Ấn Độ - Pakistan: Vẫn tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh

Thứ Sáu, 16/01/2009, 08:15
Cách đây vài ngày, Pakistan đã đưa hàng ngàn binh lính tới giáp khu vực biên giới Ấn Độ và tuyên bố sẵn sàng đương đầu với New Delhi. Mới đây, Ấn Độ một lần nữa yêu cầu Pakistan giao nộp những phần tử bị New Delhi cáo buộc đã gây ra vụ khủng bố trên đất Ấn Độ. Bất chấp những nỗ lực vận động ngoại giao của quốc tế từ hơn một tháng nay, giới phân tích nhận định nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa hai cường quốc nguyên tử châu Á này chưa được loại bỏ.

Ngày 3/1/2009, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã nhắc lại yêu cầu phía Pakistan giao nộp 20 tên khủng bố của tổ chức Lashkar và đề nghị Pakistan tỏ rõ tinh thần hợp tác chống khủng bố. Ông Manmohan Singh cũng cho biết thêm rằng, chiến tranh không phải là giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Trước đó, ngày 26/12/2008, Pakistan khởi sự đưa hàng ngàn quân đến vùng biên giới với Ấn Độ. Việc chuyển quân là sự leo thang đáng lo ngại giữa hai nước láng giềng có vũ khí nguyên tử này và cũng sẽ ảnh hưởng tới chiến dịch chống Al-Qaeda và Taliban mà Pakistan đang tiến hành dưới sự hỗ trợ của Mỹ tại các vùng biên giới với Afghanistan.

Giới tình báo Pakistan cho hay, Sư đoàn 14 bộ binh được tái bố trí đến hai thị trấn Kasur và Siakot, gần biên giới Ấn Độ. Nguồn tin này nói rằng có khoảng 20.000 quân đã được điều động. Một viên chức an ninh Pakistan cho biết mọi đơn xin nghỉ phép của binh sĩ nước này đều bị đình hoãn.

Trước đó một ngày, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã gặp các tư lệnh quân đội để thảo luận về tình hình an ninh hiện nay, đồng thời Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng cảnh báo công dân nước này không nên tới Pakistan.

Các nhà phân tích cho rằng việc tái bố trí lực lượng của Islamabad có vẻ là một hành động nhằm cảnh cáo Ấn Độ không được phóng tên lửa vào lãnh thổ của Pakistan, một phản ứng mà nhiều người dự đoán có thể xảy ra từ phía Ấn Độ.

Phát biểu trước báo chí về động thái chuyển quân trên, ngày 27/12/2008, Thủ tướng Pakistan Yousaf Raza Gilani nói đây không phải là hành động khiêu khích, mà Pakistan chỉ muốn chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với cuộc tấn công có thể của Ấn Độ.

Ông Gilani cho biết thêm: "Pakistan không muốn chiến tranh, nhưng lúc nào cũng sẵn sàng để đối phó. Các nước đang cố gắng để thuyết phục Ấn Độ từ bỏ ý đồ tấn công, Pakistan sẽ không hành động mà chỉ có phản ứng, nhưng quân đội tinh nhuệ của Pakistan sẵn sàng bảo vệ người dân và tổ quốc".

Thủ tướng Pakistan tuyên bố sẵn sàng đương đầu với Ấn Độ.

Trước tình hình này, Mỹ đã kêu gọi 2 nước kiềm chế. Trung Quốc và Iran cũng kêu gọi cả Ấn Độ và Pakistan nên tránh tạo thêm căng thẳng. Trả lời phỏng vấn của Hãng tin AP về vấn đề này, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cho biết cần lưu ý Pakistan, Ấn Độ về nguy cơ chiến tranh.

Ông Powell yêu cầu cộng đồng quốc tế hiện giờ phải nói chuyện với Pakistan, cùng lúc đề phòng Ấn Độ phản ứng quá đà và nhấn mạnh rằng, tình hình hiện nay cũng đòi hỏi các nỗ lực đa phương như sau vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ năm 2001.

