ASEM 12: Kết nối để ứng phó với thách thức toàn cầu

Thứ Hai, 29/10/2018, 16:38
Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 đã diễn ra trong các ngày 17 và 18-10 tại Brussels (Bỉ) với chủ đề chính là tăng cường quan hệ đối tác giữa hai châu lục nhằm ứng phó các thách thức toàn cầu.

Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh chóng và khó lường, Diễn đàn ASEM lần thứ 12 nhằm đề ra định hướng, tầm nhìn hợp tác ASEM trong thập niên mới trên cả ba trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác giữa hai châu lục.

ASEM là diễn đàn đối thoại và hợp tác không chính thức, được sáng lập vào năm 1996. Thành viên ban đầu gồm 15 nước Liên minh châu Âu (Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Phần Lan, Đức, Áo, Hy Lạp, Iceland, Italy, Hà Lan, Luxembourg, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh và 7 nước ASEAN (Brunei, Indonesia, Malaysia, Phillipines, Xingapore, Thái Lan, Việt Nam), 3 nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và Ủy ban châu Âu. Đên nay, Diễn đàn ASEM đã có 53 thành viên, gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.

ASEM là cơ chế hợp tác rộng lớn của hai trung tâm kinh tế - chính trị đầu tàu của phát triển và đổi mới sáng tạo, với sự quy tụ của 53 thành viên, đại diện cho 60% dân số thế giới và đóng góp hơn 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu, ASEM đang ở thời điểm chuyển đổi quan trọng, cần đóng vai trò tiên phong trong thúc đẩy hợp tác và liên kết quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, cả hai khu vực đều trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng, nhiệm vụ của ASEM tiên phong thúc đẩy hợp tác và liên kết quốc tế.

Hàng loạt vấn đề có ý nghĩa quan trọng với châu Á và châu Âu cũng như toàn cầu đã được Diễn đàn ASEM thảo luận, cùng nhau đề ra giải pháp cho các mối quan tâm chung. Trong đó, biến đổi khí hậu là chủ đề được các nhà lãnh đạo Á - Âu hết sức chú trọng tại Diễn đàn lần này.

Theo đó, các nhà lãnh đạo thừa nhận những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra; tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của họ với Hiệp định Paris và kêu gọi hành động khẩn cấp của tất cả các quốc gia; bày tỏ quyết tâm giải quyết các mối đe dọa ngày càng tăng đối với môi trường; thừa nhận sự cần thiết phải hành động một cách đầy tham vọng và phối hợp để bảo đảm tốt hơn; nhấn mạnh cam kết của họ đối với các đại dương được quản lý sạch và bền vững.

Trong bối cảnh thương mại đa phương đứng trước những rủi ro chưa từng có, vấn đề thương mại, đầu tư Á - Âu, hợp tác và kết nối hai châu lục là các nội dung nổi bật tại Hội nghị cấp cao ASEM 12. Các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Á nhấn mạnh nhu cầu quan trọng của việc duy trì một nền kinh tế thế giới mở và duy trì hệ thống thương mại dựa trên quy tắc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); đề cao sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa và cải cách WTO để giúp nó đáp ứng những thách thức mới và cải thiện chức năng của mình; nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nhập kinh tế sâu hơn cả ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Lãnh đạo các nước tham dự Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 12.

Lãnh đạo châu Á và châu Âu cũng nhất trí tăng cường hợp tác cho các giải pháp hòa bình và an ninh vì lợi ích chung trong các vấn đề Triều Tiên, hạt nhân Iran, tình hình Afghanistan, Syria, Trung Đông, Bắc Phi và Ukraine. Bất chấp việc Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), châu Âu và châu Á cam kết thực thi đầy đủ và hiệu quả các cam kết liên quan đến hạt nhân, việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bao gồm những hậu quả phát sinh là một yếu tố then chốt của JCPOA; bảo toàn thỏa thuận hạt nhân Iran là hành động tôn trọng các thỏa thuận quốc tế, thúc đẩy an ninh, hòa bình và ổn định; cho rằng việc bảo tồn thỏa thuận hạt nhân với Iran là vấn đề tôn trọng các thỏa thuận quốc tế, và thúc đẩy an ninh quốc tế, hòa bình và ổn định.

Hơn nữa, tại Diễn đàn, lãnh đạo châu Âu và châu Á cũng kêu gọi Triều Tiên quay trở lại hiệp ước về sự không phổ biến vũ khí hạt nhân, hối thúc Bình Nhưỡng phá dỡ hoàn toàn tất cả các vũ khí hạt nhân, các loại vũ khí hủy diệt khác, tên lửa đạn đạo cũng như các chương trình và cơ sở hạt nhân, phù hợp với các nghị quyết liên quan của của Hội đồng Bảo an Liên Hiệåp Quốc (UNSC)...

Trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo cũng hối thúc Triều Tiên nhanh chóng trở lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí, các biện pháp an toàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và hợp tác với hệ thống giám sát của IAEA.

Với những kết quả đạt được, Diễn đàn ASEM lần thứ 12 đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về một ASEM có trách nhiệm và có khả năng thích ứng trong cục diện mới, đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương, đóng góp xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dân chủ hơn, qua đó khẳng định vai trò không thể thiếu của Diễn đàn trong trong cấu trúc đa cực đang định hình.

ASEM một lần nữa chứng minh rằng, đây là cơ chế mở, tạo ra cơ hội để các nhà lãnh đạo ở hai châu lục thảo luận cởi mở, xây dựng và thực chất về các vấn đề kinh tế, tài chính, các vấn đề khu vực và toàn cầu đang nổi lên hiện nay, đề ra những định hướng và biện pháp cụ thể nhằm tạo động lực mới cho quan hệ đối tác Á - Âu, đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và ứng phó hữu hiệu hơn với các thách thức toàn cầu.

Thành công của Hội nghị cấp cao ASEM 12 đã tạo những động lực mới cho quan hệ đối tác năng động và gắn kết Á - Âu, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của ASEM trong cục diện đang định hình. Việt Nam tham gia Diễn đàn ASEM với tư cách thành viên sáng lập năm 1996, từ đó đến nay, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc ý nghĩa trên chặng đường phát triển của ASEM.

Trong triển khai đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Diễn đàn ASEM tiếp tục là cơ chế hợp tác liên khu vực quan trọng để thúc đẩy các lợi ích, quan tâm về kinh tế, phát triển và an ninh của các nước thành viên.

Kông Anh
.
.