Al-Qaeda “nhúng tay” vào loạt vụ đánh bom khủng bố ở Bangladesh?

Thứ Sáu, 19/08/2005, 10:14

350 quả bom phát nổ gần như đồng loạt ở 58 tỉnh, thành Bangladesh ngày 17/8/ là hành động khiêu khích của nhóm Hồi giáo cực đoan Jamaa'tul Mujahideen Bangladesh (JMB), mang lời cảnh tỉnh cho nhân loại thế giới về một đại hiểm họa - khủng bố.

Không chỉ còn là cường quốc mà giờ đây, những quốc gia bé nhỏ, ít vai vế trên thế giới cũng đang trở thành nơi để các lực lượng khủng bố "trút cơn thịnh nộ".

Con số 2 người thiệt mạng và 200 người khác bị thương không phải là quá lớn nhưng sức công phá của những quả bom tự tạo này thì không giấy bút nào kể xiết. Bom nổ tứ tung khắp nơi như bến xe buýt, ga xe lửa, tòa nhà Chính phủ, tòa báo, chợ, trung tâm thương mại… Thế là Bangladesh, quốc gia vốn nghèo, đang lâm vào cơn khủng hoảng kinh tế trở nên tiêu điều, xơ xác chỉ trong vòng có nửa giờ đồng hồ.

Nỗi lo hiện lên trên từng khuôn mặt mỗi người, trẻ nhỏ thì ngơ ngác, bàng hoàng, còn người già chỉ biết ôm đầu kêu than trời đất. Trong hàng chục giờ liền, đường phố vắng tanh, người dân không dám ra ngoài đường, thậm chí nhiều văn phòng làm việc nước ngoài còn tạm thời đóng cửa, các cuộc họp báo cũng bị hoãn lại.

Tình hình hỗn loạn đã khiến Thủ tướng Bangladesh Begum Khaleda Zia, hiện đang ở Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ngay lập tức gửi thông điệp kêu gọi dân chúng bình tĩnh và yêu cầu đặt mức báo động an ninh trên toàn quốc.

Cho đến chiều 18/8, công tác điều tra các vụ tấn công khủng bố này vẫn chưa thu được nhiều kết quả, chỉ thu được những tờ truyền đơn tại một số khu vực bị tấn công. Gần 100 kẻ tình nghi đã bị bắt giữ và đang chịu thẩm vấn. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin thì chắc chắn loạt vụ nổ bom nói trên phải do cùng một kẻ chủ mưu và được thực hiện bởi một nhóm gồm ít nhất là 300 người.

Điểm đáng lưu ý chính là việc những quả bom tự tạo được làm một cách chuyên nghiệp và công phu bằng chất liệu từ những vật dụng hàng ngày trong gia đình. Giới phân tích cho rằng, nếu chỉ là thành viên nhóm JMB hành động thì chưa đủ mà phải có sự hiệp lực của ít nhất 3 nhóm khác nhau. Hơn nữa, nhóm JMB và nhóm Jagrata Muslim Janata Bangladesh (JMJB) hay còn gọi là Bangla Bhai đều đã bị Chính phủ Bangladesh cấm hoạt động từ rất lâu nên khó có khả năng tài chính (dù là nhỏ) để chi trả cho loạt vụ nổ bom này.

Tổ chức có thể đứng ra tài trợ cho JMB không ai khác chính là mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Các cơ quan tình báo Bangladesh tiết lộ, năm 2002, họ đã nhận được tin tức tình báo của cơ quan tình báo Ấn Độ về sự có mặt của thủ lĩnh thứ hai của mạng lưới Al-Qaeda tại Bangladesh.  Tên này tên là Ayman al-Zawahiri, thường được người ta gọi là Phó tướng của Osama Bin Laden. Đáng tiếc là khi đó lực lượng an ninh Bangladesh lại quá sơ hở và coi thường chuyện này. Năm 2003, thành viên của tổ chức Hồi giáo Harkat ul-Jehad bị bắt giữ ở thành phố Calcutta, phía Đông Ấn Độ, đã khai toàn bộ về sự xuất hiện của al-Zawahiri và mục đích chiêu mộ tân binh và thành lập một chi nhánh của Al-Qaeda tại Bangladesh.

Đã đến lúc cần nhìn nhận một cách thực tế hơn nữa phương thức chống khủng bố trên toàn thế giới. Có thể nhận thấy một điều rằng khủng bố đã không chỉ còn là chuyện quan tâm của các cường quốc bị coi là kẻ thù số 1 của họ, mà giờ đây nhiều loại mục tiêu được nhắm đánh và sự sơ hở của mỗi một quốc gia cũng trở thành cơ hội để lực lượng khủng bố tấn công

Huyền Chi
.
.