Ấn Độ, Mỹ và Anh đều khẳng định vụ tấn công Mumbai hồi cuối tháng 11/2008 là do thành phần nhóm Hồi giáo Lashkar-e-Taiba gây ra. Chính phủ Ấn Độ còn cáo buộc nhóm khủng bố Lashkar-e-Taiba do Cơ quan Tình báo Pakistan thành lập trong thập niên 80 của thế kỷ trước để sử dụng chống lại Ấn Độ trong vùng tranh chấp lãnh thổ ở Kashmir. Ngay sau khi căng thẳng leo thang, Chính phủ Mỹ đã tìm cách giúp Pakistan và Ấn Độ, cùng là đồng minh của Mỹ, thỏa hiệp giải quyết các rắc rối trong cuộc điều tra này.

Báo chí Mỹ cho rằng Chính phủ Pakistan mới do Tổng thống Asif Ali Zardari chưa chắc đã kiểm soát được guồng máy an ninh và tình báo của quân đội, mà những người trong đó có liên hệ với các nhóm khủng bố ở Kashmir trong việc chống lại Ấn Độ. Thực tế thì do lo sợ leo thang quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan, trước đó Washington đã yêu cầu Islamabad "dọn dẹp dứt điểm" khu vực tây bắc nước này, nơi quân đội Pakistan đang đương đầu với lực lượng Taliban và chiến binh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.

Ngày 5/1 vừa qua, Ấn Độ tái khẳng định rằng nhóm Lashkar đã huấn luyện 10 tên khủng bố dưới sự giúp đỡ của các cơ quan tình báo Islamabad. Để chứng minh điều này, Ấn Độ đã chuyển cho Chính phủ Pakistan nội dung các cuộc điện thoại, báo cáo các bản thẩm vấn tội phạm và băng ghi âm các cuộc nói chuyện được cơ quan an ninh của Ấn Độ thu được.

New Delhi cho rằng đây là những bằng chứng không thể chối cãi, chứng tỏ rằng vụ tấn công khủng bố vào Mumbai cuối tháng 11/2008 là do Pakistan tổ chức. Động thái trên của Ấn Độ nằm trong chiến dịch tấn công ngoại giao trên quy mô lớn nhằm thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng Islamabad đứng đằng sau vụ tấn công vào Ấn Độ vừa qua. Hiện Pakistan cho biết họ sẽ kiểm tra những bằng chứng này và sẽ có câu trả lời sớm nhất.

Cũng nằm trong chiến dịch tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh Pakistan - Ấn Độ, trung tuần tháng 12/2008, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã có chuyến thăm tới cả Ấn Độ và Pakistan. Tại Islamabad, ông Brown đã cam kết tài trợ cho Pakistan 9 triệu USD để phía Pakisan làm mọi cách miễn sao không còn tên khủng bố nào có thể tìm thấy chỗ ẩn náu trên lãnh thổ nước này.

Các khu vực bộ lạc phía tây bắc Pakistan, giáp biên giới Afghanistan, từ trước đến nay luôn được coi là một trong những nơi ẩn náu chính của Al-Qaeda. Những năm gần đây, mạng lưới khủng bố này đã khôi phục được các hoạt động tại khu vực trên nhờ vào sự giúp đỡ của tàn quân Taliban ở PakistanAfghanistan.

Pakistan là một trong những nạn nhân chính của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu với 50 cuộc tấn công tự sát chỉ riêng trong năm 2008 và trong vòng 16 tháng gần đây, gần 1.500 người đã bị giết trong các cuộc tấn công khủng bố của các phần tử Taliban ở Pakistan thân với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.

Mới đây nhất, ngày 4/1 vừa qua, một vụ tấn công liều chết tại khu vực kể trên của Pakistan đã làm ít nhất 7 người chết ,trong đó có 5 viên chức cảnh sát và 28 người khác bị thương.

Về phía Ấn Độ, tình hình cũng không khá hơn trong những ngày đầu năm 2009. Ngay ngày đầu tiên của năm mới, hàng loạt vụ nổ bom khủng bố đã diễn ra tại Guwahati, bang Assam, đông bắc Ấn Độ, làm ít nhất 5 người chết và 50 người bị thương.

Trước sự gia tăng các vụ tấn công khủng bố tại cả Ấn Độ và Pakistan kể từ sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào Mumbai hồi tháng 11/2008, cộng đồng quốc tế tỏ ra hết sức lo ngại và kêu gọi hai quốc gia láng giềng này nên kiềm chế vì mọi cuộc “so găng” quân sự bằng cách này hoặc cách khác đều không đem lại bất cứ kết quả nào

Hà Bắc (Tổng hợp)
.
.