Âm mưu thâm độc của Nguyễn Công Bằng và “đảng vì dân”

Thứ Ba, 23/03/2010, 15:15
Thất bại cay đắng, kể cả việc Nguyễn Công Bằng móc nối với Trương Minh Đức rồi phong cho gã này danh hiệu “ký giả”, đại diện “liên đảng Lạc Hồng” tại miền Tây Nam Bộ nhưng mới chỉ làm “đại diện” được vài hôm, Trương Minh Đức đã bị Cơ quan An ninh Việt Nam bắt, rồi ra tòa lĩnh án, Nguyễn Công Bằng vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá đất nước.
>> Sự thật về Nguyễn Công Bằng và tổ chức phản động “đảng vì dân”

Nguyên là học sinh Trường trung học Nguyễn Trung Trực ở thị xã Rạch Giá, Trương Minh Đức cư trú tại Thị trấn Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Năm 1994, Đức gia nhập "đảng vì dân", đồng thời tham gia cái gọi là "khối 8406". Thời gian này, theo chỉ đạo của Nguyễn Công Bằng, Trương Minh Đức liên tục xúi giục, kích động người dân khiếu kiện ở một số tỉnh phía Nam, đồng thời viết và tán phát nhiều bài xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những bài viết ấy, Nguyễn Công Bằng cho tung lên trang web của "đảng vì dân". Ngoài ra, Đức còn rải truyền đơn kêu gọi "tẩy chay bầu cử Quốc hội khóa XII".

Ngày 5/5/2007, Trương Minh Đức bị bắt rồi sau đó bị kết án 5 năm tù giam vì lợi dụng các quyền tự do dân chủ. Ngày 16/4/2007, Nguyễn Công Bằng và số cầm đầu "đảng vì dân" đã chỉ đạo hai tay chân đến trụ sở tiếp dân ở số 1 Mai Xuân Thưởng, Hà Nội để tiếp xúc, phỏng vấn, nhận đơn khiếu nại, tố cáo của một vài người dân và hứa phát tin, ảnh lên mạng Internet.

Sau đó hai gã này đến nơi trọ của những người ấy, cho mỗi người 5 kg gạo và 10.000 đồng gọi là tiền "chụp ảnh", đồng thời tán phát "tạp chí Hoa Mai" và kích động họ tiếp tục khiếu kiện. Bên cạnh đó, Nguyễn Công Bằng còn cho người thâm nhập vào điểm nóng xảy ra đình công ở các khu công nghiệp và các tỉnh có những vấn đề về tranh chấp  đất đai, tiếp xúc với số công nhân và người khiếu kiện, lên tiếng cổ xúy cho hành động của họ trên “tạp chí Hoa Mai”.

Từ trái qua: Đoàn Văn Diên, trần Thị Lệ Hồng, Đoàn Huy Chương, Trương Minh Đức.

Riêng Đài phát thanh Hoa Mai, Bằng chỉ đạo phóng viên liên lạc, phỏng vấn người khiếu kiện, thổi phồng sự việc, kích động gây rối, hứa hẹn sẽ gửi tiền về Việt Nam cho họ ăn nghỉ, đi lại để khiếu kiện dài ngày. Đặc biệt, Bằng cho tay chân tiếp cận, làm quen với một nhóm bác sĩ trẻ của Đại học Y Dược TP HCM, rồi dùng danh nghĩa "các Mạnh Thường Quân", chi tiền cho nhóm này để tiến hành các đợt khám bệnh, phát thuốc từ thiện.

Trong các chuyến đi từ thiện ấy, người của Nguyễn Công Bằng dùng nhiều cách, khéo léo tìm hiểu tâm tư, tình cảm của từng bác sĩ rồi lồng vào đó các luận điệu tuyên truyền mà mục đích không ngoài việc tuyển chọn thành viên cho "đảng vì dân".

Sử dụng danh nghĩa "Chương trình trợ giúp xã hội cho Việt Nam", Nguyễn Công Bằng tiến hành tiếp xúc với một số trường đại học, trung học, tiểu học, các cơ quan từ thiện ở TP HCM, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước cùng một số tỉnh miền Trung với lời hứa hẹn rằng sẽ xây tặng cho nơi này một trung tâm vi tính, nơi kia một khu thí nghiệm, nơi nọ hàng chục phòng học, cấp hàng trăm học bổng..., trị giá hàng trăm nghìn USD nhưng tất cả chỉ là những lời nhăng cuội.

