Afghanistan - cuộc chiến không hồi kết?

Thứ Hai, 05/02/2018, 16:38
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố năm 2017 miêu tả cuộc chiến ở Afghanistan là một sự "bế tắc kéo dài" khi Taliban không chỉ có khả năng mở rộng mà còn củng cố được những phần lãnh thổ đang chiếm giữ. Đầu năm 2018, các số liệu ghi nhận Taliban đang hoạt động công khai ở 70% các huyện của Afghanistan và kiểm soát hoàn toàn 4% lãnh thổ nước này.

Điều đáng nói, nó diễn ra trong bối cảnh Mỹ tăng thêm quân ở đây nhằm ngăn chặn các nước khác đang “tranh phần” ở đây, chứ chưa hẳn là ngăn Taliban hay IS.

Bất lực trước IS và Taliban

Phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban đang hoạt động công khai ở 70% các huyện của Afghanistan và kiểm soát hoàn toàn 4% lãnh thổ nước này. Đây là kết quả nghiên cứu của hãng truyền thông BBC công bố ngày 30-1. Ước tính trên được BBC đưa ra dựa trên các cuộc trao đổi với hơn 1.200 nguồn tin địa phương ở tất cả các huyện tại Afghanistan.

Con số này cao hơn nhiều so với đánh giá gần đây nhất của liên minh do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu. Liên minh này cùng ngày cho biết, tính đến tháng 10-2017, phiến quân Taliban tranh giành hoặc kiểm soát chỉ 44% các huyện của Afghanistan.

Ngày 27-1, một vụ đánh bom xe xảy ra ở khu vực tập trung nhiều tòa nhà văn phòng của các cơ quan nước ngoài cũng như chính phủ ở thủ đô Kabul đã khiến ít nhất 103 người thiệt mạng và 235 người bị thương. Đây được coi là một trong những vụ tấn công liều chết nghiêm trọng nhất tại quốc gia này trong thời gian gần đây. Vụ tấn công được cho là sẽ làm gia tăng áp lực lên chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani và các đồng minh khi Afghanistan luôn tin tưởng việc đẩy mạnh các chiến dịch quân sự nhằm đánh bật Taliban ra khỏi các khu vực trung tâm đang phát huy hiệu quả.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J.Mattis thăm một đơn vị của Mỹ tại Kabul.

Mới đây nhất, ngày 29-1, thủ đô Kabul của Afghanistan lại bị phiến quân thuộc IS tấn công, khiến ít nhất 11 binh sĩ Afghanistan tử trận. Trong những diễn biến mới đây, bao gồm cả vụ tấn công đẫm máu của IS vào văn phòng cứu trợ nhân đạo "Save the Children" ở Jalalabad, đã cho thấy sự cần thiết phải có những đánh giá thường xuyên hơn về cuộc xung đột này.

Sự bế tắc đang trở nên trầm trọng hơn, phức tạp hơn một cuộc xung đột và trở nên gần giống cuộc nội chiến ở nước này trong những năm 90 của thế kỷ trước hoặc cuộc chiến dai dẳng ở Syria do thiếu vắng những chiến lược toàn diện và tất cả các bên đều leo thang quân sự. Rõ ràng, trong 1 tháng gần đây, cả IS và Taliban đã dồn dập tấn công thủ đô Kabul trong sự bất lực của Chính phủ Afghanistan. Điều này đặt ra nghi vấn về hiệu quả của những hỗ trợ mà Mỹ dành cho Chính phủ Afghanistan.

Nước Mỹ càng tăng quân, khủng bố càng mạnh lên

Sau khi Mỹ tiến vào Afghanistan hồi cuối năm 2001, Taliban đã rất suy yếu. Nhiều thủ lĩnh và binh lính Taliban đã thiệt mạng hoặc phân tán ở những vùng xa xôi của Pakistan và Afghanistan. Tuy nhiên, lực lượng này dần dần giành lại được sức mạnh và chiến thắng trong một số hoạt động quân sự quan trọng năm 2017.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao chính quyền Kabul và lực lượng an ninh của Chính phủ Afghanistan, được Mỹ hậu thuẫn và đào tạo lại không ngăn chặn được các cuộc tấn công? Theo hãng tin AP, vấn đề then chốt nằm ở chỗ lực lượng này đã được thành lập quá vội vã, tập hợp nhiều thành phần dân quân khác nhau, thuộc các sắc tộc khác nhau, thậm chí có những nhóm trước đó còn chống lại nhau. Thời gian huấn luyện cho lực lượng này lại không nhiều, không ít binh sĩ đã được "tung lên" chiến tuyến sau chưa đầy 2 tháng huấn luyện.

Điều nghiêm trọng hơn cả là với cơ chế tổ chức lỏng lẻo như trên, người của Taliban đã thâm nhập vào hàng ngũ lực lượng Afghanistan, giúp chúng thực hiện các cuộc tấn công ngay từ bên trong, làm cho tình hình an ninh trở nên tệ hại hơn.

