Ấn Độ - Trung Quốc: Một bước tiến mới về hợp tác kinh tế…

Thứ Bảy, 28/05/2005, 06:46
Chuyến đi thăm Ấn Độ mới đây của Thủ tướng Trung Quốc  Ôn Gia Bảo cùng với việc ký kết một loạt thỏa thuận song phương đã làm thay đổi một cách căn bản tính chất quan hệ giữa hai quốc gia lớn nhất ở châu Á, cũng như tình hình chính trị - địa lý tại châu lục.

Thế giới đã nhìn nhận sự kiện này như là một bước ngoặt, do quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ trong vòng 40 năm qua thường chỉ được tóm gọn bằng một công thức, đó là: “Không có chiến tranh, nhưng cũng không có hòa bình”.

 

Mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi châu Á bước vào thế kỷ XXI. Ấn Độå trở thành một đối tượng thu hút được sự chú ý hợp tác của nhiều cường quốc trên thế giới. Sự “hấp dẫn” của quốc gia này có liên quan đến những thành tích đáng nể về kinh tế, đến vị trí chiến lược quan trọng và cả vai trò không chính thức của họ trong câu lạc bộ các cường quốc có vũ khí hạt nhân.

Ủy ban Quốc gia về tình báo của Mỹ ngay từ năm 2002 đã công bố một báo cáo phân tích, trong đó nhận định: Hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ củng cố được đáng kể vị thế của mình cho đến năm 2020 và sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh thực sự đối với Mỹ trong cuộc chiến giành quyền thống trị về kinh tế trên thế giới. Không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Mỹ luôn coi việc ngăn chặn khả năng “xích lại gần nhau” giữa Trung Quốc và Ấn Độ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của mình.

Câu hỏi được đặt ra đầu tiên trước những chuyển biến quan trọng này chính là: Điều gì đã thúc đẩy cả Trung Quốc và Ấn Độ không còn coi nhau như các đối thủ tiềm tàng nữa, mà lại sẵn sàng liên kết với nhau trong một mối quan hệ hợp tác chiến lược? Cần biết là trước đó, Ấn Độ đang là một đối tượng tranh giành ảnh hưởng giữa cả Bắc Kinh và Washington. Luôn đánh giá Trung Quốc sẽ là một đối thủ chính trong tương lai, Washington đẩy mạnh một chính sách “bao bọc Trung Quốc” bằng việc củng cố liên minh chính trị - quân sự  giữa Mỹ và Nhật, cung cấp cho Đài Loan những vũ khí mới hiện đại nhất, triển khai một loạt căn cứ quân sự mới tại các quốc gia Trung Á.

Trong chiến lược này, việc lôi kéo Ấn Độ vào phạm vi ảnh hưởng về kinh tế và quân sự của mình là điều khiến Mỹ đặc biệt quan tâm. Để ngăn chặn nguy cơ này, Trung Quốc tất yếu phải thay đổi các ưu tiên đối ngoại của mình theo hướng hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ.

Trung Quốc cũng rất quan tâm đến việc bình ổn tình hình biên giới phía bắc giáp với Ấn Độ, vốn là nơi dễ bùng phát hoạt động của phong trào ly khai của các sắc tộc địa phương. Về phần mình, Chính phủ Ấn Độ cũng nhìn thấy trong việc xích lại gần nhau với Trung Quốc triển vọng ổn định tình hình phía bắc đất nước, và quan trọng nhất là thu hút được nhiều nguồn đầu tư lớn từ Trung Quốc.

Một vấn đề thu hút sự quan tâm nữa chính là những kết quả cụ thể của chuyến viếng thăm. Thủ tướng hai nước đã ký được một thỏa thuận về các nguyên tắc chính trị cơ sở để giải quyết vấn đề đường biên. Ấn Độ chính thức thừa nhận, khu vực tự trị Tây Tạng là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Còn ông Ôn Gia Bảo đã trao cho phía Ấn Độ một bản đồ mới được xuất bản tại Trung Quốc, trong đó thừa nhận một phần đất tranh chấp trước đó thuộc về Ấn Độ.