Song song với những việc đó, Nguyễn Công Bằng móc nối với Đoàn Văn Diên, để đẻ ra cái gọi là "Hiệp hội đoàn kết công nông", mà mục tiêu nhằm tuyên truyền, kích động giới công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, kêu gọi họ đình công, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, sản xuất - nhất là với những doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Đoàn Văn Diên, sinh năm 1954 tại Quảng Nam. Sau khi bị cụt 1 chân vì cưa bom lấy thuốc nổ đem bán, Diên về sống ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Do có năng khiếu viết chữ đẹp, nên ông ta thường xuyên nhận viết đơn khiếu kiện cho nhiều người để kiếm tiền. Bên cạnh đó, Diên theo đạo Tin Lành nên mỗi khi nổi cơn cao hứng, ông ta còn tự xưng mình là... "mục sư" mặc dù cái chức mục sư ấy, chưa hề được những người có thẩm quyền trong Giáo hội Tin Lành công nhận. Cũng qua việc tiếp xúc với những người thuê Diên viết đơn khiếu kiện tại một quán cà phê do Trần Thị Lệ Hồng làm chủ, Diên quen - rồi sau đó sống như vợ chồng với Hồng.

Trần Thị Lệ Hồng, sinh năm 1959, quê ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, đã có chồng, có hai con ở Bình Thuận nhưng bỏ chồng, vào Định Quán, Đồng Nai bán cà phê mà thực chất núp bóng kinh doanh để hành nghề mại dâm và môi giới mại dâm. Theo tài liệu của Đội Kiểm tra liên ngành 814 huyện Định Quán, tiệm cà phê của Hồng đã từng bị xử lý 3 lần vì mở nhạc trong danh mục cấm, môi giới mại dâm nhưng chưa đến mức phải bị truy cứu hình sự.

Tháng 11/2005, Đoàn Văn Diên xuống TP HCM, dẫn theo Trần Thị Lệ Hồng và đôi "mèo mả gà đồng" này sinh sống bằng cách mua bán điện thoại di động cũ, đồng thời kiêm cả việc giới thiệu sản phẩm cho Công ty Phát triển thương hiệu Việt Hoàng, bỏ mối cà phê cho Công ty TNHH Mê Trang.

Về chỗ ở, ông ta nay đây mai đó, lúc ở TP HCM, lúc về Định Quán và có thời kỳ Diên đến ở nhờ nhà Nguyễn Hồng Quang, người tự xưng là "mục sư Hội trưởng Hội thánh Tin Lành Menmonite", tại đường Trần Não, quận 2.

Diên khai nhận trong thời gian ở nhà Nguyễn Hồng Quang, ông ta thường xuyên được Quang cho coi các bài viết xuyên tạc tình hình đất nước trên trang web Hoa Mai, Ý kiến, Hoa biển, Vì dân... và được Quang hướng dẫn cách tạo địa chỉ, cách sử dụng hộp thư trên mạng Internet.

Từ đó, Đoàn Văn Diên quen biết, rồi bắt đầu đặt mối liên lạc với hai nhân vật ở nước ngoài là Trịnh Thị Ngọc Anh và Nguyễn Công Bằng, là những kẻ cầm đầu tổ chức phản động có tên gọi "đảng vì dân"...

Tháng 6-2006, một nhân vật trong Hội thánh Tin Lành Menmonite của Nguyễn Hồng Quang là "thầy Tâm" đến nhà Đoàn Văn Diên, tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai và yêu cầu Diên tập hợp hình ảnh của tất cả mọi tín đồ đạo Tin Lành thuộc khu vực Định Quán, giao cho Nguyễn Hồng Quang để Quang tổ chức khóa học gọi là "Luật nhân quyền".

Kiểm đi đếm lại mãi, cuối cùng Đoàn Văn Diên chỉ tìm được... chính mình, nhân tình của mình là Trần Thị Lệ Hồng và con trai là Đoàn Huy Chương. Bị nhân dân khu vực đường Trần Não, quận 2 phản đối, lớp "Luật nhân quyền" do Nguyễn Hồng Quang chủ xướng, không thực hiện được.

