyên truyền, anh và nhiều người trong bản mới thấy được lợi ích của việc khai báo hộ tịch. Vì vậy, nhiều hộ đã chủ động lên huyện để làm CMND cho cả gia đình.

Cũng như anh Dơ, anh Cứ A Vảng, 46 tuổi ở xã Nậm Tin, đưa con gái là Cứ Thị Ly học lớp 9, đi làm CMND. Anh Vảng chia sẻ, nhà anh cách trung tâm huyện có 16km nhưng vào mùa mưa đi lại rất khó khăn, hai bố con phải đi từ sáng sớm, trời mưa đường trơn chỉ có đi bộ, vất vả nhưng rất vui, ra đến huyện là được cán bộ hướng dẫn cho làm ngay, hẹn sang tháng đến nhận CMND.

Trưởng Công an xã Nậm Tin Hờ A Vảng cho biết, bản Tằng Do có 80 hộ với hơn 500 khẩu, nhiều hộ cả gia đình đã chủ động lên huyện làm CMND, chính quyền các cấp tạo điều kiện tối đa cho người dân khi đi làm CMND, hộ khẩu qua đó ổn định cuộc sống và con em đi học được thuận lợi.

Với nhiều người dân, giờ đây được đi làm và nhận CMND là một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời. Ông Lường Văn Lọ, ở bản Na Cô Sa 3, xã Na Cô Sa hồ hởi khoe với chúng tôi: "Có CMND tôi sẽ được nhận các chế độ hỗ trợ của Nhà nước, có tên tuổi được công nhận cán bộ à, cả đời tôi không ra khỏi bản, nay cán bộ về làm CMND, trả tận nơi là niềm vui lớn của dân bản".

Còn chị Thào Thị Ly ở bản Na Cô Sa 3 thì bảo: "Cả đời đi làm nương rẫy, có biết CMND là gì đâu, đến khi đi ra xã xin làm các thủ tục, giấy tờ vay vốn ngân hàng chính sách họ hỏi về CMND và hộ khẩu mình mới biết. Từ nhà ra đến huyện xa quá, đi lại khó khăn nên bỏ qua luôn. Nên khi cán bộ về bản làm chứng minh thư cho dân, cả nhà mình đi làm hết".

Trung tá Lù Văn Thành thống kê từ ngày 1/7/2013 đến 15/12/2014, Công an huyện đã tiếp nhận 2.286 hồ sơ xin cấp CMND, trong đó đã cấp được 2.186 CMND cho nhân dân; trong đó, cấp mới: 1.397 CMND; cấp đổi: 641 CMND; cấp lại: 148 CMND. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, tiếp nhận 1.521 hồ sơ CMND, trong đó cấp mới 875 hồ sơ, cấp đổi 356 hồ sơ, cấp lại 920 hồ sơ; đã hoàn thiện hồ sơ và cấp phát 1.430 hồ sơ cho công dân trên địa bàn. Theo kế hoạch, đến năm 2018 việc cấp CMND cho dân sẽ cơ bản hoàn thành.

Lưu Hiệp - Hà Ly
.
.