Ai Cập: Bỏ phiếu cho tương lai

Thứ Tư, 07/12/2011, 16:14
Ngày 28/11/2011, người dân Ai Cập đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lịch sử - cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên kể từ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak từ chức trong cuộc biểu tình "Mùa xuân Arập".

Trong cái hân hoan của người dân Ai Cập khi cầm trên tay lá phiếu quyết định vận mệnh tương lai của đất nước mình, người ta lại thấy những bất ổn còn rình rập, bởi quân đội vẫn chưa chịu từ bỏ quyền lực, bởi các đảng phái chính trị Ai Cập đối chọi nhau rất quyết liệt.

Cuộc bầu cử lịch sử được đánh dấu bằng thái độ tham gia tích cực của người dân. Bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày 28/11, rất đông người Ai Cập đã đến các điểm bỏ phiếu và xếp hàng rồng rắn chờ đến lượt mình vào phòng bỏ phiếu. Có thể nói, đối với họ, cuộc bầu cử này là lần đầu tiên sau thời ông Mubarak họ được tự do quyết định tương lai, vận mệnh đất nước mình.

Tuy nhiên, đó chỉ là ý nghĩa về mặt lý thuyết. Trên thực tế, nhiều người đánh giá cuộc bầu cử tại Ai Cập đã diễn ra một cách gượng gạo và chỉ là sản phẩm của quân đội nhằm xoa dịu phần nào cơn giận của người biểu tình phản đối suốt hơn 10 ngày qua ở Quảng trường Tahrir. Nhìn vào cách tổ chức luộm thuộm, vội vàng cũng đủ thấy cuộc bầu cử không diễn ra theo đúng kế hoạch đã định mà chỉ là một giải pháp nhất thời.

So với người Tunisia thì cuộc bầu cử của người Ai Cập kém vinh quang và trang trọng hơn; người ta đi bầu trong tâm trạng "cho tròn trách nhiệm", nhưng trong lòng còn ấm ức, không thoải mái. Đó là vì, họ đi bỏ phiếu trong tình trạng an ninh được siết chặt nghiêm ngặt, với cảnh sát và binh lính canh gác thường trực.

Người ta đi bầu cử trong khi Quảng trường Tahrir vẫn đang sôi sục với hàng ngàn người tiếp tục biểu tình trong khói súng, đạn mù mịt của những ngày nóng bỏng cách đây vài hôm. Ít nhất 42 người đã chết và 3.000 người bị thương dưới sự đàn áp của quân đội khi họ quyết liệt đòi quân đội phải rời bỏ quyền lực, giao quyền quyết định vận mệnh đất nước lại cho nhân dân. Vì thế, cuộc bầu cử đã không thể giải quyết được vấn đề cốt lõi của đợt biểu tình "tập hai" của người Ai Cập.

Người dân Ai Cập xếp hàng bỏ phiếu trong sự canh giữ của binh lính và cảnh sát.

Cuộc bầu cử Quốc hội Ai Cập có 6.000 ứng cử viên thuộc tất cả các đảng phái tranh nhau 500 ghế trong Quốc hội. Xét về tương quan lực lượng hiện nay, tổ chức Hồi giáo Muslim Brotherhood được đánh giá cao hơn các đảng phái còn lại. Từng một thời bị kìm hãm hoạt động, thậm chí cấm đoán, sau khi ông Mubarak bị truất phế, Muslim Brotherhood được tự do hoạt động và đang là lực lượng chính trị có tổ chức tốt nhất ở Ai Cập. Tham gia kỳ bầu cử này, Muslim Brotherhood đã lập ra đảng phái mới có tên gọi là Tự do và Công lý (FJP). Đối lập với Muslim Brotherhood, Khối Ai Cập (Egyptian Bloc) chống Hồi giáo và Liên minh Cách mạng liên tục (Revolution Continues Alliance) gồm đảng Dòng chảy Ai Cập (Egyptian Current) và một đảng nhỏ do thành viên biểu tình sáng lập.

Trong cái không khí chộn rộn của cuộc bầu cử hấp tấp ấy, các đảng phái chính trị Ai Cập thậm chí còn không tuân thủ các quy định của Ủy ban Bầu cử quốc gia về vận động tranh cử trước và trong quá trình bỏ phiếu. Đảng FJP đã lập ra các nhóm "tình nguyện viên" trẻ  năng động mang máy tính xách tay (laptop) đứng ở các góc phố "chiến lược" ở Cairo để hướng dẫn cử tri đi đến điểm bỏ phiếu, phát những tờ hướng dẫn và cả thông tin giới thiệu về ứng cử viên của FJP.

Cạnh tranh quyết liệt với Muslim Brotherhood, các đảng phái Hồi giáo khác như đảng Trung tâm (Center Party) và Egyptian Current cũng cử người đi vận động khắp nơi ngay cả trong ngày bầu cử. Nhiều ứng cử viên đã tỏ ra "thức thời" khi tránh né đề cập vấn đề Hiến pháp mà chỉ tập trung những lới hứa đại loại như giáo dục tốt hơn, y tế tốt hơn, công bằng và công lý, và chống tham nhũng. Do phần lớn các ứng cử viên đều đưa ra các khẩu hiệu, chương trình hành động tranh cử giông giống nhau, cho nên giới phân tích dự báo, ai có được sự tin tưởng cá nhân đối với cử tri thì người đó sẽ giành chiến thắng.

42 người chết và khói lửa ngập tràn Quảng trường Tahrir trong đợt biểu tình "tập hai".

Bất luận kết quả cuộc bầu cử thế nào, tương lai của Quốc hội Ai Cập sẽ không suôn sẻ như mong đợi. Giới phân tích nhận định, trong tình hình quân đội không chịu từ bỏ quyền lực, Quốc hội được bầu sẽ chẳng có cơ hội thể hiện quyền lực tối cao của mình để đáp ứng các nguyện vọng, nhu cầu thiết thân của người Ai Cập. Một nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội mới là chọn ra một Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới. Nhưng những động thái gần đây, như việc thẳng tay đàn áp và không đáp ứng yêu cầu của người biểu tình trong hơn 10 ngày qua, cho thấy Quốc hội mới sẽ không có nhiều quyền tự do ngay cả trong việc chọn lựa người cho Ủy ban soạn thảo Hiến pháp.

Ngay cả lịch trình làm việc của Quốc hội mới cũng đã được quân đội định sẵn. Lãnh đạo quân đội còn thẳng thừng tuyên bố "quân đội sẽ không trao cho Quốc hội mới bất cứ quyền hành nào", và trong Hiến pháp mới mà Quốc hội sẽ soạn thảo, quân đội sẽ phải được trao quyền lực đặc biệt vĩnh viễn. Ngày 27-11, Thống tướng Mohamed Hussein Tantawi tuyên bố "vị thế của quân đội sẽ vẫn như cũ, không thay đổi trong bất kỳ Hiến pháp mới nào".

Nhiều người Ai Cập cho rằng, thà có cuộc bầu cử không mấy hay ho này còn hơn là tràn ra đường phố. Vì dù yếu thế, không nhiều quyền hành, nhưng Quốc hội vẫn là diễn đàn đấu tranh hiệu quả hơn với Hội đồng vũ trang tối cao đầy quyền lực của quân đội

Văn Trương (Tổng hợp)
.
.