Ai Cập truy lùng những tên khủng bố

Thứ Hai, 25/07/2005, 07:47

Ai Cập - quốc gia được đánh giá là an ninh nhất trong khu vực Trung Đông đã biến thành "chảo lửa" sau 3 vụ đánh bom ở khu nghỉ mát Sharm el-Sheik trên biển Đỏ làm 88 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương vào ngày 23/7.

Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử Ai Cập suốt 13 năm qua. Vụ việc cũng đã dấy lên một mối lo mới đối với những quốc gia ở Trung Đông muốn tham gia cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ đứng đầu.

Mịt mù thông tin điều tra

Ngày 24/7, Quốc hội Ai Cập đã họp phiên khẩn cấp bàn về các biện pháp phòng chống khủng bố, khắc phục hậu quả vụ nổ bom và mở chiến dịch truy lùng thủ phạm quy mô lớn.

Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak sau khi đến hiện trường vụ tấn công khủng bố đã thề sẽ truy đuổi đến cùng những kẻ táng tận lương tâm, phá hoại không khí thanh bình của một trong những khu nghỉ mát đẹp và nổi tiếng nhất Ai Cập.

Tin từ báo chí địa phương cho biết, có hơn 70 kẻ tình nghi khủng bố đã bị lực lượng an ninh Ai Cập bắt giữ. Tuy nhiên, các thông tin điều tra đến nay vẫn nhập nhằng, mịt mờ.

Một số nhân chứng kể lại rằng, họ thấy một người đàn ông chạy ra khỏi chiếc xe có chứa bom đỗ ngoài cửa khách sạn Ghazala Gardens.

Thế nhưng, một bản fax không rõ địa chỉ của một nhóm mang tên Những chiến binh thánh chiến Ai Cập (Mujahedi Masr) đã được gửi về một số tòa báo ở Ai Cập đe dọa sẽ có những vụ tấn công mới. Nhóm này còn cho biết, trong số những người thiệt mạng có 5 thành viên của chúng là những kẻ đã tham gia đánh bom liều chết.

Trong khi đó, một nhóm khác tự nhận là Lữ đoàn Abdullah Azzam, chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria và Ai Cập đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom.

Đến giờ, cảnh sát Ai Cập đã xác định được mối liên hệ giữa vụ tấn công này và vụ đánh bom làm 34 người thiệt mạng hồi tháng 10 năm ngoái tại khu nghỉ Taba. Điều đáng chú ý là Lữ đoàn Abdullah Azzam trước đó cũng nhận là thủ phạm gây ra vụ đánh bom ở Taba.

Hiện trường thảm khốc của vụ nổ

Sau Ai Cập là quốc gia nào?

Qua điều tra bước đầu, cảnh sát Ai Cập cho biết, có khoảng 300kg thuốc nổ được sử dụng trong 3 vụ đánh bom liên tiếp ở khu nghỉ mát Sharm el-Sheik. Các chuyên gia chống khủng bố nhận định rằng có mối liên hệ giữa các vụ đánh bom ở London và Ai Cập, bởi trong 2 vụ này, thủ phạm đều là "người nhà".

Hơn nữa, Ai Cập bị tấn công bởi lẽ trong thời gian gần đây, Chính phủ nước này có xu hướng ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ đứng đầu. Cuốn băng video về nhà ngoại giao mất tích của Ai Cập mà mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tại Iraq đưa ra trước đó đã cho thấy những lực lượng Hồi giáo cực đoan sẽ không buông tha Ai Cập chừng nào nước này còn tham gia các hoạt động an ninh với phương Tây.

Câu hỏi được đặt ra là sau Ai Cập sẽ là nước nào? Không nơi đâu có thể an toàn nếu bọn khủng bố tiếp tục hoành hành. Thế nhưng, có điểm cần lưu ý là các nhà phân tích nhấn mạnh rằng Trung Đông, mà cụ thể là Israel có thể sẽ trở thành “miếng mồi” thứ 2 sau vụ đánh bom ở Ai Cập.

Những gì đã xảy ra hồi cuối tuần vừa qua đã cho thấy mạng lưới Al-Qaeda đang bị phân chia làm 2 nhánh: một nhánh chỉ đánh các nước phương Tây, còn một nhánh thì không muốn "tha bổng" cho bất kỳ một nước nào ủng hộ Mỹ, kể cả những người anh em Hồi giáo

Phương Linh
.
.