Trong khi đó, Mỹ và các lực lượng đồng minh không huấn luyện một số lượng lớn binh lính Afghanistan để chiến đấu với Taliban. Lính biệt kích tinh nhuệ của Afghanistan chiến đấu khá tốt song lực lượng đặc nhiệm này chỉ chiếm 17.000 trong tổng số 300.000 lính trong quân đội nước này. Bên cạnh đó, một số nước láng giềng vẫn hậu thuẫn cho Taliban, đang đóng một vai trò có ảnh hưởng tiêu cực.

Lính Mỹ truy tìm khủng bố ở Afghanistan. Ảnh: RallyPoint.

Với những vấn đề nghiêm trọng trên, việc chỉ triển khai thêm một vài nghìn quân ở Afghanistan khó có thể mang lại cho Mỹ một chiến thắng rõ ràng. Vì vậy Tổng thống Donald Trump đã quyết định bổ sung thêm quân, từ 8.400 lên 13.000 và tiếp tục bổ sung đến mức cuối cùng là 16.000 quân.

Bên cạnh đó, chính sách này nhấn mạnh việc Mỹ củng cố các lực lượng Afghanistan, bởi “lực lượng an ninh Afghanistan càng mạnh thì Mỹ càng phải làm ít hơn” - CNN dẫn lời ông Donald Trump nói. Nhưng điều đó đi ngược lại với những gì mà ông Donald Trump đã hứa khi tranh cử là rút quân khỏi Afghanistan.

Trước thực tế tại Afghanistan, Mỹ đang tái bố trí lực lượng trở lại Afghanistan. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố một chiến lược mới, dựa trên việc điều nhiều quân hơn và gây áp lực lên Taliban. Tuy nhiên, đã bao lần Mỹ đưa ra chiến lược với nước này nhưng đâu là lý do khiến Mỹ không thể thoát khỏi bế tắc trong cuộc chiến ở Afghanistan?

Viện Nghiên cứu Brookings phân tích về chính sách Afghanistan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh, cần thay đổi sự can dự của Mỹ tại quốc gia này khi Mỹ đã chi hơn 1.000 tỷ USD và mất hơn 2.400 quân tại đây mà không hề có tiến triển gì. Hồi tháng 5-2017, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia (DNI) Dan Coats cảnh báo tình trạng tại Afghanistan “hầu như chắc chắn sẽ trở nên xấu đi” vào năm 2018 cho dù Mỹ có gia tăng sự hỗ trợ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện rất cần có một chiến thắng trong cuộc chiến đang diễn ra ở Afghanistan. Tuy nhiên, quốc gia Trung Á với 35 triệu dân này tiếp tục đưa ra những lựa chọn khó khăn và những hiện thực khắc nghiệt.

Ông Trump cũng giống như người tiền nhiệm Barack Obama của mình, đang chật vật để hiểu ra rằng Mỹ và một thực thể như Taliban đánh giá về chiến thắng và thất bại theo những cách hoàn toàn khác nhau. Tại Mỹ, đang có 2 xu thế khi bàn về vấn đề Afghanistan.

Nhiều chính trị gia cấp cao cho rằng không có triển vọng cho một chiến thắng ở Afghanistan. Trong khi đó cũng có hướng suy nghĩ ngược lại. Tướng John W.Nicholson, chỉ huy trưởng các lực lượng Mỹ tại Afghanistan, đã công khai giải pháp của mình là đánh bom vào các cánh đồng trồng thuốc phiện của Taliban với hy vọng việc phá hủy nguồn cung tài chính này sẽ làm suy yếu ý chí chiến đấu của chúng.

Trong khi đó, Chuẩn tướng Lance Bunch có vẻ lạc quan về khả năng đánh bại Taliban theo chiến lược an ninh quốc gia mới mà ông Donald Trump đã phê chuẩn. Báo The Washington Examiner cho biết “chính quyền mới của Mỹ cho phép các sĩ quan chỉ huy quân sự tấn công các mạng lưới của Taliban và nguồn thu nhập của chúng, đồng thời hỗ trợ cho các lực lượng Afghanistan ở thực địa theo những cách thức chưa từng có từ trước tới nay. Một sự thay đổi quan trọng khác là các cố vấn quân sự Mỹ hiện đang sát cánh với các lực lượng Afghanistan, những người gần với cuộc chiến nhất”.

Chiến thuật này cũng sử dụng các chiến thuật tương tự như đã áp dụng để chống lại IS ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, Mỹ cũng phải chứng tỏ khả năng suy nghĩ nghiêm túc và khác biệt so với các chính sách cũ, và điều này đòi hỏi sự hợp tác với các quốc gia khác.

Cần phải đối phó với cuộc chiến ở Afghanistan trên 2 mặt trận: mặt trận quân sự, và quan trọng hơn cả là mặt trận ngoại giao. Mỹ cần theo đuổi sự lựa chọn ngoại giao đa diện để giải quyết cuộc xung đột Afghanistan, thậm chí sẵn sàng chấp nhận rằng Taliban chắc chắn sẽ đóng một vai trò trong bất cứ chính phủ tương lai nào của Afghanistan.

