Ấn Độ - Trung Quốc: Hai người khổng lồ đối mặt

Thứ Tư, 22/12/2010, 15:35
"Thực dụng" là từ khóa để nói về mối hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc hiện nay. Chính trong tinh thần đó, New Delhi ngày 15/12 đã tiếp đón Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong chuyến thăm 3 ngày. Trước chuyến thăm này, hai người khổng lồ châu Á dường như quyết định gác sang một bên những bất đồng chính trị còn tồn đọng để thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều.

Trong khi Mỹ và châu Âu vẫn là "những con vịt què" sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới thì Ấn Độ và Trung Quốc nổi lên như hai đầu tàu kinh tế kéo thế giới thoát khỏi suy thoái.

Trọng tâm của chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên kể từ 5 năm qua và là chuyến thăm thứ hai của ông Ôn Gia Bảo là nỗ lực thúc đẩy phát triển thương mại giữa hai người khổng lồ châu Á. Điều này được minh chứng bằng thành phần phái đoàn mà Thủ tướng Trung Quốc dẫn theo khi sang thăm Ấn Độ: 400 doanh nhân. Đây là phái đoàn chủ doanh nghiệp hùng hậu nhất từ trước đến nay mà một nguyên thủ Trung Quốc mang theo trong những lần thăm Ấn Độ. Họ thuộc đủ mọi lĩnh vực từ ngân hàng, điện tử viễn thông, năng lượng cho tới các công ty sản xuất thép...

Không dưới 45 hợp đồng hợp tác đã được hai bên nghiên cứu trước chuyến thăm này với tổng trị giá trao đổi lên đến 20 tỉ USD. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng mạnh từ 18,7 tỉ USD năm 2005 lên 51,8 tỉ USD năm 2008 và năm 2010 dự tính đạt khoảng 60 tỉ USD. Giao lưu văn hóa và du lịch giữa hai nước cũng đang được mở rộng, nhất là trong năm 2010 khi hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Theo Hãng tin AFP, tại New Delhi hôm 15/12, Thủ tướng Trung Quốc và Ấn Độ cho biết, đôi bên muốn tăng lượng trao đổi thương mại từ nay đến năm 2015 lên 100 tỉ USD, và giảm chênh lệch cán cân mậu dịch hiện nay đang nghiêng về phía Trung Quốc. Hai nước đã thỏa thuận sẽ có những biện pháp nhằm làm tăng xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc. New Delhi mong muốn Bắc Kinh mở rộng thị trường, đặc biệt là về tân dược và công nghệ thông tin, bởi vì thâm hụt thương mại của Ấn Độ trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc rất lớn, từ 18 đến 25 tỉ USD.

Ngoài hợp tác kinh tế, Thủ tướng Trung Quốc và Thủ tướng Ấn Độ cũng hội đàm về những chủ đề nhạy cảm khác, đặc biệt là vấn đề biên giới. Chuyện "cơm không lành, canh không ngọt" giữa hai quốc gia châu Á láng giềng    có tổng số dân chiếm đến 1/3 dân số toàn cầu đã kéo dài suốt mấy chục năm qua. Dù chưa bùng phát các cuộc xung đột vũ trang lớn, nhưng đường biên giới hai nước luôn trở thành điểm nóng, thậm chí có lúc hai bên đã tăng cường lực lượng vũ trang, phương tiện quân sự ra sát lãnh thổ của nhau.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo viết thông điệp hữu nghị Ấn Độ - Trung Quốc trong chuyến thăm một trường học ở New Delhi, ngày 15/12.

Quan hệ Trung - Ấn không suôn sẻ do một loạt vấn đề như tranh cãi về đường biên giới, quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Pakistan - đối thủ của Ấn Độ, vấn đề Trung Quốc cấp thị thực trên tờ rời cho các công dân Ấn Độ tại bang Jammu và Kashmir, và việc Trung Quốc xây dựng đập nước trên các con sông chảy từ vùng Tây Tạng vào Ấn Độ.

Vấn đề tranh chấp lãnh thổ nằm dọc theo dãy Himalaya vốn là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Trung - Ấn ngắn ngủi vào năm 1962. 14 vòng đàm phán không mang lại kết quả gì. Cuộc gặp gần đây nhất hồi tháng trước đã kết thúc bằng một cam kết hai bên sẽ cùng nhau tìm kiếm một giải pháp đúng đắn và được cả hai phía chấp nhận. Nói khác đi và theo ngôn ngữ thiếu ngoại giao một chút thì vấn đề biên giới giữa hai nước còn cả một quãng đường phía trước cần phải đi. Bắc Kinh ngày càng tỏ thái độ quyết đoán trong các tranh chấp về lãnh thổ.

Năm ngoái, Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ chuyến viếng thăm bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc Ấn Độ, của Thủ tướng Manmohan Singh với ông Đạt Lai Lạt Ma, vì Bắc Kinh coi đây là phần lãnh thổ của mình. Do vậy, Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Rao mới đây tuyên bố tại New Delhi rằng bang giao song phương chỉ có thể được củng cố "Nếu Trung Quốc tỏ ra nhạy cảm hơn về các vấn đề chính trị liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ...".

Đề cập đến viễn cảnh cả hai nước có thể nổi lên một cách hòa bình ở châu Á, Đại sứ Zhang nhấn mạnh hai nước có những thế mạnh khác nhau, với Trung Quốc là ngành chế tạo, còn với Ấn Độ là lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ. Điều đó cho thấy lợi ích kinh tế đã lôi kéo Trung - Ấn gần lại với nhau hơn. Song những bất đồng vẫn còn bỏ ngỏ vì cả New Dehli và Bắc Kinh vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, nhất là trong vấn đề Pakistan, đối thủ của Ấn Độ nhưng là đồng minh quan trọng của Trung Quốc trong khu vực Nam Á

Nguyễn Phương (tổng hợp)
.
.