Thời điểm ấy, Diên vẫn giữ liên lạc với Nguyễn Công Bằng, Trịnh Thị Ngọc Anh và được Bằng, Anh cho biết về những hoạt động của tổ chức "đảng vì dân". Sốt sắng tham gia, Đoàn Văn Diên (bí danh là Bảy) đưa con trai mình là Đoàn Huy Chương (lấy bí danh là Nguyễn Tấn Hoành) và nhân tình là Trần Thị Lệ Hồng (bí danh Nguyễn Thị Lệ Hồng) vào tổ chức.  

Để chứng minh thực lực, một bữa Đoàn Văn Diên dẫn Trần Thị Lệ Hồng và Đoàn Huy Chương ra khu đất vắng ở Định Quán, dùng điện thoại di động trả lời phỏng vấn của Đài Phát thanh Á châu tự do (RFA), do Trịnh Thị Ngọc Anh thiết kế. --PageBreak--

Trong khi trả lời những câu hỏi của RFA, Đoàn Huy Chương tự xưng tên mình là Nguyễn Tấn Hoành, lu loa rằng vì sợ Cơ quan An ninh Việt Nam phát hiện nên đây là buổi phỏng vấn cực kỳ bí mật, trong một... khu rừng hoang vắng, được nhiều thành viên của tổ chức "đảng vì dân" cảnh giới kỹ lưỡng. Nội dung những câu hỏi và trả lời đều nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống Nhà nước Việt Nam.

Ngày 1/7/2006, Trịnh Thị Ngọc Anh thông báo cho Đoàn Văn Diên, rằng đã gửi 6.000 USD để Diên mua sắm điện thoại di động, máy vi tính, máy in, nhằm mục đích in tờ rơi, tuyên truyền cho sự ra đời của tổ chức "đảng vì dân", cũng như xuyên tạc đường lối, chính sách Nhà nước rồi tán phát.

Nhưng phần lớn số tiền ấy, Đoàn Văn Diên và Trần Thị Lệ Hồng dùng vào việc ăn chơi, du hí ở nhiều nơi. Để đánh lừa, Diên báo cáo với Nguyễn Công Bằng, Trịnh Thị Ngọc Anh là đã in xong một số truyền đơn và dự định sẽ rải ở Quốc lộ 20 và khu vực Tân Vạn, tỉnh Bình Dương. Tiếp theo, Diên... xin thêm tiền để thực hiện kế hoạch. Giữa tháng 7/2006, Cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai mời Đoàn Văn Diên lên làm việc. Biết là đã bị lộ, Đoàn Văn Diên thề sống thề chết, xin được tha thứ. Sau đó, Diên nằm im.

Tháng 10/2006, biết rằng nếu tiếp tục tham gia trong tổ chức của Nguyễn Công Bằng, Trịnh Thị Ngọc Anh thì cũng chẳng xơ múi gì vì Bằng không chịu chi thêm tiền. Hơn nữa, sự liên hệ giữa Diên với Bằng, Anh thì Công an cũng đã nắm rõ nên Đoàn Văn Diên (lấy bí danh là Hoàng Thanh Thủy) bắt liên lạc với Đỗ Thành Công, rồi cung cấp cho Công danh sách một số người mà Diên cho rằng đã móc nối được và sẵn sàng gia nhập tổ chức "đảng dân chủ nhân dân".

Lập tức, Đỗ Thành Công phong cho Đoàn Văn Diên làm "khu bộ trưởng" của cái gọi là "đảng dân chủ nhân dân", đồng thời chỉ đạo Diên thành lập "Hiệp hội đoàn kết công nông", thu thập tin tức về các cuộc đình công ở Việt Nam chuyển sang Mỹ, để tuyên truyền, tung tin đồn gây mâu thuẫn trong giới công nhân với chủ doanh nghiệp.

Để moi tiền của Đỗ Thành Công, Đoàn Văn Diên viết báo cáo về việc cử Nguyễn Tấn Ninh làm "bí thư dân chủ nhân dân" tại tỉnh Đồng Nai, cùng những khó khăn về tài chính trong công tác. Tổng cộng, Đỗ Thành Công gửi cho Đoàn Văn Diên 3.000 USD, để Diên hoạt động.