Sự chấp nhận này ở phía chính quyền Donald Trump sẽ tạo ra một sự thay đổi khác trong chính sách Mỹ: khuyến khích Pakistan và Trung Quốc tiến hành các bước đi cần thiết để đưa Taliban vào bàn đàm phán.

Chống khủng bố hay tranh đoạt tài nguyên?

Tuy nhiên, sự “vòng vo” trong chiến lược mới của ông Donald Trump khiến người ta nghi ngờ và đặt câu hỏi rằng có phải nước Mỹ mượn cớ tiêu diệt khủng bố ở Afghanistan để ngăn chặn Trung Quốc hay Nga chuẩn bị hợp tác với Afghanistan để khai thác các nguyên liệu chiến lược tại vùng đất này.

Được biết, trữ lượng khoáng sản của Afghanistan được đánh giá là khổng lồ, bao gồm các vỉa quặng sắt, coban, vàng và lithium, những nguyên liệu chiến lược được sử dụng trong sản xuất pin công nghệ cao dùng cho máy tính xách tay, điện thoại và xe ô tô điện. Quyết tâm của ông Donal Trump sẽ được thể hiện thông qua việc dùng tài nguyên khoáng sản phong phú của Afghanistan nhằm cung cấp tài chính cho quá trình tái thiết quốc gia này, quốc gia bị chính Mỹ và các đồng minh của Mỹ phá hủy sau 16 năm chiến tranh.

Một báo cáo nội bộ của Lầu Năm Góc (đề năm 2007), được tờ New York Times trích dẫn vào ngày 14-10-2014 cho rằng Afghanistan có thể trở thành “Saudi Arabia về lithium”. Tướng Mỹ David H. Petraeus, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã tuyên bố rằng “có một tiềm năng (tài nguyên khoáng sản) không thể tin nổi ở đây (Afghanistan)”.

Một lính Mỹ bị thương khi giao tranh với Taliban.

Trong khi chính phủ của Tổng thống Ghani đang chào mời người đồng cấp Donald Trump tăng cường đầu tư vào lĩnh vực mỏ của Afghanistan, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác lithium, thì Trung Quốc đã có những hành động trước bằng việc thực hiện các dự án mỏ và năng lượng, thành lập các dự án đường ống dẫn dầu và tạo ra các hành lang giao thông.

Trung Quốc là một đối tác chính của Afghanistan về thương mại và đầu tư (bên cạnh Nga và Iran), điều này có nguy cơ đụng chạm đến lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ tại khu vực Trung Á. Trung Quốc còn dự định mở con đường trên bộ để kết nối Afghanistan với khu tự trị Tân Cương.

Theo ước tính, các nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác của Afghanistan có trị giá lên đến 3 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đã mua quyền khai thác số lượng rất lớn các mỏ đồng và than đá, giành được quyền trong việc khai thác dầu mỏ vốn đã được đồng ý cho các công ty nước ngoài khai thác từ nhiều thập kỷ qua. Trung Quốc cũng đang nhìn sang các “vựa” lithium khổng lồ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đầu tư trong lĩnh vực thủy điện, nông nghiệp và xây dựng.

Theo các nhà phân tích, các căn cứ quân sự của Mỹ tại Afghanistan chính là yếu tố giúp cho Mỹ nắm được nguồn tài nguyên phong phú của Afghanistan. Theo tờ Foreign Affairs, lực lượng của Mỹ đã được triển khai tại Afghanistan nhiều hơn bất kỳ khu vực chiến đấu ác liệt nào khác, trong đó nhiệm vụ chính là tiêu diệt Taliban, al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trong khuôn khổ “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”.

Mục tiêu thật sự đằng sau tuyên bố tăng cường sự hiện diện quân sự Mỹ tại Afghanistan mà Tổng thống Donald Trump đưa ra phải chăng là nhằm ngăn chặn Trung Quốc thiết lập quan hệ thương mại và đầu tư với Afghanistan.

Trong khuôn khổ Hiệp ước An ninh Mỹ-Afghanistan, vốn nằm trong chiến lược xoay trục sang châu Á dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ và các nước đối tác của NATO đã thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực tại Afghanistan, bao gồm các căn cứ quân sự gần phía tây Trung Quốc. Hiệp ước này cho phép Mỹ duy trì 9 căn cứ quân sự thường trực nằm tại các vị trí mang tính chiến lược tại biên giới với Trung Quốc, Pakistan, Iran, Turkmenistan, Uzbekistan và Tadjikistan.

Tuy nhiên trên thực tế, sự hiện diện quân sự của Mỹ đã không ngăn được Trung Quốc tăng cường mối quan hệ thương mại và đầu tư với Afghanistan. Bắc Kinh và Kabul đã ký thỏa thuận về đối tác chiến lược năm 2012. Afghanistan cũng được hưởng vị thế quan sát viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ngoài ra, quốc gia láng giềng Pakistan là thành viên đầy đủ của SCO đã thiết lập các mối quan hệ song phương chặt chẽ với Trung Quốc...

Cuộc chiến ở Afghanistan không thể có hồi kết khi mỗi bên có một mục đích rất riêng...

Nguyễn Hòa
.
.