20 năm mổ tách cặp song sinh Việt- Đức: Kỳ tích của trí tuệ, y đức

Thứ Tư, 15/10/2008, 14:00

Sáng ngày 4/10, tại TP HCM, Làng Hòa Bình, BV Từ Dũ TP HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 ngày ca mổ lịch sử tách rời cặp song sinh Việt - Đức. Bác sĩ, AHLĐ Nguyễn Thị Ngọc Phượng khẳng định rằng: kíp mổ kéo dài hơn hai tháng đã đi vào lịch sử y học thế giới, thành tựu của ca mổ tách rời Việt - Đức không đơn thuần là thành tựu về y học, đó là ca mổ quy tụ được trí tuệ, tình người...

Ngày 25/2/1981, Nguyễn Việt & Nguyễn Đức, con thứ 3 của một cặp vợ chồng sinh sống tại tỉnh Gia Lai chào đời với hình hài dị thường: song sinh dính theo kiểu “Ischiopagus Tripus”, hai cháu dính liền nhau phần bụng, có hai chân và một chân cụt chừng 20 phân, có chung một hậu môn, và một bộ phận sinh dục, hậu quả của chất độc da cam. Ba tháng tuổi, Việt - Đức được đưa ra Bệnh viện (BV) Việt - Đức Hà Nội điều trị theo ý kiến của cố Giáo sư Tôn Thất Tùng, để các cháu được chăm sóc tốt hơn, đến đầu tháng 12/1982 được chuyển vào BV Từ Dũ. Các phương tiện y học hiện đại đã phát hiện ra trong cơ thể chung của Việt - Đức chất chứa không biết bao nhiêu điều phức tạp làm đau đầu giới y học.

Vì sự sống của hai cháu, UBND TP HCM cho phép bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Ngọc Phượng - người trực tiếp tham gia theo dõi tình trạng Việt- Đức từ nhiều năm qua- lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ của ngành y tế thế giới trong trường hợp mổ cấp cứu. Ngày 22/5/1986, Việt bị hội chứng não cấp, sốt cao và hôn mê. Với sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, y bác sĩ Nhật, Việt - Đức được đưa sang Tokyo, ngành y tế Nhật tập trung tất cả các bác sĩ nhi giỏi nhất của Tokyo về hội chẩn. Sau 4 tháng 10 ngày chữa trị, ngày 29/10/1986 trở về VN, Việt khỏi bệnh nhưng mất vỏ não, không còn tri giác.

Đầu năm 1988, BV Từ Dũ đã đề nghị Sở Y tế TP HCM cho mổ tách hai cháu. Một êkíp mổ bao gồm các bác sĩ chuyên gia hàng đầu tại TP HCM đã nhanh chóng được thành lập bao gồm: Viện sĩ - TS Dương Quang Trung, GS-BS Trần Đông A, GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, GS Trần Thành Trai, GS Văn Tần, TS Nguyễn Tịnh Hiền, TS Vũ Lê Chuyên, GS Trần Văn Bình, TS Nguyễn Thị Tố Như... với hy vọng ca mổ sẽ có cơ hội thành công.

Sau 7 tháng chuẩn bị, 8h 30' ngày 4/10/1988, BS Trần Đông A, Trần Thành Trai, Văn Tần bước vào phòng mổ của BV Từ Dũ. 13 giờ 30 cùng ngày, giai đoạn tách xương được tiến hành. 16h 30', êkíp gây mê hồi sức yêu cầu ngưng mổ để cấp cứu, vì mạch, huyết áp của Việt biến động dữ dội. 19 giờ, BS Trần Đông A cắt mũi kéo cuối cùng, tách rời cặp song sinh Việt - Đức. Êkíp thầy thuốc trong ca mổ đều nặng trĩu tâm trạng, tất thảy đều chung suy nghĩ sẽ làm tất cả những gì có thể để cứu sống hai cháu Việt - Đức...