Nhưng ấn tượng đáng kể nhất mà Thủ tướng Trung Quốc tạo ra đối với công luận tại Ấn Độ chính là tuyên bố ủng hộ của Bắc Kinh đối với việc đề xuất cho New Delhi một vị trí chính thức trong Hội đồng Bảo an LHQ. Trước thời điểm này, phía Trung Quốc chưa hề bày tỏ sự ủng hộ đối với bất kỳ một quốc gia nào trong vấn đề này.

Bản thân sự kiện này cũng có thể, theo như đúng lời của Thủ tướng Manmohan Singh, sẽ giúp “xây dựng lại trật tự của thế giới”. Cần nói thêm là quy mô trao đổi kinh tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang phát triển với tốc độ rất nhanh - từ 340 triệu USD vào năm 1992 lên tới 13,5 tỉ USD vào năm 2004. Với việc ký kết một chương trình 5 năm về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, tổng trị giá hàng hóa trao đổi giữa Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ lên tới 30 tỉ USD vào năm 2010.

Hai bên cũng xem xét gỡ bỏ hoàn toàn các rào cản về thuế quan cho đến năm 2015 và thành lập một khu vực thương mại tự do chung.

Nền kinh tế của cả hai quốc gia này có nhiều điểm rất phù hợp để bổ sung cho nhau. Nếu như Trung Quốc nổi tiếng với việc lắp ráp các sản phẩm đầu, cuối từ các trang bị và công nghệ nhập khẩu, thì Ấn Độ lại rất thành công trong việc phát triển cơ sở khoa học - kỹ thuật. Trong khi Trung Quốc đang nổi lên như một nhà sản xuất máy tính hàng đầu, thì Ấn Độ lại có được thành công trong lĩnh vực phần mềm.

Không có gì phải ngạc nhiên, khi công nghệ thông tin được hai bên tuyên bố là lĩnh vực chủ chốt trong việc hợp tác kinh tế Trung Quốc - Ấn Độ. Khi thăm khu vực Bagalore - được coi là thung lũng Silicon của Ấn Độ - Thủ tướng Trung Quốc đã tuyên bố: “Nếu như Trung Quốc và Ấn Độ hợp tác thành công trong lĩnh vực này, chúng ta sẽ vượt qua cả thế giới”.

Phản ứng của thế giới đối với sự kiện này cũng rất đa dạng. Nhưng phần lớn các nhà quan sát đều thừa nhận, hai Thủ tướng Manmohan Singh và Ôn Gia Bảo đã giúp nâng mối quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới. Điều này sẽ làm thay đổi căn bản cán cân quyền lực địa lý - chính trị tại châu Á, cũng như ưu thế của các cường quốc châu Á tại khu vực Thái Bình Dương. Liên minh hùng mạnh về kinh tế và chính trị mới này sẽ bắt buộc Mỹ và EU phải thúc đẩy chặt chẽ hơn nữa các hoạt động trong khuôn khổ liên minh xuyên Đại Tây Dương để đương đầu với đối trọng mới.

Nếu như nói đến những dự đoán tầm xa hơn, người ta lại quan tâm đặc biệt đến khái niệm đã được cả Bắc Kinh và New Delhi bàn bạc - đó là “tam giác chiến lược Ấn Độ - Trung Quốc - Nhật Bản”. Ba cường quốc tại châu Á này hiện đang chiếm tới 20% GDP của toàn thế giới và có các đặc điểm kinh tế bổ sung rất tốt cho nhau. Bình luận về triển vọng trên, tờ báo Hindu của Ấn Độ đã viết: “Khi ý tưởng này được thực hiện, nó sẽ làm thay đổi bộ mặt của cả châu Á!”

Hồng Quân (Tổng hợp)
.
.