17 tướng Cảnh sát Nga bị cách chức

Thứ Năm, 04/03/2010, 15:30
Sau gần 2 tháng ký sắc lệnh về việc hoàn thiện mọi hoạt động trong Bộ Nội vụ (24/12/2009), ngày 18/2/2010, Tổng thống Dmitry Medvedev đã quyết định "thanh lọc lực lượng cảnh sát". Theo đó, 17 tướng, trong đó có 2 thứ trưởng Nội vụ bị cách chức. Đây được coi là cuộc thay đổi nhân sự lớn nhất trong lịch sử Bộ Nội vụ kể từ đầu năm 1990 đến nay.

Cuộc thanh lọc cần thiết

Trong quyết định ngày 18/2, Tổng thống Dmitry Medvedev đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Rashid Nurgaliyev phải hoàn tất bản kế hoạch cải tổ tổng thể cơ quan này, kể cả các biện pháp chống tham nhũng trước ngày 31/3 bởi nó sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2010. Tổng thống Dmitry Medvedev cho rằng, phải nghĩ đến một đạo luật mới về ngành cảnh sát, trong đó ghi rõ hoạt động của lực lượng này nhắm đến các mục đích cơ bản nào. Kể từ 1/12/2010, chức năng cơ bản của Bộ Nội vụ là chống tội phạm và bảo đảm trật tự xã hội, các chức năng khác được chuyển cho những cơ quan hữu trách.

Theo giới truyền thông, một trong những việc cần làm ngay, đó là giảm bớt những chức năng trùng lặp, thừa thãi và không phù hợp của lực lượng cảnh sát. Theo sắc lệnh hôm 18/2, Bộ Nội vụ sẽ mất đi một loạt chức năng và đặc quyền mà cơ quan này từng được thụ hưởng trong một khoảng thời gian khá dài. Tổng thống Dmitry Medvedev mong muốn, sau đợt cải tổ này, Bộ Nội vụ sẽ áp dụng những quy định tuyển dụng mới, cũng như tiến hành luân chuyển cán bộ, đồng thời thực hiện các biện pháp chống tham nhũng đã được chính phủ thông qua.

Giới chuyên môn cho rằng, ngoài việc "thanh lọc lực lượng cảnh sát", Tổng thống Dmitry Medvedev còn muốn thay đổi những bộ phận trực thuộc Bộ Nội vụ không còn phù hợp với tình hình thực tế. Dư luận rất quan tâm tới việc 2 người được bổ nhiệm thay thế 2 Thứ trưởng bị cách chức bởi họ là nhân viên của Văn phòng Tổng thống. Theo đó, ông Sergei Gherasimov, nguyên Phó thủ trưởng cơ quan bảo đảm quyền hiến định của công dân được cử thay thế Thứ trưởng Arkadi Yedelev, người đang quản lý mọi hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở khu vực Bắc Caucasus (Bắc Kavkaz). Ông Sergei Bulavin, nguyên thủ trưởng cơ quan pháp quyền nhà nước được cử thay thế Thứ trưởng Nikolai Ovchinnikov, chuyên trách phần quan hệ với các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, giới truyền thông và các tổ chức xã hội khác.

Trước đó (tháng 11/2009), Tổng thống Medvedev đã ký quyết định cho 20 quan chức cao cấp của Bộ Nội vụ nghỉ hưu. Theo sắc lệnh ký ngày 24/12/2009, khoảng 20% nhân viên cảnh sát và 2 bộ phận trong Bộ Nội vụ phải "bị xóa sổ" - hàng ngàn cảnh sát sẽ nghỉ hưu bởi lực lượng này đã và đang bị chỉ trích vì tham nhũng, lạm quyền và liên quan tới tội phạm. Việc cắt giảm khoảng 50% nhân viên đang làm việc tại Bộ Nội vụ - từ 19.970 người xuống còn 10.000 người, Tổng thống Dmitry Medvedev hy vọng sẽ cải thiện và nâng cao đời sống của những nhân viên còn lại.

Tổng thống Medvedev cũng nhấn mạnh tới mối quan tâm của nhà nước đối với lực lượng cảnh sát, đồng thời cam kết tăng lương và cải thiện điều kiện nhà ở cho họ và đây là nhiệm vụ hàng đầu trong đợt thanh lọc này.

Tổng thống Dmitry Medvedev cũng tuyên bố, kể từ năm 2010, tất cả nhân viên cảnh sát đều phải kê khai tài sản cá nhân và các thành viên trong gia đình mình. Bộ trưởng Nội vụ Rashid Nurgaliyev từng thừa nhận, một bộ phận đáng kể lực lượng cảnh sát Nga có liên quan đến tham nhũng và các hoạt động tội phạm. Đây là lời thừa nhận thẳng thắn nhất từ người đứng đầu Bộ Nội vụ về tình trạng tham nhũng trong lực lượng cảnh sát nước này. Chủ tịch Ủy ban chuyên phụ trách khối độc lập Duma quốc gia Alexei Alexeevich Ostrovsky cho rằng, Nga cần phải loại bỏ và ngăn ngừa những quan chức tham ô, nhận hối lộ.