Đúng 23h 30', kết thúc mũi khâu chót, cả êkíp mổ sững sờ khi thấy đôi mi của Đức khẽ lay động. Đức từ từ hé mắt, chậm chạp đưa mắt nhìn quanh. BS Dương Quang Trung nghẹn ngào hỏi: “Đức, ngoại nè con, con nhận ra không?”. Đức nhìn ông khẽ gật đầu. Nhiều người trong phòng nghẹn ngào: “Sống rồi!”. BS Trần Đông A đứng lặng trong góc phòng, hai tay chắp trước ngực. Đây có lẽ là ca mổ chính quan trọng nhất trong cuộc đời y học đầy vinh quang của ông.

Nhưng như BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã nói, ca mổ Việt - Đức không chỉ là thành tựu về khoa học, đó là ca mổ quy tụ trí tuệ và tình người. Khi hay tin về ca mổ Việt - Đức, tại nhiều chùa, nhiều nhà thờ, các buổi cầu nguyện đã diễn ra, người ta hướng về ca mổ Việt - Đức bằng một tình thương vô hạn. Chỉ một ngày sau khi ca mổ thành công, người dân khắp nơi từ TP HCM, Hậu Giang, Bình Trị Thiên, Cà Mau, Bạc Liêu... đổ về BV Từ Dũ, tấp nập như đi hội để thăm êkíp mổ và hai cháu Việt - Đức. Có em nhỏ ôm cả con heo đất dành dụm của mình để tặng Việt - Đức. Bảng danh sách các nhà hảo tâm ở BV Từ Dũ dài thêm từng phút với tặng phẩm, tiền bạc của bà con. Trong đó có cả tiền của những phóng viên truyền hình Nhật Bản...

Năm 1983, Giáo sư Fujimoto Bunro đã đến thăm Việt - Đức. Về Nhật, ông phát động phong trào quyên góp và thành lập Hội Negaukai (Hội vì sự phát triển của Việt -  Đức), nhiều cuộc quyên góp cho hai cháu đã được thực hiện, có người Nhật khi ấy đã viết rằng, có lẽ một nửa dân chúng Nhật biết về cặp song sinh Việt - Đức.

Từ năm 1988, sau ca mổ, Việt - Đức sống trong tình thương, sự chăm sóc của các y, bác sĩ, y tá, bảo mẫu...  trong Làng Hòa Bình (BV Từ Dũ), Đức còn được các tổ chức nhân đạo Nhật Bản giúp đỡ phục hồi chức năng, làm chân giả. Mẹ và chị gái của Việt - Đức cũng được đưa vào làm việc tại làng Hòa Bình để gia đình sum họp. Họ được sắp xếp làm công việc lao công và đưa đón các em bé khuyết tật đến trường.

Mỗi ngày, Đức, mẹ và chị đều đến phòng chăm sóc đặc biệt để thăm Việt. Tất cả những phần dính chung như đại trực tràng, hậu môn, chân... Việt đã nhường cho Đức hết. Trên người Việt có nhiều mảnh ghép nhân tạo, suốt 19 năm trời, Việt sống đời thực vật...

Sống cho cả cuộc sống của Việt, Đức đã cố gắng học tập, nỗ lực trở thành nhân viên văn phòng Làng Hòa Bình, với một cuộc sống tự chủ, độc lập. Tháng 12/2006, Đức lấy vợ, vợ Đức là một cô gái xinh đẹp bình thường, đây là chuyện mà ngay cả những người giàu trí tưởng tưởng nhất cũng ít nghĩ đến trước khi ca mổ lịch sử năm 1988 được thực hiện...

Hơn 1h sáng 6/10/2007, sau khi trở bệnh nặng, Nguyễn Việt đã qua đời tại Làng Hòa Bình. Sự ra đi của Việt dù đã nằm trong tiên liệu của giới chuyên môn, nhưng đã khiến đội ngũ chăm sóc Việt 19 năm nay không khỏi bùi ngùi, dù 19 năm qua Việt chỉ nằm đó bất động.

Về sau này, khi càng lớn lên, hiểu hơn về những giá trị cuộc sống mà mình đang có được, Đức luôn tâm niệm: “Em sẽ phải sống tốt hơn với phần đời của anh Việt để xứng với những gì anh đã hy sinh cho em”

Thuận Thiên
.
.