Ai đứng đằng sau vụ đánh bom liều chết tại Iran?

Chủ Nhật, 25/10/2009, 15:15
Vụ tấn công nhằm vào ngay lực lượng tinh nhuệ và nòng cốt nhất của Iran lại xảy ra giáp biên giới Pakistan đang đặt ra nhiều giả thuyết về kẻ chủ mưu. Chưa hết hành động này diễn ra đúng một ngày trước cuộc gặp quan trọng tại Vienna, Áo, trong khuôn khổ Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế, nhằm thực hiện hiệp ước ký hôm 1/10 tại Genève giữa Iran và cộng đồng quốc tế.

42 người trong đó có 7 tướng lĩnh hàng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng (LLVBCM) Iran thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát sáng 18/10. Vụ khủng bố diễn ra tại cuộc họp giữa các tướng lĩnh của LLVBCM Iran và những người đứng đầu các bộ tộc Hồi giáo dòng Shiite và Sunni địa phương vào khoảng 8h ngày 18/10 theo giờ địa phương tại một phòng tập thể thao ở thành phố Pisheen, gần biên giới với Pakistan. Kẻ tấn công đã cho phát nổ khối chất nổ đeo quanh người hắn. Đây là vụ đánh bom nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua ở Iran.

Hãng thông tấn Fars của Iran cho biết, trong số 7 tướng lĩnh thiệt mạng có tướng Noor Ali Shooshtari, Phó tổng tư lệnh binh chủng bộ binh thuộc Vệ binh Cách mạng và tướng Rajab Ali Mohammad-Zadeh, Tư lệnh vùng Sistan-Baluchistan. 3 tướng lĩnh khác đến từ tỉnh lân cận Kerman và nhiều người đứng đầu các bộ tộc ở tỉnh Baluch Sistan-Baluchestan cũng đã thiệt mạng trong vụ đánh bom này.

Ngay sau vụ tấn công đẫm máu trên, nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Sunni Jundallah (Chiến binh của Thượng đế), đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Abdolmalek Rigi là thủ lĩnh Jundallah, nhóm bị cáo buộc từng tiến hành nhiều vụ tấn công tương tự tại tỉnh giáp biên giới AfghanistanPakistan. Tháng 5/2009, Jundallah tuyên bố nhận trách nhiệm vụ đánh bom làm chết 25 người tại một đền thờ Hồi giáo dòng Shiite ở Zahedan, thủ phủ của tỉnh Sistan-Baluchistan, vốn là nơi chứng kiến những vụ tấn công đẫm máu nhất của nhóm này. 13 thành viên Jundallah đã bị kết tội tham gia vào vụ này và bị treo cổ hồi tháng 7 vừa qua.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Iran đã liên tục phát đi những bản thông báo khẳng định Mỹ, Anh và Pakistan đã đứng đằng sau vụ tấn công này. Ngay sau khi xảy ra vụ đánh bom, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani đã lên tiếng cáo buộc Mỹ dính líu đến vụ tấn công khủng bố này, cho rằng vụ việc này thể hiện sự thù địch của Mỹ đối với Iran. Trong khi đó, LLVBCM Iran cũng cáo buộc các phần tử nước ngoài liên quan tới Mỹ dính líu tới vụ đánh bom.

Cùng ngày, Truyền hình Nhà nước Iran dẫn các nguồn thạo tin cho rằng Anh cũng dính líu trực tiếp đến vụ tấn công khủng bố này. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad còn cáo buộc các điệp viên Pakistan dính líu tới cuộc đánh bom tự sát trên, đồng thời lên tiếng kêu gọi Pakistan bắt giữ những kẻ tấn công.

"Chúng tôi yêu cầu Chính phủ Pakistan nhanh chóng chuyển giao tên Abdolmalek Righi. Chúng tôi nhận được tin rằng nhóm của Righi có quan hệ trực tiếp với các cơ quan tình báo của Mỹ, Anh và cả Pakistan. Rõ ràng là tên này đã làm theo lệnh của họ. Tehran sẽ cử một đoàn công tác sang Pakistan để đưa ra bằng chứng và yêu cầu được dẫn độ Righi về nước" - Hãng thông tấn Fars dẫn lời ông Ahmadinejad cho hay.

Thật dễ hiểu khi Tehran tố cáo các thế lực đứng đằng sau vụ tấn công này. Nên biết rằng tổ chức Jundallah được biết đến trong quá khứ là một tổ chức được Cơ quan Tình báo Mỹ bảo trợ. Khi Mỹ triển khai cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan vào năm 2001, CIA đã cử nhiều điệp viên đến đây huấn luyện và vũ trang cho người Baluch để tiến hành các cuộc truy quét tàn quân của tổ chức khủng bố Al-Qaeda trên lãnh thổ Pakistan, Iran và Afghanistan. Tham gia huấn luyện cho người Baluch, ngoài các điệp viên CIA còn có các nhân viên tình báo Pakistan.

Abdolmalek Rigi được CIA tuyển dụng để đảm nhận vai trò lãnh đạo tổ chức này sau chuyến công du của Phó tổng thống Mỹ Dick Chenney đến Pakistan vào tháng 10/2005. Được tài trợ về tài chính và huấn luyện nghiệp vụ quân sự bởi CIA, Rigi đã triển khai các hoạt động phá hoại và khủng bố của tổ chức Jundallah khắp miền Nam Iran và trở thành mục tiêu bị tiêu diệt của chính quyền Iran.

Nạn nhân vụ đánh bom hôm 18/10 tại Iran.

Theo giới phân tích, mục đích của những kẻ khủng bố không chỉ là muốn phá vỡ an ninh tại tỉnh Sistan-Baluchistan, nơi người ta lo ngại những chiến dịch quân sự có thể làm bùng phát xung đột bạo lực giữa các bộ tộc trong khu vực (khi đó các phần tử vũ trang dòng Hồi giáo Sunni và các tay súng của tổ chức khủng bố Al-Qaeda sẽ đổ vào miền Đông Nam nước này) mà còn muốn thử phản ứng của Tehran trước khi chính quyền nước này tham gia vào cuộc đàm phán quan trọng với phương Tây về vấn đề hạt nhân của nước này tại Vienna, Áo, ngày 19/10.

Cuộc gặp này nhằm hiện thực hóa cam kết của Tehran trong việc chuyển toàn bộ lượng uranium làm giàu ở mức 5% sang một nước thứ ba và nhập về uranium làm giàu 20% để vận hành các nhà máy điện nguyên tử. Sau ngày đàm phán đầu tiên, Giám đốc IAEA, Mohamed ElBaradei cho biết các bên đã bước đầu đạt được kết quả. Mọi vấn đề về kỹ thuật đều được đưa ra bàn thảo.

Trước cuộc họp này diễn ra, Tehran từng tuyên bố nếu thất bại họ sẽ tự sản xuất uranium làm giàu 20% để phục vụ cho nhu cầu năng lượng của mình

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.