Ngay sau khi nhận được sắc lệnh hoàn thiện hoạt động của Bộ Nội vụ hôm 24/12/2009, Bộ trưởng Nội vụ Rashid Nurgaliyev đã ký quyết định, theo đó lãnh đạo khu vực và đơn vị phải chịu trách nhiệm về những cán bộ thuộc quyền quản lý của mình. Giới bình luận coi quyết định thay đổi nhân sự của Tổng thống Dmitry Medvedev còn nhằm mục đích mạnh tay với những lãnh đạo không có khả năng làm việc. Trong số 17 tướng bị cách chức có 8 "đầu lĩnh khu vực" ở vùng Belgorod, vùng Rostov, vùng Tomsk, vùng Bryansk, vùng Novgorod, nước Cộng hòa Karachaevo-Cherkess, Cộng hòa Tuva và Cộng hòa Buryatia.

Những con số không thể bỏ qua

Dư luận Nga cho rằng, đa phần trong số 17 tướng bị cách chức từng bị giới truyền thông "điểm danh" bởi những vụ bê bối mà họ trực tiếp hoặc gián tiếp can dự. Nhiều người cho rằng, sẽ còn nhiều tướng tá phải ra đi trong đợt thanh lọc này. Đã và đang có những dư luận và phản ứng khác nhau xung quanh đợt thanh lọc mà Tổng thống Dmitry Medvedev đang tiến hành tại Bộ Nội vụ.

Đích thân Tổng thống Dmitry Medvedev kiểm soát việc cải tổ hoạt động của Bộ Nội vụ. Nhưng ông Dmitry Medvedev cũng đã trình Duma quốc gia một dự thảo luật liên quan đến việc cách chức những cán bộ Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Nội vụ Rashid Nurgaliyev cũng từng đưa ra một tuyên bố gây sốc (26/11/2009) khi cho rằng, người dân được chống cự lại nếu cảnh sát vô cớ tấn công họ.

Tổng thống Dmitry Medvedev và Bộ trưởng Nội vụ Rashid Nurgaliyev (trái), những cán bộ tham dự cuộc họp hôm 18/2 (phải).

Nhiều người cho rằng, sắc lệnh ngày 24/12/2009 được ký sau khi cảnh sát Aleksey Dymovski công bố trên Internet (tháng 11/2009) một "Thỉnh nguyện thư" gửi Thủ tướng Putin, kể về một loạt vi phạm trong lực lượng công lực vùng Novosibirsk và đề nghị chính quyền cải tổ Cơ quan Nội vụ. Dư luận coi đây là quyết định quan trọng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh quan liêu và tham nhũng đang diễn ra khá phổ biến ở Nga hiện nay.

Kể từ khi nhậm chức đến nay (7/5/2008), Tổng thống Nga luôn coi chống quan liêu và tham nhũng là ưu tiên hàng đầu. Việc thành lập Hội đồng chống tham nhũng trực thuộc Phủ Tổng thống là minh chứng rõ nhất cho nhận xét kể trên. Theo thống kê, trung bình mỗi năm ở Nga có hơn 2.000 án mạng hoặc mưu sát, 124.000 vụ cướp, 760.000 vụ trộm không được xử lý và chỉ riêng trong năm 2009 đã có khoảng 15.000 vụ cảnh sát tham nhũng được ghi nhận và đây là điều không thể chấp nhận, lời khẳng định của ông Dmitry Medvedev.

Dư luận khá quan tâm tới công bố của Tổ chức Phi chính phủ InDem Foundation ở Moskva khi cho rằng, trung bình mỗi năm người dân phải chi tới 318 tỉ rúp để "lo lót" cho cảnh sát. Có người cho rằng, tệ tham nhũng ở Nga đã thành một "quy tắc” ứng xử trong xã hội". Hãng Tư vấn và Kiểm toán quốc tế PricewaterhouseCoopers cũng công bố kết quả điều tra cho thấy, có tới 71% doanh nghiệp ở Nga là nạn nhân thường xuyên của "các loại tội phạm kinh tế".

Chủ tịch Ủy ban Bài trừ tham nhũng Liên bang Nga Anatoly Golubev cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đều phải chung chi để bôi trơn và những khoản tiền này chiếm tới 40% giá thành sản phẩm. Giới chuyên môn đánh giá, theo thời gian, tham nhũng ở Nga đã giúp mafia nước này vươn tới hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của đất nước, thách thức sự tồn vong của chế độ.

Cách đây không lâu, ông Rashid Nurgaliyev đã đích thân kiểm tra cơ cấu, bộ máy cảnh sát của thủ đô Moskva ngay sau khi xảy ra vụ nổ súng vô cớ của Thiếu tá cảnh sát Denis Evsiukov trong vụ giết chết 2 người dân và làm bị thương 7 người khác hồi tháng 4/2009. Ngoài việc cách chức tướng Vladimir Pronin, người đứng đầu ngành Cảnh sát Moskva, 4 quan chức Bộ Nội vụ quản lý địa bàn để xảy ra vụ nổ súng kể trên cũng phải ra đi.

Ngày 4/2/2009, tờ Moskovsky Kosomolec từng có bài mô tả cơ chế thu tiền phạt của cảnh sát giao thông để nộp lên các cấp lãnh đạo. Theo đó, mỗi cảnh sát giao thông phải nộp cho cấp trên từ 3.000 đến 5.000 rúp/ngày, tùy từng vị trí công việc của họ. Được biết, lương của một người mới vào ngành Cảnh sát Nga khoảng 14.400 rúp, trong khi để nuôi một gia đình trung bình ở Moskva phải cần khoản tiền gấp ba như thế

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.