Ấn Độ - Italia: Căng thẳng ngoại giao vì “bao che tội phạm”

Thứ Năm, 28/03/2013, 12:40

Ngày 15/3 vừa qua, Tòa án Tối cao Cộng hòa Ấn Độ đã ban bố một sắc lệnh thông báo cho tất cả các sân bay, cũng như các trạm cửa khẩu đường bộ, đường sắt và đường biển trên toàn quốc ngăn chặn việc xuất cảnh của ông Daniele Mancini, đương kim Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Italia tại nước này. Đây là vụ căng thẳng ngoại giao chưa từng xảy ra trong lịch sử gần 7 thập niên bang giao giữa 2 nước.

Nguyên do là Đại sứ D. Mancini đã không giữ đúng lời hứa, khi đứng ra bảo lãnh cho 2 phạm nhân Salvatore Girone và Massimiliano Latorre, cũng là 2 lính thủy đánh bộ người Italia bị bắt giữ về tội sát hại 2 ngư dân Ấn Độ để họ được tạm tha trong vòng một tuần lễ, hòng trở về quê nhà thực hiện quyền công dân tham gia cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối tháng 2 vừa qua. Nhưng đến khi hết thời hạn cho phép, đột nhiên phía Rome lại không thực hiện như lời cam kết trong bức thư của Ngoại trưởng Italia Giulio Terzi di Sant'Agata, mà đơn phương thông báo 2 quân nhân S. Girone và M. Latorre sẽ tiếp tục cùng gia đình đón lễ Phục sinh vào cuối tháng 3 này, cũng như để ngỏ khả năng không cho dẫn độ "2 công dân ưu tú" của mình trở lại nhà tù Ấn Độ.

Tuy rằng Đại sứ D. Mancini đã gửi tới Tòa án bang Kerala 826.000 euro, tương đương 60 triệu rupi tiền Ấn Độ là khoản hiện kim bảo lãnh "thế chân tại ngoại dài hạn" theo luật pháp Italia cho cả 2 phạm nhân. "Động thái này nhằm dọn đường để 2 can phạm S. Girone và M. Latorre không bao giờ xuất hiện ở đây nữa, cố tình trốn tránh sự trừng phạt của luật pháp qua một phiên tòa xét xử tội danh giết người sắp được mở", vị đại diện Viện Công tố bang Kerala lên tiếng nhận định với báo giới.

Vụ việc khiến 2 lính thủy đánh bộ Italia bị Hải quân Ấn Độ bắt giữ xảy ra hơn một năm trước, khi họ đang tháp tùng chiếc tàu chở dầu Enrica Lexie treo cờ Italia băng ngang vùng biển bang Kerala ở Ấn Độ Dương. Lúc phát hiện chiếc tàu đánh cá tiến lại gần, họ lầm tưởng là gặp cướp biển nên đã vội vàng nổ súng khiến 2 ngư dân địa phương thiệt mạng.

Về phần mình, phía Rome luôn cho rằng, sự cố khiến 2 viên thủy quân lục chiến bảo vệ tàu chở dầu buộc phải nổ súng đã xảy ra trong hải phận quốc tế, nên cần được phân xử bởi một cơ quan pháp lý quy mô toàn cầu. Đồng thời Italia cũng cáo buộc phía Ấn Độ đã vi phạm nghiêm trọng Luật Hàng hải quốc tế, khi tự mình khẳng định có thẩm quyền xét xử các vụ án mạng ngoài khơi không cần tham vấn bên liên quan.

Sau 10 tháng bị giam giữ trong điều kiện ưu ái như "tù nhân VIP" tại một nhà tù ở thành phố Cochin thủ phủ bang Kerala, Ấn Độ, chiểu theo đề nghị của Đại sứ D. Mancini kèm thư bảo lãnh của Ngoại trưởng G. Sant'Agata, họ được tạm tha trong thời gian 10 ngày kể từ ngày 21/12/2012, trở về Italia đón lễ Giáng sinh cũng như mừng năm mới bên người thân. Đúng thời hạn cho phép cả hai đều phải có mặt tại Cochin, tiếp tục tuân thủ chế độ giam cầm chờ ngày ra trước vành móng ngựa. Nhưng họ đã thoát vòng lao lý nhờ vào động thái can thiệp ngoại giao.

Nguyên Thủ tướng Mario Monti (giữa) nghênh đón M. Latorre (phải) và S. Girone trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội.

Trở lại với quyết định gây tranh cãi nói trên, ngoài việc không cấp phép cho Đại sứ D. Mancini xuất cảnh, Tòa án Tối cao Ấn Độ còn yêu cầu vị đại diện toàn quyền Italia trong ngày làm việc đầu tiên của tuần lễ kế tiếp, tức là vào ngày 18/3 phải có lời giải trình thỏa đáng liên quan đến sự vắng mặt của 2 can phạm mà ông thân chinh bảo lãnh.

Riêng Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã gọi việc Italia cự tuyệt không dẫn độ trở lại 2 can phạm đang bị giam giữ trong nhà tù Cochin là "không thể chấp nhận được", đồng thời ông cũng cảnh báo rằng sự việc có thể gây ra "những hậu quả khó lường về mặt ngoại giao".

Lệnh cấm này cũng đã gây ra những cuộc tranh luận nảy lửa giữa Rome và New Delhi, rằng phải chăng Ấn Độ đã vi phạm Công ước Vienna về quyền ưu đãi, miễn trừ và tự do đi lại đối với các nhà ngoại giao chuyên nghiệp; nếu phía Italia cũng "trả đũa" bằng cách thức tương tự là cấm đại diện ngoại giao nước ngoài xuất cảnh thì sự thể sẽ ra sao?

Diễn biến mới nhất là vào ngày 17/3 vừa qua, đích thân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ấn Độ Sushilkumar Shinde đã gửi công điện khẩn cho nhân viên dưới quyền đang làm nhiệm vụ ở các cửa khẩu trên đường biên giới quốc gia, chỉ thị phải bắt giữ ngay Đại sứ D. Mancini nếu thấy nhà ngoại giao Italia xuất hiện. Chính phủ Ấn Độ còn bóng gió dọa rằng, chí ít dòng vốn đầu tư khổng lồ lên tới hàng tỉ euro mỗi năm do giới doanh nghiệp Ấn Độ đổ vào Italia sẽ bị đình trệ, cũng như sẽ dấy lên một làn sóng trong dân chúng Ấn Độ đòi tẩy chay hàng hóa và công nghệ nhập khẩu từ đất nước hình chiếc ủng.

Theo ấn bản điện tử ra ngày 18/3 của tờ nhật báo Repubblica có lượng truy cập hàng đầu Italia, thì các doanh nhân người địa phương ở thành phố Chandigarh thủ phủ bang Punjab, Ấn Độ, đã chính thức từ chối việc cung cấp trang thiết bị cần thiết để khai trương kỳ hội chợ thường niên, nhằm giới thiệu các sản phẩm công nghiệp mới nhất của Italia tại đây.

Ngoài ra, Thủ tướng M. Singh cũng trì hoãn chưa cho phép tân Đại sứ Ấn Độ tại Italia Basant Kumar Gupta, người mới được bổ nhiệm thay thế cựu Đại sứ Debabrata Saha đến tuổi nghỉ hưu bay sang Rome, theo lịch trình sẽ rời New Delhi vào ngày 15/3 hàm ý tạm thời giảm mối quan hệ ngoại giao xuống mức thấp hơn cấp đại sứ

Thu Hường (tổng hợp)
.
.