11 Bộ trưởng Liban từ chức: Đằng sau vụ sụp đổ của chính phủ

Thứ Sáu, 21/01/2011, 17:35
Ngay sau khi 11 Bộ trưởng trong nội các do Thủ tướng Saad Hariri đứng đầu từ chức hôm 12/1, chính phủ đoàn kết dân tộc Liban lập tức sụp đổ. Điều này báo hiệu những bất ổn chính trị mới trên chính trường cũng như gia tăng căng thẳng giữa phong trào Hồi giáo Hezbollah được Syrie và Iran ủng hộ với những đảng được Mỹ, Phương Tây và Arập Xêút hậu thuẫn.

Bế tắc trong điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri

Việc rút khỏi nội các của 11 bộ trưởng thuộc Hezbollah đã được cảnh báo từ trước và mọi việc đều bắt nguồn bởi những bất đồng kéo dài xung quanh cuộc điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri cách đây gần 6 năm (2005-2011). 11 người kể trên đã "rũ áo ra đi" sau khi Thủ tướng Saad Hariri, con trai cựu Thủ tướng Rafik Hariri, từ chối tổ chức một phiên họp nội các đặc biệt để thảo luận khả năng các thành viên Hezbollah bị Tòa án đặc biệt về Liban (STL) truy tố vì liên quan tới vụ ám sát này.

Theo giới truyền thông, trong số 11 bộ trưởng kể trên có 10 người thuộc Liên minh 8 tháng 3 của Hezbollah và 1 người thân với Tổng thống Michel Suleiman. Theo Hiến pháp Liban, chính phủ sẽ sụp đổ khi có hơn 1/3 số thành viên nội các từ chức.

Sự việc này lại diễn ra đúng thời điểm Thủ tướng Saad Hariri đang có chuyến thăm Mỹ nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị trong nước. Vì những động thái kể trên nên Thủ tướng Saad Hariri buộc phải rút ngắn chuyến thăm Mỹ để tới Pháp hội đàm với Tổng thống Nicolas Sarkozy bởi chủ nhân Điện Elysée mới có cuộc điện đàm với Tổng thống Syrie Bashar al-Assad để tái khẳng định sự ủng hộ đối với chính quyền Liban.

Trước đó, Arập Xêút và Syrie cũng đã nỗ lực với vai trò trung gian hòa giải giữa các đảng phái chính trị tại Liban (từ tháng 8/2010), nhưng ngày 11/1, liên minh Hezbollah vẫn không chấp thuận giải pháp của họ. Giới bình luận cho rằng, nguyên nhân chính khiến Hezbollah rút khỏi nội các của Thủ tướng Saad Hariri là do các cuộc đàm phán giữa Syrie và Arập Xêút nhằm tìm ra thỏa hiệp đối với phiên tòa do Liên Hiệp Quốc ủng hộ thất bại.

Giới chuyên môn nhận định, căng thẳng và xung đột giữa người Hồi giáo dòng Shiite và dòng Sunni ở Liban sẽ bị thổi bùng lên nếu Tòa án đặc biệt về Liban công bố cáo trạng đối với một số thành viên Hezbollah liên quan tới vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri.

Không lối thoát

Phát biểu với giới truyền thông hôm 12/1, Bộ trưởng Năng lượng Gebran Bassil cho biết, các bộ trưởng của Hezbollah và đồng minh đã rút khỏi nội các. Hezbollah đưa ra quyết định kể trên sau khi yêu cầu của họ liên quan tới Tòa án đặc biệt về Liban bị từ chối. Mới đây, Hezbollah đã liên tiếp gây sức ép với Thủ tướng Saad Hariri để ông không thừa nhận tòa án kể trên, nhưng bất thành. Bộ trưởng Điện lực và Nguồn nước Jubran Bassil đã kêu gọi Tổng thống Michel Suleiman tiến hành bổ nhiệm tân thủ tướng sau khi nội các của Thủ tướng Saad Hariri sụp đổ.

Thủ tướng Saad Hariri (trái) với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ngoại trưởng Hillary Clinton và Thủ tướng Saad Hariri.

Ngày 22/11/2010, Hãng truyền thông CBC của Canada từng đưa tin, Tòa án đặc biệt về Liban đang nắm giữ các bằng chứng cho thấy Hezbollah đứng đằng sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri. Trước đó (cuối tháng 10 đầu 11/2010), thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã kêu gọi tẩy chay Tòa án đặc biệt về Liban. Cho tới nay, Hezbollah vẫn phủ nhận cáo buộc họ liên quan đến vụ ám sát ông Rafik Hariri và liên tục phản đối cuộc điều tra của Tòa án đặc biệt về Liban bởi coi đây là "kế hoạch của Israel".

Cách đây không lâu (27/11/2010), Thủ tướng Saad Hariri đã đến Iran để tìm kiếm sự hỗ trợ của nước này trong việc ngăn chặn bạo động khi Tòa án đặc biệt về Liban công bố kết quả điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri. Chuyến thăm này diễn ra chỉ hơn 1 tháng sau khi Tổng thống Iran Mahmoud Amadinejad có chuyến công du Liban. Kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Saad Hariri đã đến thăm Damascus 5 lần. Mặc dù bị Mỹ liệt vào danh sách các nhóm khủng bố, nhưng lực lượng do Hezbollah lãnh đạo được vũ trang vượt xa quân đội quốc gia và tổ chức này hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trên chính trường Liban bởi họ được Syrie và Iran hậu thuẫn.

Dư luận trong và ngoài khu vực đã có những phản ứng khác nhau ngay sau khi Chính phủ Liban sụp đổ hôm 12/1. Người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc cho biết, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tại Liban, đồng thời hối thúc tất cả các phe phái duy trì đối thoại và tôn trọng hiến pháp cũng như luật pháp Liban. Ngoài ra, ông Ban Ki-moon cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với Tòa án đặc biệt về Liban trong cuộc điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri.

Trong khi Liên đoàn Arập, Qatar và Ai Cập lên tiếng kêu gọi các phe phái ở Liban kiềm chế, thì Arập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ hối thúc Hezbollah trở lại chính trường để tránh đẩy Liban vào vòng xoáy bạo lực mới. Nhà Trắng đã lên tiếng chỉ trích hành động kể trên của Hezbollah. Mặc dù đang công du tới Doha, Qatar, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vẫn coi hành động của Hezbollah là một nỗ lực nhằm "lật đổ công lý và làm tổn hại tới toàn vẹn lãnh thổ cũng như độc lập của Liban"

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.