"Hiệp hội đoàn kết công nông" ra đời được Đỗ Thành Công tuyên truyền rầm rĩ trên mạng Internet. Một số cuộc đình công tự phát của công nhân ở vài khu công nghiệp tại TP HCM, Đồng Nai được Đoàn Văn Diên, Đoàn Huy Chương, Trần Thị Lệ Hồng nhận vơ là do tài tổ chức của mình rồi được Đỗ Thành Công thổi phồng, y như tại Việt Nam đã có một tổ chức công đoàn đối lập thật sự.

Bên cạnh chức vụ "khu bộ trưởng" của Đoàn Văn Diên, Đỗ Thành Công còn phong cho Phùng Quang Quyền, Trần Duy Thơ làm "khu bộ phó", cho Trần Thị Lệ Hồng, Đoàn Huy Chương làm đại diện... công nhân!

Gần giữa tháng 11/2006, Đoàn Văn Diên cùng Trần Thị Lệ Hồng tổ chức in tờ rơi tại nhà trọ số 319/26 đường Lạc Long Quân, quận 11, TP HCM theo mẫu do Đỗ Thành Công chuyển sang, nội dung kêu gọi giới công nhân đình công, phá nhà máy, hủy hoại tài sản của chủ doanh nghiệp - nhất là các doanh nghiệp có vốn nước ngoài để tạo dư luận xấu, ngăn cản đầu tư.

1h sáng ngày 14/11/2006, khi đang tiến hành rải tờ rơi ở khu vực xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, Đoàn Văn Diên và Trần Thị Lệ Hồng bị bắt với tang vật gồm 42 tờ rơi, ký tên Đỗ Thành Công. Tiếp theo, đến lượt Đoàn Huy Chương vào nhà đá.

Từ đó, "Hiệp hội đoàn kết công nông" - tay chân của bọn phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài với nhân sự chỉ gồm cặp “mèo mả gà đồng” Đoàn Văn Diên, Trần Thị Lệ Hồng cùng Đoàn Huy Chương bị xóa sổ - trong đó Trương Minh Đức lĩnh án 5 năm tù giam, Đoàn Văn Diên 4 năm, Trần Thị Lệ Hồng 3 năm, Đoàn Huy Chương và Phùng Quang Quyền 1 năm rưỡi tù giam.

Không từ bỏ âm mưu chống phá đất nước, bên cạnh việc liên kết chặt chẽ với “chính phủ Việt Nam tự do” của Chánh “bịp”, âm mưu tiến hành các vụ đánh bom, đặt chất nổ, khủng bố những cơ quan, trụ sở của Nhà nước Việt Nam đặt ở nước ngoài, đầu năm 2009, Nguyễn Công Bằng còn quyết tâm hơn qua việc móc nối với nhóm chuyên đi khiếu kiện Dương Âu ở Lâm Đồng với ý đồ đưa nhóm này qua Campuchia, Thái Lan huấn luyện, rồi mua sắm vũ khí, chất nổ, tung về nước tiến hành khủng bố.

Tuy nhiên, bằng tinh thần cảnh giác, vào 7h15’ ngày 26/8/2009, Bộ đội Biên phòng Đồn 933, tỉnh An Giang đã bắt quả tang Dương Âu, Trương Văn Kim, thường trú ở Lâm Đồng nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam. Tiến hành kiểm tra hành chính, Đồn 933 phát hiện trong hành lý của Dương Âu, có một ổ cứng di động (USB), chứa đựng nhiều đơn thư tố cáo "Chính quyền, Công an tỉnh Lâm Đồng đàn áp nhân dân", một số bài viết trong tạp chí bán nguyệt san "Tự do ngôn luận" - là tờ báo xuất bản trái phép của cái gọi là "nhóm 8406", một số tài liệu liệt kê các quân, binh chủng, vũ khí, khí tài của Lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam...

Nhận thấy vụ việc có tính chất nghiêm trọng, liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã bàn giao Dương Âu, Trương Văn Kim cho Công an tỉnh An Giang để chuyển về Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an để xác minh, xử lý.

Từ đây, mới lòi ra thêm những kế hoạch, âm mưu thâm độc của Nguyễn Công Bằng...

Chuyên đề ANTG sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những hoạt động vi phạm luật pháp của “nhóm Dương Âu” khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng

Hòa Xuân
.
.